Luật Thanh niên phải rõ ràng, nêu được đặc thù riêng
Sáng 11.9, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội phối hợp với Bộ Nội vụ tổ chức tọa đàm “Tình hình thực hiện luật Thanh niên 2005 và những kiến nghị cho luật Thanh niên sửa đổi”
Mở đầu buổi tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Hưng, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, cho biết sau 13 năm thực hiện, luật Thanh niên đã bộc lộ những điểm chưa hợp lý, chưa đảm bảo tính đồng bộ, tính hệ thống, tính logic giữa các phần và chế định của luật.
Một số quy định chưa rõ ràng, chính sách được quy định nhưng chưa có nguồn lực đảm bảo, gây khó khăn trong thực tiễn. Bên cạnh đó, nhiều văn bản pháp luật đã được sửa đổi khiến luật Thanh niên 2005 không còn phù hợp và cần phải sửa đổi để phù hợp với yêu cầu mới.
Trao quyền cho thanh niên nhiều hơn
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã đóng góp ý kiến tập trung vào việc làm rõ vai trò, quyền lợi, trách nhiệm của thanh niên, nguồn lực triển khai và một số khái niệm được quy định trong luật Thanh niên.
Đại diện nhóm Tư vấn thanh niên, chị Nguyễn Thị Phương mong muốn luật Thanh niên sẽ trao quyền cho thanh niên nhiều hơn. “Chúng tôi kiến nghị có 1 chương riêng với nhiều điều để quy định về quyền của thanh niên. Luật sẽ không đặt thêm nghĩa vụ nào cho thanh niên ngoài những điều Hiến pháp đã quy định. Thay thế chương về trách nhiệm của thanh niên thành một điều khoản mang tính nguyên tắc”. Một thành viên khác của nhóm Tư vấn thanh niên là anh Đoàn Thanh Tùng cho rằng, cần đưa giáo dục kỹ năng sống vào trong luật Thanh niên.
Anh Nguyễn Tấn Dũng, Viện Nghiên cứu Thanh niên, cho rằng nên xây dựng luật Thanh niên dựa trên các yếu tố tham chính, giáo dục, việc làm, sức khỏe và bình đẳng giới
Ông Trương Anh Tuấn, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định, đề nghị xem lại một số khái niệm về độ tuổi của thanh niên, khái niệm nhóm thanh niên đặc thù và làm rõ về kinh phí cho công tác thanh niên. “Chúng ta quan tâm đến thanh niên nhưng chưa có quy định cụ thể về kinh phí cho phát triển thanh niên. Ví dụ, nếu trong luật quy định là dùng 0,5% ngân sách làm quỹ cho các hoạt động của thanh và số tiền này giao cho ủy ban nhân dân quản lý thì các tổ chức đoàn thể thanh thiếu niên có cái để trông vào. Chứ không như hiện nay, cứ xin việc gì lại nói làm gì có nguồn”.
Không ai bị bỏ lại
Các đại biểu cho rằng, dự thảo luật Thanh niên sửa đổi còn dài dòng, thiếu tính minh bạch, chồng chéo so với nhiều bộ luật khác. Ông Trần Văn Tiến, đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị: “Cái gì quy định cụ thể được trong luật thì nên cụ thể chứ cứ ra luật rồi giao cho Chính phủ quy định chi tiết thì không được. Việc ra một văn bản hướng dẫn thi hành mất nhiều thời gian lắm”.
Ông Trần Văn Lâm, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang cho rằng: “Dự thảo Luật sửa đổi còn ôm nhiều thứ, không minh bạch, trùng lặp với nhiều luật khác. Điều này gây khó khăn cho việc đánh giá, kiểm điểm thực hiện luật. Ví dụ như quyền và nghĩa vụ của thanh niên thì chính là quyền và nghĩa vụ của công dân rồi còn gì. Điều đó khiến luật Thanh niên mờ nhạt. Cần phải nghiên cứu xây dựng đặc thù riêng của thanh niên để đưa vào”.
Anh Nguyễn Tấn Dũng, Viện Nghiên cứu Thanh niên, cho rằng nên xây dựng luật Thanh niên dựa trên các yếu tố phát triển thanh niên. Đó là tham chính, giáo dục, việc làm, sức khỏe và bình đẳng giới.
Một số đại biểu khác mong muốn làm rõ thêm trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc áp dụng luật. Vấn đề về thanh niên đồng giới, xu hướng tình dục cũng được đề nghị làm rõ hơn là nêu chung chung.
Ông Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nêu các nhóm vấn đề cần tiếp thu và làm rõ khi xây dựng luật Thanh niên sửa đổi
Đáng chú ý, đại diện cho Quỹ Dân số liên hợp quốc tại Việt Nam, bà Astrid Bant mong muốn luật Thanh niên xóa đi khoảng cách giữa các nhóm thanh niên để không ai bị bỏ lại, quan tâm nhiều hơn đến các nhóm thanh niên đặc thù như thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên xung phong, thanh niên có tài năng, thanh niên khuyết tật, nhiễm HIV/AIDS, nghiện ma túy…
Sau khi lắng nghe các ý kiến, ông Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cho biết các vấn đề cần tiếp thu và làm rõ cụ thể, gồm: chính sách về đối thoại; trách nhiệm của thanh niên; trách nhiệm của nhà nước, bộ máy tổ chức, gia đình, với thanh niên; cơ chế, chế tài giám sát với thanh niên; cân bằng giữa quyền lợi và trách nhiệm của thanh niên…
Ông Nguyễn Văn Tuyết, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, cho biết sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến để xây dựng bộ luật được đánh giá là rất khó này.
Nguồn: Báo Thanh niên online