Và trái tim vẫn đập phía Hoàng Sa

     Sáng 28-3, Đà Nẵng khánh thành Nhà trưng bày Hoàng Sa. Hôm nay 29-3, Đà Nẵng kỷ niệm 43 năm ngày giải phóng (29-3-1975 – 29-3-2018).

     Buổi lễ ở Nhà trưng bày Hoàng Sa sáng 28-3 đau đáu trong tim bao người một nỗi niềm: Đà Nẵng vẫn chưa giải phóng trọn vẹn. 

     Dù trên bản đồ hành chính có tên huyện Hoàng Sa thuộc TP Đà Nẵng, có chủ tịch huyện, có chánh văn phòng, có nhân viên… nhưng huyện này không có phường, khu phố, không có dân cư sinh hoạt theo đúng nghĩa.

     Bởi mảnh đất có tên huyện Hoàng Sa ấy, là quần đảo xinh đẹp và giàu có tài nguyên, hiện vẫn còn đang trong tay Trung Quốc, bị Trung Quốc xâm lược và chiếm đóng trái phép hoàn toàn từ tháng 1-1974.

     Cũng chính vì lẽ đó mà cho dù trên đất nước mình đang có hàng trăm bảo tàng và nhà trưng bày, nhưng không một công trình nào có số phận như Nhà trưng bày Hoàng Sa. Nó là dấu mốc, là lời nhắc, là thề nguyện và cả đau đớn khi vọng ra biển Đông.

Một góc đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam – Ảnh: AFP

     Câu nói “Hẹn ngày mai gặp lại Hoàng Sa” là một câu nói ở thì tương lai, nhưng đêm đêm, trên bản đồ dự báo thời tiết của Đài truyền hình Việt Nam hay mỗi ngày ở góc thời tiết trên trang báo Tuổi Trẻ, quần đảo yêu thương vẫn hiện ra bằng những chấm đảo trên nền xanh của biển.

     Hoàng Sa vẫn ở đó, với chuyện nắng mưa, nhiệt độ, thời tiết, cấp sóng. Hoàng Sa nằm đó, phần máu thịt của quê hương còn chưa về được với đất mẹ vì dã tâm cưỡng chiếm của ngoại bang. 

     Nhưng cho dù như thế thì việc có một nhà trưng bày để Hoàng Sa hiện diện cụ thể giữa trung tâm Đà Nẵng là một nỗ lực lớn của những người dân luôn thao thức với Hoàng Sa!

     Căn phòng 20 mét vuông và những tấc lòng…

     Nhìn công trình bề thế của nhà trưng bày, trong tôi chợt hiện ra hình ảnh căn phòng nhỏ ở Sở Nội Vụ Đà Nẵng. Nhiều năm qua, cứ mỗi lần dịp 19-1, ngày Hoàng Sa bị giặc xâm chiếm, tôi lại lặng lẽ ghé vào căn phòng đó, nằm chung trong căn nhà của Sở Nội Vụ, với tấm biển mica màu đỏ khắc dòng chữ “UBND huyện Hoàng Sa – 132 Yên Bái – Đà Nẵng”.

     Căn phòng hai chục mét vuông mang vác sứ mệnh nhắc nhở người Việt không quên nỗi đau mất mát. Chất chồng trong đó là bao nhiêu tài liệu, tư liệu, hiện vật tá túc tội nghiệp bao năm ở trụ sở mà ông giám đốc sở kiêm quản luôn chủ tịch huyện đảo.

Tấm biển ghi địa chỉ UBND huyện Hoàng Sa trên trụ cổng Sở Nội Vụ Đà Nẵng và căn phòng 20m2– giang sơn của huyện Hoàng Sa “tá túc” nhờ Sở Nội Vụ mấy năm trước.

     Giờ đây, từ căn phòng bé nhỏ ấy, Hoàng Sa đã có một “cơ ngơi” bề thế nằm trên đường Hoàng Sa, hướng mặt ra Biển Đông, hướng vọng về những hòn đảo sau mù khơi sóng nước.

     Công trình mang dáng dấp của con dấu chủ quyền mà triều Nguyễn đã đóng lên những chiếu chỉ về việc lập “Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải” và cử quân binh ra trấn giữ. 

     Tiếp nối tiền nhân, những người lính Việt Nam đã có mặt ở Hoàng Sa cho đến ngày 19-1-1974, khi Trung Quốc nổ súng cướp đảo. Bảy mươi tư người lính đã ngã xuống.

     Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, giờ đây tên tuổi của họ và trận hải chiến bi hùng ngày ấy đã được tái hiện qua các hình ảnh tài liệu trong nhà trưng bày.

     Hoàng Sa lại một lần nữa dậy sóng khi mùa hè năm 2014, Trung Quốc đem giàn khoan Hải Dương 981 vào hạ đặt trái phép. Những ngư dân và những người lính đã mấy tháng trời đấu tranh can trường buộc giàn khoan rút đi. 

     Trang sử ấy giờ cũng được giữ gìn qua hình ảnh, câu chuyện và hiện vật sinh động là con tàu đánh cá mang số hiệu Đna 90152TS bị tàu Trung Quốc đâm chìm.

Nhà trưng bày Hoàng Sa mang dáng dấp của con dấu chủ quyền triều Nguyễn

     Hoàng Sa, đó sẽ là cuộc chiến đấu dai dẳng, sẽ trường kỳ cho đến khi nào chúng ta đòi lại được mảnh đất thấm máu cha ông bao nhiêu đời giữa trùng dương sóng gió.

    Trong những tư liệu quý hiếm được trưng bày ở đây, không chỉ có kỷ vật của những người từng sống và chiến đấu ở Hoàng Sa. Những thư tịch được phủi bụi thời gian hàng thế kỷ! 

     Tôi biết có những người Việt khắp năm châu vẫn âm thầm gom góp chút công sức bé mọn cho chủ quyền Tổ Quốc. Đó là phía của Hoàng Sa thầm lặng!

Trích nguồn: Báo Tuổi trẻ online