Giá trị di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thanh thiếu nhi giai đoạn hiện nay

     Lúc sinh thời chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành rất nhiều tâm huyết và kỳ vọng đới với thanh niên, trong buổi gặp gỡ các đại biểu thanh niên trong Quốc hội khóa II, 7-5-1963 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Thanh niên là rường cột tương lai nước nhà”. Mọi quốc gia, dân tộc, muốn ngày một phát triển và không tụt hậu, thì phải chăm lo bồi dưỡng, đào tạo lực lượng kế cận. Trước những vận hội mới của đất nước, có dịp đọc lại những tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh để càng thấm thía hơn ý nghĩa lớn lao, sự quan tâm, lời căn dặn  của Người. Trước lúc đi xa Người dặn lại trong Di chúc: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.

     Chọn cho mình sự nghiệp trồng người, đặc biệt hơn là đào tạo cán bộ Đoàn – Hội – Đội bản thân tôi nhận thấy việc gieo trồng cây đời này còn khó khăn hơn rất nhiều, cũng bởi không vì lí thuyết mà nó còn đòi hỏi thực tiễn đòi hỏi một lý tưởng và bản lĩnh chính trị thật vững vàng, để giữ cho bản thân luôn căng tràn nhiệt huyết, thấm nhuần tư tưởng, đã khó thì việc đem cái tinh thần ấy cho hàng trăm học viên từ thế hệ này sang thế hệ khác, đào tạo một đội ngũ cán bộ Đoàn – Hội – Đội vừa hồng vừa chuyên là một nhiệm vụ vô cùng lớn lao, bản thân tôi khi nghiên cứu và đọc di chúc chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời theo dõi và học tập từ những phân tích của các giáo sư, các nhà phân tích để thấy rằng giá trị mà bản di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh có giá trị vô cùng to lớn đối với dân tộc Việt Nam nói chung và đối với thanh niên nói riêng, đặc biệt là những giá trị tôi thấy sâu sắc nhất về những điều Bác dạy:

     Thanh niên luôn là lực lượng xung kích

     Lịch sử mọi quốc gia, dân tộc luôn là sự tiếp diễn, kế tục giữa các thế hệ và đòi hỏi mỗi quốc gia, dân tộc trong hành trình phát triển phải có sự chủ động, chuẩn bị và chăm lo cả về ‘tinh thần và lực lượng’. Từ nhận thức sâu sắc vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn đánh giá một cách nghiêm túc, quan tâm một cách chu đáo đến vấn đề bồi dưỡng các thế hệ thanh niên Việt Nam. Dành nhiều tâm huyết cho thế hệ ‘rường cột’ tương lai của nước nhà, kỳ vọng họ chính là những người sẽ đưa dân tộc Việt Nam sánh vai cùng bè bạn năm châu, Bác Hồ đã chú trọng đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận, nhất là đội ngũ cán bộ trẻ.

     Không phụ lòng Người, trong những năm sau đó, dưới sự lãnh đạo của Ðảng với lý tưởng cách mạng cao đẹp, với khát vọng chiến đấu và chiến thắng, với tinh thần cách mạng, sự gan dạ và luôn xung kích, đi đầu trong cuộc đấu tranh giải phóng tuổi trẻ Việt Nam đã góp sức vào thành công của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 .

     Sau hơn 80 năm trời nô lệ, một đất nước Việt Nam mới ra đời đã mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do, đồng thời cũng mở ra cho thế hệ trẻ Việt Nam một tiền đồ rực rỡ, đi cùng với những nhiệm vụ rất vinh quang và nặng nề. Nhiệm vụ đó là: ‘Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên'(2). Có vị trí và vai trò quan trọng như vậy, nhưng để thanh niên có thể trở thành những người chủ xứng đáng, có thể hoàn thành những trọng trách mà cách mạng giao phó, bên cạnh việc tự trau dồi bản thân, thanh niên Việt Nam phải luôn được bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, được quan tâm giáo dục; được hướng dẫn làm việc, từng bước trở thành một ‘lực lượng to lớn và vững chắc’.

     Sinh thời, dù bận trăm công nghìn việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian viết thư thăm hỏi, đến dự các hội nghị, đại hội, theo dõi các phong trào của thanh niên. Một mặt, Người khuyến khích, đề cao những thành tích, những công việc mà thanh niên đã hoàn thành, mặt khác, Người nhẹ nhàng phê bình, và chỉ ra những thiếu sót, những tồn tại của thanh niên. Với ý nghĩa, ‘Ðâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên’, trong Thư gửi thanh niên (4-1951), Người viết: ‘Huy hiệu của Thanh niên ta là: ‘Tay cầm cờ đỏ sao vàng’. Ðó chính là thanh niên phải xung phong gương mẫu trong công tác, trong học hỏi, trong tiến bộ, trong đạo đức cách mạng, ‘thanh niên phải thành một lực lượng to lớn và vững chắc trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc'(3).

     Có sức mạnh và nhiệt huyết của tuổi trẻ, song đi liền  những ưu thế đó, là những ‘hạn chế’ mà thanh niên thường dễ mắc như: Thiếu thực tế, nóng vội, hình thức, thậm chí thờ ơ hay bàng quan trước thực tiễn, sống thiếu lý tưởng, v.v. Trước thực trạng đó, Người thường có những chỉ bảo ân cần cách khắc phục những hạn chế, đồng thời cũng nhấn mạnh, để thanh niên trở thành những người gương mẫu, thì tất yếu phải: Giữ vững đạo đức cách mạng; Xung phong trong mọi công tác; Cố gắng học tập chính trị, văn hóa, nghề nghiệp để tiến bộ mãi và rèn luyện thân thể cho khỏe mạnh, v.v.

     Thực tế cách mạng Việt Nam từ khi có Ðảng lãnh đạo đã khẳng định: Thanh niên Việt Nam đã cùng các bậc đàn anh, thế hệ nọ nối tiếp thế hệ kia, tre già măng mọc, góp sức làm nên những kỳ tích của dân tộc ta trong công cuộc giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ những Thanh niên Cứu quốc, Ðoàn quân Nam tiến, đến phong trào Thanh niên ba sẵn sàng, và giờ đây là Thanh niên lập nghiệp, Thanh niên, học sinh, sinh viên tình nguyện hè, Tuổi trẻ với tư tưởng Hồ Chí Minh, Tiếp lửa truyền thống – Mãi mãi tuổi hai mươi’, diễn đàn Tuổi trẻ sống đẹp, sống có ích, v.v… có thể thấy vai trò xung kích của thanh niên với sứ mệnh lịch sử: ‘là lực lượng kế tục và phát triển những thành tựu cách mạng của cha anh’ trong tiến trình cách mạng.

     Chăm lo bồi dưỡng thế hệ trẻ

     Hơn lúc nào hết, công cuộc đổi mới đất nước, sự giao lưu, hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam với bạn bè quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Ðại hội Ðảng lần thứ XI, tất yếu sẽ đem đến cho thế hệ trẻ Việt Nam nhiều cơ hội tích cực và cùng với nó, là những thách thức không nhỏ.

     Từ thực tiễn, có thể thấy, đối với thế hệ trẻ, việc thường xuyên giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống ‘mình vì mọi người, mọi người vì mình’; tạo môi trường thuận lợi để thanh niên Việt Nam được phát triển toàn diện cũng đã được ghi rõ trong các văn kiện của Ðảng, trong các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương Ðảng. Ðó là, thanh niên được Ðảng ta và Luật thanh niên xác định ‘ở vị trí trung tâm trong chiến lược phát huy nguồn lực con người’, và với ý nghĩa đó, chăm lo bồi dưỡng, giáo dục thanh niên phát triển toàn diện là một trong những yếu tố bền vững của sự nghiệp cách mạng.

     Ðể biến nghị quyết của Ðảng thành hiện thực, trước hết, cần không ngừng tăng cường giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị, bồi dưỡng đạo đức, lý tưởng cách mạng của Ðảng, của dân tộc; bồi dưỡng lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội cho thế hệ trẻ. Dù khó khăn đến mấy cũng phải coi trọng việc bồi dưỡng lý tưởng, giáo dục đạo đức lối sống cách mạng. Những công việc đó cần được tiến hành thường xuyên, thông qua việc tổ chức cho thanh niên học tập, nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và quán triệt các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ về phương thức giáo dục đối với thanh niên, gắn lý luận với thực tiễn, ‘học’ đi đôi với ‘hành’.  Ðề cao yếu tố ‘tự giáo dục’, ‘tự rèn luyện’ của người thanh niên, đi đôi với sự quan tâm, định hướng, hỗ trợ, giúp đỡ và hướng dẫn của các cấp ủy Ðảng, chính quyền, và các tổ chức đoàn thể khác trong hệ thống chính trị.

     Với ý nghĩa đó, suy ngẫm từ những việc làm cụ thể và những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho các thế hệ thanh niên Việt Nam, chào mừng Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26-3-2011), thiết thực thực hiện Năm Thanh niên 2011, các cấp bộ Ðoàn  trong cả nước tiếp tục tổ chức và thực hiện có hiệu quả các phong trào ‘Bốn đồng hành với thanh niên, lập thân, lập nghiệp’; ‘Năm xung kích phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ Tổ quốc’…

Ths. Nguyễn Thúy An

Khoa Công tác Đội, trường Đoàn Lý Tự Trọng

Tài liệu tham khảo:

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1996,  t 10, tr 465.

(2) Hồ Chí Minh, Sđd, t. 8,  tr. 185.

(3) Hồ Chí Minh, Sđd, t 6,  tr 197 – 198. 

TS. Văn Thị Thanh Mai – Ban Tuyên giáo Trung ương