Bàn về lời tuyên thệ đầu tiên của người Đảng viên khi vào Đảng Cộng Sản Việt Nam

     Trong ký ức của người mỗi người đảng viên chúng ta chắc chắn không quên khoảnh khắc chúng ta đọc những lời tuyên thệ đầu tiên cất lên từ trái tim mình trong buổi lễ kết nạp Đảng rằng là: “Tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tuyệt đối phục tùng kỷ luật và sự phân công của Đảng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao…”.

     Lời tuyên thệ thiêng liêng ấy đã được mỗi người đảng viên chúng ta khắc ghi, thực hiện nhưng nếu như một lúc nào đó chúng ta thực hiện nó chưa trọn vẹn, thậm chí quên mất lời tuyên thệ của chính mình thì nghĩa là chưa làm tròn trách nhiệm của một người đảng viên.

     1. Ý nghĩa lời tuyên thệ và lời tuyên thệ của đảng viên ngày vào đảng

     Lời tuyên thệ thực chất là một lời thề trước sau một lòng một dạ, giữ trọn niềm tin, giữ trọn những tình cảm gắn bó với những điều đã cam kết. Và mỗi một lời thề trao đi chúng ta nhận lại một niềm tin mãnh liệt. Cũng chính từ niềm tin ấy tạo sự đoàn kết, thống nhất, sự hiệu triệu và quyết tâm thực hiện lời thề.

     Khi xưa, tuyên thệ được xem là một trong những nghi lễ quan trọng để các đế vương thể hiện tấm lòng vì nước, vì dân của mình. Ví như Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa chống quân Hán xâm lược có thề trước giờ xuất trận: “Một xin rửa sạch quốc thù. Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng” sau đó hai bà đã “Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân”, đánh tan quân Hán, giành lại độc lập cho nước nhà từ năm 40 – 43. Vua Lý Thái Tông (1000 – 1054) có quy định về tuyên thệ như một nghi thức của triều đình. Hàng năm, nhà vua cùng quần thần đến đền Đồng Cổ (Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội ngày nay) để cùng tuyên thệ: “Kẻ nào làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, thần minh tru diệt”. Trong cuộc kháng chiến chống quân Mông – Nguyên lần thứ ba (1287 – 1288) để thể hiện quyết tâm đánh giặc, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn chỉ tay xuống lòng sông Bạch Đằng với lời thề rằng: “Trận này không phá xong giặc không về bến sông này nữa”. Ông đã chỉ huy quân dân ta quyết chiến và nhấn chìm thuyền lớn của giặc Mông – Nguyên năm 1288. Lời thề “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của các chiến sĩ Trung đoàn Thủ Đô trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp rồi lời thề của những thanh niên tình nguyện lên đường nhập ngũ chống Mỹ rằng: “Ra đi giữ trọn lời thề. Đánh xong giặc Mỹ mới về quê hương” đã truyền cảm hứng cho cả dân tộc ta cùng đoàn kết đấu tranh dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng để dành những thắng lợi vĩ đại.

     Như vậy dù ở thời gian, không gian nào đi nữa thì lời thề một khi được nói ra là một sự quyết tâm, là sự khích lệ, là sức mạnh tinh thần, thể hiện một niềm tin, là sự lan tỏa khí thế cho tất cả những người chứng kiến. Lời thề ngày vào Đảng của mỗi đảng viên chúng ta cũng vậy.

     Lời thề đầu tiên rằng “Tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng…”, lòng trung thành chúng ta khó cân đong đo đếm được bởi nó tùy thuộc vào bối cảnh lịch sử, vào lợi ích của dân tộc trong từng thời điểm. Nhưng bản thân lời thề ấy là sự cam kết suốt đời phấn đấu, hy sinh vì những mục tiêu, lý tưởng cao đẹp của Đảng và cách mạng. Lời thề ấy trở thành một trong những động lực giúp bản thân mỗi đảng viên không ngừng rèn luyện, tu dưỡng bản thân, phấn đấu bền bỉ hơn, có nhiều đóng góp tích cực hơn cho tập thể, cho tổ chức Đảng nơi mình công tác, qua đó góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về mọi mặt.

