Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận tại Thành phố Hồ Chí Minh

     Cách đây 60 năm khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn gay go, quyết liệt nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo “Dân vận” đăng trên báo Sự thật số 120 với bút danh XYZ để một lần nữa nêu lên nhiệm vụ then chốt của toàn hệ thống chính trị là luôn phải quan tâm đến công tác này và rằng mọi thắng lợi cách mạng nước ta có được đều từ dân vận khéo mà ra.

     Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người về công tác này là nhân tố quyết định để tạo bước đột phá trong năm cải cách hành chính 2019 và thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố mang tên Bác. Với tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, thì việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác về công tác dân vận là điều kiện tiên quyết, then chốt để tập hợp thanh niên, thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Xây dựng giá trị mẫu hình thanh niên thành phố”.

  1. Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân vận và vai trò của dân vận

     Trong tác phẩm Dân vận, Người viết: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc Chính phủ và Đoàn thể giao cho”. Như thế là “dân vận” là tập hợp và huy động sức mạnh tổng thể của mọi người, mọi nhà, mọi đối tượng, mọi lứa tuổi vào thực hiện chủ trương chung của Đảng, Nhà nước, của địa phương, của đơn vị.

     Khi xưa, các bậc tiền bối quan niệm rằng “dân” là sức mạnh, là nguồn sống của đất nước, của địa phương và của tổ chức, lòng dân có yên thì đất nước, địa phương, tổ chức mới phát triển. Đó là Trần Hưng Ðạo trước phút lâm chung đã đúc kết triết lý nền tảng đó thành lời dặn dò đức vua Trần Anh Tông: “Khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước”. Đó là: “Chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân, thuận lòng dân thì sống, nghịch lòng dân thì chết” – Nguyễn Trãi.

     Kế thừa tinh thần trọng dân của các bậc tiền nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định dân luôn quyết định mọi việc, không gì thay thế, “dân là gốc” – đó là kim chỉ nam cho mọi hành động: “Cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”[1]. Là Đảng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội, Bác căn dặn chúng ta luôn nhớ rằng: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân” – dân luôn là chủ, dân luôn phải được làm chủ – đó là dân vận. Thực hiện Dân vận như thế là điều kiện đảm bảo cho sự lãnh đạo của Đảng ta, Nhà nước ta nói chung và uy tín của địa phương và của từng tổ chức nhân dân mà nhân dân tham gia nói riêng. Tại Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ III, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Thành công của Ðảng ta là ở nơi Ðảng đã tổ chức và phát huy lực lượng cách mạng vô tận của nhân dân”. Để phát huy sức mạnh vô tận của dân thì công tác dân biết, hiểu và làm theo này không chỉ là nhiệm vụ của những cán bộ làm ở ban Dân vận mà tất cả mọi cán bộ chính quyền, đoàn thể, thành viên của bất cứ tổ chức nào có dân tham gia, đây cũng là cả một quá trình đòi hỏi người phụ trách dân vận phải có phương pháp tiến hành đúng và khéo.

  1. Học tập và làm theo Bác là nắm chắc yêu cầu công tác dân vận mà Người để lại trong tác phẩm

     Trước hết, phải đảm bảo quy trình công tác này: Phải cho dân biết (chủ trương, chính sách của Đảng, của Nhà nước, của địa phương, của tổ chức, đơn vị mình), Giải thích cho dân hiểu (việc đó có lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được), Bày cách cho dân làm (không phải làm thay mà dân được bàn bạc và thống nhất kế hoạch, động viên và tổ chức toàn dân cùng thực hiện kế hoạch), tiến hành kiểm tra, kiểm soát (để đôn đốc, nhắc nhở, rút kinh nghiệm, khen thưởng đúng người). Trong quy trình đó thì dân phải biết, hiểu rõ thực trạng, hiểu rõ mục đích, việc làm của Đảng, của Nhà nước, của địa phương, của tổ chức, đơn vị là yếu tố tiên quyết, quyết định sự thành bại của mọi việc bỡi lẽ tư tưởng mà không thông suốt thì không tạo ra sự đồng thuận thực hiện công việc được giao hoặc có làm cũng làm nhưng gượng ép, không tự nguyện, dẫn tới tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, không được ủng hộ, không tạo sự đoàn kết sức mạnh tập thế để tạo hiệu quả công việc đề ra.

     Thứ hai, phải luôn ghi nhớ phương pháp tiến hành: “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” trong đó “óc nghĩ” là yêu cầu hàng đầu. Rõ ràng, xã hội luôn thay đổi, nhu cầu của con người cũng luôn thay đổi, chưa kể đến là để hiểu một người không phải là dễ dàng nên người làm công tác dân vận không phải là thực hành theo công thức có sẵn là ngày trước như thế nào mà bây giờ làm như vậy mà đòi hỏi người làm công tác này muốn hiệu quả cần dày công tìm tòi, nghiên cứu thường xuyên về đối tượng mình thực hiện công tác dân vận.

     Cùng với “óc nghĩ”, Người yêu cầu phải “mắt trông” để quan sát thực tế các công việc dân đang thực hiện có thuận lợi, khó khăn gì, thực chất hay chỉ là giả tạo đối phó cho xong chuyện và trông nhiều lần kết hợp với “óc nghĩ” để phân tích đúng bản chất sự việc, của các vấn đề liên quan để rồi có tham mưu đầy đủ, kịp thời cho Đảng, Nhà nước, cấp trên trực tiếp các giải pháp đúng đắn. Người làm công tác dân vận còn phải đồng thời nắm bắt kịp thời các thông tin từ quần chúng thông qua tai nghe để biết tâm tư, nguyện vọng của dân, biết dân đã hiểu gì, hiểu đến mức như thế nào.

     Đồng thời, muốn biết dân đã làm như thế nào và làm được đến đâu Người nghiêm khắc phê bình kiểu dùng quyền lực ra mệnh lệnh hành chính kiểu giấy tờ, Người yêu cầu người làm công tác dân vận phải “chân đi”. Chúng ta thấy hình ảnh Người đứng đầu đất nước sẵn sàng lội xuống ruộng cầm dây gầu tát nước, đạp guồng nước cùng dân… là tấm gương thực hành “chân đi” của Bác mà ngày nay chúng ta phải học tập và làm theo. Cũng từ “chân đi” để gắn bó với cơ sở nên khó có sự dối trá, sự tô vẽ, thổi phồng thành tích nào mà không bị Người phát hiện. “Chân đi” để thấu hiểu sự tình nên làm gì và hiểu nhân tâm dân để có giải pháp dân vận hiệu quả nhất.

     Người còn yêu cầu người làm công tác dân vận luôn ghi nhớ nhiệm vụ không thể thiếu của mình cho dù khoa học có hiện đại đến đâu đi chăng nữa đó là việc tuyên tuyền miệng “miệng nói” để dân hiểu, dân tin, dân ủng hộ và làm theo phải dễ hiểu, thiết thực, cụ thể và phải có thái độ mềm mỏng, đúng mực, không “cá mè một lứa”. Miệng nói ở đây không phải nói suông, nói một đằng làm một nẻo, miệng thì vận động người khác làm nhưng mình thì chỉ tay 5 ngón, chỉ biết chê bai mà không đưa ra thêm giải pháp giúp dân thì chỉ gây sự ức chế cho dân mà thôi.

     Người yêu cầu người làm công tác dân vận muốn tập hợp, vận động được nhân dân phải để dân thấy, dân tin, dân học, làm theo những điều mình nói qua “tay làm”, “nói hay mà không làm thì nói vô ích” và bởi với Người thì một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền. Cũng cần phải hiểu thêm rằng “tay làm” ở đây không chỉ là chính những việc người làm công tác dân vận làm mà cần phải quan tâm đến việc ghi nhận, động viên, khuyến khích những tấm gương tốt (cá nhân, tập thể) để từ đó lan tỏa ra dân một cách tự nhiên nhất – đó là một cách để giáo dục, cổ động dân noi theo. Chẳng thế mà Người đề nghị phải có hẳn mục “gương người tốt, việc tốt” trên báo; ghi rõ thành tích xuất sắc từng gương trong các lĩnh vực học tập, lao động, sản xuất, chiến đấu, rồi trực tiếp viết thư khen ngợi, động viên, khuyến khích. Đó là điều người làm công tác dân vận cần khắc ghi song cũng cần phải hiểu thêm rằng việc biểu dương, khen thưởng chỉ phát huy tác dụng khi ta khen đúng người, đúng việc và đúng thời điểm, phải gắn với nâng cao đạo đức, thái độ, trách nhiệm của dân với công việc được giao, không thể thực hiện việc khen theo kiểu là “cơm lần, cháo lượt”, khen những người làm việc không hiệu quả nhưng được cái gọi dạ bảo vâng, hợp với mình, dân sẽ tâm tư, không mặn mà gì với các phong trào thi đua, không phục người làm công tác dân vận.

     Như thế là, học tập và làm theo Bác về yêu cầu công tác dân vận cần phải thực hiện theo đúng quy trình và song song đó là phải có phương pháp tiến hành phù hợp với đối tượng ta vận động, không có công thức “dân vận” cho mọi đối tượng – cần sự tìm tòi, sáng tạo thường xuyên, liên tục của người thực hiện công tác này.

  1. Kết quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận tại thành phố Hồ Chí Minh

     Thiết thực học và làm theo Bác, trong những năm qua phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai đến toàn hệ thống chính trị trên địa bàn thành phố để xây dựng một nền hành chính phục vụ. Chính điều này đưa đến kết quả là tỷ lệ hài lòng của người dân nhiều đơn vị đạt trên 90%, hơn 90% hồ sơ được giải quyết đúng hạn trên cổng thông tin một cửa điện tử của thành phố [2].

