Học và làm theo quan điểm “Khéo dùng người, trọng dụng người tài” của Chủ tịch Hồ Chí Minh
1. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về vai trò của việc “Khéo dùng người, trọng dụng người tài”
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định một khi đã có đường lối cách mạng đúng đắn thì cán bộ là khâu quyết định. Người viết “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Người cho rằng, cán bộ là tiền vốn của Đảng, Đoàn thể vậy nên: “Có vốn mới làm ra lãi. Bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi. Không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là lỗ vốn” [1]. Cụm từ “cán bộ” ở đây nghĩa là người có tài năng, trí tuệ và cái tâm trong sáng. Và đặc biệt với người đứng đầu một tổ chức hay một tập thể thì điều này đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc dẫn dắt, định hướng, chỉ đạo và gây ảnh hưởng tới mọi người, lôi cuốn mọi người đi theo con đường của họ. Lãnh đạo là hành động, không phải vị trí. Hành động như thế nào? Phải hành động cho đúng trước hết là đường lối đúng đắn và cán bộ là khâu quyết định đưa đường lối đó vào hiện thực. Do vậy, phải đào tạo bồi dưỡng cán bộ, phải biết đánh giá, lựa chọn sử dụng, trọng dụng đúng cán bộ “phải trọng nhân tài, phải trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta” và rằng một quốc gia, một đất nước không biết sử dụng nhân tài là một khuyết điểm to, làm lãng phí một vốn quý của Đảng và Nhà nước trong xây dựng và kiến thiết. Với Bác người cán bộ có tài không phải là cán bộ nhát gan dễ bảo, những người tính tình hợp với mình bởi “nếu đào tạo một mớ cán bộ nhát gan dễ bảo đập đi hò đứng không dám phụ trách như thế là một thất bại của Đảng” .
2. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về người cán bộ tài cần phải trọng dụng
Một là, những người đã tỏ ra rất trung thành và hăng hái trong công việc, trong lúc đấu tranh.
Hai là, những người liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu biết dân chúng, luôn luôn chú ý đến lợi ích của dân chúng.
Ba là, những người có thể phụ trách giải quyết các vấn đề trong những hoàn cảnh khó khăn. Ai sợ phụ trách và không có sáng kiến thì không phải là người lãnh đạo. Người lãnh đạo đúng đắn là người khi thất bại không hoang mang, khi thắng lợi không kiêu ngạo, khi thi hành các nghị quyết thì kiên quyết, gan góc, không sợ khó khăn.
Bốn là, những người luôn luôn giữ đúng kỷ luật.
Năm là, người phải có cả tài và đức, quan trọng hơn là tài và đức ấy phải hướng đến những việc ích nước lợi dân: “Có tài mà không có đức ví như một anh là kinh tế tài chính giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông Bụt không làm hại gì, nhưng cũng không có lợi gì cho loài người” (Bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội Sinh viên Việt Nam lần thứ II ngày 07/5/1958).
