Giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ 4.0

     Đoàn ta đã xác định nội dung xuyên suốt trong công tác giáo dục của Đoàn là bồi đắp lý tưởng, ước mơ, hoài bão, niềm tin, khát vọng cao đẹp của thanh niên đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới; góp phần hình thành lớp thanh niên ưu tú trên mọi lĩnh vực, kế thừa trung thành và xuất sắc sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

     Lời nói của anh Lý Tự Trọng trước án tử hình của quân thù “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác” là ngọn đuốc sáng của thế hệ thanh niên đầu tiên được giác ngộ lý tưởng của Đảng, đã soi đường bao lớp thanh niên lên đường đấu tranh tiếp bước cha, anh. Tuổi trẻ xem đó là biểu tượng cao đẹp tiếp sức cho tinh thần cống hiến của tuổi trẻ Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.

     Lý Tự Trọng đã hiên ngang bước lên máy chém năm 17 tuổi với lời nói bất tử của anh trước lúc hy sinh: “Tôi hành động không phải là không suy nghĩ. Tôi hiểu việc tôi làm. Tôi làm vì mục đích cách mạng. Tôi chưa đến tuổi thành niên thật, nhưng tôi đủ trí khôn để hiểu rằng con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác”.

     Lịch sử nước ta đã lật sang trang mới: Hòa bình, độc lập và thống nhất Tổ quốc. Thế giới nhiều biến đổi lớn, nhân loại tiến vào thời đại 4.0 và bắt đầu một nền văn minh mới với tốc độ thay đổi của khoa học – công nghệ nhanh chưa từng thấy. Thời đại của nền kinh tế hiện nay dựa trên tri thức đang diễn ra trên toàn cầu. Việc tạo ra kiến thức và đổi mới công nghệ liên tục phát triển với tốc độ rất nhanh và tương tác thúc đẩy nhau đang tạo ra một thế giới được số hóa, tự động hóa, ngày càng trở nên hiệu quả và thông minh hơn, kết nối người dân với chính phủ, trường học, doanh nghiệp xuyên biên giới. Điều đó khiến cho tuổi trẻ Việt Nam khát vọng vươn lên mạnh mẽ với một tâm thế mới: Đổi mới, sáng tạo và năng động hơn bao giờ hết.

     Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với trung tâm là nền kinh tế số dựa trên sự phát triển của công nghệ thông tin như con tàu siêu tốc trong thế kỷ XXI. Những công nghệ mới gây ảnh hưởng to lớn đến mọi luật lệ, mọi nền kinh tế, mọi ngành công nghiệp đồng thời thách thức ý niệm của chúng ta về vai trò thực sự của con người.

     Việt Nam, với tổng dân số hơn 90 triệu người, với hơn 58 triệu người dùng internet, hơn 125 triệu thuê bao di động, hơn 3.000 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nhiều doanh nghiệp thành công trong các công nghệ thông tin, công nghệ phần mềm, ứng dụng công nghệ số, Việt Nam đang được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển nền kinh tế số.

     Việt Nam có ưu thế về lực lượng lao động trẻ, thông minh, ham học, khéo tay nhưng chưa được đào tạo về chuyên môn đạt trình độ cao đang trong sức ép đổi mới và sáng tạo, cần được định hướng về lý tưởng sống trong cuộc hành trình tương lai đầy hứa hẹn mà cũng lắm thử thách để không bị lạc hướng, tụt hậu hay bị bỏ lở “chuyến tàu siêu tốc 4.0”.

     Con số ước tính người thuộc thế hệ Z của Việt Nam, được gọi là thế hệ 4.0, khoảng hơn 14 triệu (thế hệ Z sinh ra vào nửa cuối 1990 cho đến giữa những năm 2.000, khoảng từ 15 đến 23 tuổi), tương đương 1/7 dân số. Họ trưởng thàng song song với công nghệ thông tin và mạng xã hội. Công cụ tìm kiếm Google ra đời năm 1998, Youtube thành lập năm 2005, các trang mạng xã hội Facebook, Twitter, Instagram lần lượt ra đời năm 2005, 2006, 2010, đánh dấu những bước ngoặt chuyển giao trong việc tiếp cận thông tin, tốc độ xử lý thông tin và cách thức giao tiếp xã hội.

