Theo dấu chân anh…

     Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Lịch sử dân tộc suốt hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước đã hun đúc tinh thần ấy trong mỗi người dân đất Việt, lịch sử cũng ghi dấu bao tấm gương anh hùng đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do cho dân tộc, trong đó có rất nhiều tấm gương anh hùng trẻ tuổi.

     Lý Tự Trọng, một trong những người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên được Bác Hồ kính yêu dìu dắt, giáo dục, rèn luyện là một tấm gương về chí khí cách mạng với tuyên ngôn bất tử “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác”.

  1.  Gia đình, quê hương Lý Tự Trọng – cái nôi nuôi dưỡng chí khí cách mạng

     Vùng đất Hà Tĩnh nổi tiếng bởi truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, người dân kiên cường, anh dũng, cần cù, hiếu học và giàu khả năng sáng tạo.

     Từ thời vua Hùng Vương, Hà Tĩnh đã là một trung tâm của nền văn minh Đông Sơn, là đất văn vật nổi tiếng thời Lê – Nguyễn. Đây là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, nơi sản sinh bao nhân tài, danh nhân của nước Việt như: Đại thi hào Nguyễn Du; nhà thơ, nhà quân sự Nguyễn Công Trứ; danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác; nhà sử học nổi tiếng Phan Huy Chú. Hà Tĩnh cũng là nơi nổi tiếng trong phong trào Cách mạng Việt Nam với các địa danh nổi tiếng như: Khu căn cứ Vũ Quang với Bộ chỉ huy khởi nghĩa chống Pháp đóng và lãnh đạo nghĩa quân chiến đấu trong suốt 10 năm. Nơi đây các vị lãnh đạo của phong trào Cần Vương như Phan Đình Phùng, Cao Thắng và các vị lãnh tụ khác bàn kế hoạch tác chiến.

     Lý Tự Trọng tên thật là Lê Hữu Trọng, sinh ngày 20/10/1914 tại một làng nhỏ ở tỉnh Na – khon Pha nôm, Thái Lan.  Cha là Lê Hữu Đạt và mẹ là Nguyễn Thị Sờm, quê gốc thôn Việt Xuyên, xã Thạch Minh, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Ông Lê Hữu Đạt tham gia phong trào Cần Vương, bị thực dân Pháp truy trong ráo riết nên lánh sang Thái Lan hoạt động rồi lập nghiệp tại đây.

     Cha và mẹ Lê Hữu Trọng là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Gia đình Lê Hữu Trọng là một trong những cơ sở cách mạng, đây là nơi bồi dưỡng cán bộ và là trường quốc ngữ của Hội Việt kiều. Thừa hưởng truyền thống gia đình, Lê Hữu Trọng đã sớm tham gia cách mạng, tham gia phong trào yêu nước của kiều bào ta tại Thái Lan do cụ Đặng Thúc Hứa đứng đầu.

     Có thể nói, truyền thống cách mạng của gia đình, dòng họ và hồn thiêng sông núi của quê hương… tất cả đã hun đúc, trao truyền cho Lý Tự Trọng khí chất thông minh, vui tính, siêng học, siêng làm, đặc biệt là lòng yêu nước cháy bỏng, chí căm thù quân xâm lược và tinh thần đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ Quốc.

  1. Lý Tự Trọng được Bác Hồ dìu dắt từ tuổi thiếu niên

     Đầu mùa hè năm 1926, thực hiện ý kiến của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Hồ Tùng Mậu, thành viên của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội đến Thái Lan gặp cụ Đặng Thúc Hứa, truyền đạt yêu cầu của đồng chí Nguyễn Ái Quốc về việc chọn một số con em gia đình Việt kiều yêu nước đưa sang Quảng Châu đào tạo lâu dài để chuẩn bị xây dựng tổ chức Thanh niên Cộng sản ở Việt Nam. Lê Hữu Trọng là một trong số các thiếu niên được lựa chọn.

     Đến Quảng Châu, nhóm thiếu niên này được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (lúc này mang tên Lý Thụy). Để đảm bảo bí mật, các thiếu niên đều mang họ Lý coi như người trong một gia tộc, do đó Lê Hữu Trọng đổi tên Lý Tự Trọng.

     Bác Hồ đã yêu cầu tổng bộ soạn riêng một chương trình học tập chính trị và văn hoá cho các em, Bác dạy cho các em về địa lý, lịch sử nước Việt Nam, tại sao lại phải đánh bọn thực dân Pháp? muốn đánh chúng nhân dân ta phải làm gì? Thanh niên Việt Nam phải làm gì để góp phần đánh đổ thực dân Đế quốc.

     Ngày 27 tháng 7 năm 1926, với tầm nhìn chiến lược, nhằm bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tương lai có trình độ cơ bản và toàn diện, đặc biệt là được tiếp thu “Một nền giáo dục Cộng sản chủ nghĩa tốt đẹp”, Người đã gửi thư cho Ủy Ban trung ương Đoàn thiếu niên tiền phong trực thuộc Đoàn thanh niên Cộng sản Lê Nin và đề nghị tạo điều kiện cho các em được sang học tập tại Liên Xô. Tuy niên, do sự phản bội của Quốc Dân Đảng, nên kế hoạch gửi các em đi học ở Liên Xô không thực hiện được.

  1. Lý Tự Trọng được tôi rèn trong thực tiễn hoạt động cách mạng và bản lĩnh, chí khí hiên ngang trước kẻ thù

     Lý Tự Trọng đã được học ở trường Tôn Trung Sơn, đã tham gia nhiều cuộc đấu tranh biểu tình trong phong trào cách mạng của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Quảng Châu. Đến giữa năm 1929, tình hình cách mạng đã có những bước chuyển biến mới, các tổ chức cộng sản ở Việt Nam lần lượt ra đời. Lý Tự Trọng được cử về nước hoạt động. Anh được giao trọng trách làm liên lạc với nhiều đầu mối cách mạng tại Sài Gòn, các tỉnh lân cận và cả với Đảng Cộng sản các nước.

     Khi cơ quan Trung ương Đảng chuyển từ Hà Nội vào Sài Gòn, anh được nhận nhiệm vụ làm liên lạc, là người giúp việc và làm liên lạc trực tiếp cho đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú, đồng thời anh được giao một nhiệm vụ đặc biệt: vận động, tập hợp thanh niên để chuẩn bị thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Tổng Bí thư.

     Ngày 8/2/1931, Lý Tự Trọng đảm nhận nhiệm vụ giữ gìn an ninh cho đồng chí Phan Bôi diễn thuyết. Bị giặc vây bắt, anh đã nổ súng tiêu diệt tên mật thám Le Grand để bảo vệ đồng đội và thu hút sự chú ý về mình. Anh bị bắt, bị đưa về khám Lớn Sài Gòn. Suốt mấy tháng trời chịu nhiều cực hình tra tấn và dụ dỗ mua chuộc, Lý Tự Trọng vẫn giữ vững khí tiết, không hề khuất phục. Cuối cùng, kẻ thù kết án tử hình và đưa anh ra pháp trường. Đứng trước cái chết, Lý Tự Trọng không hề run sợ mà dõng dạc nói: “Tôi hành động không phải là không suy nghĩ. Tôi hiểu việc tôi làm. Tôi làm vì mục đích cách mạng. Tôi chưa đến tuổi thành niên thật, nhưng tôi đủ trí khôn để hiểu rằng con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng và không thể là con đường nào khác. Tôi tin rằng nếu các ông suy nghĩ kỹ thì các ông cũng cần phải giải phóng dân tộc, giải phóng những người cần lao như tôi”.

