Chương trình công tác năm 2012

Năm 2012 là năm diễn ra đại hội Đoàn các cấp, tiến tới đại hội Đoàn thành phố lần IX và đại hội Đoàn toàn quốc lần X; là năm đổi mới toàn diện nâng cao chất lượng hoạt động trường Đoàn Lý Tự Trọng, làm tiền đề cho trường Cao đẳng Thanh niên Lý Tự Trọng; là năm trường đón nhận và sử dụng cơ sở cải tạo, sửa chữa và xây dựng mới.

logo

 

 

THÀNH ĐOÀN TP. HỒ CHÍ MINH

TRƯỜNG ĐOÀN LÝ TỰ TRỌNG

                    ***                                                                                     TP. Hồ Chí Minh, ngày 24  tháng 02 năm 2012

              Số: 16  /CT-TĐ

 

 

CHƯƠNG TRÌNH CÔNG TÁC

NĂM 2012

Năm 2012 là năm diễn ra đại hội Đoàn các cấp, tiến tới đại hội Đoàn thành phố lần IX và đại hội Đoàn toàn quốc lần X; là năm đổi mới toàn diện nâng cao chất lượng hoạt động trường Đoàn Lý Tự Trọng, làm tiền đề cho trường Cao đẳng Thanh niên Lý Tự Trọng; là năm trường đón nhận và sử dụng cơ sở cải tạo, sửa chữa và xây dựng mới. Căn cứ vào chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi thành phố năm 2012; trên cơ sở những thành công và hạn chế của năm 2011; Ban Giám hiệu xây dựng chương trình công tác năm 2012 với chủ đề “Năm đổi mới toàn diện và nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ”.

 

I. TRỌNG TÂM:

1. Thực hiện có hiệu quả và đa dạng hóa các loại hình đào tạo cán bộ đoàn về trung cấp thanh vận, các lớp bồi dưỡng, tập huấn theo chức danh, theo khu vực; tham mưu mở các lớp hiệp quản trung học chính trị-hành chính cho cán bộ đoàn, các lớp liên kết đào tạo cao đẳng, đại học.

2. Tập trung các giải pháp đồng bộ nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ. Xây dựng, điều chỉnh, bổ sung nội dung chương trình, tài liệu giảng dạy phù hợp, khoa học, đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới.

3. Tăng cường công tác tổng kết thực tiễn; tổ chức nghiên cứu khoa học gắn với việc thực hiện các công trình thi đua của nhà trường chào mừng đại hội Đoàn thành phố lần IX.

4. Đổi mới mạnh mẽ cơ chế điều hành từ Ban Giám hiệu đến các khoa, phòng theo hướng tăng cường kỷ cương, trách nhiệm từng cá nhân; sáng tạo, linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhà trường.

5. Thực hiện thắng lợi đề án trường cao đẳng Thanh niên Lý Tự Trọng; bên cạnh việc tập trung xây dựng bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ, giáo viên, đón đầu cho trường cao đẳng Thanh niên Lý Tự Trọng; các hoạt động tiến tới chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày thành lập trường Đoàn Lý Tự Trọng (26/3/2013).

 

II. MỘT SỐ CHỈ TIÊU:

1. Đào tạo và liên kết đào tạo ít nhất 500 cán bộ Đoàn – Hội – Đội về nghiệp vụ thanh vận và chính trị-hành chính.

2. Hoàn thành việc xây dựng nội dung chương trình và điều chỉnh, bổ sung tài liệu giảng dạy chương trình trung cấp thanh vận và tổng phụ trách Đội phù hợp với thực tiễn.

3. Thực hiện ít nhất 02 đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường.

4. Mỗi khoa, phòng có ít nhất 01 công trình thi đua đạt hiệu quả.

5. Khai thác và sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất của nhà trường trong điều kiện mới.

6. Chi bộ đạt “Trong sạch – vững mạnh”; trường đạt danh hiệu “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác năm”; công đoàn cơ sở đạt danh hiệu “Vững mạnh xuất sắc”; chi đoàn đạt danh hiệu “Chi đoàn vững mạnh”.

 

III. CHƯƠNG TRÌNH CÔNG TÁC:

1. Đổi mới công tác đào tạo; đa dạng các loại hình bồi dưỡng, huấn luyện; tăng cường công tác quản lý học viên, hướng đến nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ:

1.1. Công tác đào tạo và liên kết đào tạo:

– Tiếp tục các lớp từ năm 2011 chuyển sang theo kế hoạch: lớp D13, B55, B58; B56 (liên kết với trung tâm BDCT quận 2), B57 (liên kết với trung tâm BDCT huyện Nhà Bè), A54 (liên kết với trường chính trị tỉnh Bình Dương). Các lớp phối hợp với trường cán bộ thành phố: H268, H269, H270, H299, H300, H301, H302; lớp đại học Luật (phối hợp với trường đại học Luật).

–  Tổ chức lớp Trung cấp thanh vận B59, A60 dành cho cán bộ, đoàn viên các cơ sở Đoàn; lớp chức danh tổng phụ trách Đội D14, dự kiến phối hợp tung tâm bồi dưỡng chính trị quận Gò Vấp mở trung cấp thanh vận B61.

– Tiếp tục liên kết với trường Cán bộ thành phố mở các lớp trung học chính trị- hành chính cho cán bộ Đoàn.

– Liên kết với trường đại học Sài Gòn mở lớp cử nhân cao đẳng (tại chức) ngành giáo dục công dân-công tác Đội cho đội ngũ tổng phụ trách Đội; với trường đại học Văn Hoá lớp cử nhân quản lý văn hóa (tại chức) cho cán bộ quản lý nhà thiếu nhi.

– Tiếp tục thực hiện việc mở lớp đào tạo cán bộ đoàn nguồn.

– Thường xuyên thông tin hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện trên Website của trường.

– Thành lập và tổ chức hoạt động trung tâm ngoại ngữ, tin học phục vụ công tác đào tạo cán bộ và nhu cầu học tập của thanh thiếu nhi.

 

1.2. Công tác bồi dưỡng, huấn luyện:

Đa dạng hóa các loại hình, đổi mới nội dung, phương thức bồi dưỡng, tập huấn cán bộ Đoàn – Hội – Đội, chủ động liên kết mở các lớp theo nhu cầu thanh thiếu nhi, cụ thể:

– Tăng cường tính chủ động trong việc phối hợp với các ban, trung tâm Thành Đoàn tổ chức lớp bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ Đoàn – Hội – Đội, theo hướng đi sâu vào các lớp theo chức danh, theo đối tượng, theo khu vực. Bên cạnh việc đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình các lớp bồi dưỡng, huấn luyện.

– Tổ chức tập huấn lớp bồi dưỡng báo cáo viên 6 chuyên đề lý luận chính trị cho đoàn viên, lớp báo cáo viên cảm tình Đoàn.

– Tăng cường mở các lớp huấn luyện kỹ năng thực hành xã hội cho thanh thiếu nhi như: kỹ năng giao tiếp-ứng xử, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng tư duy sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng xây dựng chương trình lễ hội, kỹ năng trống Đội, kỹ năng sinh hoạt tập thể, kỹ năng hoạt động trại–dã ngoại… bằng phương thức chủ động tổ chức và liên kết, phối hợp với các cơ sở Đoàn, các đơn vị.

– Tiếp tục đầu tư cho hoạt động của câu lạc bộ Sao Bắc Đẩu, phát huy khả năng của cán bộ, giáo viên trong việc tìm kiếm các mô hình mới tập hợp thanh thiếu nhi.

1.3. Công tác quản lý học viên:

– Tìm kiếm các giải pháp hiệu quả trong công tác quản lý học viên (tập trung vào các lớp đào tạo), nâng cao ý thức và tạo động lực cho học viên tích cực tham gia học tập, sinh hoạt, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Trong đó chú trọng đến vai trò, trách nhiệm của việc phối hợp giữa phòng Đào tạo – Giáo viên chủ nhiệm – Giáo viên đứng lớp và đơn vị cử học viên đi học trong công tác quản lý học viên.

– Đảm bảo các điều kiện phục vụ chỗ ăn, ở cho học viên các lớp đào tạo, học viên các lớp bồi dưỡng, huấn luyện tại trường trong điều kiện mới.

– Tăng cường việc kiểm tra, giám sát và tìm những giải pháp quản lý mới, phù hợp, để tránh việc sụt giảm chất lượng và số lượng học viên các lớp trung cấp chính trị-hành chính, trung cấp thanh vận, tổng phụ trách Đội.

– Điều chỉnh các qui định liên quan đến học viên phù hợp với thực tiễn, gắn liền với việc tổ chức thực hiện: qui chế học viên, qui định giáo viên chủ nhiệm, nhằm tăng cường hiệu quả trong công tác quản lý học viên.

 

2. Xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên; tập trung cho công tác cán bộ, chuẩn bị nguồn cho cao đẳng Thanh niên Lý Tự Trọng:

– Trên cơ sở phê duyệt của Ban Thường vụ Thành Đoàn và Ban Tổ chức Thành ủy, triển khai thực hiện đề án sắp xếp tổ chức bộ máy nhà trường. Tiếp tục hoàn thiện công tác xét tuyển cán bộ vào biên chế.

– Thực hiện công tác tuyển dụng giáo viên làm nguồn cho trường cao đẳng Thanh niên Lý Tự Trọng. Xây dựng tiêu chuẩn đội ngũ cán bộ theo đặc thù và yêu cầu của nhà trường.

– Tiếp tục nâng chất đội ngũ giáo viên thông qua việc gửi đi học nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị theo hướng đáp ứng với việc chuẩn hóa đội ngũ cho việc thành lập trường cao đẳng. Tổ chức các chuyên đề về nghiệp vụ sư phạm, phương pháp nghiên cứu khoa học, tư duy sáng tạo cho giáo viên.

– Tổng rà soát và sắp xếp lại bài giảng, giáo án giảng dạy của giáo viên phù hợp với năng lực thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của người học. Chú trọng việc giáo viên mở rộng, đa dạng bài giảng đi đôi với yêu cầu đổi mới, nâng cao phương pháp, kỹ năng giảng dạy.

– Tăng cường việc phân công giáo viên đi cơ sở, tham gia các chuyên đề nghiên cứu, tham gia các đợt hoạt động do Ban Thường vụ Thành Đoàn phát động; tham gia viết bài trên website của trường, thông tin trong Đoàn, báo chí của Đoàn, xem đây là tiêu chí đánh giá lao động quý, năm của giáo viên.

– Tiếp tục phát huy hơn nữa trong việc mời đội ngũ báo cáo viên, cộng tác viên có trình độ và kinh nghiệm thực tiễn tham gia giảng dạy các lớp đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện.

– Tiếp tục chấn chỉnh kỷ cương, nề nếp, nâng cao ý thức, trách nhiệm của từng cá nhân cán bộ, giáo viên, nhân viên trong làm việc và các hoạt động của nhà trường.

– Điều chỉnh các qui định có liên quan đến cán bộ, giáo viên: qui chế tổ chức và hoạt động của trường, qui chế đào tạo, qui định thi đua, để phù hợp với tình hình hoạt động mới của nhà trường.

3. Xây dựng nội dung chương trình và biên soạn tài liệu các lớp đào tạo, huấn luyện:

– Tiếp tục điều chỉnh, bổ sung mới nhằm chuẩn hóa chương trình đào tạo (kết cấu, nội dung, phương thức kiểm tra đánh giá…) và nội dung tài liệu giảng dạy trung cấp lý luận và nghiệp vụ công tác thanh niên, đào tạo chức danh tổng phụ trách Đội. Tiến tới hình thành bộ tài liệu giảng dạy và học tập phù hợp cho những năm tới.

