Cô Trần Thị Bích Hà – Gương học tập và làm theo lời Bác cấp Đảng ủy Cơ quan Thành Đoàn năm 2019

          Nhân dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2020), Ban Biên tập website trường Đoàn trân trọng giới thiệu bài phỏng vấn cô Trần Thị Bích Hà – Phó Bí thư Chi bộ, trưởng phòng Hành chính – Tổ chức trường Đoàn Lý Tự Trọng, một trong những gương điển hình trong việc học tập và làm theo lời Bác của đơn vị đã được Đảng ủy Cơ quan Thành Đoàn tuyên dương năm 2019.

          Cô Trần Thị Bích Hà có quá trình công tác 21 năm tại trường Đoàn Lý Tự Trọng. Dù ở cương vị nào, cô Bích Hà cũng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu của đảng viên trong việc thực hiện nhiệm vụ. Cô có nhiều đóng góp trong công tác cải cách hành chính, vận động quần chúng và các hoạt động Đảng – Đoàn thể tại đơn vị; được Đảng ủy Cơ quan Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh tuyên dương “điển hình dân vận khéo”; được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Kỷ niệm chương “Vì thế hệ  trẻ” và Ủy ban nhân dân thành phố tặng bằng khen. Đặc biệt, năm 2018, cô xuất sắc đạt giải Nhì Hội thi Bí thư Chi bộ giỏi cấp Đảng ủy khối Dân – Chính – Đảng.

Cô Trần Thị Bích Hà (ảnh do nhân vật cung cấp)

 Học Bác về việc xây dựng chuẩn mực đạo đức lối sống và sự hết mình trong công việc.

          (PV): Thưa cô, việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách của chủ tịch Hồ Chí Minh là một cuộc vận động hết sức ý nghĩa và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội. Trong công việc và cuộc sống của bản thân cô, việc học tập này được thể hiện qua những hành động nào?

          Cô Bích Hà: Trong công việc, cô luôn tâm niệm phải cố gắng đến mức cao nhất trong khả năng của mình đối với công việc được giao, đã nhận là làm đến nơi đến chốn. Trong cuộc sống, cô luôn xây dựng cho bản thân và gia đình chuẩn mực đạo đức lối sống, tình yêu thương và sự sẻ chia. Cô thường đưa các con theo trong những dịp đi từ thiện để qua đó các con được giáo dục về lòng trắc ẩn. Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, cô và gia đình tham gia nhắn tin ủng hộ theo vận động của Chính phủ, miễn phí một tháng tiền phòng trọ với 15 phòng cho sinh viên và người lao động, đồng thời ủng hộ 100kg gạo cho “ATM gạo” trên địa bàn Quận 2 nơi cô sống.

          (PV) Là người có quá trình gắn bó nhiều năm với trường Đoàn Lý Tự Trọng, cô có nhận xét như thế nào về phong trào học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách của chủ tịch Hồ Chí Minh tại trường Đoàn?

          Cô Bích Hà: Chi bộ trường Đoàn Lý Tự Trọng là một trong những đơn vị được đánh giá cao trong việc tổ chức phong trào học tập tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, có nhiều đảng viên được tuyên dương là gương điển hình. Việc tổ chức phong trào này đã dần đi vào thực chất, có chiều sâu. Các nội dung học tập Bác được đưa vào sinh hoạt chi bộ định kỳ và chọn lọc để triển khai trong sinh hoạt chi bộ chuyên đề. Quan điểm của cấp ủy về vấn đề này là việc học tập phải đi vào nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên. Trong vài năm gần đây, việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được triển khai đồng bộ trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên nhà trường thông qua Công đoàn, Chi đoàn và các buổi sinh hoạt dưới cờ.

          Tâm đắc những câu chuyện về Bác do ba kể lại.

          (PV) Cô hãy chia sẻ câu nói hoặc một mẩu chuyện về Bác mà cô tâm đắc nhất?