     Thế hệ trẻ bắt đầu tham gia vào lực lượng lao động có sức mạnh vô biên của công nghệ 4.0, mà ở đó: Lao động thể chất và lao động dựa trên kỹ thuật số không còn ranh giới rõ ràng nữa. Họ có lợi thế về ngoại ngữ, văn hóa, kiến thức giúp họ có cách tiếp cận đa chiều với kỹ thuật tiện lợi “thế giới trong lòng bàn tay” trước những vấn đề thời đại, so với thế hệ trước đây, với kỹ thuật số (Công nghệ 4.0) thế hệ Z đang trở thành tâm điểm của thời đại.

     Do vậy, thế hệ này không hề hiểu nổi thời kỳ mà thế hệ cha anh “sống ra sao” khi chưa có Internet. Họ cũng chưa tưởng tượng nổi những gì mà cuộc cách mạng công nghệ 4.0 làm thay đổi thế giới và tác động đến họ trong 10 năm sắp tới, Khi họ tiếp nhận thông tin phần lớn từ internet, họ chịu nhiều áp lực từ các nguồn tin này. Tuy nhiên họ vẫn tự hỏi: Làm sao bạn chứng thực độ chính xác của những thứ thông tin đó (trên mạng)” và họ luôn hoài nghi. Do đó chỗ dựa tin cậy vào cha mẹ và lời khuyên của các chuyên gia, của những người mà họ tin cậy vẫn được xếp hàng đầu. Họ cần được nền giáo dục và tổ chức Đoàn giúp họ tự cân bằng giữa trí tuệ công nghệ và thông minh cảm xúc để họ nuôi dưỡng khát vọng, lý tưởng và lẽ sống.

     Do đó, Đoàn thanh niên cần có những công trình nghiên cứu tìm hiểu giới trẻ ngày nay một cách khách quan và khoa học, phát huy vai trò “người bạn đồng hành”, “điểm tựa tinh thần” với thế hệ trẻ. Tổ chức Đoàn cũng cần làm cho thanh niên hiểu về những thời cơ, thách thức mà người trẻ sẽ gặp phải; vai trò, sứ mệnh của mình trong việc đưa đất nước phát triển trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, với nhiều nội dung và phương pháp đổi mới, với cách thức kết nối thích hợp với thói quen ngày càng phụ thuộc vào công nghệ của lớp trẻ ngày nay, giúp họ nâng cao nhận thức chính trị, bồi dưỡng cảm xúc cách mạng để tuổi trẻ ngày nay không bị đứt gảy với quá khứ đáng tự hào của dân tộc.

     Đất nước chuyển mình tăng tốc đi lên trong thời đại công nghệ 4.0. Khí phách của anh Lý Tự Trọng và biết bao tấm gương của anh hùng liệt sĩ khác giúp tuổi trẻ Việt Nam định hướng cho tuổi trẻ một khát vọng hoài bão, lý tưởng sống cao đẹp nối tiếp những giá trị truyền thống vẻ vang, hào hùng của cha, anh và thể hiện trách nhiệm của những người chủ năng động, sáng tạo của nước nhà.

     Tuổi trẻ vinh dự và hạnh phúc được cống hiến trọn vẹn tài năng, trí tuệ cho Tổ quốc, chúng ta có thể kỳ vọng thế hệ 4.0 sẽ tạo nên những kỳ tích ngoạn mục làm tất cả các thế hệ trước đây phải ngưỡng mộ.

Hoàng Đôn Nhật Tân

Phó Chủ nhiệm CLB Truyền thống Thành Đoàn

Nguyên Hiệu trưởng Trường Đoàn Lý Tự Trọng