Giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ trong di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh
“Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”- Bảo vật quốc gia mà Người để lại là sự kết tinh của tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp suốt đời phấn đấu hi sinh vì nước vì dân, là những lời căn dặn thiết tha nhưng đầy sức mạnh thôi thúc toàn dân tộc hành động trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong bản Di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành một phần nói về vai trò của thanh niên và công tác thanh niên. Người đã dành cho thế hệ trẻ Việt Nam sự giáo dục ân cần, tình thương yêu sâu sắc và sự quan tâm đặc biệt. Người đánh giá: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ”. Đồng thời, Bác đã căn dặn: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Đây chính là sự tổng kết lý luận mà Chủ tịch Hồ Chí Minh rút ra từ lịch sử nhân loại và Việt Nam, từ thực tiễn lãnh đạo công tác thanh niên của Người qua các thời kỳ cách mạng.
Theo quy luật phát triển của lịch sử nhân loại, thế hệ này nối tiếp thế hệ khác. Do vậy, quan tâm đến sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng các thế hệ kế tiếp là một tất yếu. Trong quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin và chuẩn bị cho việc thành lập Đảng Cộng sản để lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Bác Hồ của chúng ta đã rất quan tâm đến thế hệ trẻ. Người đã chọn lựa, tổ chức bồi dưỡng và cho đi đào tạo nhiều người trẻ ưu tú mà sau này đều là những cán bộ nòng cốt của Đảng ta. Tư tưởng của Hồ Chí Minh xem thế hệ trẻ là nhân tố quan trọng quyết định vận mệnh và tương lai của đất nước đã được Đảng ta vận dụng vào việc giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ Việt Nam phù hợp với mỗi giai đoạn phát triển của cách mạng. Thực hiện Di chúc của Người, bước vào thời kỳ đất nước đổi mới, Đảng ta khẳng định: “ Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, cách mạng Việt Nam có vững bước theo con đường xã hội chủ nghĩa hay không phần lớn tùy thuộc vào lực lượng thanh niên, vào việc bồi dưỡng rèn luyện thế hệ thanh niên; công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc, là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng” (Hội nghị TW4 khoá VII). Trước sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế và bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, việc giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ theo Di chúc Hồ Chí Minh lại càng có ý nghĩa thiết thực.
Trước hết là giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ. Lý tưởng cách mạng cốt lõi, xuyên suốt và cao đẹp mà thế hệ trẻ cần hướng tới để phấn đấu và thực hiện là mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Thực tiễn đã chứng minh dưới sự lãnh đạo của Đảng con đường phát triển của cách mạng Việt Nam, độc lập dân tộc và đi lên chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn đúng đắn, đáp ứng nguyện vọng thiết tha của toàn dân, nhu cầu của dân tộc và phù hợp với tiến trình phát triển của lịch sử. Do đó trong giai đoạn cách mạng mới, trong xu thế hội nhập hiện nay việc giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ theo Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh là hết sức cần thiết. Thế hệ trẻ cần nhận thức sâu sắc giá trị của độc lập dân tộc và tự do, hạnh phúc cho nhân dân để giữ vững niềm tin và kiên định mục tiêu lý tưởng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Việc bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ phải kết hợp giữa nâng cao nhận thức với hoạt động thực tiễn, để tuổi trẻ được tiếp cận, được trực tiếp tham gia bằng nhiều hình thức với nhiều hoạt động phong phú trên các lĩnh vực góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới; đồng thời chủ động trong việc đấu tranh với các quan điểm sai trái, những luận điệu xuyên tạc phủ nhận con đường phát triển của cách mạng Việt Nam vì độc lập dân tộc và xã hội chủ nghĩa.
