Lý Tự Trọng và lý tưởng Thanh niên hiện nay

     Năm nay, chúng ta tổ chức kỷ niệm 105 năm ngày sinh anh hùng Lý Tự Trọng (20/10/1914 – 20/10/2019). Một dịp rất tốt để tuổi trẻ được ôn lại về cuộc đời, tấm gương hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Lý Tự Trọng, tìm về cội nguồn lý tưởng cách mạng, tự xác định cho mình nhiệm vụ kế thừa truyền thống vẻ vang của cha anh; đồng thời, thông qua các hoạt động kỷ niệm, khơi dậy, phát huy vai trò của thế hệ trẻ trong phong trào thi đua học tập, rèn luyện, lao động, công tác, chiến đấu, chung sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 

     Lý Tự Trọng tên thật là Lê Hữu Trọng, sinh ngày 20/10/1914 tại Bản Mạy, huyện Mương, tỉnh Nakhon Phanom (Thái Lan), là con trai cụ Lê Khoan (tức Lê Hữu Đạt) quê ở làng Việt Xuyên, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Thuở nhỏ, Lý Tự Trọng được học tập ở ngôi trường dành cho con các gia đình Việt Kiều do những người Việt Nam yêu nước sáng lập. Ở đây, Anh may mắn được gần gũi những người thầy vừa có kiến thức mới mẻ vừa nặng lòng vì đất nước, vì dân, đã hết lòng truyền thụ lòng yêu nước, chí căm thù quân xâm lược và tinh thần đấu tranh giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Năm 12 tuổi, Lê Hữu Trọng được Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (do Nguyễn Ái Quốc thành lập) chọn đưa sang Quảng Châu (Trung Quốc) học tập. Để đảm bí mật cho hoạt động, Lê Hữu Trọng được Bác Hồ đổi tên là Lý Tự Trọng. Tại đây, Lý Tự Trọng được học văn hóa, bồi dưỡng về lý tưởng, trang bị về kiến thức, đặc biệt là được huấn luyện về nhiệm vụ cách mạng Việt Nam. Qua một thời gian ngắn, Lý Tự Trọng được cử làm liên lạc cho Tổng bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Hương Cảng. Đến giữa năm 1929, tình hình cách mạng đã có chuyển biến mới, các tổ chức cộng sản ở Việt Nam lần lượt ra đời, Lý Tự Trọng được cử về nước hoạt động tại Sài Gòn – Chợ Lớn, đảm nhận nhiệm vụ liên lạc trong và ngoài nước cho Xứ ủy Nam Kỳ; đồng thời được giao nhiệm vụ vận động, tập hợp thanh niên trong các nhà máy, trường học để thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản. Mặc dù công việc hết sức nguy hiểm, bị bọn mật thám lùng sục, nhưng nhờ tài trí thông minh, Lý Tự Trọng đã vượt qua tất cả, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

     Ngày 8/2/1931, Thành ủy Sài tổ chức cuộc mít tinh quần chúng kỷ niệm một năm cuộc khởi nghĩa Yên Bái vào thời điểm tan cuộc đá bóng ở sân Laraynie, đồng thời kêu gọi quần chúng đứng lên đánh đổ thực dân Pháp. Đồng chí Phan Bôi vừa diễn thuyết xong, tên mật thám Pháp Lơgơrăng và bọn cảnh sát ập tới, Lý Tự Trọng đã rút súng bắn chết tên mật thám cứu thoát đồng chí Phan Bôi. Bị bao vây ráo riết, Lý Tự Trọng đã bị bắt. Mặc dù thực dân Pháp dùng đủ mọi thủ đoạn tra tấn dã man lẫn dụ dỗ, mua chuộc nhưng chúng đã thất bại trước bản lĩnh, khí phách của người thanh niên yêu nước. Cuối cùng, thực dân Pháp đã đưa ra xét xử, kết án tử hình Lý Tự Trọng. Đứng trước tòa án của kẻ thù, Lý Tự Trọng không hề run sợ, anh đã chủ động biến phiên tòa thành diễn đàn kết tội bọn thực dân cướp nước. Khi luật sư bào chữa xin bọn thực dân “mở lượng khoan hồng” vì Lý Tự Trọng chưa đến tuổi trưởng thành, “hành động thiếu suy nghĩ”, thì anh đã gạt phắt đi và dõng dạc tuyên bố: “Tôi hành động có suy nghĩ, tôi hiểu việc tôi làm, tôi làm vì mục đích cách mạng. Tôi chưa đến tuổi trưởng thành thật, nhưng tôi đã đủ trí khôn để hiểu con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác”. Thực dân Pháp đã không dám xử công khai Lý Tự Trọng mà lợi dụng lúc nửa đêm về sáng ngày 21/11/1931, chúng đã hèn hạ, im lặng đưa máy chém giết anh ở ngay khám lớn Sài Gòn; nhưng khí phách hiên ngang bước lên máy chém, hát vang bài Quốc tế ca và những tiếng hô của Lý Tự Trọng: “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!”, “Việt Nam độc lập muôn năm!”, “Cách mạng Việt Nam thành công muôn năm!” đã cổ vũ mạnh mẽ, tạo một làn sóng căm phẫn phản đối tội ác của thực dân Pháp đối với tù nhân trong khám lớn Sài Gòn. Tinh thần cách mạng bất khuất, hình ảnh hiên ngang bước lên máy chém của Lý Tự Trọng làm cho kẻ thù khiếp sợ và đã động viên, cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng trong cả nước lúc bấy giờ. Câu nói của anh “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác” là lời tuyên thệ của thế hệ thanh niên Việt Nam đầu tiên được giác ngộ lý tưởng cộng sản, đã trở thành lý tưởng sống và vũ khí chiến đấu của thanh niên Việt Nam, thôi thúc bao lớp thanh niên tiếp bước cha anh lên đường tranh đấu. Tinh thần quả cảm và chí khí bất khuất của người anh hùng trẻ tuổi Lý Tự Trọng đã trở thành biểu tượng hết sức thiêng liêng, cao đẹp trong lòng các thế hệ đoàn viên, thanh niên. Tuy ngắn ngủi, như cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Lý Tự Trọng đã nêu tấm gương sáng ngời về lý tưởng sống cao đẹp cho các thế hệ thanh niên Việt Nam. 

