Từ học tập di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thanh niên rèn luyện các kỹ năng cho bản thân

     Theo Hồi ký của đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của chủ tịch Hồ Chí Minh, Bác bắt đầu viết những dòng đầu tiên của bản Di chúc lúc 9 giờ sáng thứ hai, ngày 10/5/1965, đến 10 giờ, Bác viết xong phần mở đầu, sau đó Bác xếp tài liệu lại và chuyển sang làm các công việc thường ngày. Các ngày tiếp theo (ngày 11, 12 và 13/5/1965), cũng từ 9 giờ đến 10 giờ, Bác viết tiếp các phần còn lại. Riêng ngày 14/5/1965, do buổi sáng có lịch đi thăm một hợp tác xã ở Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội và dự một phiên họp của Bộ Chính trị, Bác chuyển viết Di chúc sang buổi chiều với thời gian gấp đôi, từ 14 giờ đến 16 giờ. Đúng 16 giờ, Bác đánh máy xong bản Di chúc và cho vào phong bì. Đúng 16 giờ ngày 14/5/1965, đồng chí Lê Duẩn sang chứng kiến, nhưng Bác lại đánh máy là “Hà Nội, ngày 15/5/1965” trước chữ ký Hồ Chí Minh”. Đến 21 giờ hôm đó, Bác giao chiếc phong bì cho đồng chí Vũ Kỳ và dặn: “Chú cất giữ cẩn thận, vào dịp này sang năm nhớ đưa lại cho Bác”.

     Và cứ đến dịp sinh nhật Bác hằng năm, đồng chí Vũ Kỳ lại đặt bản Di chúc lên bàn làm việc của Bác; sau đó Bác bổ sung và giao lại cho đồng chí Vũ Kỳ. Bác đọc kỹ bản Di chúc, xem xét, cân nhắc kỹ từng đoạn, từng câu, từng ý, từng lời và bổ sung thêm vào bản Di chúc tùy theo tình hình đất nước. Đặc biệt, qua tình hình chiến sự miền Nam, Bác lại viết thêm những phần cần thiết vào bản Di chúc.

     Năm 1966, Bác bổ sung thêm phần nói về tự phê bình và phê bình trong Đảng, trong đó Bác nhấn mạnh: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

     Năm 1967, Bác xem lại bản Di chúc, nhưng không sửa gì. Năm 1968, Bác viết thêm 6 trang, gồm một số đoạn về việc riêng và một số công việc cần làm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi.

     Năm 1969, Bác xem và viết lại toàn bộ phần mở đầu gồm 01 trang viết tay. Toàn văn Di chúc được công bố sau ngày Bác Hồ qua đời (ngày 02/9/1969).

     Theo GS Hoàng Chí Bảo, người có nhiều năm nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của chủ tịch Hồ Chí Minh, ông cho rằng: “Bản Di chúc kết tinh tất cả tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho ta thấy một trí tuệ uyên bác, một tâm hồn lộng gió thời đại và nhất là tình thương bao la của Bác với nhân dân, với Đảng, với đồng bào, đồng chí”.

     Đối với cán bộ, đảng viên, học tập ở di chúc của chủ tịch Hồ Chí Minh là học tập suốt đời, là quá trình đối chiếu giữa lý luận và thực tiễn, là quá trình tự rèn luyện bản thân, là quá trình tự soi rọi và hoàn thiện chính mình với ánh sáng dẫn đường của tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và di chúc nói riêng.

     Với thanh niên, lực lượng kế thừa trực tiếp của cách mạng Việt Nam, lực lượng chủ yếu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, “đối tượng” đã được chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đến rất riêng biệt, rất trân trọng trong tổng thể di chúc của mình, chỉ ngay sau phần nói về Đảng:

     “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hằng hái xung phong, không ngại khó khǎn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chǎm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”.”

     Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết thì việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh lại càng hết sức quan trọng và cần thiết. Học tập chủ tịch Hồ Chí Minh từ những việc lớn như tư tưởng, đạo đức đến những việc rất gần gũi như phong cách, ứng xử, kỹ năng.