– Tiến hành biên soạn bộ sách kỹ năng thực hành xã hội cho thanh thiếu nhi theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành Đoàn. Phối hợp với Hội đồng Đội thành phố và Ban Thanh niên trường học Thành Đoàn xây dựng chương trình huấn luyện kỹ năng cho đội viên và sinh viên.

– Biên soạn cẩm nang kỹ năng, nghiệp vụ gắn với các đối tượng, khu vực “Bí thư chi đoàn giáo viên”, “Bí thư Đoàn trường trung học phổ thông”, “Cán bộ đoàn khu vực hành chính sự nghiệp”, “Cán bộ đoàn phường, xã, thị trấn”. Tiến tới hình thành bộ tài liệu phục vụ các lớp bồi dưỡng, huấn luyện.

– Thực hiện các chuyên đề nghiên cứu khoa học nhằm phục vụ chương trình công tác năm 2012 và đại hội Đoàn thành phố; trong năm thực hiện ít nhất 02 đề tài nghiên cứu về chủ đề về thanh thiếu nhi.

– Tổ chức đoàn công tác đưa giáo viên đi học tập, trao đổi kinh nghiệm đào tạo cán bộ ở các tỉnh, thành bạn.

 

4. Công tác tổ chức, hành chánh, quản trị:

– Thực hiện việc di dời về trụ sở số 03, Dân Chủ; ổn định và sắp xếp các khu vực làm việc, khu vực phòng học, khu vực nội trú hợp lý, khoa học.

– Đổi mới và sắp xếp lại bộ máy tổ chức của nhà trường theo hướng nâng cao tính hiệu quả, linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ và phù hợp với điều kiện mới.

– Khai thác, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất trong điều kiện mới của nhà trường.

– Tiếp tục hoàn chỉnh chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên trong và ngoài biên chế. Sắp xếp lại bộ máy biên chế, tổ chức khi có quyết định chính thức từ Thành Đoàn và Thành ủy.

– Nâng cấp hoạt động và việc sử dụng website của trường cho công tác thông tin, đào tạo, huấn luyện. Tăng cường tính quảng bá, tiếp thị hình ảnh và hoạt động của nhà trường trên website.

– Khai thác hiệu quả hoạt động của thư viện, đảm bảo cung cấp tài liệu học tập, nghiên cứu cho học viên các lớp, bổ sung tài liệu mới.

– Tổ chức tốt hoạt động công tác văn thư, lưu trữ đảm bảo thực hiện đúng quy định, sáng tạo, chính xác, kịp thời, nâng cao tính hiệu quả trong phục vụ các hoạt động chung của trường.

– Đảm bảo các điều kiện phục vụ hiệu quả chỗ ăn, ở cho học viên các lớp đào tạo, học viên các lớp bồi dưỡng, huấn luyện tại trường trong điều kiện cơ sở vật chất mới. Bên cạnh việc tổ chức lại các hoạt động của căn tin, nhà xe nhằm góp phần phục vụ tốt các hoạt động chung của nhà trường.

– Đảm bảo và thực hiện tốt công tác bảo vệ an ninh, trật tự; công tác phòng chống cháy nổ. Tăng cường việc xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.

 

5. Công tác tài chính:

– Chuẩn bị các điều kiện cần thiết đón đầu trở thành đơn vị sự nghiệp có thu.

– Đảm bảo công tác tài chính theo đúng qui định, tiếp tục thực hiện tiết kiệm ngân sách, chi tiêu hợp lý, đặc biệt trong giai đoạn kinh tế năm 2012 tiếp tục có nhiều khó khăn.

– Tìm kiếm các giải pháp để khai thác hiệu quả các phương án tạo nguồn thu trong điều kiện mặt bằng mới của trường, góp phần nâng cao đời sống cho cán bộ, giáo viên, nhân viên.

