Dấu ấn hành trình “Tôi yêu tổ quốc tôi – Tự hào tổ quốc tôi”

“Trời Điện Biên mây trắng

Trắng như màu hoa ban

Màu áo cô gái Thái

Khuy bạc sáng hai hàng”

Trích bài thơ “Trời Điện Biên mây trắng” – Anh Ngọc

Điện Biên Phủ một nơi đã ghi lại dấu ấn lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, dù trước đây mới chỉ được xem trên các phương tiện truyền thông, được nghe qua phim ảnh, đọc trên sách vở. Mặc dù chưa một lần đặt chân đến, chưa thật sự được thấy tận mắt những dấu ấn lịch sử đã và đang được ghi dấu lại trên mảnh đất Điện Biên – một phần máu thịt của đất nước Việt Nam thân yêu. Nhưng chắc hẳn trong lòng tôi, cũng như mỗi người Việt Nam luôn tồn tại một sự tự hào, tự hào vì một đất nước nhỏ bé nhưng lại có những con người kiên cường, bất khuất với ý chí quật cừng và tinh thần yêu nước nồng nàn. Một đất nước với những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi sẵn sàng ra chiến trường bảo vệ Tổ Quốc, chẳng tiếc máu xương mình, một lòng chiến đấu vì độc lập dân tộc. Và ngày hôm nay đây, chúng tôi được sống trong hoà bình, đất nước ngày càng phát triển với đầy đủ các tiện ích, chúng tôi càng trân trọng hơn những giá trị mà mình đang được tận hưởng. Bởi lẽ chúng được đổi bằng xương máu của cha anh đi trước.

“Về thăm Điện Biên sau bao ngày mong ước,

Rừng núi mơ màng trong sắc Hoa Ban…

Nhớ tiếng hát năm xưa “Giải phóng Điện Biên,

Bộ đội ta tiến quân trở về giữa mùa hoa nở…”

Sương sớm phủ Mường Thanh mờ tỏ,

Lán Đại tướng chỉ huy nép mình trong cây cỏ,

Còn văng vẳng đâu đây tiếng hò kéo pháo,

Đoàn dân công hăm hở đẩy xe thồ…”

Trích bài thơ “Về thăm Điện Biên” – Văn Liêm

Tôi sẽ được đặt chân đến Điện Biên trong Hành trình về nguồn “Tự hào tổ quốc tôi”, đến thăm và nhìn ngắm cảnh sắc tuyệt vời nơi đây, cùng đồng đội lắng nghe lại những câu chuyện lịch sử gắn liền với quân và dân ta tại nơi diễn ra những trận chiến oanh liệt, mới nghĩ tới đó thôi mà cảm xúc trong lòng nôn nao khó tả. Cả nước năm nay chào mừng kỉ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), với thật nhiều hoạt động đã được diễn ra với những dấu ấn thật đặc biệt, thu hút sự quan tâm của nhân dân. Những buổi lễ diễu binh, diễu hành hoành tráng, lá cờ Tổ Quốc tung bay ngạo nghễ trên bầu trời xanh tuyệt đẹp, hàng ngàn chiến sĩ, nghệ sĩ hoá thân thành những binh đoàn, đoàn dân công… tái hiện lại hình ảnh những đoàn xe thồ, tượng đài chiến sĩ với cô bé 4 tuổi tay cầm cờ hoa, miệng cười xinh xắn… tất cả là hình ảnh không bao giờ quên được trong lòng những người tham dự hôm ấy.

Nghĩa trang

Chói chang

Sắc vàng

Một mùi hương vời vợi

Đang bay đầy nghĩa trang

Nhà dân chật

Dân lên đây phơi thóc

Thóc của dân

Che kín mộ anh hùng

Nhớ ngày nào

Các anh đi đánh giặc

Bảo vệ mùa

Về sống ở trong dân

Tô Vĩnh Diện, Trần Can

Mộ anh Giót, anh Đàn

Năm trăm mộ anh hùng ngời chói thóc

Dưới đồi xa

Pháo thù gục mặt

Trích bài thơ “Thóc mới Điện Biên” – Chế Lan Viên

Tôi đến viếng thăm Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia A1, địa danh lịch sử thiêng liêng được xây dựng năm 1958, đây là nơi nằm lại của biết bao chiến sĩ, đồng bào những con người mang trong mình tấm lòng yêu nước quật cường, có những tấm bia mộ vô danh chẳng tên tuổi, chẳng biết các anh là ai, chỉ biết rằng anh đã nằm xuống để đất nước được bình yên. Các anh đã hoàn thành sứ mệnh của mình, giờ đây chúng tôi đến đây thành kính nghiêng mình với tất cả lòng biết ơn tới các thế hệ cha anh, các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và các tầng lớp Nhân dân đã hiến dâng thân mình cho sự trường tồn của đất nước.

