Giáo dục, bồi dưỡng cho Thanh niên hiện nay theo di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh

     Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ. Trong bản Di chúc 1000 từ để lại, Người đã dành hẳn một phần nói về đoàn viên, thanh niên: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khǎn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chǎm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”.

     Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”

     1. Thực hiện lời dạy trong Di chúc của Người, Đảng ta luôn đề cao thanh niên, đưa ra yêu cầu giáo dục thanh niên

     Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định tiềm năng của thanh niên, luôn tin tưởng thanh niên rằng bản chất của thanh niên là tốt, hăng hái, không ngại khó, có tính cầu tiến.

     Khi đất nước còn trong đêm đen nô lệ, Người đã nêu tư tưởng: Đất nước sẽ không còn nếu thanh niên không được “hồi sinh”, thức tỉnh và phải thức tỉnh thanh niên để đi đến thức tỉnh dân tộc. Vì lẽ đó, để thức tỉnh một thế hệ thanh niên yêu nước những năm 20 của thế kỷ XX Bác đã mở trường huấn luyện chính trị, xuất bản sách báo, sáng lập ra Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, đất nước độc lập, thống nhất, Bác dạy sự phát triển trong tương lai của đất nước và tiền đồ vẻ vang của dân tộc nằm trong tay thanh niên: “Thanh niên là chủ tương lai của nước nhà”, “nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh, một phần lớn là do các thanh niên”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bác luôn đặt niềm tin vào sức mạnh của thanh niên và điều đó đã trở thành hiện thực: “Với một thế hệ thanh niên hăng hái kiên cường, chúng ta nhất định thành công trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc”. 

     Ngày nay để thanh niên thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu của cách mạng “người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội” như lời dạy của Bác Di chúc thì thanh niên phải được chuẩn bị đầy đủ hành trang cần thiết để hoàn thành tốt vai trò của mình thông qua đào tạo, bồi dưỡng một cách chu đáo, toàn diện đó là: “Trong việc giáo dục và học tập, phải chú trọng đủ các mặt: đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hóa, kỹ thuật, lao động và sản xuất” (Hồ Chí Minh).

     Thực hiện di nguyện của Bác, Nghị quyết Trung ương 4 khóa VII về công tác thanh niên trong thời kỳ mới của Đảng khẳng định: “Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, đất nước bước vào thế kỷ 21có vị trí xứng đáng trong cộng đồng thế giới hay không, cách mạng Việt Nam có vững bước theo con đường xã hội chủ nghĩa hay không phần lớn tùy thuộc vào lực lượng thanh niên, vào việc bồi dưỡng, rèn luyện thế hệ thanh niên”. Nghị quyết Đại hội X của Đảng cũng chỉ rõ: “Đối với thế hệ trẻ, thường xuyên giáo dục chính trị, truyền thống, lý tưởng, đạo đức và lối sống; tạo điều kiện học tập, lao động, giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ”, nhằm “xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam giàu lòng yêu nước, tự cường dân tộc; kiên định lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có đạo đức cách mạng, ý thức chấp hành pháp luật, sống có văn hóa, vì cộng đồng; có năng lực, bản lĩnh trong hội nhập quốc tế; có sức khỏe, tri thức, kỹ năng và tác phong công nghiệp trong lao động tập thể, trở thành người công dân tốt của đất nước”.

     2. Thực hiện lời dạy trong Di chúc của Người để xây dựng Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, đội dự bị tin cậy của Đảng, trường học cộng sản chủ nghĩa của thanh niên bằng các hoạt động cụ thể

     Từ khi ra đời đến nay Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh là một tổ chức gần Đảng nhất, bằng những hoạt động thiết thực đã bồi dưỡng, phát huy thanh niên để thực hiện tâm nguyện của Người “Đoàn là cánh tay đắc lực của Đảng để thực hiện những chủ trương, chính sách cách mạng”.

     Nếu như trong kháng chiến đấu tranh chống Pháp, chống Mỹ chính từ các phong trào lớn do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động, tổ chức triển khai như “tòng quân giết giặc lập công”, “Thi đua giết giặc lập công”, “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong” với ý chí “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” biết bao thế hệ thanh niên đã chiến đấu, cống hiến và hy sinh cho Tổ quốc, khẳng định là lực lượng hùng hậu, là đội quân xung kích cách mạng góp phần cho thắng lợi vẻ vang của dân tộc thì khi đất nước hòa bình tiếp tục có bước phát triển, thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình  là đội dự bị tin cậy của Đảng, là trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên Việt Nam.

     Đó là giáo dục thanh niên phải gắn với các phong trào cách mạng là “Thanh niên tình nguyện”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc” gắn với từng nhóm đối tượng thanh niên cụ thể; đẩy mạnh Cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” trong đoàn viên thanh niên để lan tỏa những giá trị tốt đẹp, những tấm gương tiêu biểu trong cuộc sống đến với thanh niên. Cùng với đó, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh luôn chú trọng nâng cao chất lượng các đợt sinh hoạt chính trị gắn với dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện quan trọng của đất nước để thanh niên yêu, tự hào về dân tộc mình và nhận rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong xây dựng đất nước.

     Nhằm tiếp tục phát huy vai trò là đội dự bị tin cậy của mình, thực hiện lời dạy trong Di chúc của Người để bồi dưỡng thanh niên vừa “hồng” vừa “chuyên”, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cần:

     Một là, bồi dưỡng thanh niên niềm tin yêu vào tổ chức Đoàn

     Đó là tiếp tục triển khai hiệu quả các phong trào, Chương trình hành động trong thời gian qua, nhất là đẩy mạnh việc học tập và làm theo Di Chúc của Bác Hồ bằng nhiều cách khác nhau: thực hiện cuộc thi tìm hiểu Di chúc, tổ chức tọa đàm, cùng thảo luận về một lời dặn dò trong Di chúc và liên hệ với việc học tập, lao động của bản thân hiện nay.

