Lý Tự Trọng tấm gương sáng ngời cho thế hệ trẻ noi theo

KỶ NIỆM 104 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ LÝ TỰ TRỌNG

NGƯỜI ĐOÀN VIÊN THANH NIÊN CỘNG SẢN ĐẦU TIÊN (20/10/1914 – 20/10/2018)

———————–

LÝ TỰ TRỌNG TẤM GƯƠNG SÁNG NGỜI CHO THẾ HỆ TRẺ NOI THEO

     Lý Tự Trọng – Người đoàn viên thanh niên Cộng sản đầu tiên được Đảng và Bác Hồ kính yêu dìu dắt, giáo dục từ tuổi thiếu niên đã nêu cao khí tiết cách mạng, chịu đựng mọi cực hình tra tấn của kẻ thù quyết không khai báo nửa lời để bảo vệ cơ sở, bảo vệ đồng chí, đồng bào. Đặc biệt trước tòa án đế quốc thực dân, Lý Tự Trọng đã hiên ngang tuyên bố: “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác”.

     Lý Tự Trọng tên thật là Lê Văn Trọng, sinh năm 1914 tại Bản Mạy – Tỉnh Nakhonphanom – Thái Lan trong gia đình có truyền thống yêu nước thương dân, nuôi chí phục quốc.

     Năm 1925, anh tham gia “Hội Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí” thành lập ở Quảng Châu – Trung Quốc, mục đích của Hội là chuẩn bị điều kiện để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản. Cuối năm 1926, anh được tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội chọn sang Quảng Châu học tập và được đồng chí Nguyễn Ái Quốc đưa vào nhóm “Thiếu niên tiền phong Việt Nam”, một hình thức tổ chức thanh thiếu niên Cộng sản đầu tiên của cách mạng Việt Nam.

     Đến giữa năm 1929, tình hình cách mạng đã có chuyển biến mới. Các tổ chức cộng sản ở Việt Nam lần lượt ra đời. Lý Tự Trọng được cử về nước hoạt động tại Sài Gòn – Chợ Lớn đảm nhận nhiệm vụ liên lạc trong và ngoài nước cho Xứ ủy Nam Kỳ; đồng thời Lý Tự Trọng được giao một nhiệm vụ đặc biệt, vận động tập hợp thanh niên trong các nhà máy, trường học để thành lập Đoàn thanh niên cộng sản. Mặc dù công việc hết sức nguy hiểm, bọn mật thám suốt ngày lùng sục, nhưng nhờ tài trí thông minh Lý Tự Trọng đã vượt qua tất cả và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Nhân dịp kỷ niệm một năm cuộc khởi nghĩa Yên Bái, Xứ ủy Nam Kỳ quyết định tổ chức một đợt tuyên truyền tố cáo các tội ác của thực dân Pháp và kêu gọi quần chúng đấu tranh. Ngày 08 tháng 02 năm 1931, lợi dụng lúc bà con tập trung rất đông đi xem bóng đá ở sân vận động Sài Gòn, các chiến sỹ cách mạng đã tổ chức một cuộc mít tinh chớp nhoáng. Cờ đỏ búa liềm giương cao. Một đồng chí đứng lên diễn thuyết kêu gọi quần chúng đánh đổ thực dân Pháp. Giữa lúc ấy, tên mật thám Pháp Lơ – gơ – răng và bọn cảnh sát đi cùng đã ập tới. Không còn cách nào khác để cứu đồng chí mình, Lý Tự Trọng đã rút súng bắn chết tên mật thám cứu thoát đồng chí diễn thuyết. Bị vây hãm ráo riết, Lý Tự Trọng đã bị bắt. Thực dân Pháp đưa anh về giam ở bốt Ca – ti – na và tra tấn vô cùng dã man nhưng anh không khai báo nửa lời.

     Giam cầm tra tấn ở khám lớn Sài Gòn một thời gian không thu được kết quả, bọn chúng đưa anh ra xử án. Run sợ trước phong trào cách mạng, chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương đã mở một phiên tòa đại hình để xử một chiến sỹ cộng sản Việt Nam chưa đầy 18 tuổi. Lý Tự Trọng đã bị kết án tử hình. Đứng trước cái chết, Lý Tự Trọng không hề run sợ, anh đã chủ động biến phiên tòa của đế quốc thành một diễn đàn của người chiến sỹ cộng sản. Khi luật sư bào chữa xin bọn thực dân “mở lượng khoan hồng” vì Lý Tự Trọng chưa đến tuổi trưởng thành, “hành động thiếu suy nghĩ”, anh đã gạt phắt và dõng dạc nói: “Tôi hành động có suy nghĩ, tôi hiểu việc tôi làm, tôi làm vì mục đích cách mạng. Tôi chưa đến tuổi trưởng thành thật, nhưng tôi đã đủ trí khôn để hiểu con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác”. Khi bộ trưởng thuộc địa Pháp trực tiếp gặp Lý Tự Trọng và thốt ra những giọng điệu nhân đạo sặc mùi thực dân: “Tuổi thanh niên ngông cuồng, nước Pháp sẵn sàng tha thứ cho anh. Đối với những người thông minh chính phủ bao giờ cũng nâng đỡ chỉ cần anh thật thà hối cải. Nếu muốn anh có thể sang Pháp học để trở về giúp đất nước, tha hồ quyền cao chức trọng, vợ đẹp con khôn, ăn mặc sung sướng”. Đáp lại giọng giả nhân giả nghĩa đó của Bộ trưởng thuộc địa Pháp, Lý Tự Trọng đã dõng dạc quát vào mặt hắn: “Ta sinh ra không phải để ăn thứ cơm ấy”.

     Trong những ngày cuối cùng ở xà lim án chém, Lý Tự Trọng vẫn lạc quan yêu đời, tin tưởng vào sự thắng lợi của cách mạng. Thực dân Pháp đã không dám xử công khai Lý Tự Trọng. Lợi dụng lúc nửa đêm về sáng ngày 21 tháng 11 năm 1931, chúng đã hèn hạ dựng máy chém ở ngay khám lớn Sài Gòn hòng giết anh trong im lặng; nhưng tấm gương đấu tranh kiên cường anh dũng và những tiếng hô của anh: “Đả đảo thực dân Pháp”, “Đảng cộng sản Đông Dương muôn năm”, “Cách mạng Việt Nam thành công muôn năm” đã cổ vũ mạnh mẽ, tạo một làn sóng căm phẫn phản đối tội ác của thực dân Pháp đối với tù nhân trong khám lớn Sài Gòn. Lý Tự Trọng đã hiên ngang bước lên máy chém, hát vang bài Quốc tế ca.

     Tinh thần cách mạng bất khuất của Lý Tự Trọng đã làm cho kẻ thù vô cùng khiếp sợ, đã động viên cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng trong cả nước lúc bấy giờ. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Lý Tự Trọng tuy ngắn ngủi nhưng anh đã nêu một tấm gương chói lọi cho các thế hệ thanh niên noi theo. Hình ảnh và chí khí người thanh niên Lý Tự Trọng đã trở thành biểu tượng sáng ngời hết sức thiêng liêng, cao đẹp trong lòng các thế hệ đoàn viên thanh niên. Câu nói của anh “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng…” đã trở thành lý tưởng sống và vũ khí chiến đấu, kim chỉ nam hành động của thanh niên Việt Nam qua mọi thời kỳ cách mạng.

     Noi gương và tiếp bước Lý Tự Trọng, các thế hệ thanh niên Việt Nam đã đoàn kết một lòng dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng góp phần làm nên cuộc cách mạng tháng Tám 1945, thành lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, lớp lớp thanh niên Việt Nam đã nối tiếp nhau lên đường với ý chí tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đã góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại, dành độc lập tự do cho Tổ quốc và thống nhất đất nước. Trong cuộc trường kỳ kháng chiến ấy đã xuất hiện nhiều tấm gương tuổi trẻ kiên cường dũng cảm, tiêu biểu như: Trần Văn Ơn, Võ Thị Sáu, La Văn Cầu, Cù Chính Lan, Nguyễn Thị Chiên, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện… hàng triệu đoàn viên thanh niên tham gia phong trào “Ba sẵn sàng” và “Năm xung phong”. Từ hai phong trào ấy đã xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân với những chiến công xuất sắc như: Bảy dũng sỹ Điện Ngọc – Quảng Nam anh dũng đánh trả một tiểu đoàn địch; Tạ Thị Kiều tay không đoạt bốt giặc; Lê Thị Hồng Gấm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng không chịu đầu hàng giặc; dũng sỹ diệt Mỹ – anh hùng Lê Mã Lương với lẽ sống “Cuộc đời đẹp nhất là ở trên trận tuyến chống kẻ thù”. Câu nói bất hủ của người thợ điện trẻ tuổi Nguyễn Văn Trỗi “Còn giặc Mỹ thì không có hạnh phúc” đã gây xúc động cho tuổi trẻ và nhân dân tiến bộ khắp năm châu; lời hô của anh hùng liệt sỹ Nguyễn Viết Xuân “Nhằm thẳng quân thù mà bắn” đã trở thành hiệu lệnh thúc giục quân và dân ta xông lên tiêu diệt quân thù… Họ thật xứng đáng đại diện cho một lớp trẻ “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Ngay tại Hà Tĩnh, quê hương anh Lý Tự Trọng, sự hi sinh anh dũng của 10 liệt nữ thanh niên xung phong tại Ngã Ba Đồng Lộc đã xây nên tượng đài chiến thắng bất diệt, biểu tượng cho tinh thần quả cảm của những cô gái mãi mãi tuổi hai mươi.

     Tiếp nối truyền thống cha anh, tuổi trẻ Việt Nam luôn quyết tâm “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, sống đẹp – sống có ích nhằm xây dựng một lớp thanh niên thời đại mới với các giá trị cốt lõi “Tâm trong – Trí sáng – Hoài bão lớn”, đi đầu trong các phong trào xây dựng nông thôn mới, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, an sinh xã hội, tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao trình độ, làm chủ khoa học hiện đại.

Nguồn:tinhdoanhatinh.vn