Hơn 2.500 chiến sĩ của ta đã hy sinh anh dũng trong các trận đánh tại đồi A1. Máu xương của các anh thấm đẫm từng tấc đất, ngọn cỏ nơi đây. Cho đến ngày nay, trên cứ điểm A1 vẫn còn hài cốt của nhiều liệt sĩ mãi nằm yên nghỉ trên mảnh đất này, trong lòng đất mẹ yêu thương, và mãi là một phần của A1 linh thiêng, huyền thoại về khúc tráng ca bất tử Điện Biên Phủ anh hùng. Ngày nay, đồi A1 chỉ còn lại dấu tích của đường hào lô cốt, nơi diễn ra những trận đánh oanh liệt một thời. Các hạng mục tiêu biểu khác đã được khôi phục và tu bổ như hầm chỉ huy cứ điểm và hầm đại liên trên đỉnh đồi; lô cốt cây đa cụt – “ụ thằng người”, 2 hầm chỉ huy của bộ đội ta; đường phản kích, hố bộc phá và đường hầm đặt bộc phá, khu vực hàng nghìn mét vuông hàng rào… Dù có trải qua bao nhiêu năm đi chăng nữa, thì có lẽ cả dân tộc Việt Nam và cả bạn bè Quốc tế chẳng bao giờ quên được trận đánh “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, chẳng thể nào quên được những con người làm nên lịch sử, để ngày hôm nay đây, khi đất nước hoà bình, chúng tôi về thăm lại nơi đây vẫn còn vẹn nguyên những xúc cảm bồi hồi. Lịch sử đã trải qua, nhưng dấu vết thì vẫn còn in hằng trên mảnh đất này. Quá nhiều những đau thương, mất mát, những cũng không ít những điều đáng tự hào. Bởi: “Khi phải đương đầu với kẻ địch hung ác, một dân tộc dù bé nhỏ, nếu luôn luôn cảnh giác, đoàn kết nhất trí, kiên quyết và bền bỉ đấu tranh, thì cuối cùng nhất định thắng lợi”. Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài viết “Ủng hộ Cuba chống đế quốc Mỹ”, bút danh “T.L”, đăng trên Báo Nhân dân, số 3175, ra ngày 4 tháng 12 năm 1962

Tạm biệt Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia A1, chúng tôi đến Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ được xây dựng trên di tích đồi F thuộc phường Mường Thanh (thành phố Điện Biên Phủ) bởi đây là ngọn đồi lịch sử từng chứng kiến trận đánh ác liệt nhất của các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Đi qua 199 bậc đá với 3 lớp không gian có kiến trúc độc đáo, mỗi lớp không gian, mỗi chi tiết dù nhỏ nhất của công trình đều có ý nghĩa riêng, gửi gắm vào đó là những câu chuyện, những tình cảm tri ân sâu sắc nhất. Không gian tưởng niệm gồm sân tĩnh tâm và hồ tưởng niệm được tạo hình bởi các vòng tròn đồng tâm, bao quanh là đồi được đắp cao để nhấn mạnh thêm lần nữa, đến gần hơn nữa với trận chiến tại lòng chảo Điện Biên Phủ. Hồ tưởng niệm hình bán nguyệt tượng trưng cho con ngươi trong mắt của người chiến sĩ khi ngã xuống. Bởi khi người chiến sĩ ngã xuống, nếu có thể, bao giờ họ cũng sẽ cố gắng lật mình để nhìn bầu trời, vì nhìn thấy bầu trời là cảm nhận được sự sống. Lòng hồ được lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng, vào buổi tối khi ánh điện sáng lên sẽ tỏa bóng lung linh trên mặt nước như những ngọn nến trong đêm. 56 cây đèn đặt chính giữa tượng trưng cho 56 ngày đêm bão lửa của Chiến dịch Điện Biên Phủ và được sắp xếp tạo thành hình ngôi sao năm cánh tượng trưng ngôi sao trên lá quốc kỳ. Ngôi sao nằm nghiêng cũng thể hiện nỗi đau mất mát của đất nước khi những người con anh dũng hy sinh trên con đường giải phóng dân tộc. Đặt chân đến nơi đây, chúng tôi như lặng đi, không gian như ngưng đọng lại, tạo nên một thời khắc thật thiêng liêng, đúng như những dòng chữ được khắc ngay từ cổng vào Đền thờ “Ngôi đền được xây dựng từ lòng biết ơn sâu sắc của thế hệ hôm nay và mai sau, từ ký ức chiến tranh còn khắc ghi trong tâm trí, từ vết thương trên thân thể người cựu chiến binh, từ vết sẹo vẫn in hằn trên đất mẹ, từ bùn, máu và hoa”.

