Tháng 5 nhớ về tình cảm sâu nặng của Bác Hồ với thiếu nhi

     Trẻ em chính là tương lai của mỗi đất nước, dân tộc và là hạnh phúc của mỗi gia đình. Nhưng quan niệm và sự chăm lo, bảo vệ các em trong thời kỳ phong kiến, tại các nước tư bản và khi nước ta còn là thuộc địa, có nhiều điểm khác biệt so với chúng ta ngày nay. Bác Hồ đã viết bài thơ “Trẻ con” kể lại cho chúng ta:

Trẻ em như búp trên cành,

Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan,

Chẳng may vận nước gian nan,

Trẻ em cũng bị bận thân cực lòng.

Học hành, giáo dục đã không,

Nhà nghèo lại phải làm công, cày bừa.

Sức còn yếu, tuổi còn thơ,

Mà đã khó nhọc cũng như người già!

Có khi lìa mẹ, lìa cha,

Đi ăn ở với người ta bên ngoài.

Vì ai mà đến thế này?

Vì giặc Nhật với giặc Tây bạo tàn!

Khiến ta nước mất, nhà tan,

Trẻ em cũng phải cơ hàn xót xa.

     Bác cũng đã kể lại hoàn cảnh của thiếu nhi trên thế giới trong thời kỳ này: “Hãy lấy sự bóc lột trong các hầm mỏ Ấn Độ thuộc địa Anh làm ví dụ… năm 1921, ở Ấn Độ, có 252 hầm mỏ được khai thác. Các hầm mỏ đó dùng 42.000 phụ nữ và 1.171 trẻ em. Thế kỷ XX phải thấy những phụ nữ bước run run, đầu đội thúng than nặng màà vẫn phải bước vì đói, và những trẻ em từ 12 đến 13 tuổi bò trong những đường hầm chật hẹp, đi bằng bốn chân, vừa dùng răng kéo một thùng đầy”.

     Những quan niệm và sự quan tâm chưa đúng mức của xã hội trong thời kỳ này đã tác động mạnh mẽ tới sự hình thành những tư tưởng của Hồ Chí Minh về thiếu nhi. Nhìn lại suốt những năm tháng hoạt động cách mạng của Người, ta nhận ra rằng dường như trong tính cách Hồ Chí Minh, đặc điểm nổi bật nhất là vô cùng yêu quý thiếu nhi. Bác luôn dành những cử chỉ yêu thương và quan tâm đối với thiếu niên nhi đồng: Khi Bác hoạt động và ở cùng một gia đình tại Vân Nam Trung Quốc, Bác săn sóc cháu nhỏ thật chu đáo, hơn cả bố nó. Đêm Bác dậy mấy lần đắp chăn cho nó, Bác sờ bụng nó thấy ăn no mà giải rút buộc chặt thì lại nới ra. Thời kỳ ở Pác Pó,  Bác Hồ lấy cuốc dọn khe nước cạn, bắc nước đổ đầy chiếc thuyền độc mộc, rồi tự tay lần lượt tắm cho từng cháu một. Các cháu chơi nghịch đất cát, quần áo lem luốc, bẩn thỉu. Có cháu đầu bị trốc lở, tanh tưởi mà không có thuốc chữa chạy. Bác bảo đun nước nóng lên tắm giặt cho các cháu. Cả cháu bị trốc đầu, Bác cũng tự tay chữa chạy. Khi đến thăm Trại nuôi dạy trẻ mồ côi tỉnh Nam Định, tận mắt thấy các cháu không cha, không mẹ, gầy gò, xanh xao, Bác nghẹn ngào chẳng nói được nhiều. Bác dặn: “Dù còn thiếu thốn nhiều, nhưng phải tìm đủ thuốc men cho các cháu”. Ngày 19/12/1946 khi đại bác bắt đầu gầm lên ở Hà Nội, lời đầu tiên của Bác là: “Các chú đã kịp cho tất cả các cháu thiếu nhi đi tản cư chưa?”.

     Bác đã đi xa, để lại cho thiếu nhi Việt Nam vô vàn tình yêu thương, thông qua tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng về quyền con người, quyền công dân đối với trẻ em ở nước ta mới bắt đầu được chú trọng hơn. Những tư tưởng của Bác trong chăm sóc, bảo vệ và giáo dục thiếu niên nhi đồng chính là “khởi nguồn” hình thành nên quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước ta đối với thiếu nhi cho đến ngày nay.