Hết sức quan tâm đến giáo dục, bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ. Hồ Chí Minh luôn căn dặn Đảng ta phải thường xuyên quan tâm giáo dục, bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ, đào tạo họ thành những người kế thừa vừa “hồng” vừa “chuyên” để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong mối quan hệ hồng và chuyên, đức và tài, thì bao giờ Bác Hồ cũng xem đạo đức cách mạng là cái gốc, là nền tảng trong giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ. Giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ theo Di chúc Hồ Chí Minh là đào tạo họ trở thành lớp người mới, những công dân có ích, người cách mạng chân chính, trung với nước, hiếu với dân, yêu thương con người, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; suốt đời trung thành và phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng, vì Tổ quốc, vì nhân dân; luôn tự giác tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng; kiên quyết và chủ động đấu tranh, ngăn chặn những biểu hiện tha hóa, biến chất, suy đồi về phẩm chất đạo đức, lười học tập, không tu dưỡng đạo đức, thích hưởng thụ, sinh hoạt thiếu lành mạnh, phản giá trị đạo đức.
Đất nước đang trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng; đứng trước thời cơ và những thách thức mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ có ưu thế mạnh trong cạnh tranh và phát triển. Thế hệ trẻ đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực của đất nước. Những vấn đề đó đang đặt ra nội dung, yêu cầu mới đối với giáo dục, bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho thế hệ trẻ hiện nay. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thường xuyên nhắc nhở nếu không tích cực, tự giác học tập và nâng cao trình độ học vấn thì không thể nào tiến kịp với sự phát triển của thời đại, sẽ như người “nhắm mắt mà đi”. Do vậy, cần tập trung giáo dục, bồi dưỡng về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh về đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước với nội dung và phương pháp thích hợp làm cơ sở cho phát triển tư duy biện chứng, nâng cao ý thức trách nhiệm, tự giác tiếp thu những kiến thức về kinh tế, kỹ thuật, khoa học, công nghệ, văn hóa, xã hội, giỏi kỹ năng và có tác phong công nghiệp trong lao động và học tập. Tạo mọi điều kiện để tuổi trẻ nâng cao khả năng tiếp thu sáng tạo và xung kích hành động trong việc làm chủ khoa học, công nghệ hiện đại, chủ động và sáng tạo vươn lên tiếp cận và làm chủ cái mới trong hội nhập và toàn cầu hóa.
Nâng cao bản lĩnh chính trị, khí phách cách mạng để “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” đó là điều mà Bác Hồ mong muốn đối với thế hệ trẻ. Tiếp nối truyền thống hào hùng của Đảng và dân tộc, thế hệ trẻ ngày nay cần được chăm lo hơn nữa trong giáo dục, bồi dưỡng khí phách cách mạng, tư tưởng tiến công vươn lên trong học tập, lao động, lập thân, lập nghiệp và ý chí tự lực, tự cường, tinh thần dũng cảm vượt qua khó khăn gian khổ. Chủ động học hỏi tìm kiếm việc làm tốt và tự tạo việc làm, bất kỳ ở đâu và làm việc gì cũng năng động sáng tạo; chống tư tưởng bảo thủ, trông chờ, ỷ lại hay cầu an, đua đòi, hưởng thụ, thiếu nghị lực.
Thấm nhuần lời dạy của Người trong Di chúc về giáo dục bồi dưỡng thế hệ trẻ, trong sự nghiệp đổi mới ngày nay, Đảng ta luôn xác định đây là vấn đề mang ý nghĩa chiến lược quan trọng, thường xuyên quan tâm đến phát huy truyền thống, giáo dục chính trị, lý tưởng đạo đức và nếp sống văn hóa; tạo điều kiện cho tuổi trẻ học tập, lao động, cống hiến, vui chơi giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Giáo dục bồi dưỡng thế hệ trẻ hiện nay phải gắn liền với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội trong nước và hội nhập quốc tế. Khai thác tối đa các ưu thế và khắc phục tối đa những nguy cơ, thách thức. Đó là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo Đảng, phát huy vai trò quan trọng của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, gia đình, nhà trường và xã hội.
Với truyền thống vẻ vang của Đảng ta, truyền thống hào hùng của dân tộc ta, với giáo dục của Đảng, cộng với tài năng, nghị lực và hoài bảo lớn của mình, thế hệ trẻ Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp bước xứng đáng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh mà Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.
ThS. Huỳnh Ngô Tịnh
Hiệu trưởng Trường Đoàn Lý Tự Trọng