     Nhiều khu phố, khu dân cư trước kia là điểm “nóng” về vệ sinh môi trường, nay đã xanh sạch đẹp hơn từ việc công tác dân vận được triển khai sâu rộng tới mọi người dân thành phố về cuộc vận động “Người dân thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch vì thành phố sạch và giảm ngập nước”

     Những người về người làm công tác dân vận thành phố thực hiện “miệng nói, tay làm” những điều người dân cần chứ không phải những gì thành phố có thông qua việc tiến hành khảo sát nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân thường xuyên để phân tích, tổng hợp. Từ kết quả khảo sát đưa ra quyết sách từng bước xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình trên nền tảng tính khoa học, chính xác, kịp thời, hợp lòng dân.

     Công tác tiếp dân, gặp gỡ, đối thoại được chú trọng, đã kịp thời giải quyết được nhiều kiến nghị, bức xúc của người dân, góp phần giảm khiếu kiện.

     Chuyện tưởng lạ trong thời buổi “tấc đất, tấc vàng” nhưng thật sự đã xảy ra giữa lòng thành phố đó là việc từ nhiều năm qua, người dân quận 3 đã tự nguyện hiến gần 10.000m2, trị giá hàng trăm tỷ đồng để mở rộng hàng chục con hẻm một cách rất vui vẻ còn góp công, góp sức tham gia mở rộng tuyến hẻm. Đó là minh chứng dân vận khéo việc gì cũng xong mà Quận ủy, Ủy ban nhân dân quận 3 thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện rất hiệu quả công tác này thời gian qua.

  1. Một số giải pháp thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận tại thành phố Hồ Chí Minh

     Thứ nhất, tiếp tục phát huy, nhân rộng hiệu quả từ công tác dân vận trong thời gian qua

     Năm 2019 là năm mà Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh xác định là năm đột phá cải cách hành chính và thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội. Làm sao để phát huy sức sáng tạo của gần 5 triệu lao động thành phố là trăn trở mà lãnh đạo thành phố đặt ra trong năm nay với rất nhiều giải pháp, trong đó việc đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận là một giải pháp quan trọng mà lãnh đạo thành phố đặt ra. Thế rồi Giải thưởng sáng tạo thành phố Hồ Chí Minh” – một giải thưởng chưa từng có tiền lệ nhưng dân biết, dân hiểu rằng đây là một cơ hội khẳng định tiềm năng sáng tạo bản thân nên chỉ sau 5 tháng phát động, thành phố đã nhận được trên 100 hồ sơ đăng ký tham dự của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân người Việt Nam và người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó 44 công trình, đề tài, tác phẩm, sáng tác, giải pháp, dịch vụ sáng tạo thuộc 7 lĩnh vực: kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh; văn hóa – nghệ thuật; cải cách hành chính; truyền thông; xã hội; khởi nghiệp sáng tạo; khoa học cơ bản[3] đã được trao giải. Hoặc như sức lan tỏa mạnh mẽ của việc mở rộng các tuyến hẻm trên địa bàn quận 3 trong năm 2019 đó là minh chứng rõ nét nhất khẳng định thành công của công tác dân vận và cũng là động lực cho nhân rộng và phát huy, khơi dậy tinh thần sáng tạo, nghĩa tình trong mọi tầng lớp nhân dân thành phố.

     Thứ hai, xây dựng hình ảnh người làm công tác dân vận luôn nêu gương về mọi mặt nhất là đạo đức để dân thấy, dân tin, dân theo

     Tấm gương có giá trị giáo dục rất lớn bởi theo Người: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền”. Qua phân tích tác phẩm ở trên, ta thấy sản phẩm của công tác “dân vận” là tạo ra sự hăng hái, phấn khởi, tự nguyện thực hiện quyền và nghĩa vụ của một công dân sống trên địa bàn thành phố; là sự hài lòng, cùng có niềm tin và thống nhất cùng hành động vì một thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Điều này chỉ thực hiện được khi người làm công tác dân vận đánh giá mọi việc một cách khách quan, công bằng, vì sự phát triển chung chứ không vì lợi ích cá nhân mình. Cũng từ đó, tiêu chí để xác lập một cá nhân/tập thể dân vận tốt cần cụ thể hơn là từ việc dân vận cá nhân/tập thể ấy làm cho không khí làm việc nơi đó thân thiện, vui vẻ, hiệu quả hơn, sức mạnh tập thể được phát huy – góp phần làm cho đời sống vật chất, tinh thần của “dân” nâng cao chứ không phải thúc bên nọ, giục bên kia gây chia rẽ nội bộ.

     Xây dựng đội ngũ cán bộ dân vận có phẩm chất đạo đức tốt, nói ít, làm nhiều là cái gốc để dân yêu mến, dân phục, dân kính trọng và làm theo.

Chu Thị Hiền

Phó phòng Hợp tác phát triển Trường Đoàn

 

[1] Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc Gia, Hà Nội, tập 5, tr.286.

[2]https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/nang-dong-sang-tao-chu-dong-trong-thuc-thi-nhiem-vu-de-phuc-vu-dan-tot-hon-149185515

[3] http://daidoanket.vn/van-hoa/trao-giai-thuong-sang-tao-tp-hcm-nam-2019-cho-44-cong-trinh-tintuc438909