Nhớ về người anh hùng trẻ tuổi Lý Tự Trọng – nhìn lại để bước tiếp

     “Là đoàn viên đầu tiên của Đoàn Thanh niên Cộng sản nước ta, cũng là người cộng sản đã oanh liệt đấu tranh đến hơi thở cuối cùng cho Đảng, cho sự nghiệp cách mạng”[1] – đó là những đánh giá, những tình cảm mà Bác Hồ dành cho người anh hùng trẻ tuổi Lý Tự Trọng trong “Bài nói tại lễ kỷ niệm lần thứ 35 ngày thành lập Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam” ngày 25/3/1966.

     Để chuẩn bị cho việc xây dựng Thanh niên Cộng sản Đoàn, đầu mùa hè năm 1926, Nguyễn Ái Quốc (mang bí danh Lý Thuỵ) đã cử Hồ Tùng Mậu trở lại Thái Lan chọn một số thiếu niên con em các gia đình yêu nước đưa sang Quảng Châu đào tạo. Trong tám thiếu niên được chọn có Lý Tự Trọng. Cả tám thiếu niên yêu nước được mang bí danh mới đều họ Lý và được đồng chí Lý Thuỵ trực tiếp chăm sóc và giảng dạy. Đến đầu năm 1929, tám thiếu niên được kết nạp và trở thành lớp Đoàn viên đầu tiên của Thanh niên Cộng sản Đoàn Việt Nam[2].

     Năm 1929, theo sự phân công của tổ chức, Lý Tự Trọng về nước hoạt động với nhiệm vụ được giao là chuẩn bị thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương và làm liên lạc cho Xứ uỷ Nam Kỳ. Trong buổi mít tinh kỷ niệm một năm Khởi nghĩa Yên Bái tại Sài Gòn, để cứu nguy cho đồng chí mình, anh đã rút súng bắn chết tên mật thám cáo già Le Grand vào chiều chủ nhật ngày 8/2/1931[3]. Lý Tự Trọng bị bắt giam ngay sau đó.

     Trong tù ngục đế quốc, dù phải chịu bao trận đòn roi và những lời dụ dỗ ngon ngọt, Lý Tự Trọng vẫn trước sau như một, không tiết lộ bí mật cách mạng, hiên ngang chịu đựng sự tra tấn, dày vò của kẻ thù. Sức chịu đựng phi thường của “cậu nhóc” ấy đã khiến những kẻ cai trị phải gọi Lý Tự Trọng là “Ông nhỏ”. Khi chúng đưa anh ra toà xử và kết án tử hình, một luật sư bào chữa xin toà thực dân tha cho anh vì anh chưa đến tuổi trưởng thành, hành động thiếu suy nghĩ. Lý Tự Trong đã dõng dạc tuyên bố: “Tôi hành động có suy nghĩ, tôi hiểu việc tôi làm, tôi làm vì mục đích cách mạng. Tôi chưa đến tuổi trưởng thành thật, nhưng tôi đã đủ trí khôn để hiểu con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác”. Cuối cùng, chúng quyết định thủ tiêu Lý Tự Trọng vào rạng sáng ngày 21/11/1931. Anh đã hiên ngang bước lên máy chém và hát vang bài Quốc tế ca.

     Người chiến sỹ cách mạng trẻ tuổi ấy đã hy sinh – một sự hy sinh cao cả để lại tiếng thơm muôn đời. Cái chết của anh không phải là sự chấm dứt tất cả mà chính là sự mở đầu cho thời kỳ đấu tranh mới của tuổi trẻ Việt Nam, của dân tộc Việt Nam.

     Noi gương anh, trong lịch sử hai cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã liên tiếp xuất hiện những anh hùng trẻ tuổi làm rạng danh non sông đất nước như Trần Văn Ơn, Mạc Thị Bưởi, Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Chiên, Bế Văn Đàn, La Văn Cầu, Phan Đình Giót,  Tô Vĩnh Diện, Tạ Thị Kiều, Lê Thị Hồng Gấm, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Viết Xuân, Đặng Thuỳ Trâm, Nguyễn Văn Thạc…. Các anh, các chị đã hiến dâng tuổi thanh xuân cho “đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”.

     Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay cũng có rất nhiều những tấm gương trẻ tuổi đã và đang miệt mài, âm thầm cống hiến tuổi thanh xuân trong các phong trào thanh niên “Thanh niên lập nghiệp”, “Tuổi trẻ giữ nước”, “Bốn đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”, “Năm xung kích phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.

     Đánh giá, ghi nhận những đóng góp của tuổi trẻ trong sự nghiệp cách mạng, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đối với thanh niên trong thời kỳ mới như Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 9/2/1991 của Bộ Chính trị “Về đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên”, Nghị quyết số 04-NQ/HNTW ngày 14/1/1993 “Về công tác thanh niên trong thời kỳ mới”, Quyết định số 70/2003/QĐ-TTg ngày 29/3/2003 của Thủ tướng Chính phủ về “Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam đến năm 2010”, Luật Thanh niên 2005, đặc biệt là Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá”, trong đó, Nghị quyết khẳng định: “Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Có thể thấy, Đảng và Nhà nước ta rất kỳ vọng và tin tưởng thế hệ trẻ, xem công tác thanh niên là một trong những khâu quan trọng nhất trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

     Tuổi trẻ ngày nay được sống trong không gian hoà bình, đổi mới và hội nhập nên có rất nhiều cơ hội, nhiều thuận lợi để phát triển và khẳng định mình. Tuy nhiên, chính không gian mở, chính sự giao lưu, hội nhập sâu rộng của thời kỳ mới, chính những tiện lợi mà cuộc cách mạng khoa học – công nghệ mang lại càng đòi hỏi thế hệ trẻ hôm nay phải giữ vững bản sắc dân tộc, bản lĩnh văn hoá, lập trường chính trị.

     Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017 – 2022 nhấn mạnh về chân dung người Đoàn viên Cộng sản thời kỳ mới là người “có lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng, giàu lòng yêu nước; có đạo đức, lối sống văn hóa, trách nhiệm, tuân thủ pháp luật, yêu chuộng hòa bình; có tri thức, sức khỏe, hoài bão và khát vọng vươn lên”.

     Kỷ niệm 105 năm Ngày sinh người đoàn viên Cộng sản đầu tiên Lý Tự Trọng, ôn lại cuộc đời cách mạng của người anh hùng trẻ tuổi và các thế hệ đi trước, chúng ta thêm tự hào về tuổi trẻ Việt Nam và nguyện sống, học tập, lao động sản xuất theo gương sáng của các anh, các chị, luôn cảnh giác với những âm mưu, thủ đoạn “Diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch, đồng thời cũng luôn tự cảnh giác, tự phê bình để bản thân mỗi người không rơi vào “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”.

     Ôn cố tri tân. Nhìn lại lịch sử hào hùng để bước tiếp, bước tới tương lai một cách vững chãi và mạnh mẽ hơn. “Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng”, câu nói bất hủ ấy của người anh hùng Lý Tự Trọng sẽ luôn là kim chỉ nam, ngọn đuốc soi đường và cũng là lời nhắc nhở sâu xa cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau không được quên, không được lơ là, không để chệch hướng con đường cách mạng của người đoàn viên Cộng sản Việt Nam, con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

ThS. Tô Thị Hạnh Nhân

 Giảng viên Khoa Giáo dục Chính trị

Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lý luận trẻ

Uỷ viên BCH Đoàn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM

 

[1] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, t.15, tr.76

[2] 8 Đoàn viên Cộng sản đầu tiên: Lý Tự Trọng (tên thật Lê Văn Trọng); Lý Văn Minh (Đinh Chương Long); Lý Thúc Chất (Vương Thúc Thoại); Lý Anh Tự (Hoàng Tự); Lý Trí Thông (Ngô Trí Thông); Lý Phương Đức (Ngô Hậu Đức, nữ); Lý Phương Thuận (Nguyễn Thị Tích, nữ); Lý Nam Thanh (Nguyễn Sinh Thản). Dẫn theo “Lược sử Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Phong trào thanh thiếu nhi Việt Nam” (2011), Nxb Thanh Niên – Nxb Kim Đồng – Nxb Trẻ, tr.15.

[3] “Lịch sử Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Phong trào thanh niên Việt Nam” (2001), Nxb. Thanh Niên, Hà Nội, tr.82.