– Thực hiện tốt và đảm bảo nguyên tắc các hợp đồng liên kết đào tạo: trung cấp thanh vận, trung cấp chính trị-hành chính, đại học.

– Tiếp tục hoàn thiện các qui định thu chi nội bộ, đảm bảo công bằng, hợp lý.

 

6. Hoạt động Đảng, đoàn thể:

– Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Ban Giám hiệu trong việc đề ra các chủ trương và giải pháp, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của nhà trường năm 2012 cũng như các định hướng phát triển nhà trường thời gian tới. Tiếp tục quan tâm và đầu tư cho công tác phát triển đảng viên; từng đảng viên thực hiện tốt chương trình công tác năm của chi bộ, thể hiện vai trò nòng cốt trong lối sống, chuyên môn, nhiệm vụ được giao.

– Đoàn thể giữ vai trò chính trong việc phát động thi đua chào mừng các ngày lễ, kỷ niệm trong năm 2012. Công đoàn phối hợp tốt với Ban Giám hiệu tổ chức hội nghị cán bộ-công chức, tiếp tục góp ý bổ sung, hoàn thiện và ban hành các qui chế, qui định phục vụ hoạt động của trường phù hợp với tình hình thực tiễn.

– Công đoàn và chi đoàn quan tâm đến đời sống, tình cảm, chế độ chính sách có liên quan đến đoàn viên và đoàn viên. Chủ động tổ chức các buổi sinh hoạt, tọa đàm, nhằm nghe ý kiến góp ý, hiến kế, của công đoàn viên, đoàn viên, với mục đích xây dựng nhà trường tốt hơn.

– Tiếp tục thực hiện các giải pháp hiệu quả nhằm xây dựng công đoàn vững mạnh, xuất sắc; chi đoàn vững mạnh.

– Ban Giám hiệu cùng chi bộ có cơ chế làm việc thường xuyên với công đoàn và chi đoàn theo hướng phát động các phong trào thi đua gắn liền với nhiệm vụ chuyên môn của công đoàn viên, đoàn viên; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động, nhận thức, tư tưởng, góp phần tích cực thực hiện thành công kế hoạch nhà trường năm 2012. Tiến tới các hoạt động thi đua chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày thành lập trường Đoàn (26/3/2013).

 

IV. BIỆN PHÁP THỰC HIỆN:

1. Ban Giám hiệu chịu trách nhiệm cao nhất trong việc lãnh đạo hoạt động nhà trường hoàn thành nhiệm vụ năm 2012 và các chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành Đoàn.

2. Tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát từ Ban Giám hiệu đến các khoa, phòng, bộ phận và từng cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhà trường.

3. Phương châm công tác chỉ đạo: tăng cường tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt, kịp thời, nâng cao ý thức, trách nhiệm của từng cá nhân lãnh đạo và nhân viên các khoa, phòng, bộ phận trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, trong thi đua, lao động.

4. Phương pháp công tác chỉ đạo: Ban Giám hiệu sẽ cụ thể hóa các nội dung công việc để xây dựng chương trình hoạt động, phân định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị trong việc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát đảm bảo thời gian, tiến độ thực hiện nhiệm vụ, gắn liền với việc tiếp tục chấn chỉnh kỷ cương, nề nếp làm việc đối với các đơn vị, cá nhân trong nhà trường.

5. Căn cứ vào chương trình công tác của trường và chỉ đạo của Ban Giám hiệu, các khoa, phòng xây dựng chương trình công tác, triển khai thực hiện và kiểm tra, giám sát các nội dung công việc với tiến độ cụ thể, theo nội dung, chức năng và nhiệm vụ được phân công.

                                                                                                                                         HIỆU TRƯỞNG

                                                                                                                                         VŨ ANH TUẤN

Nơi nhận:

– Ban Thường vụ Thành Đoàn;

– Các Ban đối tượng Thành Đoàn;

– BGH, các khoa, phòng trường Đoàn;

Chi bộ, hai đoàn thể.

– Lưu.