Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười day dứt nhìn những bữa ‘cơm khách’ thừa mứa
Phan Trọng Kính*
Gần 40 năm được phục vụ nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười, tôi đã học tập ở ông rất nhiều. Ông làm việc không quản ngày đêm, giờ giấc, không bao giờ mảy may nghĩ đến cá nhân mình, dù là một việc nhỏ.
Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười cùng trợ lý – ông Phan Trọng Kính
Năm 1972, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Xây dựng Matxcova về nước, tôi được phân công về Bộ Xây dựng – nơi trước đây tôi đã từng công tác.
Ít tháng sau, tôi lại được Bộ điều động lên giúp việc cho Phó thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Đỗ Mười với nhiệm vụ là thư ký riêng.
Ông có cường độ làm việc rất phi thường. Một ngày làm việc của ông không phải là 10 tiếng, mà thường xuyên là 16 – 17 tiếng.
Gần 40 năm theo sát phục vụ, tôi nhận thấy một điều là ông làm hết sức mình vì Đảng, vì dân, không quản ngày đêm, giờ giấc, không bao giờ mảy may nghĩ đến cá nhân mình, dù là một việc nhỏ. Những nơi nào nóng bỏng nhất, những công việc nào khó khăn nhất là ông đều có mặt.
Những chính sách từ thực tiễn
Khi ông được bầu làm Tổng bí thư cũng là lúc Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, tình hình kinh tế – xã hội của đất nước lúc này đầy rẫy những khó khăn. Điều đầu tiên là ông đã cùng Bộ Chính trị lãnh đạo ổn định tình hình chính trị và tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, kiên quyết giữ vững con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, tiếp tục công cuộc đổi mới, mở rộng quan hệ với các nước, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, với Hoa Kỳ, chủ động gia nhập ASEAN và thu được nhiều thắng lợi trong xây dựng và phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh và trật tự xã hội cũng như trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước nhà.
Những đề xuất như xây dựng Quy chế dân chủ ở cơ sở, phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng,… những câu nói nổi tiếng như: “Đổi mới không đổi màu”, “Hội nhập không hòa tan” hoặc “xoá bỏ mặc cảm, xóa bỏ hận thù, khép lại quá khứ, nhìn về tương lai”, hoặc “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các nước trên thế giới”,… đều xuất phát từ thực tế khi ông tiếp xúc với đồng bào, ông hoặc các nhà lãnh đạo, chính khách nước ngoài.
Năm 1991, khi ông về thăm một số tỉnh ở miền Trung và miền Nam, đến đâu ông cũng hỏi thăm các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với nước, thăm hỏi các bà mẹ có con hy sinh ở Tây Ninh, Bến Tre, Thừa Thiên – Huế. Cảm động nhất là có một bà mẹ ở Thừa Thiên – Huế có 5 con hy sinh. Khi ông đến thăm hỏi, cụ vừa lau nước mắt vừa nói với Tổng bí thư: “Gia đình tôi đã mất hết, các con tôi đã mất hết, nhưng mà đất nước được độc lập và có được hòa bình như hôm nay, thế là tôi cũng toại nguyện rồi…”
Trước lời nói đầy khí phách anh hùng đó, ông về trao đổi với ông Lê Đức Anh là Chủ tịch nước và báo cáo Bộ Chính trị nên có hình thức tôn vinh một cách xứng đáng các bà mẹ Việt Nam anh hùng. Một thời gian sau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua và Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ký lệnh ban hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Cũng thời gian đó, có việc nhân dân một số xã ở tỉnh Thái Bình đã nổi lên chống lại một số cán bộ, đảng viên tham ô, ức hiếp quần chúng nhiều năm liền. Trước tình hình đó, ông đã về thăm Thái Bình và gặp gỡ các bí thư xã và các cụ lão thành trong tỉnh để nắm tình hình thì thấy rằng, sự việc xảy ra rất nghiêm trọng, ở đây đã có tình trạng cán bộ xã rất tham nhũng, lộng quyền, quan liêu, xa rời quần chúng, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân; chính quyền làm việc gì, dân hầu như không được biết, được bàn, nếu dân có ý kiến thì bị chính quyền ngăn chặn ngay tức khắc.
Ông hỏi: “Để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm của đảng bộ xã, đảng bộ huyện thế nào? Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách đến đâu? Những cá nhân sai phạm, tại sao đảng bộ không đưa ra để kiểm thảo, có hình thức kỷ luật nghiêm và thay thế”.
