Đọc Di chúc Bác để tự soi rọi chính mình

     Năm 2019 là dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh – Bản Di chúc thể hiện tình yêu thương bao la vô bờ bến của lãnh tụ vĩ đại dành cho non sông, cho dân tộc Việt Nam. 50 năm qua, những lời căn dặn của Bác trước lúc đi xa vẫn luôn vẹn nguyên giá trị, luôn được toàn Đảng, toàn dân ghi nhớ và đồng lòng quyết tâm thực hiện.

     Là một đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, tôi luôn khắc sâu những lời căn dặn của Bác trong di chúc: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta”, “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”… Dù đã 50 năm trôi qua nhưng những điều Bác viết vẫn giữ nguyên giá trị.

     Thấm nhuần lời dạy của Bác, trong công tác, đội ngũ cán bộ, đảng viên của trường Đoàn Lý Tự Trọng đã không chỉ luôn sẵn sàng tận tâm, tận lực phấn đấu vì mục tiêu của Đảng mà còn luôn quán triệt thực hiện tự phê bình và phê bình: Đối với mình thì phải quyết tâm sửa lỗi, đối với đồng nghiệp thì góp ý xây dựng để trở thành những người giáo viên luôn gương mẫu đi đầu, làm mực thước cho bao thế hệ học viên noi theo.

     Trong di chúc, Bác đã dành những lời yêu thương, tâm huyết dặn dò đoàn viên thanh niên:

     “ĐOÀN VIÊN VÀ THANH NIÊN ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khǎn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chǎm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”.

     Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết.”

     Là một giáo viên của trường Đoàn, tôi đọc đi đọc lại rất nhiều lần lời dặn dò của Bác với đoàn viên thanh niên. Tôi thấy trong đó đầy những ẩn ý sâu xa cùng mong ước của Bác. Cụm từ “nói chung là tốt” đầy ý băn khoăn, nghĩa là vẫn chưa “hoàn toàn tốt”, chưa được như Bác mong muốn. Nên Bác phải nhắc nhở “Đảng cần phải chǎm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ”.

     Trường Đoàn Lý Tự Trọng với nhiệm vụ, chức năng của mình ngay từ những ngày đầu thành lập “tham mưu cho Ban Thường vụ Thành Đoàn về việc nâng cao chất lượng đào tạo, huấn luyện đội ngũ cán bộ về công tác thanh thiếu nhi; tổ chức thực hiện công tác đào tạo, huấn luyện đội ngũ cán bộ Đoàn – Hội – Đội; tham gia định hướng công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi thành phố. Mặt khác, nghiên cứu lý luận về thanh thiếu nhi, nghiệp vụ về công tác Đoàn – Hội – Đội và phong trào thanh thiếu nhi” lại càng cần chú trọng hơn nữa về việc xây dựng một đội ngũ giáo viên có năng lực và tràn đầy tâm huyết để thắp lửa, giữ lửa và truyền lửa cho lớp lớp thế hệ đoàn viên thanh niên của đất nước. Việc “đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”” như lời Bác dạy là một nhiệm vụ đầy khó khăn và đòi hỏi nỗ lực của từng cá nhân trong tập thể trường Đoàn. “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” – chỉ khi từng cá nhân giáo viên chúng ta tốt thì mới mong xây dựng được những lớp đoàn viên thanh niên như mong muốn của Bác. Do vậy tôi thiết nghĩ cần phát huy tối đa việc tự phê bình và phê bình.

     Năm 1951, Bác đã viết bài “Tự phê bình” (đăng báo Nhân dân, 20/5/1951); trong đó nhấn mạnh: “Tự phê bình là gì? Là thật thà nhận, công khai nhận trước mặt mọi người những khuyết điểm của mình để tìm cách sửa chữa”, bởi “ai cũng cần tắm rửa cho mình mẩy sạch sẽ. Thì ai cũng cần tự phê bình cho tư tưởng và hành động đúng đắn”. Chỉ ra rằng, tự phê bình và phê bình là “thang thuốc đặc trị” để phát huy ưu điểm và sửa chữa sai lầm, khuyết điểm, song Bác vẫn cẩn trọng nhắc nhở: dùng thuốc phải dùng đúng, dùng sai hiệu quả sẽ khôn lường. Theo Bác, “mục đích của tự phê bình và phê bình để giúp nhau tiến bộ, sửa chữa sai lầm”, chứ không phải là để “bới lông tìm vết”, để trả thù, nên cách thức tiến hành phải có lý, có tình, có nghĩa. Trong mọi mối quan hệ, khi công tác hay ứng xử đời thường, Bác cũng đều chú trọng chữ “tình”, vì theo Bác “nhân dân ta từ lâu đã sống với nhau có tình có nghĩa như thế”.

     Với vai trò của mình, chúng ta cũng cần phải triển khai không chỉ đoàn viên thanh niên mà cần giáo dục đến cả các em thiếu nhi việc tự phê bình và phê bình để ngày càng hoàn thiện. Để tự phê bình và phê bình đúng và hiệu quả, nguyên tắc này phải được tiến hành trên cơ sở tình thương yêu, khoan dung của mỗi người. Mỗi người đều có một trái tim, trái tinh chân thành, nhân hậu; trái tim đó khi tự phê bình mình cũng như phê bình người là “phê bình việc làm chứ không phê bình người”. Vì phê bình cũng như chữa bệnh cứu người, để giúp họ vui lòng nhận ra lỗi lầm mà sửa chữa, để khỏe mạnh trở lại trong cả suy nghĩ và hành động thì trước hết phải thương yêu, phải kịp thời, đúng lúc và đúng chỗ, công khai và thẳng thắn. Nếu làm trái những điều đó, tính giáo dục của thang thuốc tự phê bình và phê bình sẽ không còn tác dụng. Còn người bị phê bình phải thật thà nhận, công khai nhận và “vui lòng nhận xét để sửa đổi, không nên vì bị phê bình mà nản chí, hoặc oán ghét”.

     Ngay trong điều lệ Đội TNTP Hồ Chí Minh (tổ chức do Bác Hồ và Đảng sáng lập, giao Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phụ trách) cũng ghi rõ nguyên tắc tổ chức hoạt động là “tự nguyện, tự quản có sự hướng dẫn của Phụ trách Đội”. Đây cũng chính là nền tảng phát huy tự phê bình (tự nguyện) và phê bình (tự quản) cho thật tốt. Giúp các em trở thành con ngoan, trò giỏi, công dân tốt và xa hơn nữa là những Đảng viên làm theo lời Bác căn dặn trong di chúc của mình: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

     Càng đọc di chúc Bác, ta càng thấy giá trị thực tiễn. Những điều Bác ghi cứ như là mới ngày hôm qua. Theo Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo, bản Di chúc chỉ khoảng 1.000 từ nhưng Bác chỉ dành lại riêng cho mình đúng 79 từ để nói về việc riêng, mà lại căn dặn không tổ chức phúng điếu linh đình làm phí thì giờ, tiền bạc của nhân dân.

     Những điều này chính là tấm gương cho mỗi đoàn viên, thanh niên, thiếu nhi luôn soi rọi chính mình. Nguyện suốt đời học tập, lao động, phấn đấu theo gương Bác. Để một mai ở tuổi thất thập cổ lai hy cũng có thể như Bác đã ghi trong di chúc của mình: “Suốt đời tôi hết lòng phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.

Nguyễn Minh Hoàng Hải

Khoa Công tác Đội, trường Đoàn Lý Tự Trọng