Sinh viên thời kỳ mới, bạn là ai?
Nên xác định rõ các tiêu chuẩn cần có trong điều kiện hiện nay để khi nhìn vào người khác sẽ nhận diện được đâu là hình ảnh của sinh viên Việt Nam trong thời kỳ mới.
“Nên xác định rõ các tiêu chuẩn cần có trong điều kiện hiện nay để khi nhìn vào người khác sẽ nhận diện được đâu là hình ảnh của sinh viên Việt Nam trong thời kỳ mới.” Ông Hoàng Đôn Nhật Tân (Câu lạc bộ truyền thống Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ như thế tại cuộc góp ý dự thảo văn kiện chuẩn bị cho đại hội Hội Sinh viên Việt Nam nhiệm kỳ 2018-2023.
Trong ngày 21/6 tại TP. Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam đã tổ chức hai cuộc gặp để nghe tiếng nói của cựu cán bộ hội các thời kỳ, một số chuyên gia, trí thức trẻ gắn bó với phong trào sinh viên nhiều năm qua.
Sống vì cộng đồng
Theo ông Nhật Tân, hoạt động Hội song song với trang bị kỹ năng còn phải giúp sinh viên sẵn sàng hội nhập. Dưới góc nhìn của ông Tân, đó phải là sinh viên có khả năng tự lập ngay khi bước vào tuổi sinh viên, có nếp sống văn minh, biết chơi ít nhất một môn thể thao để rèn luyện thể chất và tình nguyện vì cộng đồng.
TS Đào Minh Hồng (Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) chỉ ra hội nhập không chỉ là tiếng Anh mà sinh viên cần biết thị trường lao động hôm nay là 10 nước ASEAN chứ không chỉ trong nước, tiến tới công dân toàn cầu.
Cả ông Nhật Tân và bà Minh Hồng đều cho rằng đừng vội nói chuyện lý tưởng với sinh viên hiện nay mà nên bắt đầu từ điều thiết thân, gần gũi với họ trong cuộc sống. Ông Tân nói người biết sống vì cộng đồng sẽ có trong mình tình yêu nước, biết cống hiến, hy sinh. Còn TS. Minh Hồng nói điều quan trọng là xây dựng ý thức công dân cho sinh viên, quan trọng nhất là trung thành với Nhà nước.
Tham gia hoạt động tình nguyện là cách để sinh viên thể hiện trách nhiệm, chia sẻ và sống vì cộng đồng
Tiếp lời, anh Nguyễn Triều Trung (nguyên Phó chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, Hội hãy giúp đào tạo để có được các mô hình tình nguyện dài hạn, tạo dấu ấn xã hội của sinh viên vì hiện còn thiên về tình nguyện ngắn hạn.
Trong khi đó TS. Trần Trung Nghĩa (Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) nói có thể thay sinh viên “tình nguyện vì cộng đồng” thành “thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, xã hội” và cần các hoạt động nối dài chứ không chỉ là ngắn hạn,
Anh Lê Hoàng Minh (Phó Ban quốc tế Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh) nói đã xuất hiện những dự án khởi nghiệp xã hội trong sinh viên nên nếu kết nối được giữa phong trào với các dự án này, chắc chắn sẽ tạo thêm nguồn lực, mở rộng không gian đóng góp của sinh viên cho xã hội.
Học tốt phải là nhiệm vụ chính
Lo ngại tình trạng sinh viên vào trường vẫn chưa xác định rõ và đúng đắn động cơ học tập, còn tư tưởng học đối phó, Phó chủ tịch thường trực Hội Sinh viên Việt Nam TP. Hồ Chí Minh Phạm Kiều Hưng nói dù phong trào gì Hội cũng cần giúp sinh viên học tốt bởi đó là nhiệm vụ chính của sinh viên.
Còn anh Nguyễn Quang Cường (Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TP. Hồ Chí Minh) nói cần giúp sinh viên nhận thức tầm quan trọng của nghề nghiệp và việc làm để sinh viên xác định học tập nghiêm túc, học để làm gì chứ không phải chỉ là lấy tấm bằng trước đã.
Trong khi đó, Phó chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam TP. Hồ Chí Minh Ông Thị Ngọc Linh mong nhiệm kỳ sắp tới phải tập trung tạo môi trường để sinh viên nghiên cứu khoa học tiếp cận với chuẩn quốc tế, có điều kiện công bố các nghiên cứu và các cấp bộ Hội đầu tư cho hội nghị khoa học sinh viên quốc tế, giao lưu với sinh viên các nước.
Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Lê Quốc Phong cho rằng, Hội tính toán xem có thể lập một Tạp chí khoa học sinh viên được không vì điều này được luật cho phép.
Nhiều ý kiến đánh giá cao giá trị của danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” và cần làm tốt hơn phong trào này sắp tới. Nguyên Phó chủ tịch thường trực Hội Sinh viên Việt Nam TP. Hồ Chí Minh Giang Ngọc Phương nói, Trung ương Hội cần tăng cường hoạt động truyền thông cho phong trào “Sinh viên 5 tốt” để giới thiệu với xã hội, doanh nghiệp các gương mặt thành công từng đạt danh hiệu này.
“Làm gì chăng nữa cũng không ngoài mục tiêu xây dựng được lớp sinh viên yêu nước thương nòi, có bản lĩnh chính trị và phải truyền thông qua người thật việc thật” – anh Phương lý giải.
Đưa sinh viên trải nghiệm thực tế
Anh Giang Ngọc Phương đề nghị Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam có thể ký kết với Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Bộ Công thương để mở thêm không gian giúp sinh viên trải nghiệm thực tế trong quá trình học.
“Việc đưa sinh viên đến với các nhà máy, xí nghiệp cũng là cách để các bạn tiếp cận với thử thách, cùng góp phần giải quyết các vấn đề doanh nghiệp gặp phải và biết đâu đây lại là cách để sinh viên có thể khởi nghiệp ngay khi đang học” – anh Phương phân tích.
Nguồn: website Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh