Những ngày tháng Tư nóng bỏng
Tiếng bom pháo bỗng nhiên im bặt. Trời trong xanh không một chiếc máy bay nào đảo lượn, gầm rú như thường nhật.
Một tiếng súng nhỏ, lẻ tẻ cũng không nghe. Tôi cảm thấy lòng nhẹ nhỏm, bình yên đến như xa lạ, chưa từng có bao giờ. Nhưng không có thì giờ để lắng nghe, để cảm nhận. Tôi phải nhanh chóng tổ chức công việc, bày vẽ mọi chuyện.
Phải bám sát tình hình đang còn ngổn ngang, lộn xộn, và phải sắp xếp để ai nấy trong trách nhiệm của mình đều định hướng được và mọi hoạt động trôi chảy.
Đó là mấy suy nghĩ đầu tiên khi tôi cùng các đồng chí của mình đã vào chiếm xong trụ sở chính quyền Quận 11 của chế độ cũ.
Đồng chí Phạm Chánh Trực – tác giả bài viết. Ảnh: Tư liệu Thành Đoàn
Với tư cách là Bí thư Ban cán sự, tức Bí thư Quận ủy, tôi yêu cầu các cơ sở bí mật tại địa bàn nhanh chóng kéo quân đi chiếm lĩnh toàn bộ chính quyền các Phường, Khóm, với vài khẩu súng AK còn thì dùng súng địch ngổn ngang vừa bỏ chạy.
Quần chúng cũng được trang bị và sung vào tổ, đội. Chỉ trong buổi sáng đến xế chiều ngày 30 tháng 4 thì tại Quận 11 quân ta đã nắm chắc mọi tình hình trên địa bàn phụ trách và đương nhiên mỗi đồng chí Quận ủy là một “Chủ tịch Ủy ban cách mạng” tại chỗ được phân công, dù không có giấy tờ gì “bổ nhiệm” cả. Rồi thu nhận súng ống, phương tiện chiến tranh dồn đống vào một gian nhà nào đó.
Đặc biệt trên địa bàn quận có nhiều kho quân nhu, hậu cần “quân tiếp vụ” của địch. Lập tức phát gạo cho dân. Ta biết rằng Sài Gòn đã bị đói từ mấy năm cuối chiến tranh, đói đến mức có gia đình uẩn bách tự tử bằng thuốc trừ sâu trộn với cháo cho con cùng ăn. Gạo đến dân bất ngờ tạo ra niềm phấn khởi tưng bừng cả xóm nghèo.
Từ cuối năm 1974 và đầu năm 1975, Thành Đoàn được chỉ thị chuẩn bị tham gia nổi dậy khởi nghĩa trong nội thành: Tổ chức lực lượng bám sát các khu xóm lao động nhằm phát động khởi nghĩa ở 5 khu vực trọng yếu và rất khó thâm nhập từ ngoài là Bàn cờ Vườn Chuối (Quận 3), Cầu Bông – Gia Định, Phú Nhuận (Gia định), Khánh Hội, Vĩnh Hội (Quận 4) và Tân Sơn, Tân Phú (Quận Tân bình).
Năm điểm khởi nghĩa nêu trên có vị trí chiến lược phù hợp ý đồ chỉ đạo của Bộ Chỉ huy tiền phương vừa tiếp cận trung tâm đầu não chỉ huy của địch như Dinh Độc lập, Tòa Đại sứ Mỹ, cũng như vừa tiếp ứng thuận lợi các mũi tiến công của quân chủ lực từ các hướng bắc, tây bắc, tây nam và hướng đông.
Mặt khác, Thành ủy điều động nhiều cán bộ Thành Đoàn tăng cường cho các địa bàn cần thiết quan trọng: Ban Thường vụ Thành Đoàn có 9 đồng chí chỉ giữ lại một đồng chí Phó Bí thư, một ít Ủy viên Thường vụ và Ban Chấp hành, đồng thời tất cả các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành còn lại đều được điều động đi tăng cường các địa phương và cánh nông thôn vùng ven, ngoài số đồng chí bị địch bắt từ trước và một số cán bộ vừa ra tù. Tôi được Thành ủy điều động về Quận 11 trong thời kỳ chiến dịch Hồ Chí Minh và sau khi chiến dịch kết thúc thắng lợi sẽ trở về cương vị cũ – Bí thư Thành Đoàn.