     Trong phạm vi bài viết, tác giả sẽ phân tích Di chúc chủ tịch Hồ Chí Minh ở khía cạnh những kỹ năng, dù đây không phải là vấn đề Bác trực tiếp nhắc đến, nhưng những thể hiện của Bác trong bản Di chúc là rất sáng rõ, những kỹ năng Bác “nêu gương” trong Di chúc của mình chắc chắn sẽ là những bài học rất quý giá để thanh niên chúng ta rèn luyện và làm theo.

     1. Kỹ năng thuyết phục

     Ở cương vị của chủ tịch Hồ Chí Minh, những lời nói của Bác chính là mệnh lệnh, là chỉ đạo, nhưng điều ta thường thấy nhất ở Bác là không hề sử dụng mệnh lệnh, chỉ đạo suông, mà ở đó Bác đưa vào những câu chuyện, những lập luận để người đối diện, người đọc, người nghe cảm thụ và rút ra kết luận, rút ra bài học cho chính mình.

     Trong Di chúc, Bác viết : Ông Đỗ Phủ là người làm thơ rất nổi tiếng ở Trung Quốc đời nhà Đường, có câu rằng “Nhân sinh thất thập cổ lai hy”, nghĩa là “Người thọ 70, xưa nay hiếm”. Bác dùng câu nói của một người nổi tiếng, để đi vào vấn đề tuổi 70 là hiếm, tuổi 70 là tuổi đã cao, và Bác đang trong độ tuổi đó, 79 tuổi, ở độ tuổi này sức khỏe có giảm đi, và việc Bác “đi gặp các cụ Các Mác, Lê Nin và các vị cách mạng đàn anh khác” cũng là chuyện quy luật tất yếu của cuộc sống.

     Hay ở phần nói về Đảng: Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Bác sử dụng một hình ảnh rất gần gũi là “con ngươi của mắt mình”, mà không phải là một bộ phận nào khác, bởi vì nếu không có con ngươi thì con người sẽ chìm trong tâm tối, sẽ không thấy lối đi đúng đắng, tầm nhìn, mục tiêu trong Đảng phải được thống nhất về một hướng.

     Bác nói vấn đề gì, luôn có dẫn chứng đi kèm, dẫn chứng sẽ làm cho lập luận trở nên sắc bén hơn, đủ tin cậy hơn, đây là một kỹ năng mà thanh niên chúng ta nên cần phải rèn luyện, thay vì sử dụng những cụm từ như “Tôi thấy”, “Tôi nghĩ rằng”, “Theo tôi” trong các cuộc nói chuyện, trong các phần trình bày…thì nên chỉ ra được những dẫn chứng, những luận cứ. Những dẫn chứng để làm cho câu chuyện thuyết phục hơn có thể là một câu chuyện, một số liệu nghiên cứu, một hình ảnh minh họa, một trải nghiệm thực tế…được kết hợp với sự chân thành, tính cầu thị trong quá trình trao đổi thì vấn đề sẽ có tính thuyết phục cao hơn.

     2. Kỹ năng tư duy tích cực

     Theo John C. Maxwell, tác giả bán chạy hàng đầu của New York Times, là một trong những diễn giả, huấn luyện viên nổi tiếng nhất thế giới trong lĩnh vực lãnh đạo, tác giả quyển sách Tư duy tích cực quyết định thành công, ông cho rằng tư duy tích cực là khi nhìn mọi sự, mọi vật, mọi vấn đề ta luôn luôn thấy những mặt hay, mặt tốt đẹp; nếu thấy những mặt xấu thì chúng ta cũng có khả năng biến cái xấu thành cái tốt; và đồng thời luôn luôn hướng đến hành động để làm mọi sự tốt hơn.

     Di chúc chủ tịch Hồ Chí Minh là một bài học thực tế về kỹ năng tư duy tích cực. Về sức khỏe của bản thân mình, Bác viết: Nǎm nay, tôi vừa 79 tuổi, đã là lớp người “xưa nay hiếm” nhưng tinh thần, đầu óc vẫn rất sáng suốt, tuy sức khoẻ có kém so với vài nǎm trước đây. Khi người ta đã ngoài 70 xuân, thì tuổi tác càng cao, sức khoẻ càng thấp. Điều đó cũng không có gì lạ. Nếu chúng ta biết rằng trong giai đoạn này, đôi mắt của Bác đã mờ đi, đến nỗi bác sỹ đề nghị Bác không được sử dụng máy đánh chữ nữa, chúng ta sẽ thấy rằng sức khỏe của người thật sự cũng không còn tốt như trước đây, nhưng Bác vẫn lạc quan rằng tinh thần, đầu óc vẫn sáng suốt, đó là vấn đề quan trọng nhất.

