Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau theo di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa tròn nửa thế kỷ, nhưng bản Di chúc thiêng liêng Người để lại cho chúng ta vẫn mãi là một văn kiện lịch sử, một tài sản tinh thần vô giá, kết tinh toàn bộ tinh hoa tư tưởng, tâm hồn và đạo đức vô cùng trong sáng, đẹp đẽ của một lãnh tụ rất đời thường và rất vĩ đại, suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân.
Mùa hè năm 1965, Bác bắt đầu viết Di chúc mà Bác thường gọi là “Tài liệu tuyệt đối bí mật”. Nó “Tuyệt đối bí mật” không phải ở nội dung mà ở chỗ, Bác không muốn cho mọi người biết Bác đang làm cái công việc cuối cùng của một đời người. Năm 1968, Bác viết bổ sung thêm một số đoạn, gồm 6 trang viết tay. Ngày 10/5/1969, Bác viết lại toàn bộ đoạn mở đầu Di chúc, gồm một trang viết tay (các năm 1966, 1967 Bác không có những bản viết riêng).
Trong bản Di chúc thiêng liêng, Bác đã căn dặn kỹ càng mọi việc đối với Đảng, với nhân dân trong đó Bác vẫn dành một phần nói về thanh niên và công tác thanh niên của Đảng, điều này đã thể hiện tư tưởng, tình cảm, sự tin yêu, kỳ vọng lớn vào thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Đây chính là sự tổng kết lý luận mà Hồ Chí Minh rút ra từ lịch sử nhân loại, dân tộc; từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh niên của Người qua các thời kỳ cách mạng, để tiếp tục định hướng việc giáo dục rèn luyện và phát huy mọi tiềm năng to lớn của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
Từ những ngày đầu cách mạng, Đảng và Bác Hồ đã đề cao vai trò, vị trí quan trọng của thanh niên, xác định thanh niên là đội quân xung kích cách mạng, công tác thanh niên là nhiệm vụ sống còn của dân tộc, là một trong những nhân tố quyết định thành bại của cách mạng. Trải qua các thời kỳ, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, thanh niên đều hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình trước Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Chính lực lượng thanh niên cũng đã tự khẳng định họ không chỉ là lực lượng xung kích, gánh vác và giải quyết những nhiệm vụ hiện tại, mà còn là lực lượng kế cận, nguồn nhân lực có đầy đủ sức khỏe, trình độ, kiến thức, kỹ năng để tiếp tục phát triển sự nghiệp của các thế hệ cha anh đi trước.
Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, những thành tựu của công cuộc đổi mới của đất nước đã tăng thêm cơ hội, điều kiện để xã hội chăm lo, giáo dục tốt hơn cho thanh niên phấn đấu, rèn luyện. Đất nước bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, thanh niên tiếp tục là lực lượng đi đầu trong học tập, lao động, sản xuất, sáng tạo,… thế hệ thanh niên hôm nay đã kế thừa và phát huy truyền thống của quê hương, đất nước, luôn tự hào, tự tôn dân tộc, năng động, sáng tạo, không ngại khó khăn, gian khổ, vượt qua khó khăn, thách thức để vươn lên học tập, lao động, cuộc sống, không ngừng hoàn thiện và khẳng định chính mình.
Tuy nhiên, những tác động của vấn đề toàn cầu hóa, mặt trái của cơ chế thị trường, những khó khăn mới nảy sinh trong quá trình phát triển đất nước, sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch,… đã ảnh hưởng đến thanh niên và lối sống của thanh niên. Một bộ phận thanh niên sống thiếu lý tưởng, lối sống thực dụng, ý thức chấp hành pháp luật kém, giảm sút niềm tin và ít quan tâm đến tình hình đất nước; mặt khác thiếu kiến thức và kỹ năng lao động, năng lực thực hành sau đào tạo còn yếu,… là những vấn đề mà Đảng, Nhà nước và toàn xã hội cần quan tâm lãnh đạo, chấn chỉnh, khắc phục.
Vì vậy, để thực hiện Di chúc của Bác về “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau”, theo tôi một số nhiệm vụ và giải pháp cần tập trung với thanh niên và công tác thanh niên giai đoạn hiện nay là:
Một là, tiếp tục lãnh đạo và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả mục tiêu, phương hướng và những giải pháp cơ bản được đề ra trong Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong đó, một trong những quan điểm chỉ đạo là bồi dưỡng, giáo dục thanh niên vừa “hồng”, vừa “chuyên” là trách nhiệm của hệ thống chính trị. Mặt khác, xây dựng tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, thực sự là đội dự bị tin cậy của Đảng, là trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên, hạt nhân chính trị của phong trào và các tổ chức thanh niên Việt Nam; tạo sự chuyển biến mới về chất lượng tổ chức và hoạt động của Đoàn – Hội.
Hai là, Nhà nước cần thể chế hóa các quan điểm của Đảng bằng các văn bản pháp luật và chính sách đối với thanh niên; xây dựng quy chế phối hợp giữa cơ quan chính quyền với tổ chức thanh niên; tạo mọi điều kiện tham gia quản lý, bồi dưỡng giáo dục và phát huy thanh niên; phát huy mọi nguồn lực xã hội để đào tạo, nâng cao chất lượng lao động, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho thanh niên.
Ba là, phát huy vai trò của ngành giáo dục và đào tạo trong công tác bồi dưỡng, giáo dục thanh niên. Cần tăng cường giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng, lối sống văn hóa, ý thức công dân để hình thành thế hệ thanh niên có phẩm chất tốt đẹp, có khí phách và quyết tâm hành động thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo cơ hội cho mọi thanh niên được học tập, không ngừng nâng cao trình độ, có tri thức và kỹ năng, vươn lên ngang tầm với thanh niên các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới; không ngừng rèn luyện đạo đức, lối sống, hoàn thiện nhân cách trở thành công dân hữu ích, thành viên tốt trong gia đình, tích cực đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Mặt khác, với vị trí, vai trò của mình, trường Đoàn Lý Tự Trọng luôn nhận thức được tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện đội ngũ cán bộ Đoàn – Hội – Đội hiện nay. Với truyền thống hơn 46 năm hình thành và phát triển, nhà trường đang từng bước đổi mới mạnh mẽ chất lượng, hiệu quả trong các hoạt động; trong đó tập trung vào nâng cao chất lượng đội ngũ, cải tiến, đổi mới chương trình huấn luyện, chất lượng phục vụ với mục đích cao nhất là góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ Đoàn, Hội, Đội chuẩn hóa về kiến thức, năng lực, nghiệp vụ, kỹ năng trong công tác, góp phần xây dựng tổ chức Đoàn, Hội, Đội vững mạnh, cao hơn cả cũng là góp phần thực hiện “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng” theo Di chúc của Bác kính yêu.
Thấm nhuần lời căn dặn của Bác trong Di chúc về “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau” trong sự nghiệp đổi mới ngày nay, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo Đảng, phát huy vai trò quan trọng của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, gia đình, nhà trường và xã hội. Tin tưởng rằng thế hệ trẻ Việt Nam phát huy truyền thống hào hùng của dân tộc, tiếp bước cha anh phấn đấu trở thành lớp người vừa “hồng” vừa “chuyên”, trở thành một lực lượng lao động trẻ với “tài năng và đức độ vẹn toàn”, kế thừa xứng đáng với sự kỳ vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Hà Tài Sáu
Phó Hiệu trưởng trường Đoàn Lý Tự Trọng