3. Chủ tịch Hồ Chí Minh phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh nhân tài.
Bác phát hiện bằng việc thực hành dân chủ – kêu gọi toàn dân và người tài đó sẽ chứng minh khả năng của mình bằng việc đưa ra sáng kiến. Ngay sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 14/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bài viết “Nhân tài và kiến quốc” với yêu cầu các địa phương phải “lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết” và xác định các nhiệm vụ trọng tâm để tìm người tài là “ai có tài năng và sáng kiến” về các công việc “ngoại giao, kinh tế, quân sự, giáo dục thì mời gửi kế hoạch rõ ràng cho Chính phủ” và có thể thực hành được sẽ thực hành ngay.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyển chọn nhân tài không quá khắt khe về tiêu chuẩn, quy trình – thấy cán bộ giỏi ở ngoài Đảng liền đưa vào bộ máy vì Bác nhận thức rõ vị trí, vai trò của nhân tài đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ chính quyền cách mạng và kháng chiến kiến quốc khi ấy. Trong Sửa đổi lối làm việc: “Việc dụng nhân tài, ta không nên căn cứ vào những điều kiện quá khắt khe, miễn là không phản lại quyền lợi dân chúng, không là Việt gian, thân Pháp, thân Nhật, có lòng trung thành với Tổ quốc là có thể dùng được – có thể trong Đảng, ngoài Đảng. Chính vì vậy, trong thành phần chính phủ đầu tiên, ngoài Việt Minh, Bác có sử dụng nhiều tri thức có tên tuổi – ngoài đảng, có tinh thần yêu nước: Ông Nguyễn Văn Huyên 29 năm làm bộ trưởng Giáo dục không phải là đảng viên; cụ Huỳnh Thúc Kháng làm bộ trưởng Bộ Nội vụ và khi Hồ Chủ tịch sang Pháp đàm phán, cụ Huỳnh Thúc Kháng còn được giao quyền chủ tịch nước; cụ Nguyễn Văn Tố là một học giả uyên bác và không thuộc một đảng phái nào khi đó được Bác giao cho nắm giữ chức vụ trưởng Ban Thường trực, tương đương chủ tịch Quốc hội hiện nay.
Còn nữa, một người không qua đào tạo bài bản về quản lý hành chính, thế nhưng ông Trần Duy Hưng quản lý Thủ đô rất tuyệt vời. Rồi trong thời điểm đó đã có nhiều nhà quân sự giỏi, trong đó có người học ở trường Quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc), nhưng Bác Hồ lại chọn đồng chí Võ Nguyên Giáp – người không học trường quân sự nào làm người đứng đầu quân đội Việt Nam bởi Bác hiểu con người này có kiến thức, có khả năng phát triển, có khả năng tập hợp toàn dân để đưa lịch sử cách mạng nước nhà sang trang mới…Và thực tiễn cách mạng đã chứng minh rằng những quyết định ấy của Bác trong công tác cán bộ là đúng đắn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng nếu người có tài mà dùng không đúng tài của họ cũng không được việc. Bài học không thành công trong sử dụng nhân tài Bác Hồ thường nhắc tới là “thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao. Thành thử hai người đều lúng túng”. Và theo Người thì không phải ai cái gì cũng tốt, cái gì cũng hay. Vì vậy phải tùy tài mà dùng người, xem người ấy xứng với việc gì. Cùng với đó, xem xét một cán bộ không nên chủ quan xem xét mặt bên ngoài, xem xét qua một việc, mà phải xem xét kỹ toàn bộ công việc của cán bộ đó, giao đúng việc cho từng người để thử thách, rèn luyện, đánh giá và cất nhắc. Năm 1957, Bác Hồ triệu tập đồng chí Lê Duẩn từ chiến trường miền Nam ra và sau đó đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Bí thư Thứ nhất Trung ương Đảng. Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn cũng không biết vì sao mình được lựa chọn, trong khi thời điểm đó xung quanh Bác Hồ cũng có rất nhiều người tài. Tuy nhiên điều Bác lựa chọn không phải ngẫu nhiên mà là cả quá trình Bác dõi theo người học trì mình để hiểu rằng người học trò ấy – đồng chí Lê Duẩn là người nắm rất sâu, rất kỹ nên có khả năng giải quyết được vấn đề miền Nam và hơn hết là trăn chở làm sao để giải phóng miền Nam.
4. Chủ tịch Hồ Chí Minh đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài
Trong bài phát biểu tại lớp huấn luyện cán bộ của Đảng ngày 6/5/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trình bày nhiều luận điểm khoa học. Theo Người, công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ để phát huy tài năng của họ phải tập trung giải quyết được các vấn đề sau đây:
Thứ nhất, không thể chạy theo số lượng mà quên đi chất lượng tránh việc huấn luyện hữu danh vô thực, làm chỉ cốt nhiều mà không thiết thực chu đáo.
