Tinh thần quả cảm của anh hùng Lý Tự Trọng: lời hiệu triệu cho tuổi trẻ Thành phố mang tên Bác hôm nay

     Quá trình hình thành và phát triển của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng đầy gian khổ nhưng hết sức vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Tự hào về Đoàn, chúng ta  rất tự hào, thân quen khi nhắc về Anh hùng liệt sĩ Lý Tự Trọng – người được Bác Hồ trực tiếp dìu dắt từ tuổi thiếu niên, sau này trở thành người đoàn viên thuộc lớp đầu tiên. Tên của đồng chí Lý Tự Trọng, lịch sử Đoàn ghi ngay ở dòng đầu tiên cùng với câu nói nổi tiếng của anh trước tòa án thực dân “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác”,  như là một chân lý, có sức hiệu triệu thôi thúc hàng triệu đoàn viên, thanh niên qua các thế hệ trẻ cùng nhau làm nên những chiến công vang dội trong lịch sử dân tộc.

     1. Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định nơi đặt chân lên đầu tiên của người thanh niên yêu nước Lý Tự Trọng khi về Tổ quốc.

     Trong những năm 30 của thế kỷ XX, Sài Gòn Chợ Lớn Gia Định (nay là thành phố Hồ Chí Minh) là nơi tụ hội nhiều bậc tiền bối cách mạng, nhiều người yêu nước; nơi đùm bọc, chở che cán bộ của Đảng hoạt động giữa sào huyệt của kẻ thù. Khi về nước, Anh Lý Tự Trọng được giao nhiệm vụ làm liên lạc bí mật cho Đảng, vừa tuyên truyền cho Đoàn, vận động thanh niên tại nơi mà Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định chuyển trụ sở của Trung ương vào sau Hội nghị Trung ương lần thứ nhất (tháng 10 năm 1930), bởi đây là một thành phố lớn, thuận lợi cho việc liên lạc với nhiều tổ chức Đảng của các nước, với Quốc tế Cộng sản, nhất là với Hương Cảng (Trung Quốc), Marseille (Pháp) bằng đường thủy; đặc biệt Sài Gòn Chợ Lớn Gia Định là địa bàn có cơ sở quần chúng mạnh và phong trào đấu tranh sôi sục, gan góc, đọ sức về mưu lược, về trí tuệ liên tục của công nhân, nông dân, các giới cho dù thực dân Pháp đàn áp, khủng bố ác liệt.

     Chính vì vậy, theo lời kêu gọi của Trung ương Đảng về đẩy mạnh đấu tranh ủng hộ, phối hợp với phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, ngăn chặn khủng bố đẫm máu của thực dân thống trị; công nhân, nông dân, học sinh Sài Gòn Chợ Lớn Gia Định liên tục đấu tranh. Công nhân[1] tổ chức bãi công, đòi tăng lương, giảm giờ làm việc, chống đánh đập thợ, đòi tự do hội họp, biểu tình, bãi công; Nông dân[2] biểu tình chống khủng bố, bắt bớ, giết người, phá nhà, đốt hồ sơ; Học sinh[3] bãi khóa, rãi truyền đơn phản đối bắt bớ, đuổi học học sinh, kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga; Tiểu thương[4] bãi chợ chống thuế cao, chống độc quyền kinh doanh,… Thực dân thống trị điên cuồng lùng sục, đàn áp, bắt bớ.

     Cuộc mít tinh ngày 08 tháng 02 năm 1931 tổ chức theo chỉ đạo của Xứ ủy Nam Kỳ để kỷ niệm một năm cuộc khởi nghĩa Yên Bái, diễn ra trong bối cảnh sôi sục đấu tranh ấy; những phát súng của anh Lý Tự Trọng nổ ra để bảo vệ người cán bộ đang diễn thuyết bên lá cờ đỏ giương lên trước đám đông quần chúng tại đường Larégnère (nay là đường Trương Định) đã tiêu diệt tên cò thực dân cáo già, nhưng anh Lý Tự Trọng không kịp thoát khỏi vòng vây dày đặc của mật thám Pháp..

