Chiếc xe thiết giáp cứu thương đặc biệt
Quân đội Nhân dân Việt Nam cải tạo thành công chiếc xe thiết giáp chở quân thành xe thiết giáp cứu thương để trang bị cho Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 làm nhiệm vụ quốc tế ở Nam Sudan.
Để đảm bảo an toàn cho thương, bệnh binh cũng như lực lượng cứu thương trong quá trình tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan, Quân đội Nhân dân VN đề xuất cần phải biên chế xe thiết giáp cứu thương cho Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 (BVDC 2.1) của VN. Đề xuất này lập tức được phái bộ LHQ nhất trí, ủng hộ, nhưng phải được phái bộ này kiểm tra, đánh giá, quyết định.
Trang bị những tính năng hiện đại
Đại úy Bùi Đức Nho, Trợ lý Phòng Ô tô quân sự – Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự, cho biết việc tổ chức thiết kế, cải tạo xe thiết giáp bánh lốp BTR-152 chở quân thành xe thiết giáp cứu thương theo yêu cầu chiến thuật, kỹ thuật do BV Quân y 175, Cục Quân y và Cục Gìn giữ hòa bình VN đề xuất.
Từ khi nhận được chỉ đạo và chấp thuận của Bộ Quốc phòng, Viện và Tổng cục Kỹ thuật đã có 4 cuộc hội thảo để xác định phương án, nhanh chóng triển khai nghiên cứu, tính toán thiết kế, cải tạo.
Trước đó, quân đội cũng đã tìm hiểu, tìm một chiếc xe tương đương của Đức, nhưng giá nhập khá cao. Do vậy, Viện và Nhà máy Z-153 (Tổng cục Kỹ thuật) được giao nhiệm vụ cải tạo xe.
Tháng 12.2017, Viện nhận xe BTR-152 và bắt tay ngay vào cải tạo. Thời gian phải hoàn thành xe là 3 tháng để kịp phục vụ đoàn kiểm tra của LHQ.
Chiếc xe thiết giáp BTR-152 chở quân được cải tạo thành xe thiết giáp cứu thương
Theo đại úy Nho, chiếc xe chở quân này từ lúc nhận viện trợ của Liên Xô từ năm 1979, tới nay chưa qua sử dụng. Đây là lần đầu Viện biến một xe thiết giáp chở quân thành xe thiết giáp cứu thương, tham gia nhiệm vụ quan trọng, nên hệ số tin cậy và an toàn phải cao.
Viện đã tiến hành thay mới toàn bộ, chỉ giữ lại khung xe và vỏ giáp chống đạn. Cải tạo, bổ sung phần vỏ giáp chống đạn trên nóc xe, vỏ giáp có khả năng chống các loại đạn bộ binh thông thường 7,62 mm. Toàn bộ gầm, cầu, lốp xe đều thay mới nguyên bản vật tư từ Nga. Cải tạo chuyển đổi hệ thống lái dẫn động cơ khí sang hệ thống lái trợ lực thủy lực; lắp thêm nhíp để tăng khả năng chịu tải của hệ thống treo, lắp gương chiếu hậu, đèn xin đường phía trước, cụm đèn tín hiệu phía sau xe…
Ngoài ra, động cơ sử dụng xăng được thay bằng động cơ chạy dầu theo yêu cầu của LHQ do tại Nam Sudan, lực lượng này chỉ cung cấp dầu. Xe được giới hạn ở vận tốc 65 km/giờ.
Cũng là lần đầu Viện thử nghiệm lắp đặt hệ thống điều hòa cho xe thiết giáp thành công. Điều hòa của xe thiết giáp khác với điều hòa xe thông thường. Vì nhiệt độ tại Nam Sudan vào mùa khô có khi lên tới 55 độ C, lại rất bụi, nếu sử dụng hệ thống điều hòa xe thông thường thì không thể nào đáp ứng được.
Viện đã cùng Z-153 làm một mô hình có thể tích tương đương xe và hệ thống lạnh đặt vào buồng sơn sấy 60 – 65 độ C để thử. Kết quả hệ thống lạnh đáp ứng được và rất hiệu quả. Xe đã được thử nghiệm chạy hàng ngàn ki lô mét và hệ thống rất tốt.
Ngoài ra, đây là lần đầu VN sử dụng công nghệ camera ảnh nhiệt lắp vào xe quân sự. Do tại Nam Sudan rất nhiều bụi, vào mùa khô bụi rất dày, khoảng cách xe trước và xe sau 10 m có thể không thấy nhau nên camera ảnh nhiệt sẽ hỗ trợ.
Kính chắn gió thông thường trên xe cũng được thay thế bằng kính chống đạn. Phía bên trên là 2 tấm giáp sẽ được kéo xuống sau khi kính chống đạn bị bắn loạt đầu tiên. Hoạt động của xe sẽ được hỗ trợ thêm bởi các camera.
Về trang thiết bị cấp cứu trên xe được thực hiện theo tiêu chuẩn xe cứu thương đường không và đường bộ. Trên xe có giá cứu thương 2 tầng để 2 bệnh nhân nằm, ít nhất 2 bệnh nhân ngồi; có 2 cáng cầm tay để cứu thương trong trường hợp thương tích nhiều; có máy hút dịch di động, 1 máy theo dõi bệnh nhân kèm sốc tim, 1 máy thở xách tay, bơm tiêm điện…
Tiến đến sản xuất hàng loạt
Đại tá Trần Hữu Lý, Viện trưởng Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự – người chủ trì nhiệm vụ này, cho rằng kết quả thành công của nhiệm vụ cải tiến trên, VN đã chủ động tự cung cấp được xe thiết giáp cứu thương, tiết kiệm đáng kể ngân sách mua sắm. Xe thiết giáp cứu thương BTR-152 sau cải tiến có độ tin cậy, tính năng kỹ – chiến thuật tăng, tính năng thông qua cao vượt cản, vượt địa hình trơn lầy tốt.
Năm 2019, dự kiến Bộ Quốc phòng cử BVDC 2.2 thay cho BVDC 2.1, cùng với các trang thiết bị khác, có thể cải tạo thêm một xe thiết giáp cứu thương để biên chế cho BVDC 2.2.
Ngoài ra, từ thành công này, quân đội có thể xây dựng chương trình, sản xuất hàng loạt các xe thiết giáp cứu thương BTR-152, hoặc xe có tính năng tương tự, trang bị cho các BV của quân đội, các bệnh xá của các quân khu, quân đoàn để làm nhiệm vụ khi có tình huống chống bạo động hoặc chiến tranh.
Theo thiếu tá Nguyễn Thành Công, Phó giám đốc, Phó bí thư BVDC 2.1, BVDC 2.1 có một đội cấp cứu đường không và đường bộ, đội chia làm 2 tổ, tổ cấp cứu đường không ê kíp gồm 6 cán bộ, chiến sĩ (chia thành 2 nhóm, mỗi nhóm 6 người); tổ cấp cứu đường bộ có 4 cán bộ, chiến sĩ. Xe thiết giáp cứu thương có nhiệm vụ vận chuyển người bị thương từ hiện trường về BVDC 2.1 hoặc chuyển bệnh nhân từ BVDC 2.1 lên BV cấp độ cao hơn. Việc cấp cứu ngoài hiện trường ở Nam Sudan không chỉ khó khăn mà các cán bộ chiến sĩ cũng sẽ gặp nhiều nguy hiểm.
Nguồn: Báo Thanh niên online