“Bao chiến thắng ghi trang lịch sử

Quyết sạch thù căn cứ hầm sâu

Mường Thanh nhân chứng cây cầu

Chiến công A1 bao lâu nhớ hoài”

Trích bài thơ “Mùa xuân Tây Bắc” – Bằng Lăng Tím

Là một Đảng viên, một người nhà giáo với hơn 35 năm đồng hành cùng thanh thiếu nhi và các hoạt đồng cộng đồng. Tôi luôn vững tâm và không ngừng phấn đấu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tự rèn dũa bản thân thông qua các hoạt động hằng ngày. Phấn đấu trở thành một tấm gương sáng cho thể hệ kế thừa noi theo. 58 tuổi đời, với biết bao trải nghiệm, tôi có nhiều bài học về cuộc sống và lấy đó làm kinh nghiệm để chia sẻ, dìu dắt những lứa học trò đang chập chững bước vào đời. Không dừng lại ở đó, bản thân tôi cho rằng việc học không bao giờ là đủ, bởi lẽ cuộc sống mỗi ngày đều có thêm rất nhiều điều mới lạ, tôi không muốn bản thân mình tuột hậu, bởi kiến thức chẳng giới hạn lứa tuổi. Và cuộc sống cho tôi thấy rằng “Không gì là không thể”, bằng tất cả sự cố gắng, tinh thần lạc quan và nghị lực vươn lên, chính tôi cũng đã không ít lần tự động viên mình vượt qua những thử thách mà cuộc đời đã mang đến, mang lại nụ cười, niềm tin cho đứa con gái kém may mắn của mình với mong muốn tiếp thêm cho con động lực sống và cho con thấy rằng “Thế giới ngoài kia thật đẹp”. Buổi lễ tuyên dương cá nhân điển hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã diễn ra rất ấm cúng và ý nghĩa, mỗi người khi tham gia hành trình đặc biệt này có lẽ sẽ giữ mãi những kí ức này và đây sẽ là những kỉ niệm, những dấu ấn thật đẹp mỗi khi nhắc lại.

Tờ mờ sáng hôm sau, đoàn chúng tôi có mặt tại Xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo thực hiện công tác an sinh xã hội. Cùng chia sẻ những tình cảm đến người dân nơi đây, chính từ những chuyến hành trình này chúng ta mới thấy rằng bản thân chúng ta đã may mắn hơn rất nhiều người, và ngoài kia còn rất nhiều, rất nhiều người đang cần được sẻ chia. Đây cũng chính là một trong những đức tính tốt đẹp của dân tộc ta. “Lấy niềm vui của người khác để làm niềm vui cho bản thân mình” – Đây cũng chính là một trong những quan điểm sống của tôi, bởi tôi cho rằng khi chúng ta cho đi những thứ tốt đẹp, sẽ nhận lại những thứ tốt đẹp.

Tiếp tục hành trình ngày thứ hai, chúng tôi đến thăm di tích Hầm Đờ Cát, căn hầm của tướng Đờ Cát có vị trí tại trung tâm tập đoàn của cứ điểm quan trọng điện biên phủ, nơi này thuộc cánh đồng mường thanh bao la. Nơi này được xây dựng lên cực kỳ kiên cố với mái được làm bằng sắt, xung quanh là ván gỗ và bọc lót bằng bao cát cũng như hàng loạt gây thép gai bên ngoài. Và cho đến ngày hôm nay căn hầm vẫn giữ nguyên bản từ ngày trước: từ cấu trúc, sự sắp xếp, cách bố trí…

“Mưa và đường dù trơn

Vừa thắp lên lại tắt

Quanh căn hầm Đờ Cát

Vẫn thoảng mùi khói hương

Thắp cho cả hai phía

Dù người vui, kẻ buồn

Lành sao được vết thương

Nếu như không bọc lại!”

Trích bài thơ “Con đường từ Điện Biên” – Nguyễn Hưng Hải

Cùng dạo quanh và ngắm nhìn xung quanh, tôi bất giác loé lên hình ảnh các chiến sĩ của chúng ta đã chiến đấu bằng tất cả sự quyết tâm, và cả hình ảnh lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” tung bay trên nóc hầm Đờ Cát. Những chiến sĩ nhỏ bé lại bắt sống được tên chỉ huy Đờ Cát cùng 20 sĩ quan, tuỳ tùng đầu hàng vô điều kiện.