Thấu hiểu tình hình đó, ông nghĩ rằng không những ở Thái Bình mà chắc các địa phương khác ít nhiều cũng có tình trạng như vậy. Khi trở về, ông họp với các ngành có liên quan, cho đi kiểm tra các địa phương các cơ quan, trường học, bệnh viện, các đơn vị sản xuất, và sau đó ban hành Chỉ thị số 30 về Quy chủ dân chủ ở cơ sở. Quy chế đó sau khi ban hành đã phát huy được hiệu quả tích cực về quyền làm chủ của nhân dân.
Việt Nam sẵn sàng là bạn với tất cả các nước
Về công tác đối ngoại, tiếp xúc với các nhà ngoại giao, các nguyên thủ, các chính khách nước ngoài,… ông luôn giữ một thái độ thẳng thắn, cởi mở, chân tình, tự tôn dân tộc, một tư thế đĩnh đạc, đàng hoàng, chủ động, có sức thuyết phục, gây được cảm tình đối với bạn bè quốc tế.
Thời kỳ chưa bình thường hóa quan hệ với Mỹ, đã có nhiều đoàn thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ Mỹ sang Việt Nam xin gặp Tổng bí thư để đề nghị giúp đỡ tìm kiếm người Mỹ mất tích (MIA). Sang nhiều nhất là Thượng nghị sĩ John Kerry.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười
Khi tiếp đoàn hạ nghị sĩ và thượng nghị sĩ do John Kerry dẫn đầu để bàn vấn đề MIA, ông Đỗ Mười nói: “Vấn đề MIA, như đã nói với ngài nhiều lần, là vấn đề nhân đạo. Chúng tôi không gắn vấn đề này với vấn đề chính trị. Nhưng thực ra nó là vấn đề chính trị của nước Mỹ. Chúng tôi sẽ hợp tác tốt với các ngài để giải quyết vấn đề MIA. Vừa qua, lời nói và việc làm của chúng tôi đều nhất quán….
Tôi nói lại một lần nữa với các ngài là không thể có người Mỹ nào mà chúng tôi đang giam giữ. Chúng tôi giam giữ để làm gì? Tôi nghĩ rằng, chúng ta không nên khơi lại những mất mát, khổ đau mà hai đất nước của chúng ta đã chịu đựng. Nhân dân Việt Nam chúng tôi càng đau đớn gấp nhiều lần! Hàng triệu người chết và mất tích, hàng chục vạn người bị tàn tật; chất độc da cam mà các ngài gây ra đang để lại những hậu quả nặng nề. Các ngài gây lại những xót xa như thế này thì hàng triệu gia đình Việt Nam càng suy nghĩ và tác động đến tâm lý rất nhiều. Chúng tôi nói với nhân dân chúng tôi là hãy cố gắng bỏ qua, nhưng nhân dân Việt Nam cứ hỏi chúng tôi: Đây là nhân đạo cho người Mỹ, còn nhân đạo đối với nhân dân Việt Nam thì thế nào?
Quả là một vấn đề hết sức nặng nề! Như các ngài đã rõ, đất nước chúng tôi đã chịu nhiều đau khổ từ hàng nghìn năm nước đây cho đến sau này lại bị Nhật, Pháp, Mỹ sang xâm chiếm, gây bao tai họa, mất mát, đến hôm nay vẫn chưa hàn gắn được vết thương do chiến tranh gây nên. Vì vậy, chúng tôi muốn đất nước được hòa bình, ổn định để tập trung xây dựng lại.
Chúng tôi tuyên bố: Việt Nam sẵn sàng là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, tích cực góp phần cùng các nước Đông Nam Á và trên thế giới vào sự nghiệp chung vì hòa bình, ổn định, độc lập hợp tác và phát triển. Đối với Mỹ cũng vậy, Việt Nam với Mỹ từ lâu đã có quan hệ tốt, nhất là trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Việt Nam mãi mãi biết ơn nhân dân Mỹ. Nhưng không hiểu vì sao, Mỹ lại có ác cảm với Việt Nam như vậy?
Nhưng thôi. Bây giờ đó là chuyện quá khứ, chúng ta coi như gác lại và hãy nhìn về tương lai để cùng nhau hợp tác và phát triển. Nhân dịp này, tôi gửi lời hỏi thăm sức khỏe Tổng thống Bill Clinton. Những năm vừa qua, Tổng thống đã làm được nhiều việc và đã đạt được nhiều thành tựu”.
Thượng nghị sĩ John Kerry nói: “Cảm ơn ngài rất nhiều. Qua phát biểu của ngài, chúng tôi hiểu thế nào là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Lời phát biểu của ngài rất quan trọng. Chúng tôi về sẽ báo cáo ngay với ngài Tổng thống Bill Clinton”.
Phải nói rằng, kể từ Đại hội VII, Đại hội VIII cho đến nay, hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta ngày càng chủ động và tích cực mở rộng, ngoài một số nước xã hội chủ nghĩa và láng giềng anh em, chúng ta đã giữ quan hệ hữu nghị với Ấn Độ, mở rộng quan hệ với các nước Đông Nam Á, bình thường hóa quan hệ với Mỹ, phát triển quan hệ với các nước Tây Âu, Bắc Âu, Australia… cải thiện quan hệ với Nhật, Hàn Quốc, duy trì và mở rộng quan hệ với các Đảng Cộng sản và công nhân các phong trào cách mạng và phong trào độc lập dân tộc; tiếp tục quan hệ với một số đảng xã hội, xã hội – dân chủ,…
Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười đã góp phần không nhỏ vào những thành tựu về công tác đối ngoại.
Tấm gương cần, kiệm, liêm chính
Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười rất thông cảm với những hoàn cảnh éo le và những khúc mắc của đồng bào. Cũng chính vì thế mà những năm ông còn đương chức và kể cả bây giờ, hằng ngày không biết bao nhiêu thư từ kêu oan hoặc khiếu nại, tố cáo từ các nơi gửi đến, ông đều thu xếp thời gian để nghe hoặc tiếp xúc với bà con, việc nào giải quyết ngay được thì giải quyết, việc nào chưa giải quyết được thì gọi lãnh đạo địa phương lên trực tiếp gặp gỡ bà con để giải quyết và sau đó phải báo cáo lại cho ông được biết.
Trong đời sống và sinh hoạt hằng ngày, ông luôn thực hiện tấm gương đạo đức của Bác Hồ: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Khi đến dự các cuộc họp, thấy bày biện nước suối hoặc ăn uống giữa giờ là ông góp ý phải hết sức tiết kiệm. Ông nói: “Một chai nước khoáng giá thành ở thị trường bằng nửa lít xăng, ta có thể thay dùng nước khoáng bằng nước chè xanh có được không? Nước chè xanh vừa ngon, vừa rẻ, giải khát tốt mà lại bổ nữa. Còn ăn uống cũng nên hạn chế, tránh lãng phí”.
Có một lần, nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười dự cuộc họp bàn về thương mại tại tỉnh Nam Định, hôm ấy có đại biểu các tỉnh ở phía Bắc về dự. Đến trưa, tỉnh tổ chức bữa cơm gọi là thân mật nhưng rất thịnh soạn, bày biện nhiều món, thừa mứa nhiều, ông chỉ ăn qua loa và trước khi ra về, ông nhắc nhở các tỉnh phải hết sức tiết kiệm, không nên lãng phí như bữa ăn trưa nay. Ông nói rất day dứt về việc đó. Đại biểu các tỉnh ngồi nghe bấm nhau, nếu có mời Tổng bí thư về tỉnh thì cẩn thận đấy nhé.
Quả đúng như vậy, hôm đó, theo kế hoạch thì đến chiều Tổng bí thư sẽ về làm việc với tỉnh Thái Bình. Cũng may trong cuộc họp buổi sáng ở tỉnh Nam Định, có đại biểu của tỉnh Thái Bình tham dự. Ông này liền cấp tốc điện về Thái Bình báo là nếu có mời cơm ông Tổng bí thư chiều nay thì phải hết sức đạm bạc, nếu bày biện như ở Nam Định trưa nay thì liệu đấy. Đúng như vậy, bữa cơm chiều hôm ăn chỉ có rau muống luộc, bát canh cua, mấy quả cà và đĩa cá. Anh em bảo vệ, lái xe, thư ký, bác sĩ đi theo Tổng bí thư còn xin thêm nước mắm và cơm để ăn cho đủ.
Trong sinh hoạt gia đình hằng ngày của ông cũng rất giản dị. Bữa sáng có khi ăn bát cháo hoặc nắm xôi, cốc sữa. Bữa trưa, bữa tối cùng ăn cơm với gia đình. Trên mâm thường là bát canh, đĩa cá, mấy bìa đậu, một ít thịt cho các cháu, còn chủ yếu là rau luộc, muối vừng, đậu phụ. Đồ đạc trong nhà không có gì là sang trọng, ngoài những thứ cơ quan cấp như chiếc tủ, cái bàn, giường nằm và những đồ lặt vặt khác.
Gần 40 năm được vinh dự phục vụ nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười, tôi đã học tập ở ông rất nhiều. Điều đầu tiên là đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và tấm lòng trong sáng, đầy nhiệt huyết đối với nhân dân, với đất nước ở ông.
Tiêu đề phụ do Thanh Niên đặt.
*Trợ lý nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười
Nguồn: Báo Thanh niên online