     Nhà báo Pháp André Violis đã viết về giờ phút cuối cùng của anh hùng Lý Tự Trọng: “Ngày 21/11/1931 thì Huy (tức là Trọng) bị đem xử tử. Sài Gòn hết sức xúc động. Hôm ấy phải ra lệnh thiết quân luật. Từ khám lớn vang ra ngoài đuờng phố, tiếng la hét của tù chính trị. Tiếng thét từ lồng ngực và từ trái tim của họ đã đi theo Huy ra trường chém. Phải điều quân đội và lính cứu hỏa để phun nước đàn áp họ. Trong những tường giam của khám lớn đã xảy ra những chuyện như thế. Trước máy chém, Huy định diễn thuyết, song hai tên sen đầm nhảy xô đến không cho anh nói. Người ta chỉ nghe thấy tiếng anh kêu “Việt Nam! Việt Nam!”. Huy cũng như Phạm Hồng Thái, cũng như nhiều người khác, là những anh hùng của nền độc lập Việt Nam”. Lý Tự Trọng hiên ngang bước lên máy chém, mấy lần gọi “Việt Nam” thân yêu và mấy lần hát vang bài “Quốc tế ca”  trong tư thế của người chiến thắng. Bà André Violis đã viết về anh hùng Lý Tự Trọng: Bởi người cộng sản trẻ tuổi ấy quá đỗi anh hùng, đẹp hơn huyền thoại và kinh ngạc thốt lên: “Tại sao một thiếu niên mới 17 tuổi mà cứng cỏi, bản lĩnh đến vậy. Anh đã được hun đúc như thế nào để nhìn thẳng vào mặt kẻ thù, nói những lời gang thép, trí tuệ như thế”.

  1. Theo dấu chân anh – viết tiếp bản hùng ca thời kỳ mới

     Trong tác phẩm Hồ Chí Minh toàn tập, Bác Hồ đã nói về anh Lý Tự Trọng: “Người đoàn viên đầu tiên của Đoàn thanh niên Cộng sản nước ta, cũng là người cộng sản oanh liệt đã đấu tranh đến hơi thở cuối cùng cho Đảng, cho sự nghiệp cách mạng”. Câu nói cuối cùng của anh trước họng súng kẻ thù: “Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng, không thể là con đường nào khác” đã trở thành châm ngôn sống của nhiều thanh niên thời bấy giờ, truyền lửa về hoài bão, lòng yêu nước, tinh thần cách mạng cho mãi về sau.

     Để phát huy tinh thần yêu nước theo tấm gương anh Lý Tự Trọng, trong giai đoạn hiện nay, cần phải tập trung thực hiện một số nội dung:

     Một là, tăng cường giáo dục truyền thống, bản sắc văn hoá dân tộc cho thanh niên

     Sức mạnh riêng của mỗi dân tộc chính là truyền thống, là bản sắc văn hoá. Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã viết nên những trang sử hào hùng. Truyền thống đó đã đem đến cho mỗi người chúng ta niềm tự hào và sức mạnh tinh thần trong cuộc sống hôm nay. Giáo dục bản sắc văn hoá dân tộc, truyền thống lịch sử cách mạng có ý nghĩa lớn lao trong việc xây dựng con người mới. Nhớ về cội nguồn với những hy sinh cao đẹp của cha ông cho đất nước có tác dụng nuôi dưỡng tư tưởng, tâm hồn thế hệ sau để họ sống và làm việc xứng đáng với các thế hệ đi trước.

     Hai là, bồi dưỡng giáo dục lý tưởng cách mạng.

     Thanh niên dù ở thời kỳ nào, giai đoạn nào cũng cần lựa chọn, xác định cho mình lý tưởng sống và kiên định với lý tưởng ấy.

     Giáo dục lý tưởng cách mạng, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên vừa là nhiệm vụ cấp thiết trước mắt, thường xuyên, vừa là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài. Tổ chức Đoàn cần tập hợp, giáo dục thanh niên, khơi dậy và thúc đẩy trong thanh niên lòng yêu nước, tự hào dân tộc, lý tưởng cách mạng, kiên định niềm tin vào chế độ, tiếp nối xứng đáng truyền thống cha anh; cần định hướng, giáo dục thanh niên giữ vững bản lĩnh cách mạng, có ý thức nhạy bén chính trị, tích cực đấu tranh ngăn chặn, phản bác những thông tin và luận điệu sai trái, tăng sức đề kháng cho thanh niên trước những biểu hiện tiêu cực, mặt trái của xã hội và sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch.