Với phương thức bố trí lực lượng như vậy,Thành Đoàn đã chủ động triển khai 5 khu vực khởi nghĩa cũng như cùng các cấp ủy quận nội thành phát động nhân dân nổi dậy giành chính quyền cơ sở, làm tan rả ngụy quyền, làm tê liệt trung tâm đầu não của địch. Như vậy, Thành Đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ trong giờ phút lịch sử, phối hợp với bộ đội chủ lực và các mũi nhọn tổng tiến công và nổi dậy khắp thành phố Sài Gòn – Gia Định với khí thế sôi nổi ngút trời, giải phóng thành phố, góp phần giải phóng hoàn toàn Miền Nam.
Lịch sử sang trang. Đất nước đã vào kỷ nguyên mới. Khắp nơi ở đô thị, thanh niên, sinh viên học sinh đổ ra đường điều khiển giao thông, dọn dẹp vệ sinh, quét rác, xóa tàn tích nô lệ, xóa bỏ “văn hóa” đồi trụy, độc hại… Thanh niên cùng gia đình trở về quê cũ, bám ruộng vườn còn in đậm dấu vết chiến tranh. Thanh niên công nhân cùng đàn anh hăng hái khởi động tất cả xưởng máy, đặc biệt là giữ cho thành phố không bị mất điện, mất nước sạch.
Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt trao cờ cho Bí thư Thành Đoàn Phạm Chánh Trực ra quân Thanh niên xung phong năm 1976. Ảnh: Tư liệu Thành Đoàn
Phong trào tự nguyện làm công tác xã hội lên đến đỉnh điểm khi Thành Đoàn nhận cờ xung kích do Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt trao, cùng hằng vạn thanh niên ra quân Thanh niên xung phong ngày 28 tháng 3 năm 1976. Thanh niên xung phong chính là một tập hợp đa dạng nhất các tầng lớp thanh niên lúc bấy giờ: bao gồm lực lượng ngụy quân ngụy quyền rã ngũ, thanh niên công nhân lao động thất nghiệp, học sinh, sinh viên, trí thức trẻ, và cả thanh niên lâm vào tệ nạn xã hội cũ như ma túy, mại dâm… và do cán bộ, đoàn viên, thanh niên cộng sản làm nòng cốt.
Nhân dân thành phố đã vui mừng khuyến khích con em mình tham gia “lên rừng xuống biển” đi xây dựng kinh tế mới trên địa bàn nhiều tỉnh, thành miền Nam. Đó là một cuộc biểu dương ý chí của toàn dân chuyển thành phố từ đầu não chiến tranh sang xây dựng hòa bình, từ ăn bám viện trợ sang lao động sản xuất tự lực tự cường.
Đó là một bước chuyển mạnh mẽ từ ý thức dân tộc chia rẽ hằng trăm năm do đất nước bị nô lệ, chia cắt và chiến tranh, sang hòa hợp dân tộc, đoàn kết toàn dân, thống nhất ý chí và hành động vì Tổ quốc Việt Nam thống nhất.
Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh) tháng Tư nóng bỏng, nóng cả trời đất, nóng cả lòng người. Trong huyết quản của lớp lớp tuổi trẻ thời chiến tranh đã sôi sục dòng máu anh hùng và lớp trước đã hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang.
Thế hệ trẻ hôm nay càng nặng nề trách nhiệm: vừa xây dựng phát triển đất nước sánh vai cùng năm châu bốn biển, vừa bảo vệ Tổ quốc vẹn toàn trước một thế giới đầy bất trắc. Dù cho sự vật không ngừng vận động, đổi thay, thế hệ trẻ kiên định con đường mà Bác Hồ đã chọn, chắc chắn sẽ tiến tới đỉnh vinh quang!
PHẠM CHÁNH TRỰC
Nguyên Phó Bí thư thường trực Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND Thành phố,
nguyên Bí thư Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh