Sáng nay 25-1, Đại hội Đảng lần thứ XIII họp phiên trù bị
Đại hội sẽ tiến hành thông qua chương trình phiên họp trù bị, thông qua quy chế làm việc, chương trình làm việc, quy chế bầu cử Đại hội XIII và báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu.
Cũng tại phiên trù bị, các đại biểu tiến hành bầu Đoàn chủ tịch, Đoàn thư ký, Ban thẩm tra tư cách đại biểu.
Sau phiên trù bị, các đại biểu sinh hoạt tại đoàn nghiên cứu các tài liệu đại hội, gồm báo cáo của Ban Chấp hành trung ương khóa XII về các văn kiện Đại hội XIII, báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của trung ương khóa XII…
Kết thúc ngày làm việc đầu tiên, sáng 26-1 Đại hội lần thứ XIII của Đảng sẽ họp phiên khai mạc tại hội trường.
Theo thông cáo báo chí của ban tổ chức đại hội, Đại hội lần thứ XIII của Đảng sẽ diễn ra từ ngày 25-1 đến ngày 2-2. Đại hội lần này sẽ có 1.587 đại biểu tham dự, đông nhất trong 13 kỳ đại hội.
Trong đó, đại biểu đương nhiên chiếm 12,4%; đại biểu chỉ định chiếm 0,95%; đại biểu nữ chiếm 13,99%; đại biểu dân tộc thiểu số chiếm 11,03%. Về độ tuổi, đại biểu cao tuổi nhất 77 tuổi, đại biểu thấp tuổi nhất là 34 tuổi.
Đại biểu khách mời có các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đại sứ, đại diện các nước và trưởng đại diện các tổ chức quốc tế trong đoàn ngoại giao. Ngoài ra còn có các Mẹ Việt Nam anh hùng, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ… tiêu biểu.
Đoàn đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội đến dự phiên họp trù bị – Ảnh: TTXVN
Đoàn đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội đến dự phiên họp trù bị – Ảnh: TTXVN
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Ông Nguyễn Tiến Hải (bí thư Tỉnh ủy Cà Mau):
Phải coi trọng công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng
Đoàn đại biểu tỉnh Cà Mau đặt kỳ vọng và có niềm tin sắc son rằng: Đại hội sẽ bầu ra được Ban chấp hành Trung ương Đảng, đặc biệt là các nhân sự cấp cao của Đảng thật sự có tâm, có tầm, có ý chí quyết tâm chính trị cao để lãnh đạo đất nước phát triển nhanh và bền vững, trở thành quốc gia thịnh vượng trong thời gian sớm nhất.
Đối với địa phương, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Cà Mau sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng, cùng với cả nước thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị với quyết tâm cao nhất, đóng góp chung vào thành tựu của đất nước trong nhiệm kỳ mới.
Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Cà Mau xin gửi đến Đại hội XIII của Đảng ý kiến tâm huyết, đó là: Đảng ta là đảng lãnh đạo, là đảng cầm quyền, do đó phải rất coi trọng công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
Phải thực hiện tốt việc đoàn kết trong Đảng, phát huy trí tuệ của toàn Đảng trong việc hoạch định chủ trương, đường lối của đất nước; thực hành dân chủ trong Đảng, không phô trương, hình thức; hoàn thiện thể chế pháp luật một cách đồng bộ; cơ cấu tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng; quyết liệt trong đấu tranh phòng chống nạn tham nhũng, lãng phí…
Ông Nguyễn Văn Chín (nguyên ủy viên Ban thường vụ, nguyên chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Phú Yên):
Chống tham nhũng phải nghiêm hơn nữa
Phải nói rằng 5 năm qua, lãnh đạo Đảng đã quyết liệt thực hiện chủ trương “không có vùng cấm” đối với những vi phạm của cán bộ, đảng viên, mà rõ nhất là nhiều vụ án tham nhũng lớn, rất nhiều cán bộ cấp cao, trong đó có cả ủy viên Bộ Chính trị, đều bị kỷ luật nặng và đưa ra xét xử trước pháp luật.