     2. Tinh thần quả cảm của Anh hùng liệt sĩ Lý Tự Trọng

     Thực dân pháp dùng mọi nhục hình man rợ để tra tấn Anh, hòng moi được bí mật, nhằm đánh phá Đảng ta, dù cho “mặt anh đẫm máu, hai mắt rũ xuống, máu còn ứ ra mồm ra tai, vậy mà một mực không nói nửa lời. Thật can đảm lạ lùng!…”[5] như nhà báo, nhà văn tiến bộ Pháp André Violis đã miêu tả, ca ngợi Anh trong “Đông Dương kêu cứu” (Indochine S.O.S).

     Tinh thần quả cảm của Anh trong bảo vệ Đảng, bảo vệ bí mật các cơ quan của Đảng đã thể hiện tinh thần gan thép, kiên trung, giữ vững khí tiết, hiên ngang đối mặt trước mọi cực hình. Tinh thần quả cảm của Anh đã tố cáo, góp phần vạch trần chính sách thực dân tàn bạo, chế độ cai trị hà khắc, hành vi tra tấn man rợ trong nhà tù không chỉ với Nhân dân ta, mà trực tiếp với Nhân dân Pháp, với những người Pháp có lương tri. Vụ án Anh Trọng đã trở thành một vấn đề quốc tế vào thời điểm đó.

     Tinh thần quả cảm của Anh làm bọn đầu sỏ thuộc địa lúng túng, đưa Anh ra tòa đại hình Sài Gòn xét xử, kết tội dù lúc đó anh mới tuổi 17 và thực dân Pháp đã hèn hạ sát hại Anh rạng sáng ngày 21 tháng 11 năm 1931. Trong xà lim tử hình Anh vẫn lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng, đọc Truyện Kiều, tập thể dục. Bọn lính canh cảm phục, kính nể gọi Anh là ÔNG NHỎ.

     Tinh thần quả cảm của Anh được hình thành từ quê hương Hà Tĩnh giàu truyền thống yêu nước, cách mạng, từ cộng đồng người Việt ở Đông Bắc Thái Lan; đặc biệt, được tích tụ, vun đắp bởi sự chăm sóc, bồi dưỡng, dìu dắt trực tiếp của Bác Hồ về lý tưởng cách mạng, con đường cách mạng, phương pháp cách mạng, qua lĩnh hội tác phẩm “Đường Kách mệnh” của Bác; tinh thần quả cảm đó được bồi đắp, hun đúc trong thực tiễn công tác cách mạng, trong các tập thể, từ những tấm gương chiến đấu, hy sinh của các chiến sĩ cách mạng, những người yêu nước.

     3. Tuổi trẻ hôm nay tiếp bước xứng đáng con đường cách mạng

     Noi gương Anh, các thế hệ thanh niên “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”, đầu trần, chân đất với giáo mác và gậy tầm vông theo lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ quyết đem xương máu bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc. Tiêu biểu là Võ Thị Sáu, Cù Chính Lan, Mạc Thị Bưởi, Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện. Noi gương anh, các thế hệ thanh niên “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Vai trăm cân, chân nghìn dặm”, “Là người, xin một lần khi nằm xuốn, Nhìn anh em đứng lên cắm cao ngọn cờ”, khắc ghi trong lòng chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

     Noi gương Anh trong chặng đường 20 năm “Tay búa, tay súng”, “Tay cày, tay súng” quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, nhiều đồng chí đã ngã xuống hiến dâng đời mình cho Tổ quốc. Noi gương Anh, trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, đứng trước sự thách thức sống còn của dân tộc, tuổi trẻ Việt Nam với tinh thần quả cảm tổ chức nhiều phong trào hành động cách mạng. Tiêu biểu như: Phong trào thanh niên tình nguyện vượt mức kế hoạch năm năm lần thứ nhất (1961 1965), phong trào “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong”, “Quyết thắng”… Tiêu biểu cho thế hệ trẻ là Nguyễn Viết Xuân, Nguyễn Văn Trỗi, Quách Thị Trang, Lê Minh Quới, Trần Quang Cơ, Hồ Hảo Hớn, Trang Văn Học và hàng trăm anh chị trẻ tuổi khác đã được Nhà nước ta phong anh hùng.

