Bồi dưỡng tình cảm cách mạng, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ theo di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Nói về thanh niên và tầm quan trọng của việc bồi dưỡng giáo dục thanh niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ghi trong Di chúc của mình như sau:
“Đoàn viên và thanh nên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”.
Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
Như vậy, với thế hệ trẻ được Bác trông đợi ở đây đó là những đoàn viên, thanh niên, cánh tay phải của Đảng trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Đánh giá về thế hệ trẻ Người luôn nhìn nhận đó là lực lượng trẻ, khỏe, luôn hăng hái, tích cực tham gia vào mọi công việc, không ngại khó khăn; có chí tiến thủ biết vươn lên thực hiện những ước mơ, hoài bão lớn. Theo Người, đó là đức tính tốt đẹp hết sức cần thiết của người cách mạng. Vì vậy, để xây dựng chủ nghĩa xã hội, cần có những con người xã hội chủ nghĩa, đây chính là những con người cần thiết co sự nghiệp vĩ đại này.
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Bác thường xuyên quan tâm, động viên, chỉ dẫn, giáo dục cho thế hệ trẻ. Tin tưởng vào thế hệ trẻ, vào lực lượng thanh niên, nhìn thấy sức mạnh, khả năng của tuổi trẻ, vai trò đặc biệt quan trọng của lực lượng này trong tương lai Người khẳng định: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, mạnh hay yếu một phần lớn là do các thanh niên”; “thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách, dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai”. Bác đánh giá cao vai trò, sức mạnh của thanh niên: “Đoàn viên và thanh nên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ…”. Song theo Người, để phát huy được sức mạnh của thanh niên, họ cần được bồi dưỡng, giáo dục, phát triển toàn diện để có đủ khả năng góp phần xây dựng đất nước. Bác để lại lời dặn dò cho toàn Đảng: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”.
Chính vì gửi gắm lòng tin vào thế hệ trẻ, vào thanh niên, Bác luôn mong muốn thế hệ này phải ra sức phần đấu, rèn luyện để trở thành người có ích cho xã hội. Bác xác định, bồi dưỡng cách mạng cho thế hệ sau là việc hết sức quan trọng và tối cần thiết. Với Bác, để giúp ích cho xã hội đòi hỏi con người phải có cả hai mặt: hồng và chuyên, có cả tài và đức. Người nói rằng có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó, người có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức, có tâm huyết, nhiệt tình nhưng thiếu hiểu biết, không có khả năng chuyên môn sẽ rất khó khăn trong hoàn thành công việc. Ngược lại, có khả năng, có tài, trình độ chuyên môn cao nhưng chỉ xuất phát từ lợi ích, động cơ cá nhân không quan tâm đến công việc chung, lợi ích của tập thể cũng trở thành người vô dụng, không những vậy, còn có thể gây hậu quả xấu cho xã hội khi thực hiện với những động cơ, mục đích không trong sang. Do đó, giáo dục, đào tạo cho thế hệ trẻ phải có những định hướng đúng, giúp họ trở thành người có ích cho xã hội. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, giáo dục cho lớp trẻ trước hết phải giáo dục đạo đức. Đó là đạo đức cách mạng, phải biết “yêu tổ quốc, yêu nhân dân, yêu chủ nghĩa xã hội, yêu lao động, yêu khoa học và yêu kỷ luật”. Đối với Người, sự nghiệp trồng người là hết sức quan trọng. Để xã hội phát triển bền vững phải có những lớp người kế tục sự nghiệp, phải có những con người biết vì dân, vì nước.
Là một giáo viên tại ngôi trường đào tạo đội ngũ cán bộ Đoàn – Hội – Đội của thành phố Hồ Chí Minh, để thực hiện tốt việc bồi dưỡng tình cảm cách mạng, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cần phải:
Thứ nhất, hiểu và phát huy tầm quan trọng của người cán bộ đoàn đối với việc xây dựng tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ngày càng vững mạnh về tổ chức và hoạt động phong trào.
Thứ hai, luôn nổ lực nâng cao trình độ chuyên môn giảng dạy để truyền tải đến học viên đầy đủ nhất các nghiệp vụ công tác Đoàn đáp ứng được với nhu cầu phong trào thanh thiếu nhi trong giai đoạn hiện nay.
Thứ ba, luôn là tấm gương về đạo đức và vững vàng lý tưởng cách mạng cho học viên noi theo.
Thứ tư, luôn là người “truyền lửa”, đó là niềm tin, lý tưởng về Đảng, về Đoàn để học viên xứng đáng trở thành những thủ lĩnh của thanh niên.
Ths. Đặng Đức An
Khoa Công tác Đoàn – Hội, trường Đoàn Lý Tự Trọng