Tinh thần phục vụ nhân dân Trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

     Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là bản di chúc của một lãnh tụ để lại cho dân tộc. Di chúc được biên soạn công phu qua nhiều năm, sửa đi sửa lại nhiều lần, tuy nhiên lại vô cùng ngắn ngọn súc tích và có tính khái quát lớn.

     Bản Di chúc của Người chỉ vỏn vẹn ba trang đánh máy nhưng từ “phục vụ” được dùng đến 11 lần. Trong phần đề dẫn và phần viết về việc riêng, Bác nhấn mạnh hai lần cụm từ “phục vụ Tổ quốc, phục vụ Cách mạng, phục vụ nhân dân”. Đặc biệt, trong đoạn di chúc viết thêm vào tháng 5/1968, Bác viết: “việc cần làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ mà Đảng giao phí cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân.”

     Có thể nói rằng tinh thần phục vụ nhân dân là một tư tưởng xuyên suốt trong cuộc đời và sự nghiệp của chủ tịch Hồ Chí Minh. Và nay lại được thể hiện một lần nữa trong Di chúc của Bác.

     Nhân dân là ai?

     Trong di chúc Bác viết: “Nhân dân lao động ta ở miền cuôi cũng như ở miền núi đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái cần cù.” Trong đoạn di chúc viết thêm vào tháng 5/1968, sau khi dặn dò đảng viên toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân, Bác đã đề ra những công việc đối với con người. Theo đó, những đối tượng được Bác đặc biệt lưu ý gồm có thương binh, liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, chiến sĩ trẻ tuổi trong lực lượng vũ trang, phụ nữ, những nạn nhân của chế độ cũ và đồng bào là nông dân.

     Có thể thấy, nhân dân theo tư tưởng của Bác chính là con người. Dù là những người nông dân đã góp công góp của cho kháng chiến hay những kẻ trộm cắp, gái điếm, buôn lậu của chế độ cũ thì đều phải quan tâm đến, tác động đến theo những cách khác nhau nhằm giúp họ có cuộc sống tốt hơn.

     Thật vậy, nhân dân là tất cả mọi người xung quanh ta, là cha mẹ, anh chị, bạn bè của chúng ta. Ngay cả bản thân ta cũng chính là một người dân. Tinh thần phục vụ nhân dân là tinh thần phục vụ cho con người nói chung, nhưng cũng chính là phục vụ cho mình, cho gia đình bạn bè mình. Không có cái riêng an vui khi cái chung bất an và đau khổ.

     Nhân dịp nói về nhân dân, tôi xin nói thêm một chút về phong cách gần dân của Bác. Như tôi đã trình bày ở trên, nhân dân không ở đâu xa mà ở ngay xung quanh ta và cũng là chính bản thân ta. Vậy, gần dân chính là gần gũi hài hoà với mọi người xung quanh mình, thậm chí là gần với chính bản thân mình, trung thực thẳng thắn với chính mình.

     Có lẽ rất nhiều người trong chúng ta nhìn nhận rằng sống gần gũi hài hoà với những người xung quanh mình không có gì là khó. Chúng ta vẫn chào chú bảo vệ, cười với cô lao công, bắt tay với người đồng chí người bạn của mình. Chúng ta vẫn có bạn bè cùng chia sẻ những lo toan vất vả. Tuy nhiên, bản thân tôi nghĩ rằng, gần dân phải bao gồm cả sự thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ. Bên cạnh đó, một người thực sự gần dân là người có thể gần cả những người mình không thích, những người khác biệt so với số đông và cũng khác với chính bản thân mình. Tôi cho rằng việc thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ với một người mình quý mến hoặc một người giống mình không có quá nhiều khó khăn. Cái khó nằm ở chỗ chúng ta có thể tiếp xúc những người mình không thích, những người không giống mình để lắng nghe họ và thấu hiểu họ thì thực sự không đơn giản. Đó là chưa kể đến cảm thông chia sẻ hay lớn hơn là tinh thần phục vụ.

     Như vậy, muốn học tập Bác về tinh thần phục vụ nhân dân, trước hết cần xác định rõ nhân dân là ai. Xác định được đối tượng một cách đầy đủ và khách quan, chúng ta sẽ có thể đưa ra nhận định về đặc điểm và có phương pháp tiếp cận phù hợp.

     Tinh thần phục vụ nhân dân thể hiện trong di chúc của Bác.

     Tinh thần phục vụ nhân dân của Bác trước hết là xuất phát từ việc Bác hiểu rõ vai trò của nhân dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong Di chúc, Bác chỉ ra yếu tố then chốt giúp Đảng lãnh đạo nhân dân đấu tranh đi đến thắng lợi là “nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc”.

     Bác còn viết: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thực sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải gìn giữ Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.”

     Trong những lời căn dặn của Bác về Đảng, tinh thần phục vụ nhân dân thể hiện rất rõ. Có thể nói, phục vụ nhân dân, làm cho dân “ai cũng có cơ ăn áo mặc, ai cũng được học hành” là nguyện vọng lớn nhất của Bác, là mục tiêu Bác đi tìm con đường giải phóng dân tộc cũng là mục tiêu thành lập xây dựng Đảng. Vì vậy, Người đã chọn đi theo con đường của Lê-nin, xây dựng Nhà nước ta là Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Bởi vì Người tin rằng: “Chỉ có một tình hữu ái thật mà thôi  – tình hữu ái vô sản.”

     Khi nhắc đến đoàn viên và thanh niên, Bác đã dặn dò phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người vừa hồng vừa chuyên. Đặc biệt, “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Có thể nói, đối với đoàn viên và thanh niên, người chú trọng bồi dưỡng đạo đức cách mạng. Với người “có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Đức quan trọng nhất của một người cách mạng không có gì cao quý hơn là hết lòng hết sức phục vụ nhân dân.

