Vai trò của Thanh niên và công tác Thanh niên, trong di chúc Bác
Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi đi xa đã để lại cho chúng ta một bản Di chúc lịch sử thấm đượm và kết tinh trong đó tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Di chúc của Người có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn về nhiều mặt. “Đó là những lời căn dặn cuối cùng của Bác, là những tình cảm và niềm tin của Bác đối với chúng ta ngày nay và các thế hệ mai sau”.
Những lời căn dặn của Người đối với Đảng và nhân dân ta thể hiện trên những nội dung chính, bao gồm: Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, xây dựng đất nước sau chiến tranh, đoàn kết quốc tế.
Trong bản Di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành một phần nói về vai trò của thanh niên và công tác thanh niên của Đảng. Điều này đã thể hiện tư tưởng, tình cảm, sự quan tâm đặc biệt của Bác Hồ đối với thanh niên và công tác thanh niên của Đảng.
Người viết: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Những nhìn nhận và đánh giá của Người như nhắn gửi ở lớp lớp thế hệ thanh niên về niềm tin, trí tuệ và sự sáng tạo cho một xã hội mới của dân tộc.
Theo Hồ Chí Minh tương lai của đất nước, của dân tộc nằm ngay trong tay các thế hệ thanh niên. Người khẳng định, thanh niên là lực lượng cách mạng hùng hậu, bộ phận quan trọng của dân tộc, là lớp người kế tục sự nghiệp cách mạng của cha anh. Khi nước ta còn nằm dưới ách thống trị của thực dân, phong kiến, ngay từ năm 1925 trong thư Gửi thanh niên Việt Nam, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, đất nước sẽ không còn nếu thanh niên không được “hồi sinh”, thức tỉnh. Bác ví tuổi thanh niên là mùa xuân của xã hội: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bác luôn đặt niềm tin vào sức mạnh của thanh niên: “Với một thế hệ thanh niên hăng hái kiên cường, chúng ta nhất định thành công trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc”. Đặt niềm tin vào sức mạnh của thanh niên, Bác coi thanh niên là người thân trong gia đình mình, sự mất mát của thanh niên cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc là nỗi đau trong cơ thể Bác. Tháng 1 năm 1947, khi nhận được tin con trai bác sĩ Vũ Đình Tụng (Giám đốc y tế Bắc Bộ) đã anh dũng hy sinh trong chiến đấu, Bác đã gửi thư chia buồn, trong thư Bác viết: “Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi mất một đoạn ruột… Họ chết cho Tổ quốc sống mãi; vật chất họ mất nhưng tinh thần họ vẫn luôn sống với non sông Việt Nam”.
Từ vai trò to lớn của thanh niên đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và tương lai của dân tộc, Bác căn dặn, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết. Tư tưởng về thanh niên và bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mang tính thời đại sâu sắc. Thực hiện Di chúc của Người, bước vào thời kỳ đất nước đổi mới, Đảng ta khẳng định: “Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, cách mạng Việt Nam có vững bước theo con đường xã hội chủ nghĩa hay không phần lớn tùy thuộc vào lực lượng thanh niên, vào việc bồi dưỡng rèn luyện thế hệ thanh niên; công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc, là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng” (Hội nghị TW4 khoá VII).
Thực hiện di chúc của Bác, đặc biệt với trách nhiệm “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau”, trong những năm qua Trường Đoàn Lý Tự Trọng đã thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng huấn luyện đội ngũ cán bộ Đoàn, Hội, Đội TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành bạn. Nội dung, chương trình đào tạo được đổi mới phù hợp với nhu cầu thực tiễn công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi thành phố, đáp ứng mục tiêu đào tạo đội ngũ cán bộ vừa “hồng” vừa “chuyên”, vừa giỏi về lý luận vừa thành thạo các kỹ năng tổ chức hoạt động, vận động thanh niên.
Năm nay, chúng ta kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bối cảnh toàn Đảng, toàn quân và toàn dân thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Có thể nói rằng, qua việc học tập di chúc của Bác giúp chúng ta tiếp cận, hiểu rõ hơn về con người vĩ đại Hồ Chí Minh. Có rất nhiều yếu tố để tạo nên một con người vĩ đại với những thành tựu xuất chúng và dành được trái tim, tình cảm của đồng bào trong nước nói riêng và nhân dân thế giới nói chung. Song một yếu tố quan trọng then chốt và cơ bản đó chính là nội lực tự thân bên trong Hồ Chí Minh – là toàn bộ tư tưởng, quan điểm, nhận thức cũng như phẩm chất đạo đức của Người. Vì vậy, việc học tập di chúc và tư tưởng Hồ Chí Minh giúp ta khám phá và hiểu rõ hơn những phẩm chất, quan niệm sâu sắc của Người, cũng là qua đó tìm ra cho mình một tấm gương sáng “người thực việc thực” để noi theo và những bài học bổ ích để vận dụng trong cuộc sống.
“Nghĩ về Bác lòng ta trong sáng hơn” – đó cũng chính là giá trị tinh thần to lớn nhất cho mỗi một cán bộ, đảng viên trong đợt kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hiện nay.
Trần Thị Bích Hà
Trưởng phòng Hành chính – Tổ chức, trường Đoàn Lý Tự Trọng