Ngày Gia đình Việt Nam 28-6: Giữ lửa từ những điều nhỏ nhất
Có ý kiến cho rằng: “Gia đình bây giờ đủ đầy hơn nhưng cũng kém bền vững hơn”. Đây không phải là một cái nhìn bi quan về cuộc sống mà là một cái nhìn đầy thực tế.
Gia đình nhiều thế hệ cùng chia sẻ niềm vui và nỗi lo từ cuộc sống
Tốc độ phát triển của xã hội hiện đại đã làm thay đổi diện mạo cuộc sống. Xã hội phát triển là một tín hiệu tốt, nhưng sẽ tốt hơn nếu sự phát triển đó giúp cho các tổ ấm “ấm” hơn, vững vàng hơn.
1. Trong cuộc sống đô thị hiện đại, việc giữ lửa cho mái ấm và giữ hạnh phúc gia đình thời hiện đại đang đứng trước nhiều thử thách, với cả các gia đình trẻ cũng như gia đình nhiều thế hệ cùng sinh sống. Giữ được những nền tảng cơ bản, những nếp sinh hoạt truyền thống cho gia đình ngày nay là câu chuyện không hề đơn giản.
“Là người vừa làm công tác quản lý chuyên môn, vừa nghiên cứu khoa học và tham gia giảng dạy, tôi phải sắp xếp thời gian của mình thật khoa học và hợp lý, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất. Mỗi lần đi siêu thị, tôi mua toàn bộ thức ăn cho cả nhà trong 1 tuần, bảo đảm đầy đủ dưỡng chất, các loại thịt, rau, củ, quả. Thông thường, tôi làm sạch sẵn các nguyên liệu và để trong tủ lạnh để khi cần thiết các con có thể tự chế biến món ăn cho mình. Từ lâu nay, hầu như gia đình tôi không ăn sáng bên ngoài mà vẫn có được những món ăn ngon miệng, bổ dưỡng là vậy. Khi con còn nhỏ, tôi vẫn thường theo dõi và kèm con các môn học về xã hội như văn, sử, địa, riêng ngoại ngữ là món buộc phải có. Căn bản chỉ cần các con tự ý thức việc học, hiểu và vững chắc kiến thức nền, không cần căng thẳng điểm số hay phải học thêm nặng nề” TS. Mã Thanh Cao, nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, chia sẻ.
Con cái lớn thêm một chút, chị quan niệm phải dạy con biết tự lo cho bản thân mình, ví như phải tự biết nấu ăn, rửa chén, lau nhà, giặt giũ quần áo chứ không trông chờ vào bố mẹ. Những thói quen này rất tốt vì vừa cho con tính tự lập, vừa là cách để con chia sẻ công việc, gần gũi hơn với bố mẹ.
TS. Mã Thanh Cao chia sẻ thêm: “Việc chọn lựa nghề nghiệp của các con cũng vậy, tôi và ông xã chỉ định hướng và phân tích cho con nghe, để con hoàn toàn tự lựa chọn theo sở thích của mình mà không gò bó, ép buộc. Tôi thấy mình thật may mắn và hạnh phúc khi có được hai con trai ngoan, giỏi và hiếu thảo, yêu thương gia đình. Tôi cảm thấy hài lòng với cuộc sống và hạnh phúc hiện tại của mình”. Con trai lớn của chị hiện đã ổn định công việc, có gia đình riêng, còn cậu trai út thì đang chọn đi theo con đường sư phạm như bố mẹ.
Cũng là một trong những gia đình thời hiện đại nhưng với gia đình nhỏ của GS-TS-nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam và nhà văn Huỳnh Mẫn Chi thì lại khác.