Điều đó thể hiện được một phần của việc “không có vùng cấm” trong chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta.
Tuy nhiên, tôi cũng thẳng thắn nói rằng trên thực tế vẫn còn nhiều “vùng cấm” lắm. Ví dụ tại tỉnh Phú Yên, nhiều vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực đã được nguyên lãnh đạo tỉnh, cán bộ, đảng viên và nhân dân phản ánh, báo chí viết nhiều, Ủy ban Kiểm tra trung ương, Ban Nội chính trung ương, Ban Tổ chức trung ương cũng vào cuộc, nhưng cuối cùng vẫn chưa được xử lý đến nơi đến chốn.
Tôi nghĩ chủ trương “không có vùng cấm” là đúng đắn, rõ ràng rồi, nhưng cách tổ chức chưa được đồng bộ từ trên xuống dưới.
Vì vậy, mong muốn của tôi là Đại hội Đảng lần thứ XIII này tìm được giải pháp để thực hiện nghiêm khắc, đồng bộ hơn chủ trương này thì chống tham nhũng, tiêu cực sẽ tốt hơn, đội ngũ trong sạch hơn và đương nhiên đất nước sẽ phát triển nhanh, bền vững.
Ông Phạm Văn Chi (nguyên phó bí thư Tỉnh ủy, nguyên chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa):
Quy hoạch cán bộ không được “bí bí mật mật”
Thời gian qua đã có không ít vụ thăng quan tiến chức “thần tốc”, có tình trạng “con ông cháu cha”, người tài mọn mà giỏi nịnh nọt, “vâng vâng dạ dạ” thì được đưa vào quy hoạch rồi lên chức ào ào.
Tôi đề nghị quy trình từ lúc quy hoạch đến bổ nhiệm cán bộ phải công khai. Người được đưa vào quy hoạch phải làm việc đâu ra đó, trong sạch, vì dân vì nước, phải cho thấy thực hiện được kết quả của nhiệm vụ được giao trước đó thì mới được cất nhắc, bổ nhiệm cho nhiệm kỳ sau.
Nhân dân, đảng viên phải biết, giám sát được quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ. Trước khi bổ nhiệm phải lấy ý kiến từ dưới lên, nghĩa là phải có lấy phiếu kín từ chi bộ cơ sở rồi mới lên cấp trên, chứ không chỉ là ý kiến của tỉnh ủy, ban thường vụ tỉnh ủy.
Nếu quy hoạch cán bộ mà cứ sợ được lòng người này, mất lòng người kia, rồi “bí bí mật mật”, không nhiều người biết và giám sát thì sẽ không chọn được cán bộ tốt.
Ông Nông Kế Xô (Q.5, TP.HCM):
Hoàn thiện cơ chế để “không dám, không thể tham nhũng”
Đại hội Đảng XIII và nhiệm kỳ lãnh đạo tiếp theo tôi mong muốn công tác đấu tranh chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh.
Phát hiện, đấu tranh, xử lý tham nhũng hiệu quả đến đâu cũng chỉ là xử lý phần ngọn.
Quan trọng hơn cả, tôi mong muốn Đại hội XIII và nhiệm kỳ tới cần tập trung nhiều vào các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả từ gốc của tiêu cực, tham nhũng. Phải tạo ra cơ chế để bên cạnh “không dám” thì cán bộ “không muốn, không thể” tham nhũng.
Muốn vậy, theo tôi, cần chọn những người đứng đầu có tài, có tâm, sẵn sàng dấn thân và nêu gương. Bên cạnh đó hoàn thiện cơ chế tuyển dụng, cất nhắc, đánh giá, giám sát chặt chẽ cán bộ, công chức và nâng cao thu nhập, đời sống cho cán bộ, công chức.
TIẾN LONG
(Nguồn: Tuoitre.vn)