     Noi gương Lý Tự Trọng, trước hết thế hệ trẻ hiện nay phải xác định được lý tưởng sống cao đẹp. Bởi vì, lý tưởng quyết định sự thành công trong cuộc sống và người có lý tưởng sống cao đẹp là người luôn suy nghĩ và hành động để không ngừng hoàn thiện bản thân; không ngừng phấn đấu để đạt được mục đích cao cả vì một tương lai tươi sáng không chỉ cho bản thân, gia đình mà cho cả cộng đồng và đất nước. Mỗi khi đã xác định được lý tưởng và khát vọng lớn lao, người ta sẽ tìm cho mình một lẽ sống đúng đắn và chấp nhận mọi khó khăn, hiểm nghèo, thậm chí hy sinh cả tính mạng để theo đuổi lý tưởng, lẽ sống đó và nó trở thành niềm hạnh phúc lớn lao nhất của con người. 

     “Lý tưởng của thanh niên” – trong thời chiến, người ta không cần phải đặt vấn đề đó để hỏi, để bàn. Nó mặc nhiên tồn tại và thanh niên có nghĩa vụ tiếp cận, tìm hiểu, cụ thể hóa bằng kế hoạch, mục tiêu và hành động. Bao lớp thanh niên xung phong lên đường với một mục tiêu – lý tưởng “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”, tất cả vì tiền tuyến, vì độc lập tự do của đất nước. Với lý tưởng, lẽ sống cao đẹp, lòng trung thành, tinh thần tận tụy và đức hy sinh, các thế hệ thanh niên Việt Nam được sự dìu dắt, lãnh đạo của Đảng đã đoàn kết một lòng, quên mình xả thân, sẵn sàng hiến dâng cả đời mình vì cách mạng và độc lập tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta làm nên cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945, thành lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; tiến hành thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, làm rạng danh truyền thống vẻ vang của thế hệ trẻ Việt Nam anh hùng.

     Hiện nay, đất nước ta đang tiến hành công cuộc đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế với rất nhiều thuận lợi, cơ hội, đồng thời cũng phải đương đầu với không ít khó khăn, thách thức. Là thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh, chủ nhân tương lai của đất nước, chúng ta phải suy nghĩ về lý tưởng sống, cách sống của mình như thế nào để xứng đáng với truyền thống anh hùng của tuổi trẻ Việt Nam. Được sống trong điều kiện đất nước hòa bình và đang trên đà phát triển, tuổi trẻ phải xem đó là cơ hội, là môi trường thuận lợi để đem sức lực, trí tuệ đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nước nhà. Biết bao bạn trẻ đang dùi mài sách bút, hăng say lao động, cống hiến, tìm tòi con đường đi cho chính mình và góp sức cùng sự phát triển của xã hội. Có điều, trong môi trường mới với công nghệ và mạng xã hội bùng nổ như hiện nay, thanh niên nếu thiếu bản lĩnh rất dễ bị tiêm nhiễm bởi những trào lưu, luồng quan điểm, thông tin sai trái, họ dễ là người bị kích động khi cái tôi vốn tồn tại rất lớn trong giới trẻ.

     Ngày nay, cần hiểu khái niệm lý tưởng ở phạm vi rộng hơn, đó là các mục đích, kế hoạch, hành động tiến bộ. Với một con người bình thường, không ai không mong muốn có được một cuộc sống hạnh phúc và tìm mọi cách để có được hạnh phúc. Tuy nhiên, hạnh phúc đúng nghĩa chỉ có được và trọn vẹn khi và chỉ khi hạnh phúc của cá nhân phải phù hợp, gắn liền với hạnh phúc của gia đình, cộng đồng và xã hội. Bởi một điều rất đơn giản là con người ta sinh ra, lớn lên gắn liền với gia đình, cộng đồng; do đó, ngoài mục đích sống cho riêng mình, còn phải sống vì cộng đồng, với lẽ sống cao đẹp “mình vì mọi người, mọi người vì mình”, sống vì quê hương, đất nước. Chúng ta không nên đặt vấn đề so sánh thế hệ trẻ hiện nay với trước đây, bởi vì hoàn cảnh, điều kiện, yêu cầu mỗi thời đòi hỏi một khác, do đó sẽ trở thành khập khiễng. Nhưng thế hệ trẻ thời nào cũng mang trong mình bầu nhiệt huyết cháy bỏng, khát vọng vươn lên; nung nấu trong mình lý tưởng, lẽ sống cao đẹp; không chùn bước trước những khó khăn, thách thức, luôn vững chí bền gan vượt qua thử thách để hướng tới tương lai tốt đẹp hơn. Vấn đề là tuổi trẻ hôm nay cần phải xác định mình là những người chủ tương lai của đất nước, là lực lượng nòng cốt thúc đẩy xã hội phát triển. Vì vậy càng cần phải sống có lý tưởng đúng đắn, có mục đích cao cả không chỉ cho bản thân, mà cả cho xã hội; không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện về tư tưởng, đạo đức, lối sống, kiến thức, kỹ năng… nhằm thực hiện mục đích đó. Tuy nhiên, điều đáng nói là hiện nay còn một bộ phận không nhỏ thanh niên lại không suy nghĩ được như thế. Họ là những con người phai nhạt về lý tưởng cách mạng, thiếu hoài bão, không có khát vọng vươn lên, không biết cống hiến sức lực, trí tuệ để xây dựng quê hương đất nước; sống hờ hững, vô cảm với những gì diễn ra xung quanh; có lối sống thực dụng, ích kỷ, chỉ nhìn lợi ích trước mắt, lợi ích cho riêng mình, dẫn đến mục đích sống tầm thường, chỉ lo vun vén hạnh phúc riêng tư, kiếm được nhiều tiền, kể cả làm ăn phi pháp. Những con người như thế có lẽ họ không thể nhận ra được giá trị của sự hy sinh mất mát vì độc lập, tự do của Tổ quốc, không cảm nhận được niềm vui khi đem đến hạnh phúc cho người khác. Tựu trung lại, thanh niên chúng ta cần phải biết và tạo cho mình một lý tưởng sống cao đẹp, vì mọi người, vì quê hương đất nước. Bản thân mỗi chúng ta hãy tự nhìn lại cách sống của mình để hướng đến tương lai tươi sáng. 

     Bác Hồ từng nhắc nhở “nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?”. 

     Ghi nhận những thành tích và đóng góp to lớn của thanh niên, song Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng từng cảnh báo, một bộ phận thanh niên giảm sút niềm tin, phai nhạt lý tưởng cách mạng, sống thực dụng, xa rời truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Thậm chí, một số ít thanh niên bị lôi kéo, có những việc làm đi ngược lại truyền thống của Đoàn, trái với mục tiêu của Đảng, của dân tộc. Do đó, Tổng bí thư đã chỉ rõ: “Đoàn cần định hướng giáo dục thanh niên giữ vững bản lĩnh cách mạng, có ý thức nhạy bén chính trị, tích cực đấu tranh ngăn chặn, phản bác thông tin sai trái, tăng cường sức đề kháng cho thanh niên trước những biểu hiện tiêu cực, mặt trái của xã hội và sự chống phá xuyên tạc của các thế lực thù địch, nhất là trên mạng xã hội, tránh tình trạng nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị”

     Kỷ niệm 105 năm ngày sinh anh Lý Tự Trọng, ôn lại cuộc đời cách mạng, ý chí kiên cường, tinh thần hiên ngang bất khuất và tấm gương hy sinh cao cả vì Tổ quốc, vì nhân dân của người anh hùng trẻ tuổi và các thế hệ đi trước. Noi gương anh thế hệ trẻ hôm nay cần cố gắng học tập để nâng cao trình độ chuyên môn; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, lối sống, nâng cao lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị, đấu tranh không khoan nhượng các tiêu cực, tệ nạn xã hội; cần cù, sáng tạo, tích cực áp dụng khoa học – công nghệ trong học tập, công tác, lao động sản xuất và chiến đấu; quyết tâm chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, vươn lên làm giàu chính đáng; sẵn sàng tham gia bảo vệ Tổ quốc… góp phần thực hiện thắng lợi lý tưởng – mục tiêu cao đẹp là xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

ThS. Huỳnh Ngô Tịnh

Hiệu trưởng Trường Đoàn Lý Tự Trọng