Chị Mẫn Chi chia sẻ: “Khoảng cách tuổi tác giữa hai người khá lớn, nhưng cả hai cùng hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật nên có lẽ tình yêu nghệ thuật đã giúp chúng tôi cảm thông, đồng điệu”. Làm sao thu hẹp khoảng cách tuổi tác trong việc dạy dỗ các con? “Ngắn gọn thế này thôi, với thầy Nam, tình yêu và sự quan tâm lớn nhất của thầy chỉ dành cho âm nhạc và gia đình, đặc biệt là các con. Hiện giờ tuy không còn nhiều sức khỏe, đi lại khó khăn nhưng thầy vẫn thường hay tâm sự chia sẻ với các con – xem các con như những người bạn nhỏ của mình. Khi khỏe, thầy lại dẫn hai con đến Nhạc viện TP xem các chương trình hòa nhạc và bọn trẻ rất thích thú điều nay”, chị Mẫn Chi tâm sự.
Không nặng nề việc học của con, để các con phát triển thuận theo tự nhiên. Một sự may mắn hai đứa trẻ ít nhiều cũng thừa hưởng được chút gene nghệ thuật từ ba mẹ, thể hiện qua sở thích, năng khiếu âm nhạc và văn thơ. Chị hạnh phúc: “Có lẽ cảm nhận và hiểu được tình yêu thương của cha mẹ, nên các con tôi đều rất ngoan và chăm học”.
2. Rõ ràng rằng, trong thời đại công nghệ phát triển vượt bậc như hiện nay, giới trẻ có điều kiện tiếp cận cũng như nhiều sự lựa chọn với các phương tiện thông tin giải trí, là hàng trăm kênh truyền hình trong nước và quốc tế, là hàng loạt chương trình game show giải trí đủ các lĩnh vực truyền hình, là rất nhiều trò chơi, thông tin trên Internet.
Bên cạnh những kiến thức xã hội nhanh chóng cập nhật, các tiện ích về công nghệ phần nào cũng chính là nguyên nhân gia tăng khoảng cách giữa các thành viên, các thế hệ trong gia đình. Không thiếu hình ảnh những gia đình trẻ ở nơi công cộng, cha mẹ dán mắt vào điện thoại lướt “phây”, xem báo hay con trẻ xem phim, chơi game, phải chăng sự gắn kết gia đình đang bị tác động bởi nhịp sống thay đổi?
Anh Bùi Ngọc Minh (đường Dương Quảng Hàm, phường 5, quận Gò Vấp) cho rằng, chính việc bận rộn với công việc hàng ngày mà nhiều lúc anh giao hẳn chiếc điện thoại thông minh cho cô con gái mới lên 5 của mình để “có được những phút giây yên tĩnh làm việc”. Thế nhưng, sau một thời gian, bé quên hẳn việc nói chuyện, vui chơi với cha mẹ mà say sưa với máy móc; còn vợ chồng anh cũng quên bẵng đi việc nuôi dạy con trẻ khiến việc dạy bảo con mình trở nên khó khăn hơn, bé khó bảo hơn và ù lì… Lúc đó, vợ chồng anh mới tá hỏa, bởi không có gì khó hơn việc giữ lửa trong cuộc sống gia đình, không để sự nguội lạnh bởi công nghệ, bởi công việc xâm lấn.
Một nhà xã hội học từng hài hước khi cho rằng, tình yêu của chàng và nàng có thể chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất – anh nói em nghe; giai đoạn thứ hai – em nói anh nghe và giai đoạn thứ ba – cả anh và em cùng nói, hàng xóm cùng nghe. Và vị chuyên gia này khẳng định: Khi mà hàng xóm phải chịu trận nghe những chuyện không hay ho gì của gia đình thì lúc ấy nguy cơ “anh đi đường anh, tôi đi đường tôi” đã gần lắm rồi.
Vậy phải làm gì để góp một tay giữ lửa cho mái ấm gia đình? Nhịp sống hiện đại sôi động thật nhưng ai cũng cần có lúc phải tạm quên công việc để về bên mái ấm của mình. Một người hạnh phúc là một người sáng sáng muốn tới công sở đi làm lo cho cuộc sống và chiều chiều muốn trở về nhà bên người thân. Riêng việc nuôi dạy con cái là việc chung mà cả hai vợ chồng cùng gánh vác. Không thể viện lý do phải kiếm được tiền và rất nhiều tiền mới lo được cho gia đình bền vững, bởi tiền có thể mua được tiện nghi chứ không thể mua được hạnh phúc.
Nguồn: Báo Sài Gòn giải phóng online