Cảnh báo những loại ma túy mới cực độc: Lá ‘khat’ độc gấp 500 lần ma túy thông thường
Theo cơ quan chức năng, lá “khat” có tên khoa học Cathaedulis, mọc nhiều tại vùng Trung Đông, Ả Rập và châu Phi, có chứa thành phần Mephedrone và Cathinone.
Đây là 2 chất dùng để điều chế ma túy tổng hợp mới, trong đó có Flakka mà nhiều người còn gọi là “muối tắm”.
Chiều 11.5, Cục Hải quan Hải Phòng phối hợp Công an TP.Hải Phòng kiểm tra và phát hiện 1 container chứa 2,5 tấn lá “khat” tại cảng Nam Hải – Đình Vũ (Hải Phòng)
Thượng tá Bùi Đức Thiêm, Phó trưởng phòng Phòng chống đấu tranh với tội phạm ma túy tổng hợp và tiền chất thuộc Cục CSĐT tội phạm về ma túy (C47) Bộ Công an, cho biết các chất có trong lá “khat” độc hại hơn ma túy thông thường 500 lần, nguy hiểm hơn nếu dùng với rượu. Các chất ma túy có trong lá “khat” thuộc danh mục I, Nghị định 82/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định “tuyệt đối cấm trong y học và đời sống xã hội”.
Nhập vào VN để chuyển qua nước thứ 3
Đã có nhiều vụ với hàng tấn lá “khat” nhập lậu vào VN bị cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ. Các đường dây nhập lá “khat” do các đối tượng gốc Phi cầm đầu, đang có xu hướng đẩy mạnh việc dùng VN làm địa bàn trung chuyển chất độc này từ châu Phi tới các nước thứ 3, chủ yếu là Mỹ.
Ngày 5.6.2016, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất – Cục Hải quan TP.HCM phối hợp C47 kiểm tra và ngăn chặn 4 lô hàng nhập khẩu từ châu Phi và 1 lô hàng xuất khẩu đi Mỹ loại lá khô lạ, với tổng khối lượng 1,2 tấn. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, đây là loại lá chứa chất ma túy cực mạnh, thường gọi lá “khat”.
Sau đó, cơ quan chức năng ở TP.HCM cũng bắt 4 vụ lá “khat” khô nhập từ châu Phi và 1 vụ xuất đi Mỹ, tổng trọng lượng hơn 2 tấn, trị giá khoảng 2,2 triệu USD. Cuối tháng 2.2017, Cục Điều tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải quan kiểm tra lô hàng được vận chuyển từ nước ngoài về sân bay quốc tế Nội Bài, phát hiện hơn 200 kg lá “khat”.
Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, một số doanh nghiệp do các đối tượng gốc Phi cầm đầu lợi dụng thông quan điện tử nhập lá “khat” vào VN bằng đường gửi hàng hóa, quà biếu, khai là các loại chè ngoại. Sau đó, để xuất đi nước ngoài, các đối tượng khai là lá “henna” dùng để chế tạo mỹ phẩm, tạo mực xăm nghệ thuật. Thời gian đầu, đã có một khối lượng lá “khat” với danh nghĩa lá “henna” lọt lưới kiểm soát khi được cấp giấy phép xuất khẩu và điểm đến chủ yếu là thị trường Mỹ.
Cai nghiện khó hơn ma túy truyền thống
Trả lời PV Thanh Niên, bác sĩ Đỗ Mạnh Hùng, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn và cai nghiện ma túy thuộc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cho biết hiện nay ở VN đã xuất hiện 2 hoạt chất Mephedrone và Cathinone được chiết xuất từ lá “khat”. Người sử dụng 2 chất này bị nghiện rất khó cai. “Lá “khat” được sử dụng bằng cách nhai tươi (nhai lá), cuốn thành thuốc hút nếu ở dạng khô, pha nước uống hoặc làm gia vị cho thức ăn… Ngoài ra, từ lá “khat” còn được tinh chế thành loại ma túy mới có tên Flakka (muối tắm) cực độc”, bác sĩ Hùng nói.
Cũng theo bác sĩ Hùng, “muối tắm” dạng tinh thể muối, màu trắng hay hồng nhạt, có mùi hôi nhưng gây nghiện rất cao, tác động rất mạnh tới hệ thần kinh, gây kích thích, tạo ảo giác nên rất nguy hiểm cho sức khỏe con người. Đáng sợ là “muối tắm” không chỉ có 2 chất điều chế từ lá “khat” mà bọn tội phạm còn pha trộn thêm cocaine và ma túy đá, nên mức độ nguy hại, tàn phá cơ thể gấp nhiều lần ma túy thông thường, có thể gây ung thư và nhũn não.
“Mephedrone và Cathinone gây ra những phản ứng tiêu cực như phấn khích, tỉnh táo, nói nhiều, chán ăn, nếu lạm dụng dẫn đến mất ngủ, rối loạn tiêu hóa, trầm cảm, gây ảo giác, kích thích, rối loạn khí sắc, hoang tưởng, dễ kích động, khó kiểm soát hành vi, hung hãn (nghĩ có người hại mình nên phải giết người đó hoặc nghĩ bản thân tù tội nên tự sát)… Một số triệu chứng ở cơ thể như mạch nhanh, huyết áp tăng, hồi hộp, đánh liên tục vào ngực… Sử dụng Mephedrone và Cathinone thời gian dài dễ dẫn tới phân hủy các tế bào cơ xương và suy thận; gia tăng nguy cơ các biến chứng về y học như tăng bệnh nha khoa và ung thư miệng, bệnh tim mạch, gan…”, bác sĩ Hùng cảnh báo.
Theo bác sĩ Đỗ Mạnh Hùng, các loại ma túy mới hiện nay như “muối tắm”, “tem giấy”, “cỏ Mỹ”, thuốc gây ảo giác, hàng đá, thuốc lắc… thực chất cũng được tẩm một trong hai chất có trong lá “khat”, hoặc cả 2 chất. Bọn tội phạm điều chế tinh chất ma túy trong lá “khat” sau đó tẩm vào thực vật để làm “cỏ Mỹ”, hoặc tẩm vào cần sa, khiến việc phát hiện càng khó khăn hơn. “Cỏ Mỹ” thực chất là thảo mộc, tẩm ướp những chất ma túy vào để có tác dụng gây ảo giác, có hiện tượng như ngáo đá, mạnh hơn cần sa, hiện nhiều người trẻ lạm dụng. “Ma túy ngày càng có nhiều loại mới chưa kiểm soát và kiềm chế được. Mục đích của người sản xuất là để người sử dụng không dương tính với que thử cần sa hay que thử methamphetamine hiện có, qua đó tránh bị cơ quan chức năng phát hiện. Vì vậy, đẩy mạnh việc bào chế các loại ma túy mới cũng là xu hướng của bọn tội phạm ma túy hiện nay”, bác sĩ Hùng nhận định.
Nguồn: Báo Thanh niên online