Lương tối thiểu vùng 2019 sẽ tăng từ 160.000 – 200.000 đồng
Phương án lương tối thiểu vùng 2019 tăng từ 160.000 – 200.000 đồng/tháng, tăng 5,3% so với năm 2018, đã được chọn.
Hôm qua 13.8, tại Hải Phòng, Hội đồng tiền lương quốc gia họp phiên thứ 3 để quyết định mức lương tối thiểu vùng năm 2019.
Sau quá trình thương thảo, đại diện phía người lao động là Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) VN và chủ sử dụng lao động là Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) đã bỏ phiếu, quyết định phương án tăng lương tối thiểu từ 160.000 – 200.000 đồng/tháng, tăng 5,3% so với năm 2018.
Cụ thể, vùng 1 tăng 200.000 đồng, từ 3,98 triệu đồng lên 4,18 triệu đồng; vùng 2 tăng 180.000 đồng, từ 3,53 triệu đồng lên 3,71 triệu đồng; vùng 3 tăng 160.000 đồng, từ 3,09 triệu đồng lên 3,25 triệu đồng; vùng 4 tăng 160.000 đồng, từ 2,76 triệu đồng lên 2,92 triệu đồng.
Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia, cho biết 15/15 thành viên đã bỏ phiếu thông qua và Hội đồng tiền lương khá hài lòng với kết quả trên. “Đây là mức tăng hài hòa, có thể làm 2 bên cùng chấp nhận được. Đối với người lao động, ngoài việc bù trượt giá (4%/năm) thì vẫn còn có mức tăng trưởng, tích lũy”, ông Diệp nói và cho biết. Trên cơ sở kết quả này, Bộ LĐ-TB-XH sẽ trình dự thảo Nghị định lương tối thiểu vùng năm 2019 để báo cáo Chính phủ quyết định.
Đại diện cho người lao động, ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, lại cho rằng năm nay tăng trưởng kinh tế tốt hơn, lẽ ra mức tăng nên ở mức bằng năm ngoái mức là 6,5%.
“Trong quá trình đàm phán, chúng tôi đã nhượng bộ xuống 6,1%, nhưng sau các vòng thương thảo, chúng tôi chấp nhận tăng ở mức 5,3%. Đây là mức chấp nhận được. Tuy nhiên, năm 2020, sức ép điều chỉnh tăng lương với doanh nghiệp sẽ rất lớn mới có thể đáp ứng được yêu cầu Nghị quyết 27/ NQ-T.Ư đề ra là lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu, còn với doanh nghiệp vẫn có thể tích lũy và hy sinh một phần lợi nhuận để bù đắp cho người lao động”, ông Chính nói.
Tại phiên họp hôm qua, Tổng LĐLĐ VN và Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương quốc gia cơ bản thống nhất sử dụng phương pháp và các căn cứ dựa vào nhu cầu tiêu dùng tối thiểu để xác định mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Theo đó, Bộ phận kỹ thuật Hội đồng tiền lương quốc gia đề xuất chọn tỷ lệ chi phí lương thực, thực phẩm chiếm 48% (phi lương thực, thực phẩm 52%); còn Tổng LĐLĐ VN đề xuất cơ cấu nhu cầu lương thực, thực phẩm chỉ chiếm 45% (phi lương thực, thực phẩm là 55%).
Nguồn: Báo Thanh niên online