     Bác viết Di chúc với tâm thế của một người chuẩn bị “đi xa”, nhưng không hề có sự bi lụy, không hề có sự lo sợ, mà trái lại là một sự chu đáo, đầy đủ về mọi vấn đề.

     Bác tin tưởng vào Đảng, Bác tin tưởng vào Thanh niên, Bác tin tưởng vào nhân dân, Bác tin tưởng vào sự đoàn kết của phong trào cộng sản thế giới (mặc dù hiện tại lúc đó các đảng anh em có một số sự bất hòa) bằng niềm tin của bản thân mình, bằng sự suy luận hợp lý của mình.

     Còn non, còn nước, còn người

     Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!

     Khi Bác bắt đầu viết di chúc là năm 1965, và 10 năm sau ta mới đánh thắng giặc Mỹ, nhưng Bác đã thể hiện được sự dự báo tài tình của mình, bằng tinh thần lạc quan cách mạng của mình: “Dù khó khǎn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi.”

     Kể cả về việc riêng, chủ tịch Hồ Chí Minh cũng trù bị sẵn cho mình bằng một sự sáng suốt, bằng sự yêu thương con người, bằng những giá trị để lại cho thế hệ sau, cũng với tinh thần lạc quan nhất, sẵn sàng nhất. Từ việc Bác yêu cầu chớ nên tổ chức đám đình, lãng phí ngày giờ và tiền bạc của nhân dân, đến “hỏa táng”, đến đề nghị sau này nên dùng “điện táng”, đến việc chia “tro” thành ba phần cho đồng bào ba miền, đến việc trồng cây…chúng ta có cảm tưởng như Bác chỉ sắp xếp việc nhà cửa cho một chuyến đi công tác, rất nhẹ nhàng, rất đầy đủ, chứ không phải chuẩn bị cho việc “từ biệt thế giới này”.

     Thanh niên chúng ta ngày nay, trong cuộc sống, bởi nhiều sự tác động, đôi khi chúng ta cảm thấy bị áp lực, đôi khi chúng ta cảm thấy cô đơn, đôi khi chúng ta hoảng loạn, mất phương hướng, thì đây, Di chúc của Bác Hồ, chính là một bài học thực tế để dạy chúng ta biết bình tĩnh hơn, biết suy nghĩ kỹ lưỡng hơn, biết tư duy tích cực hơn, biết yêu thương, quan tâm mọi thứ xung quanh mình hơn.

     3. Kỹ năng hoạch định tương lai

     Tôi có tiếp cận được kết quả nghiên cứu “Tìm hiểu nhận thức và thái độ của học sinh/sinh viên về định hướng tương lai” do Trung tâm đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục – Viện nghiên cứu giáo dục – Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh khảo sát 2000 học sinh, sinh viên tại 4 thành phố lớn: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ

     Kết quả nghiên cứu cho thấy, có đến 85.7% học sinh, sinh viên tham gia khảo sát cho rằng mình “có nhiều ước mơ đẹp trong tương lai”. Tuy nhiên chỉ có hơn (57.8%) cho là mình “sẽ rất thành công trong tương lai”.

     Có khoảng 1/6 học sinh, sinh viên (15.8%) cho rằng mình “rất mơ hồ về tương lai của mình”, 10.8 % cho là “thành công hay thất bại trong tương lai là do số phận định đoạt” và có 9.2% học sinh, sinh viên thích quan điểm “sống cho hiện tại đi, tương lai biết thế nào mà chuẩn bị”.