     Con đường cách mạng đó được tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh tiếp nối một cách xứng đáng khi đất nước bước vào giai đoạn cách mạng mới sau ngày toàn thắng, đất nước thống nhất, non sông thu về một mối. Bằng sức trẻ, sự trui rèn trong những ngày tranh đấu, bằng trí tuệ và sự dẫn dắt từ lý tưởng của người đoàn viên đầu tiên của tổ chức Đoàn – Anh hùng liệt sĩ Lý Tự Trọng tuổi trẻ thành phố đã từng bước trưởng thành, đóng góp xứng đáng cho sự đi lên của thành phố, của đất nước trong gần 45 năm qua.

     Tấm gương chiến đấu, xả thân, hy sinh vì lý tưởng cách mạng của Anh Lý Tự Trọng và những anh hùng, liệt sĩ luôn dẫn dắt, thúc giục tuổi trẻ thành phố, hình thành những lớp đoàn viên mang tên Anh, đến với những khóa bồi dưỡng tại ngôi Trường Đoàn mang tên Anh của Khu Đoàn Sài Gòn Gia Định ra đời trong giai đoạn quyết liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, ngôi trường dù phải di dời qua nhiều căn cứ trong mưa bom, bão đạn, trong đó có địa điểm cách trung tâm thành phố 40 km. Đến nay, hơn 45 năm hình thành và phát triển, trường Đoàn Lý Tự Trọng không chỉ hoàn thành nhiệm vụ trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn, Hội, Đội của thành phố, mà còn tham gia đào tạo và hỗ trợ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, nhất là khu vực miền trung, tây nguyên, đông và tây nam bộ. Trong 45 năm hoạt động, Trường Đoàn Lý Tự Trọng đã đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho hơn 200.000 lượt cán bộ Đoàn, Hội, Đội, các học viên của Trường Đoàn Lý Tự Trọng đã góp phần quan trọng trong công tác của Đoàn, Hội, Đội và phong trào thiếu nhi thành phố và các tỉnh thành khác.

     4. Vững tin theo con đường cách mạng trong thời kỳ mới.

     Hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 3 triệu thanh niên và sẽ tiếp tục tăng cơ học trong thời gian tới, đây là lực lượng có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của thành phố. Trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế sâu rộng càng đòi hỏi việc xác định lý tưởng, lẽ sống của từng bạn trẻ là thiết thân; không chỉ lập nghiệp, khởi nghiệp cho bản thân; xây dựng lý tưởng cao đẹp là nền tảng, là kim chỉ nam cho hành động, ứng xử của mỗi bạn trẻ; lý tưởng nuôi dưỡng khát vọng tốt đẹp, là điểm tựa tinh thần cho những lúc gian nan để sống đẹp, có ích và cống hiến cho Tổ quốc.

     Với vai trò là tổ chức chính trị xã hội của thanh niên thành phố Hồ Chí Minh, phát huy lý tưởng cách mạng, tinh thần quả cảm của đồng chí Lý Tự Trọng đến đoàn viên, thanh niên Thành phố và cụ thể hóa mục tiêu xây dựng và phát triển Thành phố, Ban Thường vụ Thành Đoàn xác định các nhiệm vụ để thực hiện tốt công tác giáo dục lý tưởng cách mạng của thanh niên trong thời kỳ mới bằng những nhận thức và hành động cụ thể. 

     Một là, giáo dục thế hệ trẻ yêu Tổ quốc, yêu Nhân dân, yêu Gia đình gắn với lòng tự tôn và tự hào dân tộc, gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc. Chỉ có tình yêu quê hương, đất nước mới thôi thúc thế hệ trẻ hướng đến những mục tiêu cao cả, vì đất nước, vì Thành phố. Chỉ có xây dựng gia đình hạnh phúc mới là nền tảng để giáo dục lý tưởng cách mạng hiệu quả cho đoàn viên, thanh thiếu nhi Thành phố. Niềm tự hào, gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc sẽ là sợi dây kết nối đoàn viên, thanh niên thành phố chung tay, góp sức vào công cuộc xây dựng và phát triển Thành phố ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác hằng mong muốn. Thông qua các phong trào hành động cách mạng hàng năm, Ban Thường vụ Thành Đoàn  đã tập trung chỉ đạo và thực hiện nhiều mô hình, giải pháp, công trình mang ý nghĩa thiết thực, hiệu quả để giáo dục cho thế hệ trẻ tình yêu quê hương, đất nước như: Liên hoan các nhóm văn nghệ tuyên truyền, Cuộc thi Tự hào Sử Việt, Thực hiện công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, tổ chức “Hành trình đến các địa chỉ đỏ”, “Hành trình đến bảo tàng”, Lễ thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sĩ, đẩy mạnh các hoạt động chăm lo cho nhân dân vùng căn cứ của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TP.Hồ Chí Minh thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các chương trình, chiến dịch tình nguyện vì cộng đồng (Xuân Tình nguyện, Mùa hè xanh, Hành Quân xanh, Kỳ Nghỉ hồng, hoa Phượng đỏ, Tiếp Sức mùa thi)…

