Phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của Đảng viên trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Lý luận là đem thực tế trong lịch sử, trong kinh nghiệm, trong các cuộc tranh đấu, xem xét, so sánh thật kỹ lưỡng rõ ràng, làm thành kết luận. Rồi lại đem nó chứng minh với thực tế. Đó là lý luận chân chính. Lý luận như kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”[1]. Thật vậy, không chú tâm nghiên cứu lý luận thì cán bộ, đảng viên sẽ mắc khuyết điểm về tư tưởng, hay theo cách gọi của Bác là “bệnh chủ quan”. Trong việc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, nếu đảng viên mắc khuyết điểm về tư tưởng, kém lý luận thì không thể góp sức vào công cuộc đấu tranh, làm giảm sức chiến đấu của Đảng.
Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Vị trí, vai trò của Đảng được quy định tại Điều 4 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi là Hiến pháp 2013). Nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Việc nghiên cứu lý luận nhằm tham gia tích cực vào công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng không chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mà còn phải nghiên cứu những quan điểm chính trị, pháp quyền, triết học, đạo đức, tôn giáo,…cùng với các thiết chế xã hội tương ứng như nhà nước, đảng phái, các tổ chức chính trị – xã hội từ đó có cơ sở khoa học để đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Hiện nay, với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và quan điểm của Đảng, Nhà nước trong hội nhập đã và đang tạo ra những thay đổi to lớn trong đời sống kinh tế – xã hội, đòi hỏi sự thay đổi trong cơ chế chính sách để phù hợp với yêu cầu của các công ước mà Việt Nam là thành viên. Điều này đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải tích cực nghiên cứu lý luận nhằm đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế pháp lý để vừa đảm bảo tính hội nhập vừa bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và thể chế chính trị hiện nay.
Thứ nhất, đảng viên và cán bộ trẻ cần nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lê nin không chỉ là thuộc lòng các nội dung như: (i) triết học, (ii) kinh tế chính trị, (iii) chủ nghĩa xã hội khoa học, (iv) các quan điểm của Lênin mà còn phải vận dụng những kiến thức này vào thực tế công tác và cuộc sống; soi chiếu vào các hiện tượng xã hội, tình hình kinh tế – chính trị – xã hội để đối chiếu và đúc kết. Đảng viên hiện nay có rất nhiều thuận lợi trong việc học tập, nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh. Thông qua các buổi sinh hoạt chi bộ và tài liệu do cấp uỷ triển khai, đảng viên cần đầu tư thời gian nghiên cứu trước tài liệu, mạnh dạn phát biểu những điều mình tâm đắc trong tài liệu, đồng thời liên hệ với bản thân và cơ quan đơn vị để làm sáng tỏ hơn vấn đề. Tư tưởng Hồ Chí Minh về “lấy dân làm gốc”, “cần kiệm liêm chính” và về mối liên hệ giữa chữ “đức” – chữ “tài” trong việc bồi dưỡng cán bộ là những tư tưởng lớn có giá trị thời đại, cần phải được đầu tư nghiên cứu chuyên sâu. Để việc nghiên cứu, bồi dưỡng nền tảng tư tưởng của Đảng được diễn ra thường xuyên cần có sự quan tâm chỉ đạo và giám sát của các cấp uỷ Đảng, sự phối hợp giữa các chi bộ, đảng uỷ để đảng viên, đặc biệt là đảng viên trẻ tham gia các câu lạc bộ Lý luận, tạo môi trường trình bày quan điểm, ý kiến, cùng nhau nhận xét và trau dồi kiến thức về chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Thứ hai, đảng viên cần am tường về chế độ chính trị và bộ máy Nhà nước Việt Nam hiện nay, hiểu rõ được mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ. Tại Điều 2 Hiến pháp 2013 đã nêu rõ: (i) Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; (ii) Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức; (iii) Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội thông qua việc đề ra cương lĩnh và nghị quyết với những nội dung, công việc trọng tâm cần thực hiện. Nhà nước cụ thể hoá nghị quyết của Đảng bằng chính sách và pháp luật. Nhân dân thông qua các đoàn thể chính trị – xã hội của mình tham gia ngày càng sâu rộng vào các hoạt động của Nhà nước và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân còn được thể hiện trong Điều 4 của Hiến pháp 2013 với các nội dung: (i) Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình; (ii) Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Thứ ba, bên cạnh việc am tường chế độ chính trị và bộ máy Nhà nước, đảng viên phải quan tâm tìm hiểu pháp luật, đặc biệt cần cập nhật những điểm thay đổi của pháp luật. Nếu đảng viên có thể vận dụng được kiến thức chính trị – xã hội và hiểu biết về pháp luật của mình để giải thích được lý do của sự thay đổi thì chính là đã hiểu được pháp luật, có thể tham gia tuyên truyền, giải thích lại cho nhân dân. Hiện nay, tìm hiểu pháp luật là nghĩa vụ của mọi công dân. Do đó, đảng viên với vai trò tiên phong, gương mẫu càng phải chú tâm tìm hiểu pháp luật, sống và làm việc theo pháp luật, tôn trọng pháp quyền. Bên cạnh đó, trong công việc và đời sống hàng ngày, đảng viên cần quan tâm nghiên cứu các chỉ đạo của ngành, địa phương và văn bản nội bộ của cơ quan, đơn vị để trong mỗi lời nói, việc làm đều phải “nói có sách, mách có chứng”. Không nói và viết những điều thiếu căn cứ, thiếu nguồn gốc, chưa được xác minh rõ ràng, không theo đuôi quần chúng tạo dư luận về những vấn đề chưa được xử lý rõ. Mọi quan sát, phản ánh của đảng viên phải đúng trình tự, đúng người, đúng việc, đúng thẩm quyền. Đó là lối sống gương mẫu, tôn trọng pháp quyền mà đảng viên cần quan tâm rèn luyện.
Thứ tư, đảng viên cần quan tâm nghiên cứu những quan điểm chính trị, pháp quyền, triết học, đạo đức, tôn giáo,…cùng với các thiết chế xã hội tương ứng như nhà nước, đảng phái, các tổ chức chính trị – xã hội từ đó có cơ sở khoa học để đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Trước khi phản bác bất kỳ quan điểm nào chúng ta cần hiểu rõ quan điểm của đối phương, biết về bản chất với những ưu điểm và hạn chế vốn có của từng thực thể để đấu tranh có cơ sở khoa học. Hiện nay, với sự hội nhập sâu rộng của xã hội Việt Nam với quốc tế, có rất nhiều hiện tượng, khái niệm mới xuất hiện mà ta cần đầu tư nghiên cứu. Chẳng hạn như vấn đề “xã hội dân sự” mà tạp chí Cộng sản đã có một số bài viết đề cập trong thời gian qua. Chúng ta cần hiểu rõ thế nào là xã hội dân sự, xã hội này có những vấn đề gì, có phù hợp với xã hội Việt Nam không, có cần thiết xây dựng và phát triển xã hội dân sự tại Việt Nam không, cơ chế pháp lý hiện nay về vấn đề này như thế nào, cần phải hoàn thiện những nội dung gì trong hệ thống pháp luật để đảm bảo sự vận hành của xã hội dân sự không trở thành mối nguy hại cho nền tảng tư tưởng của Đảng… Đó là những câu hỏi mà một người đảng viên có trách nhiệm cần phải trăn trở, nghiên cứu để làm tốt vai trò của mình.
Thứ năm, đảng viên cần phải quan tâm nâng cao trình độ ngoại ngữ. Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng tiên phong của giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức thì từng đảng viên không thể là những người “đi trước về sau” trong bước đường hội nhập tri thức. Ngoại ngữ là chìa khóa mở cánh cửa tri thức. Có ngoại ngữ tốt, đảng viên sẽ chủ động hơn rất nhiều trong tìm hiểu, nghiên cứu và có nhiều đóng góp tích cực cho Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, trong việc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, ngoại ngữ giúp mỗi đảng viên cập nhật được cái nhìn của thế giới đối với Việt Nam và có thể giới thiệu một Việt Nam dân chủ, pháp quyền dưới sự lãnh đạo của Đảng đến với bạn bè thế giới. Giao tiếp về vấn đề chính trị luôn đòi hỏi sự thận trọng, chính xác và sự suy nghĩ sâu sắc. Do vậy, ngoại giao luôn là công việc đòi hỏi chuyên môn cao. Với vai trò đảng viên, việc nâng cao trình độ ngoại ngữ trước hết là phục vụ cho mục đích tìm hiểu, nghiên cứu của bản thân nhằm có những đóng góp có giá trị và mang tính thời sự; bên cạnh đó là sự chủ động quảng bá hình ảnh đất nước đến với bạn bè quốc tế.
Cuối cùng, việc phát huy vai trò, trách nhiệm của đảng viên trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng không chỉ đòi hỏi sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của cấp uỷ mà còn phụ thuộc vào tính Đảng và tình cảm cách mạng dành cho Đảng trong mỗi Đảng viên. Từng đảng viên biết suy nghĩ về vai trò, trách nhiệm của mình, kiên định với lập trường, không ngừng củng cố tư tưởng và phát triển tư duy chính là đã góp sức vào công cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
1 Hồ Chí Minh (1947), Sửa đổi lối làm việc, NXB Trẻ (2013) tr. 11
Đ/c Phạm Thị Hạnh
Chi bộ Trường Đoàn Lý Tự Trọng