     Trường Đoàn Lý Tự Trọng, với chức năng đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện lực lượng cán bộ Đoàn – Hội – Đội Thành phố phải coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, học tập, nghiên cứu và vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng vào thực tiễn công tác và đời sống thanh niên. Đặc biệt, phải kiên trì, sáng tạo và thực chất trong việc tổ chức cho cán bộ làm công tác thanh niên nắm vững kiến thức lý luận, nắm vững Điều lệ Đảng, Điều lệ Đoàn, đường lối của Đảng để mỗi một cán bộ Đoàn phải thực sự trở thành một tuyên truyền viên tích cực lan toả những giá trị cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh, lan toả niềm tin sắt son vào đường lối lãnh đạo của Đảng tới thanh niên. Ở thời đại hôm nay, tuyên ngôn của Lý Tự Trọng vẫn chứng minh được giá trị, sức sống trường tồn. Nếu như trước đây lý tưởng sống của thanh niên là đấu tranh vì độc lập tự do cho dân tộc dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng thì ngày nay, lý tưởng cách mạng của thanh niên là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc; biết yêu thương, quý trọng con người, sống có văn hóa, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, sẻ chia, nhân ái; có tinh thần dũng cảm bảo vệ cái đúng, cái tiến bộ; đấu tranh với cái xấu, cái ác, cái lạc hậu, cản trở sự phát triển; cần cù, sáng tạo trong lao động, lập nghiệp; dũng cảm trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

     Ba là, giáo dục lối sống mới xã hội chủ nghĩa cho thanh niên.

     Xây dựng lối sống mới xã hội chủ nghĩa là điều kiện làm nảy sinh tính tích cực xã hội của thanh niên. Thước đo quan trọng nhất là lao động sáng tạo, có kỷ luật, có kỹ thuật, có năng suất cao. Lao động trở thành lẽ sống, thước đo phẩm chất đạo đức của thanh niên vì “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Xây dựng lối sống mới còn có nghĩa là đấu tranh không khoan nhượng chống mọi biểu hiện tiêu cực ở mọi nơi, mọi lúc, không làm ngơ trước những hoạt động trái pháp luật, phản văn hoá, vơ đạo đức, đồng thời bảo vệ lẽ phải, bảo vệ giá trị của cái đẹp, bảo vệ văn hoá truyền thống, tôn trong phong tục, tập quán mới. Quá trình xây dựng lối sống văn hoá, lối sống mới xã hội chủ nghĩa là quá trình nâng cao trình độ giác ngộ, rèn luyện thế giới quan và tiêu chuẩn đạo đức trong xã hội cho thanh niên, là hình thành lên một lớp thanh niên – con người mới xã hội chủ nghĩa sống theo phương châm “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”.

     Trong bài nói chuyện nhân kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập Đoàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng tổ chức Đoàn từ những hạt nhân như anh hùng Lý Tự Trọng đã ngày càng “phát triển mơn mởn như hoa nở mùa xuân” và Người rất “tự hào, sung sướng, và thấy mình như trẻ lại, thấy tương lai của dân tộc ta vô cùng vững chắc, vẻ vang”. Những bài học quý giá về lòng yêu nước nồng nàn, yêu đồng bào, tinh thần tự tôn dân tộc; về lòng can đảm, gan dạ, anh dũng và ý chí sắt đá của một chiến sỹ cộng sản chân chính; về sự giác ngộ chính trị và tấm lòng kiên trung theo Đảng của anh hùng trẻ tuổi Lý Tự Trọng sẽ là những giá trị thời đại để thế hệ thanh niên hôm nay viết tiếp bản anh hùng ca.

Trần Thị Bích Hà

Trưởng phòng Hành chính – Tổ chức

Trường Đoàn Lý Tự Trọng