Nỗ lực trao dồi bản thân về đạo đức, kiến thức, kỹ năng để góp công sức vào công tác giáo dục, chăm lo cho các em thiếu niên, nhi đồng
Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho thế hệ trẻ của đất nước tình yêu thương, sự quan tâm và niềm tin sâu sắc. Người căn dặn Đảng ta phải quan tâm chăm lo đào tạo, bồi dưỡng thế hệ kế tục sự nghiệp cách mạng cho đời sau. Người nêu rõ: “đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
Thiếu niên nhi đồng được coi là mầm non, là những chủ nhân tương lai của đất nước và là thế hệ trẻ sẽ kế tục sự nghiệp của dân tộc. Chính vì vậy, việc chăm lo, giáo dục và bồi dưỡng phát triển đối với thiếu niên nhi đồng là một trong những nội dung quan tâm hàng đầu của xã hội. Do đó, tổ chức Đoàn, Hội, Đội có vai trò quan trọng đối với thiếu niên, nhi đồng.
Như chúng ta đã biết, Bác Hồ luôn luôn dành cho các em thiếu nhi một tình yêu thương đặc biệt. Tình yêu thương và những lời dặn dò của Bác đã đồng hành cùng thiếu niên, nhi đồng cả nước.
Cụ thể là nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Đội TNTP tháng 5 năm 1961 Bác đã gửi đến thiếu nhi 5 lời dạy:
“Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào
“Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào
Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt
Giữ gìn vệ sinh
Thật thà, dũng cảm”.
Cho đến ngày hôm nay, các thế hệ thiếu niên, nhi đồng nối tiếp nhau vẫn xem đó là mục tiêu để phấn đấu và đó cũng là tiêu chuẩn để đánh giá Đội viên tiêu biểu của Đội.
Ngày nay có rất nhiều hoạt động, nhiều đổi mới cả về quy mô và chiều sâu như “Vì đàn em thân yêu”, “Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam”, hướng dẫn thiếu niên, nhi đồng học tập 5 điều Bác Hồ dạy, thực hiện đạt hiệu quả cao Cuộc vận động “Thiếu nhi làm theo lời Bác”, chương trình “Rèn luyện Đội viên”, nâng cao hiệu quả phong trào “Kế hoạch nhỏ” với nhiều mô hình hoạt động, cách làm hay, phù hợp với tình hình thực tiễn…Công tác bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ phụ trách và chỉ huy Đội ngày càng được tăng cường; các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thiếu nhi, phụ trách Đội cơ sở được tổ chức hàng năm. Thực hiện phương châm “Chơi mà học, học mà chơi” mô hình “Học kỳ Quân đội”,“Học từ tự nhiên”, trại kỹ năng “Trải nghiệm để trưởng thành”…, đã tác động sâu sắc đến từng đội viên, thiếu nhi tinh thần hướng về cội nguồn, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, quê hương và gia đình, giúp các em hình thành phẩm chất, nhân cách, lối sống tốt đẹp.
Và để góp phần xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng, xây dựng Đội vững mạnh về tổ chức và nâng cao hiệu quả các phong trào bản thân tôi là một cán bộ Đoàn và là một GV TPT Đội tôi thấy rằng việc trau dồi kiến thức, kỹ năng là một việc vô cùng cần thiết. Vì có kiến thức, kỹ năng tốt mới có thể hướng dẫn dìu dắt theo đúng mục tiêu đã định. Ngoài các phong trào do Đoàn tổ chức cho các em thiếu niên, nhi đồng thì tôi còn tham gia vào các, trợ giúp cho các hoạt động, chương trình trang bị kỹ năng cho học sinh như phòng tránh xâm hại tình dục, phòng tránh bạo lực học đường, phòng tránh đuối nước… góp phần xây dựng nề nếp trong nhà trường.
Ngoài các hoạt động trên, nhằm giúp các em có sự đoàn kết, thể hiện tấm lòng tương thân, tương ái cũng như chăm lo cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong nhà trường cũng có các hoạt động như Nụ cười hồng, giúp bạn vui Tết, quyên góp cho đồng bào lũ lụt…
Tuy nhiên, trong một số hoạt động tình nguyện, từ thiện, tôi thấy ở một số địa phương công tác chăm lo, giáo dục cho các em thiếu niên, nhi đồng còn rất nhiều khó khăn do điều kiện, hoàn cảnh. Đặc biệt là các em ở vùng sâu, vùng xa. Các em cơm không đủ ăn, quần áo chưa đủ ấm đã vậy còn phải phụ giúp lao động cho gia đình từ rất sớm. Tôi và các bạn Đoàn viên khác chỉ có thể hỗ trợ trong sức của mình như thực hiện các công tác tuyên truyền, vận động và giúp đỡ thêm cho các em một phần nào đó để các em có them được những nội dung, hoạt động gắn liền với lứa tuổi của mình.
Bên cạnh đó việc trau dồi và bồi dưỡng về đạo đức của chính bản thân mình cũng là một vấn đề quan trọng. Là người GV TPT Đội, người tiếp xúc gần gũi với các em, chia sẻ, lắng nghe và giúp đỡ, dìu dắt các em thì trước hết tôi phải là một tấm gương tốt để làm gương cho các em. Tôi phải tạo được sự tín nhiệm, tin tưởng của các em đối với mình cũng như giúp đỡ các em hình thành nhân cách tốt, tạo được lòng tin, sự tín nhiệm của phụ huynh, thầy cô và bạn bè.
Bản thân tôi luôn cố gắng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, chấp hành tốt kỷ cương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, kỷ luật của đơn vị, thực hiện theo quy tắc ứng xử của viên chức. Sống và làm việc có trách nhiệm, trung thực, khách quan, thương yêu học sinh, luôn có thái độ nhã nhặn, thân thiện với mọi người. Cố gắng trở thành một tấm gương cho các em học sinh noi theo.
Bản thân tôi cảm thấy qua những hoạt động mình đã tham gia, đã làm được thì kiến thức và kỹ năng của tôi vẫn chưa đủ nhiều để giúp đỡ, chăm lo, dìu dắt cho các em thiếu niên, nhi đồng nhiều hơn. Vì vậy, tôi tự nhủ rằng mình phải cố gắng hơn nữa trong việc trau dồi, bồi dưỡng bản thân về đạo đức, kiến thức, kỹ năng thì mới có thể góp công sức của mình nhiều hơn nữa vào công tác giáo dục, chăm lo cho các em thiếu niên, nhi đồng. Để xứng đáng là người Đoàn viên TNCS Hồ Chí Minh – người GV TPT Đội. Và việc đăng ký vào lớp D36, lớp đào tạo chức danh TPT Đội là một quyết định đúng đắn cho mục tiêu học tập và tự bồi dưỡng của tôi. Tôi tin chắc rằng, qua lớp D36 này tôi sẽ trang bị được cho mình thêm nhiều kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cũng như các phẩm chất đạo đức cần thiết cho sự nghiệp “trồng người” của mình.
Nguyễn Thị Kim Thảo
Trường THCS Hà Huy Tập, Quận 12
Học viên lớp D36, trường Đoàn Lý Tự Trọng