     Đó là tiếp tục đồng hành với thanh niên: “trong học tập”; “khởi nghiệp, lập nghiệp”; “rèn luyện và phát triển kỹ năng trong cuộc sống, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa tinh thần” để chăm lo, hỗ trợ các nhu cầu, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp, thiết thân của thanh niên.

     Hai là, coi nêu gương là mệnh lệnh không lời thực hiện Di chúc Bác

     Đó là hướng thanh niên tới suy nghĩ tích cực rằng đa số thanh niên là tốt thông qua tuyên dương các gương điển hình, truyền thông nhiều hơn nữa các gương người tốt việc tốt để thanh niên có thêm khoảng lặng chiêm nghiệm lại bản thân trong vòng quay hối hả của cuộc sống. Thiết nghĩ những gương điển hình rất nhiều trong cuộc sống và chúng ta nên đưa hàng ngày để tăng cường lấy cái đẹp dẹp cái xấu để thanh niên yêu cuộc sống này, yêu hơn những người xung quanh mình, họ tự nhận thấy sự ích kỷ của bản thân bấy lâu và họ thấy phải cống hiến nhiều hơn bởi Bác nói “hiền dữ không phải là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên”. Gương điển hình ấy cần phải được giới thiệu và lan tỏa mạnh mẽ nhất là các gương tại chính nơi thanh niên học tập và làm việc.

     Đó là hướng thanh niên biết, làm theo lời Bác không phải tuyên truyền đạo đức chung chung mà cần giúp thanh niên biết rõ những quy tắc, chuẩn mực đạo đức trong cách ứng xử tại chính nơi thanh niên học tập và làm việc.

     Đó là bồi dưỡng, phát huy thanh niên sự hăng hái, xung phong của thanh niên bằng các hoạt động thiết thực gắn với chuyên môn của họ bởi như Bác từng dặn rằng nếu người có tài mà không dùng đúng tài của họ không được việc. Ví như “vườn rau thanh niên” là một công trình thanh niên nó sẽ rất hiệu quả với đơn vị này nhưng sẽ không phù hợp với đơn vị khác. Thiết nghĩ bất kỳ cơ quan, đơn vị nào cũng gặp những vấn đề khó khăn nhất định: làm sao xây dựng trường lớp đẹp, văn minh hơn, khách hàng biết đến mình, làm sao để chiêu sinh hiệu quả, làm gì để phục vụ khách hàng tốt hơn, làm sao để sản xuất nhiều sản phẩm, làm sao để sản phẩm chất lượng hơn…., theo đó khi thanh niên khi học tập và làm việc tại đó họ sẽ hiểu, có thêm những giải pháp để chia sẻ, xung phong đảm nhận góp phần tháo gỡ khó khăn ấy.

     Ba là, nâng cao chất lượng cán bộ đoàn – nhân tố quyết định làm nên sự thành công của việc “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau”

     Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: một khi đã có đường lối cách mạng đúng đắn thì cán bộ là khâu quyết định: “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”.  Do đó, hướng đến giá trị cốt lõi nhất của công tác Đoàn và phong trào thanh niên là đoàn kết, tập hợp thanh niên và giáo dục thanh niên việc lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ vô cùng quan trọng vì người đi giáo dục trước hết cần phải được giáo dục.

     Sinh thời, Bác dạy rằng lựa chọn cán bộ ta không nên căn cứ vào những điều kiện quá khắt khe, miễn là không phản lại quyền lợi dân chúng và phải luôn có đức, có tài “Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi, nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông Bụt không làm hại gì, nhưng cũng không có lợi gì cho loài người”. Như thế là đạo đức luôn là ưu tiên hàng đầu cho việc lựa chọn này bởi nếu cán bộ Đoàn “nói một đằng làm một nẻo”, kéo bè kéo cánh, đi muộn về sớm, đùn đẩy công việc thì không thể tập hợp thanh niên và càng không thể giáo dục họ. Học tập và làm theo di chúc của Bác là học để lựa chọn, thận trọng trong công tác cán bộ:

     “Một là, những người đã tỏ ra rất trung thành và hăng hái trong công việc, trong lúc đấu tranh.

     Hai là, những người liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu biết dân chúng, luôn luôn chú ý đến lợi ích của dân chúng.

     Ba là, những người có thể phụ trách giải quyết các vấn đề trong những hoàn cảnh khó khăn. Ai sợ phụ trách và không có sáng kiến thì không phải là người lãnh đạo. Người lãnh đạo đúng đắn là người khi thất bại không hoang mang, khi thắng lợi không kiêu ngạo, khi thi hành các nghị quyết thì kiên quyết, gan góc, không sợ khó khăn.

     Bốn là, những người luôn luôn giữ đúng kỷ luật”.

     50 năm thực hiện Di chúc của Bác là dịp để bản thân mỗi chúng ta, mỗi tổ chức nhìn nhận lại những công việc đã thực hiện được, chưa thực hiện được theo tâm nguyện của Người để lại. Học Bác là phải học suốt đời và có lẽ suốt đời cũng không thực hiện được hết những căn dặn của Bác nhưng nghĩ về Bác lòng ta trong sáng hơn, để thấy những điểm khuyết cần tự sửa chữa, khắc phục kịp thời trong tâm hồn mỗi người, trong bồi dưỡng thanh niên, trong lựa chọn đội ngũ thực hiện bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau trong tổ chức mình đó là một cách thực hiện Di chúc Bác hiệu quả.

Ths. Chu Thị Hiền

Phó trưởng phòng Hợp tác phát triển, trường Đoàn Lý Tự Trọng