Thứ hai, đối tượng huấn luyện là cán bộ, hội viên của đoàn thể, cán bộ các ngành chuyên môn của chính quyền, nhân dân.
Thứ ba, ai huấn luyện? Không phải ai cũng huấn luyện được. Muốn huấn luyện thợ rèn, thợ nguội thì người huấn luyện phải thạo nghề rèn, nghề nguội. Người huấn luyện của đoàn thể phải làm kiểu mẫu về mọi mặt: tư tưởng, đạo đức, lối làm việc. Người huấn luyện phải học thêm mãi thì mới làm được công việc huấn luyện của mình. Lênin khuyên chúng ta: “Học, học nữa, học mãi”. Mỗi người đều phải ghi nhớ và thực hành điều đó, những người huấn luyện lại càng phải ghi nhớ hơn ai hết.
Thứ tư, huấn luyện gì? Cần phải huấn luyện về lý luận, công tác, văn hóa và chuyên môn.
Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trước hết là về lý luận chính trị. Theo Người, sau khi lựa chọn cán bộ “cần phải dạy bảo lý luận cho cán bộ. Chỉ thực hành mà không có lý luận cũng như có một mắt sáng, một mắt mù”[2]. Như thế là làm bất cứ việc gì mà không có lý luận thì không khác gì đi mò trong đêm tối, vừa chậm chạp vừa hay vấp phải sai lầm; có lý luận thì mới hiểu rõ, sâu sắc được mọi việc trong xã hội, trong phong trào để chủ trương cho đúng, làm cho đúng.
Thứ năm, huấn luyện thế nào? Theo Người, việc cốt yếu là phải làm cho người học hiểu thấu vấn đề, thể hiện bằng công việc thiết thực, chu đáo hơn tham nhiều việc nhưng không việc nào hoàn thành tới nơi tới chốn; huấn luyện từ dưới lên trên, phải lấy người ở cấp dưới lên huấn luyện rồi trở lại cấp dưới để họ huấn luyện cho cấp dưới nữa; phải gắn liền lý luận với công tác thực tế; huấn luyện phải nhằm đúng nhu cầu; huấn luyện phải chú trọng việc cải tạo nhằm đảm bảo tư tưởng thông suốt mọi vấn đề.
5. Chủ tịch Hồ Chí Minh trọng dụng nhân tài và sự vận dụng của Đảng ta hiện nay
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có những phương pháp trọng dụng nhân tài rất đặc biệt.
Đó là trong những năm tháng đầu tiên của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Bác đã ban hành Sắc lệnh 76/SL ngày 20/5/1950 quy định về nghĩa vụ và quyền lợi của công chức, thể hiện rõ tư tưởng về sự tôn vinh tài năng, đạo đức và yêu cầu về việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài. Cũng trong năm này, Bác đã chỉ thị phải tuyển chọn những thanh niên có đủ những tiêu chí cần thiết, gửi sang Trung Quốc, Liên Xô, Đông Âu học tập để đào tạo thành trí thức bậc cao cho đất nước; quyết định mở Trường khoa học cơ bản, Trường sư phạm cao cấp… để tạo dựng một lớp người có tài có đức, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc khi hòa bình lập lại.
Đó là sau cuộc kháng chiến chống Pháp, đất nước vẫn phải tiếp tục cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược nhưng từ năm 1955 đến năm 1964 Người cùng với Chính phủ đã cử hơn 4.000 cán bộ đi học ở Liên Xô, Trung Quốc và một số nước xã hội chủ nghĩa khác để đào tạo nhân tài. Bác căn dặn trọng dụng nhân tài phải làm thường xuyên, liên tục như “người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”; “Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy. Biết dùng người như vậy, ta sẽ không lo gì thiếu cán bộ”. Từ lòng yêu nước và sự ngưỡng mộ lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Bác Hồ, họ đã từ bỏ vàng son với mức thu nhập cả chục cây vàng mỗi tháng trở về đất nước cống hiến góp phần vào những thắng lợi của dân tộc – Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa là một trong những nhân tài như thế. Sau khi về nước một thời gian ngắn, Bác giao cho ông chức Cục trưởng Cục quân giới và trong kháng chiến chống Pháp, những năm đầu Bác gửi thư cho ông, động viên, nhắc nhở và trao cho đặc quyền rằng: nếu vì những lý do nào đó mà cản trở công việc của chú thì chú hãy báo cáo cho Bác biết.