     2. Đảng viên góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là không quên rằng mình có một lời thề khi bắt đầu vào Đảng

     Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy rằng: “Để lãnh đạo cách mạng, Đảng phải mạnh. Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”, như thế là năng lực lãnh đạo và sức mạnh của tổ chức Đảng được nâng cao khi và chỉ khi trong tổ chức của chúng ta có những người đảng viên tốt. Đảng viên sẽ tốt khi mỗi người ý thức rằng mình luôn khắc ghi lời thề và thực hiện lời thề một cách nghiêm túc (trong phạm vi bài viết này tác giả muốn đề cập đến là lời thề đầu tiên).

     Một là, hiểu Đảng để giữ vững niềm tin yêu Đảng và thấm thía lời thề đầu tiên ấy.

     90 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng đã hoàn thành sứ mệnh đưa nước ta từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành quốc gia độc lập và phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa để rồi chúng ta luôn tự hào rằng Đảng ta thật vĩ đại. Không có tổ chức nào đủ uy tín, được tin cậy để lãnh đạo nhân dân như Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong quá trình lãnh đạo ấy, Đảng ta là một cơ thể sống nên sẽ có tốt, xấu, không phải không có lúc Đảng ta mắc sai lầm, khuyết điểm. Nhưng với tinh thần tự phê bình và phê bình, với quyết tâm “lò nóng lên rồi củi tươi vào đây cũng phải cháy”, “ai nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm” (Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng), Đảng ta đã và đang kiên quyết sửa chữa để hoàn thiện mình, xây dựng bộ máy trong sạch hơn, để xây dựng Đảng “là đạo đức, là văn minh”. Cùng với đó, Đảng lựa chọn để việc hấp thụ vào những quần chúng ưu tú, tạo môi trường để đảng viên rèn luyện bản lĩnh của mình và đào thải những đảng viên không còn xứng đáng…

     Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn trong buổi làm việc với Ban Tuyên huấn Trung ương ngày 18/6/1968 rằng: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, song không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ngợi ca nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Trong vòng xoáy hối hả của cuộc sống, trước mặt trái của nền kinh tế thị trường, trước hiện thực xã hội đang diễn ra, trước sự nhiễu loạn của quá nhiều nguồn thông tin… có đôi khi lời thề chúng ta nói ra năm nào bị lu mờ, có khi tư tưởng người đảng viên bị dao động, bị lung lay… Nếu mỗi chúng ta không không coi Đảng là một cơ thể sống để nhìn nhận một cách toàn diện sẽ làm giảm đi dũng khí và bản lĩnh của một người đảng viên. Do đó, mỗi đảng viên luôn ghi nhớ lời thề “tuyệt đối trung thành” để “giữ chủ nghĩa cho vững”, để khắc phục một cách kịp thời những hạn chế, khuyết điểm bản thân ngay sau khi kiểm điểm chính là giúp cho uy tín của bản thân, của tổ chức Đảng được nâng cao và qua đó gieo vào lòng quần chúng niềm tin, động cơ phấn đấu vào Đảng.

     Hai là, Đảng viên phải làm gương sáng cho quần chúng.

     Càng tin, càng tự hào về Đảng mỗi đảng viên càng phải đi trước để không quên lời thề và thể hiện bằng hành động thiết thực thực hiện lời thề ấy, là tấm gương sáng về mọi mặt. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền; muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước; muốn cho quần chúng nghe lời mình, làm theo mình thì người đảng viên từ việc làm, lời nói cho đến cách ăn ở phải thế nào cho dân tin, dân phục, dân yêu”.

     Đảng viên phải làm gương sáng về sự trung thành. “Trung thành” là mỗi đảng viên phải “giữ chủ nghĩa cho vững”, là luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trên cơ sở chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Với mỗi chủ trương, nghị quyết mà Đảng đề ra đảng viên trước hết phải là người hiểu, gương mẫu thực hiện đầu tiên. Đảng viên là người tiên phong chấp hành nội quy, quy định của cơ quan, đơn vị; là người đi đầu thực hiện các công việc mới, không ngại khó, ngại khổ, “ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình”.

     Vinh dự, tự hào, hãnh diện khi chúng ta là đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam mỗi đảng viên đừng bao giờ quên mình đã có một lời thề thiêng liêng trước lá cờ Tổ quốc, cờ Đảng và trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại để luôn giữ vững niềm tin, niềm tự hào để biến thành hành động thiết thực thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Đó là cách mỗi đảng viên chúng ta bảo vệ uy tín, danh dự của Đảng.

 

Đ/c Chu Thị Hiền

Đảng viên Chi bộ, Phó trưởng phòng Hợp tác Phát triển Trường Đoàn Lý Tự Trọng