          Cô Bích Hà: Cô có 03 câu chuyện về Bác mà cô rất tâm đắc, cũng là câu chuyện do ba của cô – một cán bộ đã từng gặp và làm việc với Bác tại “An toàn khu” Việt Bắc thuộc đội xây dựng văn phòng chính phủ kể lại:

          Chuyện thứ nhất, trước ngày “An toàn khu” chuyển về Thủ Đô, Bác đến thăm các cơ quan ở “An toàn khu”. Bác cầm điếu thuốc ngồi ở bệ cửa, các cán bộ chiến sĩ thì ngồi quanh Bác. Bác trầm tư: “Điều Bác lo lắng nhất là tư tưởng của các chú khi về Thủ Đô sẽ dao động. Cuộc sống đô thị không như sinh hoạt tại “An toàn khu”, các chú nên lường trước những cám dỗ để tự răn mình.”

          Chuyện thứ hai, Bác đi công tác trong rừng tại “An toàn khu”, Bác cởi trần, trên vai đeo giỏ cá và cần câu cá giống như đồng bào dân tộc sống ở đây. Bác thường tranh thủ tắm giặt trên đường đi và phơi áo ngay trên cần câu cá. Cô có dịp nhìn thấy hình ảnh này trong phim tư liệu về Bác, điều đó giúp cô cảm nhận sâu sắc về sự giản dị nơi Bác.

          Chuyện thứ ba, sau giờ làm việc Bác thường đi một vòng cơ quan, trẻ em thường ùa ra đón Bác. Bác luôn vui vẻ ân cần với các cháu. Bác đặc biệt lưu ý cháu nào ăn mặc không gọn gàng, mặt mũi lem nhem, Bác đích thân đưa các cháu ra giếng tập thể tắm rửa sạch sẽ và sau đó bố mẹ các cháu này sẽ bị Bác nhắc nhở về việc không chăm sóc con cái chu đáo. Cô cảm nhận Bác như một người ông, người cha, không hề có khoảng cách lãnh tụ.

Phụ nữ phải chứng minh năng lực trong công việc.

          (PV) Sinh thời, Bác Hồ luôn quan tâm đến sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Người từng nói: “Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội một nửa”. Với trải nghiệm của một nữ cán bộ Đoàn và công tác nhiều năm tại trường Đoàn, cô hãy chia sẻ ý kiến của cô về vấn đề bình đẳng giới hiện nay trong tổ chức Đoàn – Hội?

          Cô Bích Hà: Theo cô, tổ chức Đoàn – Hội là tổ chức của thanh niên thì bao giờ cũng tiên phong trong công cuộc đổi mới. Hiện nay, cơ cấu của cán bộ Đoàn – Hội luôn có tỷ lệ nữ nhất định. Bên cạnh đó, nhiều thủ lĩnh trong phong trào Đoàn – Hội là nữ, năng lực công tác không hề thua kém các bạn nam. Tại trường Đoàn Lý Tự Trọng, tỷ lệ học viên nữ khá đồng đều với học viên nam, đảm nhận nhiều vị trí chủ chốt tại các cơ sở Đoàn. Tuy nhiên, phụ nữ muốn giải phóng được mình thì phải chứng minh được năng lực thực sự trong xã hội, có khả năng đảm đương công việc được giao, đặc biệt là công việc quản lý.

Bạn trẻ cần tận dụng thời gian để cống hiến.

          (PV) Cô có lời khuyên gì dành cho người trẻ trong công tác, học tập để phấn đấu theo gương Bác?

          Cô Bích Hà: Bạn trẻ hãy rằng nhớ cái các bạn đang có là thời gian, do đó cần tận dụng thời gian trong học tập, công tác để học hỏi và tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, vốn sống. Thời gian không quay trở lại và cơ hội của tuổi trẻ cũng không quay lại. Tuy nhiên, bạn trẻ nên phấn đấu với tinh thấn cống hiến, vô tư trong sáng đúng với tinh thần “tuổi trẻ”.

            (PV) Xin cảm ơn cô về những chia sẻ trong buổi phỏng vấn hôm nay. Chúc cô luôn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và là tấm gương sáng cho tuổi trẻ trường Đoàn Lý Tự Trọng!

 

Thực hiện: Hạnh Phạm