Phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của đảng viên trong việc xây dựng và phát triển Trường Đoàn Lý Tự Trọng

     Hiện nay, tình hình kinh tế – chính trị xã hội trong nước và trên thế giới đang có những biến động mới, sự tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, sự giao lưu, hội nhập quốc tế càng mở rộng. Cùng với sự chống phá của các thế lực thù địch với các thủ đoạn tinh vi và quyết liệt hơn, đang đặt ra cho cách mạng nước ta những yêu cầu, nhiệm vụ và thách thức mới, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là lực lượng đảng viên tại trường Đoàn Lý Tự Trọng, ngôi trường mang trọng trách đào tạo đội ngũ cán bộ Đoàn – Hội – Đội cũng phải có những nhận thức mới phù hợp với yêu cầu của thực tiễn mới.

     Trường Đoàn Lý Tự Trọng là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Thành Đoàn thành phố Hồ Chí Minh, ra đời từ những ngày đất nước chưa thống nhất (26/3/1973), trường đã góp phần đào tạo, huấn luyện những chiến sĩ, những cán bộ trong phong trào đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc và cho phong trào thanh niên những ngày đầu giải phóng. Từ đó đến nay, nhà trường kế tục và phát huy tốt những truyền thống năm xưa hào hùng, cung cấp nhiều cán bộ làm công tác thanh niên cho xã hội, xứng đáng với niềm tin yêu của các cơ sở Đoàn trong thành phố và các tỉnh trong khu vực.

     Đối với nhà trường, từ khi thành lập cho đến nay, yêu cầu đặt ra về tư tưởng chính trị, lập trường quan điểm và nhận thức mới trước các vấn đề biến động của tình hình kinh tế – chính trị – xã hội đối với đội ngũ đảng viên, giáo viên có vai trò đặc biệt quan trọng.

     Trong khuôn khổ bài tham luận này, tôi đề xuất các giải pháp tạo môi trường và nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của nhà trường.

     Trách nhiệm là điều phải làm, phải gánh vác hoặc phải nhận lấy về mình. Ai cũng có trách nhiệm bởi mỗi người đều có một vị trí nhất định trong các mối quan hệ xã hội, như gia đình, địa phương, tập thể, tổ chức chính trị – xã hội, công dân của một nước, thành viên của cộng đồng dân tộc và rộng nhất là của nhân loại… Trong các mối quan hệ đó, trách nhiệm được hình thành trên cơ sở những quy định của luật pháp, quy chế, thỏa thuận của tập thể, tổ chức, địa phương… Trách nhiệm còn được hình thành do dư luận xã hội và bị chi phối bởi dư luận xã hội. Tinh thần trách nhiệm khác với ý thức trách nhiệm. Tinh thần trách nhiệm là kết quả nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của con người, từ đó chi phối hành động tích cực, tự giác của họ. Những người có nhận thức và hành động như thế được gọi là có tinh thần trách nhiệm cao.

     Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Khi Đảng, Chính phủ, hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công. Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy,… là không có tinh thần trách nhiệm”[1]. Người quan niệm, tất cả mọi người, ở mọi địa vị, vị trí công tác trong mọi hoàn cảnh đều phải nêu cao tinh thần trách nhiệm.

     Từ đó, nhìn lại thực trạng về trường của chúng ta, trong nhiều năm qua, về chất lượng đội ngũ Đảng viên đã cơ bản đáp ứng được các yêu cầu nhiệm vụ. Đội ngũ Đảng viên tham gia công tác quản lý, lãnh đạo phát huy tốt vai trò và khả năng của mình; Đa phần cán bộ, viên chức của nhà trường đều có tinh thần trách nhiệm trong công việc giữ vững đạo đức, phẩm chất cách mạng, có ý thức tổ chức kỷ luật và chấp hành sự phân công của tổ chức, không ngừng nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý, điều hành, góp phần quan trọng vào sự phát triển của nhà trường.

     Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong thực hiện chức trách nhiệm vụ của mình.

     Để nâng cao vai trò, trách nhiệm của Đảng viên trong việc xây dựng và phát triển Trường Đoàn Lý Tự Trọng trong thời gian tới, qua nghiên cứu tài liệu và thực tiễn tôi đề xuất một số giải pháp với cấp ủy chi bộ như sau:

– Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho toàn thể đảng viên, cán bộ, viên chức nhà trường.

– Kịp thời chỉnh đốn, uốn nắn những lệch lạc trong tư tưởng, đạo đức và hành động của cán bộ, viên chức đặc biệt là đảng viên (nếu có).