     Hai là, phát huy vai trò của Đảng viên trẻ, cán bộ Đoàn, đoàn viên trên mặt trận tư tưởng, tích cực học tập trau dồi nâng cao nhận thức, mài sắc tư duy lý luận để bảo vệ tư tưởng, đường lối của Đảng. Xây dựng tổ chức Đoàn vững mạnh từ cấp Thành đến cơ sở, phát huy tốt vai trò của lực lượng nòng cốt, cốt cán chính trị của các cấp bộ Đoàn, trước hết là vai trò của người thủ lĩnh thanh niên trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Hiện nay, các cấp bộ Đoàn Thành phố đang thực hiện xây dựng phong cách cán bộ Đoàn với các tiêu chí “Gương mẫu”, “Trách nhiệm”, “Năng động”, “Sáng tạo”, “Dám nghĩ, biết làm, gần gũi, gắn bó mật thiết với thanh niên”, “Ham học hỏi”,  “Có kỹ năng phù hợp”. Đội ngũ cán bộ Đoàn thành phố nhiều năm qua thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, khả năng lý luận, đúc kết những vấn đề từ thực tiễn công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi thành phố. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Thành Đoàn cũng tổ chức nhiều chương trình đào tạo, tập huấn, nâng cao kiến thức, ý thức, trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức về công tác bảo vệ bí mật Nhà nước, bảo vệ chính trị nội bộ trên không gian mạng; chủ động phòng ngừa, phát hiện và phối hợp với cơ quan chức năng phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ việc để lộ, lọt bí mật Nhà nước. Phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

     Các đồng chí đảng viên trẻ cần nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu cả trong nhận thức và hành động, cả trong học tập và rèn luyện, với tinh thần và khí phách của những người cộng sản trẻ, sẵn sàng đi đầu và hoàn thành xuất săc mọi nhiệm vụ được giao. Cần nâng cao vai trò hạt nhân nòng cốt của mình, vừa tiên phong, gương mẫu, vừa tìm tòi, sáng tạo ra các mô hình hay, giải pháp tốt cho Đoàn Hội Đội, cho địa phương, đơn vị nơi mình học tập, công tác. Đảng viên trẻ cũng là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, tích cực học tập trau dồi nâng cao nhận thức, mài sắc tư duy lý luận để bảo vệ tư tưởng, đường lối của Đảng.

     Ba là, giáo dục thế hệ trẻ Thành phố về tinh thần hiếu học, ý chí học tập, rèn luyện bản thân để nâng cao trình độ về mọi mặt. Quá trình xây dựng và phát triển thành phố trong giai đoạn hiện nay rất cần những công dân thế hệ mới, có trình độ học vấn, chuyên môn cao, có ý chí nghị lực vươn lên, có tác phong, bản lĩnh và đạo đức cách mạng. Nhận thức sâu sắc ý nghĩa đó, Ban Thường vụ Thành Đoàn thường xuyên tổ chức các hoạt động tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để hỗ trợ thanh thiếu nhi trong việc học tập ngoại ngữ, tin học. Trong nhiều năm qua các cấp bộ Đoàn toàn thành phố đã phát triển đa dạng các loại hình câu lạc bộ, đội, nhóm học thuật, các cuộc thi, sân chơi học thuật trong trường học, thường xuyên tổ chức Liên hoan Câu lạc bộ, đội, nhóm học thuật sáng tạo tại các trường Trung học phổ thông trên đia bàn Thành phố. Tích cực vận động học tập và thi cử trung thực trong thanh thiếu nhi. Đầu tư các giải pháp, hoạt động hỗ trợ đoàn viên, thanh niên học tập, học nghề, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp. Tổ chức các hội thi, sân chơi về chuyên môn, nghiệp vụ, thi tay nghề, thi thợ giỏi, hỗ trợ thi các chứng chỉ cần thiết cho học sinh, công nhân, lao động trẻ. Khuyến khích thanh thiếu nhi Thành phố đề xuất ý tưởng, sáng kiến nhằm nâng cao chất lượng học tập, nghiên cứu khoa học, chú trọng nghiên cứu, phát triển các đề tài có tính ứng dụng thực tiễn cao; kết nối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ thực hiện các ý tưởng sáng tạo của thanh niên.