Rõ ràng là dù Bác đã đi xa nhưng quan điểm của Người về sử dụng, trọng dụng nhân tài đến nay vẫn còn nguyên giá trị, Đảng ta tiếp tục kế thừa vận dụng sáng tạo trong việc thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài:
Văn kiện XII của Đảng nhấn mạnh: để có cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực và phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ, bên cạnh việc đổi mới bầu cử trong Đảng, thay đổi phương thức tuyển chọn, bổ nhiệm cần có cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, sử dụng nhân tài và “có cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, sử dụng nhân tài”.
Tiếp theo là Đề án Trung ương 7 khóa XII tổ chức Hội nghị tham gia ý kiến dự thảo Đề án “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” với 14 bộ ngành cơ quan trung ương, 22 địa phương đăng ký được thực hiện thí điểm đề án.
Nghị quyết số: 54/2017/QH14 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 24 tháng 11 năm 2017 về việc quy định thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thành phố Hồ Chí Minh thì việc học và làm theo tư tưởng “Khéo dùng người, trọng dụng người tài” của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa to lớn trong việc hiện thực hóa cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thành phố Hồ Chí Minh theo tinh thần của Nghị quyết.
6. Làm theo lời căn dặn của Bác về khéo dùng người, trọng dụng người tài
Trước hết là, xác định người tài trước hết phải lấy đạo đức là gốc, là nền tảng. Đó không phải là người chỉ biết gọi dạ bảo vâng, bảo gì làm nấy, nói hay hơn làm. Xác định người tài năng là người được đào tạo bài bản qua trường lớp, có kinh nghiệm thực tiễn, thực hiện công việc đạt kết quả, có phẩm chất đạo có sức ảnh hưởng với tất cả mọi người – khả năng tập hợp, đoàn kết tập thể cùng suy nghĩ và đưa ra sáng kiến vì sự phát triển chung.
Thứ hai là, có chế độ đãi ngộ xứng đáng cho những người tài có trước có sau. Để giữ được những người tài năng làm việc lâu dài và thúc đẩy khả năng sáng tạo của họ thì phải được trả lương tương xứng, không thể cào bằng. Muốn vậy thì phải thiết lập thước đo hiệu quả công việc, đánh giá một cách khách quan, công bằng để người tài thấy được sự cống hiến, nỗ lực của họ được ghi nhận.
Thứ ba là, tôn trọng để thu hút và tạo sự gắn bó của người tài là xây dựng môi trường làm việc mà ở đó ý kiến của họ được lắng nghe, được trao quyền chủ động thực hiện các công việc được phân công. Và có lẽ với người tài cần nhất là sự trân trọng thực sự, cần môi trường thuận lợi để họ phát huy hết khả năng và họ thấy khả năng, cơ hội phát triển của mình hơn trước tất cả những thứ khác.
Khi xưa, sự quan tâm sâu sắc tới cuộc sống của các chuyên gia, nhân tài của Hồ Chí Minh là động lực mạnh mẽ thôi thúc những nhân tài ngày ấy không suy tính nhiều đến chế độ đãi ngộ, không hề có những toan tính cá nhân mà một lòng phụng sự cho sự nghiệp chung. Ngày nay, hơn lúc nào hết đòi hỏi việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác là phải vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, quan điểm của Người về tìm kiếm, trọng dụng nhân tài nói riêng để cảm hóa, thu phục được người tài.
Chu Thị Hiền
Phó phòng Hợp tác phát triển
[1] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, tập 6, tr. 356.
[2] Hồ Chí Minh (2002), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, tập 5, tr. 234.