     Cuối di chúc, khi nhắc đến việc riêng, Bác viết rằng: “Suốt cuộc đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là không được phục vụ nhiều hơn nữa, lâu hơn nữa”. Nhìn lại đời sống gia đình của Bác, mẹ mất khi cha đang bận việc nước ở xa, Bác vừa để tang mẹ vừa xin sữa nuôi em nhỏ. Rồi em nhỏ cũng mất. Lễ tang của cha, anh, chị Bác không hề được dự. Cả cuộc đời Bác chưa có một cơ hội đến thắp nén hương trên mộ cha. Đối với một người bình thường mà nói, nỗi đau mất đi người thân và nỗi ân hận không thể có mặt bên cạnh lúc người thân lìa đời thật sự rất khó xoá nhoà. Vậy tại sao Bác viết rằng cả cuộc đời Bác không có gì phải hối hận? Nhà thơ Tố Hữu từng viết trong bài Bác ơi một đoạn thơ tôi nghĩ đã nói giúp tiếng lòng cho Bác:

“Bác chẳng buồn đâu, Bác chỉ đau

Nỗi đau dân nước, nỗi năm châu

Chỉ lo muôn mối như lòng mẹ

Cho hôm nay và cho mai sau”

     Với trí tuệ sáng suốt và sự cảm nhận sâu sắc nỗi đau riêng không thể tách rời nỗi đau chung, Bác hiểu rằng vì đâu mà gia đình Bác phải chịu nỗi đau ly biệt. Bác hiểu trong hoàn cảnh đất nước bị xâm lược, nỗi đau này không phải là nỗi đau của riêng gia đình Bác mà là nỗi đau chung của hàng ngàn hàng vạn gia đình Việt Nam. Khi quyết định ra đi tìm đường cứu nước, chắc hẳn Bác đã chuẩn bị sẵn tâm lý cho nỗi đau ly biệt, có thể là ly biệt mãi mãi, không thể gặp người thân lại dù chỉ một lần. Nhưng Bác vẫn quyết tâm ra đi. Không thể có được sự an vui riêng khi nỗi đau chung vẫn còn đó. Con đường của Bác, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp cũng là giải phóng cho chính mình, cho những phận đời cùng khổ như mình. Vì vậy, dù chúng ta đều nhìn nhận rằng Bác đã hy sinh cả cuộc đời mình cho Tổ quốc, cho dân tộc, nhưng bản thân Bác lại không hề dùng hai chữ “hy sinh” để nói về mình. Với Bác, phục vụ nhân dân tức là đã phục vụ cho chính mình.

     Khi dặn dò về hậu sự cho mình, Bác yêu cầu thi hài Bác được hoả táng và mong rằng sau này cách hoả táng sẽ được phổ biến. “Vì như thế, đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng. Khi có nhiều điện thì “điện táng” càng tốt”. Bác lại viết “chớ nên tổ chức phúng điếu linh đình tránh lãng phí thì giờ và tiền bạc của dân”. Cả cuộc đời Bác, phục vụ nhân dân thực sự là mục tiêu là lý tưởng. Cái gì có lợi cho dân thì nhất quyết làm – dù đó là đề nghị hoả táng thi thể của mình sau khi mình mất. Cái gì có hại cho dân thì nhất quyết tránh, một đồng của dân cũng không muốn dùng vào việc tổ chức phúng điếu cho mình.

     “Ôi phải chi lòng được thảnh thơi

     Năm canh bớt nặng nỗi thương đời

     Bác ơi tim Bác mênh mông thế

     Ôm cả non sông, mọi kiếp người”.

     Học tập tinh thần phục vụ nhân dân trong di chúc của Bác.

     Đối với tôi, là một cán bộ phòng Hành chính – Tổ chức, công việc của tôi là góp phần phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cán bộ Đoàn – Hội – Đội của nhà trường. Học tập tinh thần phục vụ nhân dân trong di chúc Bác, tôi thiết nghĩ bản thân mình cần làm tốt mấy việc như sau:

     Một là, trong công việc, bản thân xác định mình cần phải hài hoà gần gũi với tất cả đồng nghiệp, học viên và những người có mối liên hệ công tác với nhà trường. Cần phải chú trọng tìm hiểu và chia sẻ với những người có quan điểm khác mình. Từ kết quả tìm hiểu đó, bản thân cố gắng xây dựng tính kết nối giữ mình và mọi người để cùng nhau xây dựng tinh thần đoàn kết nội bộ và tình hữu ái tốt đẹp trong một tập thể.

     Hai là, cần nâng cao sự chuyên nghiệp trong quá trình thực hiện từng công việc được giao, thể hiện tinh thần và thái độ phục vụ cán bộ, giáo viên, học viên trong giải quyết công việc sự vụ liên quan đến chuyên môn của bản thân. Thấy việc gì có lợi cho hoạt động chung của nhà trường thì cố gắng hết sức làm, việc gì có hại cho hoạt động chung thì cố gắng hết sức tránh.

     Ba là, bản thân phải tự ý thức được công việc mình làm phục vụ cho hoạt động chung của nhà trường cũng là phục vụ cho chính bản thân mình; sự phát triển chung của nhà trường luôn đồng hành với sự phát triển của chính mình. Với nhận thức như vậy, bên cạnh những phần việc được giao, bản thân có sự chủ động đề xuất tham gia vào phần việc chung phù hợp với khả năng nhằm đóng góp một cách có trách nhiệm nhất cho công tác chung của nhà trường.

Phạm Thị Hạnh

Phòng Hành chính – Tổ chức, trường Đoàn Lý Tự Trọng