Học tập sự tinh tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tổ chức, phát huy thanh thiếu nhi

     Năm mươi năm về trước (ngày 02/9/1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra đi, để lại nỗi tiếc thương vô hạn đối với đồng bào và chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế. Trước lúc ra đi, Người để lại Di chúc thiêng liêng, kết tinh trong đó những điều cốt lõi về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Di chúc không chỉ là trách nhiệm, mà còn là tình cảm thiêng liêng, sự trân trọng của mỗi đảng viên, cán bộ và nhân dân ta đối với Bác Hồ kính yêu trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay.

     Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho Đảng ta, nhân dân và dân tộc ta hệ thống di sản vô cùng phong phú và quý báu. Hệ thống di sản đó không chỉ được phản ánh trong các tác phẩm, văn phẩm, bài nói và viết, mà còn được thể hiện trong hoạt động thực tiễn sôi nổi và hết sức phong phú của Người. Di chúc để lại những điều căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Đảng cầm quyền và sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; về chăm lo đối với con người và thế hệ trẻ; về quản lý xã hội, chính sách xã hội, an sinh xã hội sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta giành thắng lợi. Di chúc là sự tổng kết lý luận và thực tiễn về sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và của dân tộc Việt Nam, là lý luận về đổi mới và tương lai phát triển của đất nước. Tư tưởng Hồ Chí Minh được phản ánh trong Di chúc, trước hết thể hiện rõ quyết tâm chiến lược của Đảng, nhân dân và các lực lượng vũ trang ta trong việc đánh bại chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Điều đầu tiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm, đó là căn dặn Đảng ta phải chăm lo củng cố sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, thường xuyên đổi mới và chỉnh đốn Đảng để có đủ sức mạnh và uy tín của người cầm lái, dẫn đường cho quần chúng hướng theo. Nhắc nhở trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên trong việc bảo vệ và củng cố, giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình, muốn có được sự đoàn kết chân thành và thực sự lâu dài thì phải “thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng.

     Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò cầm quyền và trọng trách lịch sử của Đảng, tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên trước Đảng và trước nhân dân. Nổi bật là “Trước hết nói về Đảng”, Người căn dặn: “…việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”.

     Đồng thời, Người yêu cầu phải chăm lo chu đáo tới đời sống vật chất và tinh thần cho mọi người dân, nhất là thực hiện chính sách “đền ơn, đáp nghĩa” đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với cách mạng sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành được thắng lợi. Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho thế hệ trẻ của đất nước tình yêu thương, sự quan tâm và niềm tin sâu sắc. Người căn dặn Đảng ta phải quan tâm chăm lo đào tạo, bồi dưỡng thế hệ kế tục sự nghiệp cách mạng cho đời sau. Người nêu rõ: “Đoàn viên thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Bác luôn dành những tình cảm tốt đẹp nhất đối với thế hệ thanh niên, thiếu nhi Việt Nam. Điều này một lần nữa được Bác khẳng định trong Di chúc với những tình cảm và sự quan tâm đặc biệt mà Bác đã dành cho thế hệ thanh niên, thiếu nhi Việt Nam.

     Học tập tư tưởng của Người, là một giáo viên Tổng phụ trách Đội tôi nhận thấy rằng bản thân cần phải đặc biệt quan tâm tới công tác giáo dục thiếu niên nhi đồng theo 5 điều Bác Hồ dạy, cải tiến tổ chức và đổi mới cách giáo dục, sao cho giữ mãi vẻ hồn nhiên cho các em, đừng để các em già trước tuổi. Bởi đó chính là nét tinh tế trong giáo dục, trong tư tưởng về tổ chức, phát huy thanh thiếu nhi của Hồ Chí Minh: “Cách dạy trẻ là phải cho chúng biết yêu Tổ quốc, thương đồng bào, yêu lao động, biết vệ sinh, giữ kỷ luật và học văn hóa. Đồng thời phải giữ cho toàn vẹn tính vui vẻ, hoạt bát tự nhiên, tự động, trẻ trung của chúng, chớ làm cho chúng trở nên già cả”. Trong tham mưu, thiết kế, tổ chức các hoạt động Đội tôi luôn suy ngẫm, trăn trở về những lời Bác dạy: “Hình thức là quan trọng, nhưng dạy các cháu phải là những điều thiết thực. Nếu chỉ nặng về hình thức là không nên, vì nó gây lãng phí nhưng lại không bổ ích gì cho xã hội”, “Dạy các cháu thì nói với các cháu chỉ là một phần, cái chính là phải cho các cháu nhìn thấy, cho nên những tấm gương thực tế là rất quan trọng”.

     Tôi luôn tâm niệm và không quên những căn dặn của Bác đối với cán bộ làm công tác thiếu nhi: “Nên yên tâm công tác, phải hiểu rằng không có công tác gì vẻ vang bằng việc chăm nom bồi dưỡng cho các cháu là những người chủ tương lai của nước nhà. Không nên đứng núi này trông núi nọ, muốn thay đổi công tác, kèn cựa vì địa vị. Phải thương yêu các cháu như con em ruột thịt của mình, không nên phân biệt các cháu vùng này, vùng khác”. Bản thân tôi với vai trò là Tổng phụ trách Đội, tôi luôn phải có trách nhiệm đối với các em nhi đồng, đội viên. Giáo dục các em thực hiện theo 05 điều Bác Hồ dạy. Giáo dục các em yêu Tổ quốc, phấn đấu trong học tập, lao động, yêu thương đoàn kết giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Xứng đáng là con ngoan, trò giỏi, đội viên xứng đáng là Cháu ngoan Bác Hồ.

Trần Thái Hà

Trường Tiểu học Trần văn Ơn, Quận Tân Bình

Học viên lớp D36, trường Đoàn Lý Tự Trọng