Rời Hầm Đờ Cát, đoàn chúng tôi di chuyển đến Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ – Một công trình quy mô, hoành tráng và hiện đại nhất tỉnh Điện Biên hiện nay. Công trình này có ý nghĩa vô cùng quan trọng về lịch sử, văn hóa cũng như kiến trúc và phần nội dung trưng bày, đảm bảo các yêu cầu về chất lượng, kỹ thuật, xứng tầm với chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Nhà bảo tàng được thiết kế dạng hình nón cụt, phần trang trí xung quanh được tạo hình quả trám tượng trưng như tấm lưới ngụy trang của chiếc mũ anh bộ đội, gồm 1 tầng hầm và 1 tầng nổi. Trong đó, tầng hầm là nơi đón tiếp khách tham quan, không gian học tập, tương tác và các dịch vụ vui chơi giải trí. Tầng nổi là không gian trưng bày cố định chuyên đề chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, không gian panorama (toàn cảnh) và bộ phận làm việc. Tất cả những hiện vật, những hình ảnh được trưng bày tại nơi đây là một minh chứng cho những điều phi thường mà quân và dân ta đã cùng nhau tạo nên, từ xe đạp thồ của ông Ma Văn Thắng, xe cút kít của ông Trịnh Đình Bầm, áo lụa của đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung hay máy điện thanh của đồng chí Chu Văn Mùi, hay phần trưng bày về công tác quân y với các mô hình bác sĩ, y tá chăm sóc thương binh trong các hầm trú ẩn cả về phía ta và Pháp, đã cho thấy thực tế đau thương của chiến tranh, sự khốc liệt của súng, pháo và bom mìn. Sâu sắc hơn, đó những nỗ lực, chiến công thần kỳ của công tác quân y khi cứu chữa và trả về các đơn vị hơn 5000 thương binh, có thể tiếp tục chiến đấu. Bên cạnh những hiện vật, tài liệu, Bảo tàng đã sử dụng một khối ảnh tư liệu hết sức đa dạng trong trưng bày. Bên cạnh những bức ảnh tư liệu gốc được sao chụp lại, còn có rất nhiều ảnh tư liệu được khai thác từ các cơ quan lưu trữ, các nhà nhiếp ảnh trong và ngoài nước. Đây thực sự là nguồn tư liệu phong phú giúp người xem có cái nhìn đầy đủ hơn về chiến dịch Điện Biên Phủ không chỉ từ con mắt của những người Việt Nam mà còn dưới góc nhìn của báo chí, con người phương Tây trước, trong và sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Bảo tàng còn dành hẳn một phòng trưng bày ảnh chân dung những chiến sĩ có thành tích xuất sắc trong chiến dịch Điện Biên Phủ được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ tranh nhân dân. Đây là cách để trân trọng, tôn vinh và tri ân những anh hùng đã góp phần làm nên chiến thắng quan trọng nhất trong cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược của quân và dân ta.

Sau giờ nghỉ trưa, chúng tôi tiếp tục di chuyển đến Dâng hương tại Nhà tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ và những người Việt Nam yêu nước hi sinh tại Nhà Tù Sơn La, dành một phút mặc niệm để ghi nhớ và bày tỏ lòng biết ơn. Và hôm nay đây, Đoàn chúng tôi đặt chân đến nơi đã ươm mầm những “hạt giống đỏ” đầu tiên cho phong trào cách mạng tại Việt Nam, tiêu biểu như các đồng chí: Trường Chinh, Lê Duẩn, Văn Tiến Dũng, Trần Quốc Hoàn, Nguyễn Lương Bằng… Đặc biệt, đồng chí Tô Hiệu được xem là cánh chim đầu đàn trong phong trào cách mạng tại Nhà tù Sơn La, nơi được xem là “Địa ngục trần gian”. Tôi đã từng đọc được những vần thơ rất hay của nhà thơ Tạ Hữu Yên trong bài “Anh về cùng mùa hoa”:

“Cái hạt non Anh trồng
Nở mùa đào Cộng sản
Nụ hoa chúm chím hồng
Khoảng trời bừng nắng rạng

Trái tim người Cách mạng
Sẽ không héo bao giờ
Gieo ý nhạc vần thơ
Cho mai sau hát mãi”

Đứng dưới tán xanh của cây đào Tô Hiệu, được nghe những câu chuyện từ hướng dẫn viên, chúng tôi như được hiểu thêm những lát cắt lịch sử oanh liệt trong công cuộc đấu tranh anh dũng, kiên cường, bất khuất vì độc lập, tự do dân tộc của các chiến sĩ cộng sản trung kiên. Từ đó hun đúc tinh thần quyết tâm trong mỗi người chúng tôi, sao cho xứng đáng với những gì mà thế hệ cha anh đã để lại.

