Bất thường khan hiếm sách giáo khoa

     Việc thiếu sách giáo khoa xảy ra ở nhiều địa phương trong năm học mới được lý giải bằng nhiều nguyên nhân, nhưng các chuyên gia cho rằng dù thế nào thì việc để phụ huynh ‘bấn loạn’ vì không mua đủ sách cho con là điều rất phản cảm và đáng lo ngại.

     Ngoài lý do học sinh (HS) tăng đột biến thì đến ngày 21.8, trả lời Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Tùng, Phó tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục VN (NXB), mới cho biết có thêm một nguyên nhân nữa là trước thông tin sắp thay sách giáo khoa (SGK) mới, một vài công ty sách – thiết bị trường học địa phương năm nay đã đặt kế hoạch thấp để tránh tồn kho, nên đã ảnh hưởng đến kế hoạch in ấn phát hành của NXB.

     Bên cạnh đó, lý giải về hiện tượng khan hiếm SGK năm nay, NXB còn cho rằng do có sự đột biến về số lượng HS các lớp đầu cấp ở một số thành phố lớn nên đã dẫn đến hiện tượng thiếu sách tạm thời. Những cửa hàng có hiện tượng thiếu sách phần lớn là cửa hàng nhỏ lẻ, hầu hết không thuộc hệ thống cửa hàng, siêu thị sách của NXB.

     Có phải chỉ thiếu ở vài điểm lẻ?

     Ghi nhận thực tế của PV Thanh Niên thì không chỉ Hà Nội, TP.HCM hay các thành phố lớn có số HS đông nên khan hiếm SGK, những ngày qua, tỉnh miền núi như Điện Biên, phụ huynh cũng lo lắng vì không mua đủ sách cho con. Không chỉ các đại lý bán lẻ sách trên địa bàn TP.Điện Biên Phủ, mà ngay cả siêu thị sách Điện Biên, thuộc Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học Điện Biên, cũng không còn sách lớp 1 để bán. Bên cạnh đó, một số đầu sách của các khối lớp 2, 3, 4 và lớp 10 cũng thiếu trầm trọng; nhiều phụ huynh phải đến các cửa hàng bán lẻ SGK để mua gom, tuy nhiên vẫn không đủ một bộ sách hoàn chỉnh cho con học. Lãnh đạo công ty này lý giải đang chờ NXB trả nốt số sách mà công ty đặt mua từ trước.

Phụ huynh tại TP.HCM phải đi gom từng cuốn nhưng vẫn không đủ bộ SGK lớp 10 cho con vào đầu năm học mới

     Trong khi đó, đại diện NXB này cho rằng để phục vụ tốt năm học mới 2018 – 2019, NXB đã xây dựng kế hoạch in và phát hành sách dựa vào số lượng đặt mua sách của các công ty sách và thiết bị trường học địa phương cũng như căn cứ vào thực tiễn phát hành SGK các năm học trước, đặc biệt là năm học 2017 – 2018. Theo ông Tùng, tính đến ngày 20.8.2018, NXB đã phát hành 108,8 triệu bản SGK, đạt 105% kế hoạch, vượt 3% so với cùng kỳ năm 2017.

     Câu hỏi đặt ra nếu cho rằng đã phát hành vượt hơn năm 2017 nhưng vì sao đầu năm học mới lại xảy ra tình trạng khan hiếm cho dù với lý do gì? Ai sẽ là người chịu trách nhiệm về việc này? Điều này càng cho thấy đây chính là hệ quả tất yếu của việc độc quyền in, phát hành SGK như hiện nay.

     “Rất phản cảm”

     GS Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội Khuyến học VN, cho rằng việc để thiếu SGK khiến phụ huynh phải “chạy đôn, chạy đáo” khắp nơi để tìm mua đủ sách cho con và để cho “cò” SGK trục lợi là hiện tượng rất phản cảm. “Việc trục lợi trên SGK dù là đối tượng nào cũng không thể chấp nhận được. Đừng để người dân nghĩ đây là mặt hàng được phát hành độc quyền bởi một doanh nghiệp nên mọi người phải chấp nhận”, GS Dong nói.

     GS Dong cũng cho rằng SGK là mặt hàng đặc biệt, việc in và phát hành sách không phải là bài toán kinh doanh thông thường mà trước hết là bài toán xã hội vì nó đụng đến hầu như mọi gia đình. SGK lẽ ra phải làm cách nào đó phục vụ tới tận tay học sinh. Ở góc độ đó, có thể coi SGK là nhu cầu thiết yếu của xã hội như: điện, nước… vì giáo dục không thể thiếu SGK. Do vậy, cơ quan phát hành sách phải có nhiệm vụ nắm bắt được nhu cầu và khả năng chi trả của người dân về SGK trước khi phát hành, không để rối loạn như vừa qua.

     Theo GS Dong, việc giải thích do sắp thay sách nên sợ tồn kho thể hiện việc tính toán thiệt hơn nhiều quá, trong khi nhiệm vụ chính cần coi trọng là đảm bảo đủ sách cho người học. “Hiện nay mới chỉ có một bộ SGK thống nhất mà đã có những bất cập như vậy thì sau này, nếu không có sự điều tiết của nhà nước, thị trường SGK sẽ còn rối loạn hơn nữa”, GS Dong cảnh báo.

     Qua câu chuyện thiếu SGK mấy ngày qua, nhiều ý kiến cũng đặt vấn đề về việc những tủ SGK dùng chung của các nhà trường đã được nói đến từ lâu, nhưng dường như vẫn “im ắng”, chưa hề tồn tại và hỗ trợ gì cho học sinh trong những lúc nguy cấp. Việc tái sử dụng các SGK cũ chưa có kênh tiếp nhận một cách bài bản nên vẫn lãng phí khi năm nào phụ huynh cũng phải mua SGK mới.

 

Hiện nay mới chỉ có một bộ SGK thống nhất mà đã có những bất cập như vậy thì sau này, nếu không có sự điều tiết của nhà nước thì thị trường SGK sẽ còn rối loạn hơn nữa. 

GS Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội Khuyến học VN

 

Bộ GD-ĐT yêu cầu chấm dứt ngay tình trạng thiếu SGK

*Sẽ “in gấp, vận chuyển nhanh” ?

Theo ông Phạm Hùng Anh – Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và thiết bị trường học (Bộ GD-ĐT), trước phản ánh về tình trạng thiếu SGK ở một số đầu sách và lớp đầu cấp mấy ngày vừa qua, Bộ đã chỉ đạo NXB GDVN rà soát, nắm bắt ngay tình hình, xác định nguyên nhân và có giải pháp khắc phục kịp thời. Bộ GD-ĐT đã yêu cầu NXB này phải khẩn trương cung ứng đủ SGK theo nhu cầu của HS, dù ở địa bàn nào, trước năm học mới. Bộ GD-ĐT sẽ theo dõi sát sao việc thực hiện các giải pháp.

Trong khi đó, theo ghi nhận của Thanh Niên đến chiều 21.8, các đầu SGK lớp 1 đã có khá đầy đủ tại hệ thống các cửa hàng của NXB GDVN tại Hà Nội và một số địa phương. Các đầu sách còn thiếu ở lớp 6, lớp 10 vẫn còn thiếu nhiều. Đại diện NXB này cho biết trong vài ngày tới, những đầu SGK còn thiếu sẽ nhanh chóng chuyển tới các cửa hàng để phục vụ nhu cầu của phụ huynh và học sinh. Bên cạnh đó, sẽ yêu cầu dự trữ một số lượng sách nhất định tại các cửa hàng, siêu thị thuộc đơn vị thành viên của NXB để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu phát sinh về SGK.

Ông Tùng còn cho hay NXB đã chuẩn bị các phương án triển khai in gấp vận chuyển nhanh SGK đến các đại lý, nhà sách khi cần thiết. NXB đã lập đường dây nóng với số điện thoại: 0973195555 để tiếp nhận thông tin, phản ánh của người dân về việc mua SGK phục vụ năm học mới trên khắp cả nước.

 

Ý kiến:

Rất khó chịu

Các đơn vị cung cấp sách phải có tính dự báo để đảm bảo SGK cho người dân. Đặc biệt, SGK không phải là mặt hàng hiếm cũng như không phải là mặt hàng hư hỏng trong vài ngày mà để tình trạng không có sách xảy ra. Đến giờ này tôi cũng không biết nguyên nhân thiếu sách chính xác là do đâu nên cảm thấy rất khó chịu.

Phan Tuyết Nhung (Phụ huynh học sinh tại Q.8, TP.HCM)

Không thể đổ lỗi do HS tăng đột biến

Không thể đổ lỗi thiếu SGK là do năm nay số lượng HS tăng đột biến. Công tác dự báo, thống kê, quản lý của ngành giáo dục, đặc biệt là phía NXB Giáo dục hoặc là có vấn đề, hoặc không quan tâm đến người học mà chỉ chú ý đến mục đích kinh doanh.

Phan Thị Hoài (Phụ huynh Q.Thủ Đức, TP.HCM)

Phải chỉ ra nguyên nhân cụ thể

Năm học đã bắt đầu mà phụ huynh còn phải chạy khắp nơi tìm sách, HS chưa đủ sách để học là không ổn. Tôi cho rằng, cần phải chỉ ra nguyên nhân cụ thể, trách nhiệm thuộc về bộ phận nào chứ không thể lòng vòng đổ lỗi cho nhau.

Nguyễn Thị Thủy(Giáo viên Q.Bình Tân, TP.HCM)

B.Thanh (ghi)