– Khi xem xét, đề bạt, bố trí cán bộ cần lắng nghe, quan tâm về dư luận trước khi ra quyết định.

– Xây dựng và hoàn thiện các quy chế liên quan đến công tác cán bộ.

– Xây dựng các chế độ, chính sách khen thưởng thích đáng về vật chất và tinh thần đối với Đảng viên, cán bộ, viên chức làm việc tốt, tận tụy và trong sạch.

– Xử lý nghiêm và công bằng những sai phạm của Đảng viên, cán bộ, viên chức nhằm chấn chỉnh kịp thời, đồng thời củng cố niềm tin của toàn cán bộ viên chức.

– Đặc biệt, cần quan tâm bồi dưỡng lực lượng Đảng viên trẻ của nhà trường. Đội ngũ này tràn đầy nhiệt huyết, kiến thức, tuy nhiên lại thiếu về kinh nghiệm, cọ xát thực tiễn. Do vậy cần tăng cường giáo dục động cơ, bồi dưỡng kỹ năng, xây dựng tinh thần tự giác học tập, tu dưỡng, rèn luyện cho đội ngũ đảng viên trẻ nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu, đòi hỏi mới của xã hội cũng như của chức trách, nhiệm vụ, lĩnh vực, sát với công việc thực tế, thiết thực của mỗi đảng viên gắn với công việc vị trí đảm nhận tại nhà trường. Tự học tập, tu dưỡng, rèn luyện trong thực tiễn là phương thức chủ yếu và trực tiếp để mỗi đảng viên trẻ bổ sung, bù đắp thêm những thiếu hụt về phẩm chất chính trị, đạo đức, kiến thức, năng lực, kinh nghiệm công tác đáp ứng yêu cầu trong quá trình xây dựng nhà trường.

– Đồng thời cần phân công, giao nhiệm vụ cho đảng viên trẻ trong hoạt động thực tiễn để có điều kiện cọ sát, rèn luyện, thử thách. Thường xuyên và kịp thời thực hiện tốt việc nêu gương, biểu dương, khen thưởng, tuyên truyền và nhân rộng những tấm gương điển hình về Đảng viên trẻ tiêu biểu trong quá trình rèn luyện, công tác.

     Đối với mỗi cán bộ, Đảng viên cần phải có ý thức tự giác, thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; chấp hành và tổ chức thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của cấp trên. Làm việc có nguyên tắc, kỷ cương, có lý, có tình; tôn trọng, công tâm, không lạm dụng chức vụ, quyền hạn khi giải quyết công việc. Có trách nhiệm tham gia đóng góp ý kiến trong các cuộc họp, sinh hoạt chuyên môn, của tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể. Tích cực và tự giác tham gia các hoạt động phong trào.

     Toàn thể nhà trường cần luôn thống nhất về nhận thức và hành động, đánh giá đúng đắn tầm quan trọng của hoạt động giáo dục, nâng cao năng lực nghiệp vụ trong mọi công việc; Các đồng chí đảng viên trẻ cần xác định lập trường, tư tưởng, nâng cao vai trò nòng cốt của một người đảng viên cùng với tập thể quần chúng trong nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục và tham gia tốt tất cả mọi hoạt động của trường đề ra.

     Dòng đầu tiên trong cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm, khi được kết nạp vào Đảng, chị viết: “Cái cảm giác rõ nét nhất của ngày hôm nay là: Phải phấn đấu để sống xứng đáng với cái tên “một người cộng sản”.

     Chúng ta, những đảng viên của trường Đoàn Lý Tự Trọng cần hiểu và nhận thức được rõ con đường phấn đấu phía trước còn rất dài, thử thách còn đặt ra nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, dù bất cứ hoàn cảnh nào, đứng trước khó khăn nào người cộng sản luôn cần thực hiện đúng mục tiêu lý tưởng của Đảng, lấy ngọn cờ Đảng làm mục tiêu, là ngọn đuốc dẫn đường. Lấy tư cách người đảng viên vừa là quyền vừa là nghĩa vụ, trách nhiệm để phấn đấu và nỗ lực thực hiện, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao phó, góp phần xây dựng và phát triển Trường Đoàn Lý Tự Trọng thân yêu.

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị Quốc Gia, Hà Nội, 2000, tr.345

Đ/c Nguyễn Minh Hoàng Hải

Chi bộ Trường Đoàn Lý Tự Trọng