     Kỷ niệm 105 năm ngày sinh Anh hùng liệt sĩ Lý Tự Trọng người đoàn viên cộng sản đầu tiên là dịp để mỗi thanh niên thành phố Hồ Chí Minh hôm nay ra sức học tập, rèn luyện và thi đua lao động, sản xuất để  xây dựng và phát triển đất nước, cho sự vững mạnh của tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh bằng những công trình, sản phẩm, phần việc cụ thể,góp phần xây dựng một Việt Nam hùng cường, xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Ban Thường vụ Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh 

 

     Tài liệu tham khảo:

  1. “Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh”, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật Hà Nội, 2014.
  2. “Lý Tự Trọng sống mãi tên Anh”, Văn Tùng, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2009.
  3. “Mỗi thanh niên dù ở thời kỳ nào, giai đoạn nào cũng cần lựa chọn, xác định và kiên định cho mình lý tưởng sống”, đồng chí Nguyễn Văn Đua, Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, nguyên Bí thư Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh; Hội thảo “Tinh thần Lý Tự Trọng và con đường cách mạng của thanh niên thời kỳ mới” năm 2014 của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
  4. “Tấm gương Lý Tự Trọng mãi ngời sáng, soi đường cho các thế hệ thanh niên Việt Nam”, đồng chí Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Bí thư Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh; Hội thảo “Tinh thần Lý Tự Trọng và con đường cách mạng của thanh niên thời kỳ mới” năm 2014 của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

     [1] Kỷ niệm ngày chống chiến tranh đế quốc ngày 01 tháng 8 năm 1930 đã nổ ra hai cuộc bãi công ở Hãng rượu Fontaine (Bình Tây) và ở Công ty dầu lửa Pháp – Á (Nhà Bè), công nhân hãng rượu treo cờ đỏ lên nóc nhà và trước cửa Văn phòng chủ hãng.

     Tháng 9 năm 1930 có hai cuộc bãi công của công nhân in APAS, công nhân Công ty Standard Oil Nhà Bè.

     Tháng 10 có ba cuộc bãi công của công nhân Nhà đèn Chợ quán, công nhân xưởng cưa Đông Á, Vĩnh Hội và công nhân Hãng Đông Á, Khánh Hội.

     Rất nhiều cuộc mitting, diễn thuyết trên đường phố.

     [2] Tháng 9 năm 1930 có 24 cuộc biểu tình, tháng 10 có 11 cuộc; tháng 11 có 13 cuộc biểu tình của nông dân Gia Định – Chợ Lớn; mỗi cuộc chừng 50 – 70 hoặc 100 người, cao nhất là 500 người ở Tân Thới Tây (29 tháng 9 năm 1930); trong 24 cuộc của tháng 9 thì có 11 cuộc phá nhà việc, đốt hồ sơ.

     [3] Chỉ trong nửa tháng 10 năm 1930, học sinh trường Huỳnh Công Phát (cầu Ông Lãnh) bốn lần bãi khóa phản đối việc học sinh bị bắt, bị đuổi học “vì tham dự các cuộc mítting của cộng sản”. Ngày 07 tháng 11 năm 1930, Kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga, bên ngoài nhiều trường, cả trường Pétrus Ký, Nữ học, Huỳnh Khương Ninh,… đều có học sinh rãi truyền đơn cách mạng.

     [4] Các chợ Bà Quẹo, Tân Sơn Nhì, Phú Lâm bãi chợ vào đúng ngày 07 tháng 11 năm 1930.

     Xem Lịch sử Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị Quốc gia – Sự thật Hà Nội, 2014, tr.79, 80, 81, 82, 84.

     [5] Dẫn theo “Lý Tự Trọng sống mãi tên Anh”, Văn Tùng, Nxb Thanh niên 2009, tr.116.