Bài cảm nhận về bài báo Dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, về các gương điển hình Dân vận khéo ở cơ quan, đơn vị

     Tôi là một người làm công tác Dân vận như vô vàn đồng nghiệp khác. Nhìn lại quá trình và sự sự trưởng thành của vô vàn người làm công tác Dân vận mà tôi được biết, có thể nhìn thấy thành quả lớn lao mà công tác Dân vận đã tạo dựng được hết sức cụ thể. Qua công tác Dân vận, đó là sự lắng nghe, quan tâm, chia sẻ, vượt qua bao khó khăn thách thức để nỗ lực thực hiện hoàn thành những nhiệm vụ trên từng lĩnh vực kinh tế- chính trị – văn hóa – xã hội. Từ quá trình đó, người cán bộ Dân vận dần trưởng thành, thay đổi dần những hạn chế của bản thân, mà không biết từ lúc nào sự gần gũi, thấu hiểu, sâu sát với nhân dân trở thành đặc điểm trong không chỉ phong cách, tác phong mà còn trong cả nhân cách sống, khiến ai tiếp xúc cũng tin tưởng, yêu quý. Dù biết rằng hiện nay, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác Dân vận nói chung vẫn còn rất nhiều thách thức và hạn chế, tồn tại. Nhưng những cảm nhận từ thực tế sống và làm việc đó, với tôi mang theo cả niềm tin yêu, trân trọng đối với công tác Dân vận mà bản thân đã gắn bó là nghề, là nghiệp suốt hơn 10 năm qua. Việc cần làm đối với công tác Dân vận hiện nay là phải tiếp tục nhìn thấy, nhận ra những hạn chế, tồn tại để điều chỉnh, thay đổi sao cho thực sự hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu thực tế đang đặt ra.

     Vậy thì, công tác Dân vận hiện nay có những hạn chế gì?

     Trong tác phẩm Dân vận khéo, Bác đã căn dặn: “Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc”. Đó chính yêu cầu, là phẩm chất tiên quyết, có thể nói còn là nhân tố tạo nên sự khác biệt trong tính chất công việc người làm công tác Dân vận với công việc, nhiệm vụ khác như cán bộ hành chính, cán bộ văn thư,… Tuy nhiên, 70 năm trôi qua với biết bao thăng trầm, biến đổi trong đời sống xã hội, nhìn lại, ta vẫn có thể nhận thấy đây vẫn chưa là đặc điểm phổ biến, mà vẫn là hạn chế của người làm công tác Dân vận. Đối với công tác vận động, giáo dục thanh thiếu nhi, mảng đối tượng trẻ trung, tiếp thu nhanh với cái hay, cái mới thì sự thay đổi, “chuyển động” của cán bộ công tác thanh thiếu nhi cũng rất rõ nét. Sự năng động, thích nghi, chịu lắng nghe, chịu học hỏi… dễ nhận thấy ở từng cán bộ Đoàn-Hội-Đội đã khiến cho phong trào thanh thiếu nhi vẫn giữ được rất nhiều ưu điểm vượt trội trong thời đại hiện nay, được sự đánh giá, thừa nhận của các cấp ủy, của xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn cần quyết liệt, triệt để hơn nữa trong cơ chế thi đua, trong cách thực triển khai thực hiện các phong trào, hoạt động,… hàng năm hay cả nhiệm kỳ, giai đoạn. Bởi quá trình thực hiện vẫn cho thấy những “khập khễnh” trong chỉ đạo với thực tiễn đời sống, nhu cầu, mong muốn, nguyện vọng của thanh thiếu nhi. Làm sao để bệnh thành tích, tính hình thức trong tổ chức thực hiện phong trào thanh thiếu nhi thực sự được khắc phục, được xóa bỏ? Điều đó phụ thuộc vào bản thân từng người cán bộ cụ thể, tại từng địa phương, đơn vị cụ thể, họ chính là chủ thể quyết định cách thức, phương pháp, cách tiếp cận với nhu cầu, mong muốn của thanh thiếu nhi. Do đó, không thể chỉ cho rằng nguyên nhân từ các cấp chỉ đạo, định hướng mà yếu tố quyết định chất lượng Dân vận còn xuất phát từ chính mỗi bản thân cán bộ. Để người làm Dân vận có thể thực hiện được phương châm “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” phải dành cho họ khoảng thời gian, môi trường, điều kiện để họ suy ngẫm, thực hiện, để họ thực sự làm “Dân vận”. Khi thời gian hội họp, giải quyết các công việc hành chính, sự vụ sự việc, những công việc chung,… chiếm hầu hết quỹ thời gian, nguồn lực nhân sự và cả tài chính của các tổ chức làm công tác Dân vận thì thật khó khi họ chuyên tâm “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm

     Nhìn lại công tác thanh thiếu nhi chúng ta, việc giải đáp cho bài toán đoàn kết, tập hợp, giáo dục, bồi dưỡng cho thanh thiếu nhi trong điều kiện kinh phí, nhân lực, cơ chế, chính sách nhất định song song với ngày càng nhiều hơn thách thức, khó khăn… được giao cho những cán bộ trẻ, chưa trải qua nhiều kinh nghiệm thực tiễn, chưa nhuần nhuyễn tất cả phương pháp tham mưu, làm việc, vận động thanh thiếu nhi. Cho nên, thiếu sự dìu dắt, sâu sát, quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo cấp ủy, thì sẽ như Bác đã phân tích: “Khuyết điểm to ở nhiều nơi là xem khinh việc dân vận. Cử ra một ban hoặc vài người, mà thường cử những cán bộ kém rồi bỏ mặc họ. Vận được thì tốt, vận không được cũng mặc. Những cán bộ khác không trông nom, giúp đỡ, tự cho mình không có trách nhiệm dân vận. Đó là sai lầm rất to, rất có hại”.

     Những khó khăn trong công tác Dân vận đặt ra ngày càng nhiều hơn với tính chất ngày càng khó khăn, phức tạp hơn nữa. Chúng ta boăn khoăn, tìm kiếm giải pháp, và có một khuynh hướng được quan tâm nhiều đó chính là tìm kiếm các mô hình mới, cách làm hay. Đây là một hướng đi không sai. Nhưng dường như trong cách chúng ta tiếp cận, thực hiện đã khiến chúng ta không đi từ “gốc” của vấn đề khi chỉ hướng đến chọn mô hình hay về hình thức, tên gọi, có ý nghĩa trong thi đua, đánh giá kết quả thực hiện mà không đánh giá xem có gắn với nhu cầu, nguyện vọng của đối tượng mình vận động (như thanh thiếu nhi) hay thực tế địa phương, đơn vị của mình. Vậy thì tìm cái “gốc” ở đâu? Bác đã chỉ ra: “Điểm thứ hai là bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành. Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân. Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng”. Đó cũng chính là giải pháp triệt để, hiệu quả nhất trong công tác Dân vận.

     Nhân kỷ niệm 70 năm tác phẩm “Dân vận khéo” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thêm một lần nữa nhìn, ngẫm nghĩ về những phân tích hết sức thực tiễn và thấu đáo của người thầy trong công tác Dân vận như Bác, khiến ta thêm sáng tỏ về những hạn chế, thách thức trong hiện tại và cũng nhìn nhận, định hướng để chúng ta chọn lựa phương pháp, cách thức phù hợp cho công việc, cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.