Cuộc chiến đã qua đi, những trang sử vẫn còn lưu giữ lại, qua sách báo, qua những thước phim được tái hiện lại. Có lẽ hình ảnh mà chúng ta sẽ mãi khắc ghi và đau đáu mỗi khi nghĩ đến là hình ảnh những người mẹ Việt Nam Anh Hùng, những người đã hi sinh chồng con mình cho non sông, đất nước. Bao lần tiễn con đi, những lại không một lần được đón con về. Có chăng con về trong hình hài của những di vật còn để lại, nhưng những người mẹ ấy vẫn ghim chặt nỗi đau vào lòng, tất cả vì độc lập, tự do của dân tộc, nuốt nước mắt vào lòng, tiễn con ra chiến trường cùng đồng đội. Thời gian thì cứ trôi như một quy luật tất yếu, sinh lão bệnh tử là vòng quay của cuộc đời con người, rồi những người mẹ ấy cũng dần già đi, nhưng có lẽ những kí ức về chồng con sẽ chẳng bao giờ phai nhạt. Ngày hôm nay đây, chúng tôi đến thăm Mẹ, thầm cảm ơn vì những hi sinh thầm lặng mà Mẹ đã mang đến cho đất nước, cảm ơn Mẹ đã có những người con thật tuyệt vời.

Trở về Thủ đô Hà Nội sau hai ngày đến thăm những cứ điểm đặc biệt, trong lòng tôi vẫn còn cảm giác bồi hồi khó mà diễn tả được, bởi tôi đã đến được nơi mà tôi muốn đến, được ngắm nhìn tận mắt những dấu ấn lịch sử của dân tộc, được nghiêng mình trước các anh, những người anh hùng. Tôi cùng đồng đội chưa có cơ hội đến viếng thăm Lăng Bác, được ngắm nhìn vị cha già kính yêu nằm yên đó, trong không gian tĩnh lặng, nghiêm trang. Dù dòng người di chuyển liên tục nhưng không gian lại yên ắng đến lạ thường, có lẽ bởi vì ai ai cũng muốn ngắm nhìn thật kỹ hình dung của Người để thoả lòng mong ước. Đây không phải lần đầu tôi đến nơi đây, nhưng cảm xúc thì chẳng khác gì. Đó chính là lòng kính trọng, sự yêu mến và lòng biết ơn vì những gì mà Người đã làm, vì con đường mà Người đã chọn.

Điểm đến cuối cùng trong hành trình này, chúng tôi đến thăm Văn Miếu Quốc Tử Giám – Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam, đặc biệt, đây còn là nơi các sĩ tử ngày nay đến “cầu may” trước mỗi kỳ thi quan trọng. Với hơn 700 năm hoạt động đã đào tạo hàng nghìn nhân tài cho đất nước. Bao phủ Văn Miếu là nét kiến trúc cung đình đầu triều Nguyễn. Các khu chủ thể có bố cục đăng đối từng khu, từng lớp theo trục Bắc – Nam truyền thống. Chúng tôi dạo một vòng thật chậm cùng ngắm nhìn và chiêm ngưỡng cảnh vật thật đẹp nơi đây.

“Lúc thú vui này lòng còn quyến luyến anh em các đoàn…” Giờ phút chia tay nhau đã đến, Hành trình “Tự hào Tổ Quốc tôi” cùng đã kết thúc. Chúng tôi tạm biệt chia tay nhau, trở về với công việc hằng ngày. Cảm ơn vì tất cả, vì đã cho tôi những kỉ niệm thật đẹp, tôi sẽ lưu giữ lại tất cả những gì đã diễn ra trong 4 ngày vừa qua, đây sẽ là một hành trình thật đáng nhớ với nhiều cung bậc cảm xúc.

“Hẹn gặp nhau trong tình thương mến…

Hẹn gặp nhau trên đất nước chúng mình…”

Tôi chân thành cảm ơn BTC và các chức năng đã dành tất cả những gì đẹp cho chuyến đi thành công và có nhiều ý nghĩa

Tin – Ảnh: Huỳnh Văn Toàn