     Tôi cũng thực hiện một khảo sát tương tự trong các lớp học do mình đứng lớp, khi tôi hỏi các bạn học sinh, sinh viên rằng “Ước mơ nghề nghiệp của em là gì?” thì phần lớn các em ấp úng, một số em trả lời là ” Dạ, ước mơ của em là sau này, ra trường, có được một việc làm ổn định!”. Như vậy rõ ràng, thanh niên chúng ta ngày nay đối với tương lai của mình, nhiều bạn còn mơ hồ, nhiều bạn có quan điểm là “thả trôi theo chiều gió”, “tới đâu hay tới đó”…

     Và đó là nguyên nhân dẫn đến việc hàng năm, có hàng trăm ngàn thanh niên thất nghiệp, theo số liệu của Tổng cục thống kê và Bộ LĐ – TB – XH: năm 2013, cả nước có hơn 72.000 cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp; năm 2015 có gần 178.000 cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp; năm 2017 có gần 200.000 cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp, 6 tháng đầu năm 2018 có 127.000 cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp. Đồng thời đó, nhiều doanh nghiệp cũng phản ánh về chất lượng lao động, về kỹ năng, kỹ luật của người lao động, về tình trạng nhảy việc…

     Nếu không biết tương tai, không hình dung ra tương lai như thế nào, thì thanh niên không thể nào phát triển, thì lực lượng kế thừa của cách mạng sẽ không thể nào đảm đương được trách nhiệm của mình.

     Di chúc của chủ tịch Hồ Chí Minh chính là một minh chứng, quá trình viết Di chúc của Bác cũng chính là hình ảnh cụ thể nhất về kỹ năng hoạch định tương lai. Mọi việc phải có kế hoạch và cố gắng đảm bảo kế hoạch đó.

     Trong các bản Di chúc và bản chỉnh sửa 1965, 1968, 1969 Bác sử dụng các từ “Có ý định”, “Kế hoạch”, “Nhất định”, “Tin chắc”, kể cả một số nội dung Bác có ước lượng thời gian: “Ai đoán biết tôi sẽ sống và phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng mấy năm mấy tháng nữa?”, “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”, “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể kéo dài mấy năm nữa”, “Nếu tôi qua đời trước ngày nước ta được thống nhất, thì nên gửi một ít tro xương cho đồng bào miền Nam”. Chắc chắn phải là một sự trù bị, một sự dự tính rất kỹ lưỡng của Bác khi Bác quyết định chọn thời điểm viết, chọn nội dung viết, chọn câu từ để thể hiện.

     Bác viết di chúc từ 1965, đúng vào dịp gần ngày sinh nhật, và cứ như vậy từ 1966 – 1969, năm nào Bác cũng lấy ra, xem lại, chỉnh sửa, bổ sung cho sát với tình hình thực tế. Điều đó thể hiện sự lao động có trách nhiệm của Bác với định  hướng, về kế hoạch mà mình đã đưa ra, mỗi khi thêm, bớt nội dung, Bác đều dành thời gian suy nghĩ thấu đáo, và chỉnh sửa cho cái sau hay hơn cái trước, cái sau phù hợp hơn cái trước.

     Đồng thời đó, cái nhìn về tương lai của Bác là cái nhìn toàn diện, khái quát vấn đề, đọc Di chúc, chỉ với”mấy lời” để lại của Bác, dù chỉ vỏn vẹn 1000 từ, nhưng tin chắc rằng bất cứ người dân nào, bất cứ lứa tuổi nào cũng sẽ thấy rằng những lời này như là dành cho mình, từ thiếu nhi đến người già, từ người lao động đến người lãnh đạo, từ người trong nước đến người ngoài nước…

     Việc xác lập mục tiêu, hoạch định tương lai đòi hỏi phải có sự hiểu biết sâu sắc về bản thân, về điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, sự hiểu biết về sự phát triển của xã hội để từ đó mục tiêu trở nên gần hơn, tương lai trở nên sáng rõ hơn. Đây cũng là điều chúng ta có thể rút ra được từ Di chúc của chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trên đây chỉ là 3 trong số rất nhiều điều mà thanh niên chúng ta có thể học được từ Di chúc của chủ tịch Hồ Chí Minh do tác giả đúc kết được. Học tập, suy luận, phát hiện vấn đề là việc phải làm thường xuyên và liên tục của thanh niên, đối với thanh niên ngày nay, sống trong hòa bình, trong sự phát triển của đất nước, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là việc làm cần thiết để hoàn thiện mình, học tập để phát triển chính bản thân mình và góp phần xây dựng Tổ Quốc.

“… Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải làm việc để chuẩn bị cái tương lai đó”. (Hồ Chí Minh, Thư gửi các bạn thanh niên”, ngày 12/8/1947).

Ths. Dương Trọng Phúc

Phó Hiệu trưởng trường Đoàn Lý Tự Trọng