3 dấu ấn của thủ tướng Phan Văn Khải
Việc xây dựng được một hệ thống pháp luật theo chuẩn mực quốc tế, để nền kinh tế được điều hành và quản trị theo cơ chế thị trường là những dấu ấn quan trọng của Chính phủ dưới thời Thủ tướng Phan Văn Khải.
Ông Phan Văn Khải bên hành lang Quốc hội tháng 5.2006
Nhờ vậy, 9 năm ông điều hành ở cương vị người đứng đầu Chính phủ cũng là thời kỳ kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao và ổn định nhất từ sau đổi mới.
Tháng 3.1993, ông Phan Văn Khải đang là phó thủ tướng, đã tới dự đại hội của Phòng Thương mại – Công nghiệp VN. Khi ấy, phòng chỉ là tổ chức nhỏ lắm, tuy là tổ chức của các doanh nhân song vẫn chưa được coi là đại diện chính thức của cộng đồng doanh nghiệp (DN) như bây giờ. Khi phát biểu, ông Khải đã nói rõ quan điểm của Chính phủ và của ông đối với DN và vai trò của khu vực tư nhân. Điều đó đã tạo niềm tin rất lớn cho doanh nhân để họ cố gắng đóng góp cho kinh tế. Tư tưởng này đã được tư duy dưới thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhưng chưa có nhiều điều kiện để thực hiện. Phải đến thời Thủ tướng Phan Văn Khải mới thể hiện rõ nét. Sự phát triển của khu vực kinh tế dân doanh như bây giờ có đóng góp rất lớn của ông Khải.
Tất nhiên, thành tựu phát triển kinh tế tư nhân là kết quả tất yếu của hai thành tựu khác. Đó là thành công của tư tưởng quản trị, điều hành kinh tế theo nguyên tắc thị trường. Và để hiện thực hóa nó thì đi kèm phải là một loạt cải cách thể chế. Ở cả hai vế này, Chính phủ dưới thời Thủ tướng Phan Văn Khải đã để lại ấn tượng đậm nét.
Tôn trọng quyền tự do kinh doanh
Tôi muốn lấy ví dụ rõ nhất là luật Doanh nghiệp 1999. Với luật này, nhà nước đã thay đổi cơ bản tư duy và cách ứng xử với DN. Đó là thay vì cơ chế xin cho với những thủ tục phiền phức như trước thì luật này nguyên tắc là tôn trọng quyền tự do kinh doanh của người dân và người dân chỉ phải đăng ký với nhà nước mà thôi. Những lĩnh vực nào nhà nước cấm hay có điều kiện thì cũng ban hành rõ và đó là những lĩnh vực rất ít và rất hợp lý mà hầu hết các nước cũng quy định như vũ khí, thuốc nổ, khai thác rừng tự nhiên là cấm hay ngành có điều kiện như y dược, luật sư… Tiếp đó, các luật mới được ban hành hay sửa đổi cũng trên tinh thần này như luật Đất đai 2003, luật Các tổ chức tín dụng, luật Lao động, các luật thuế, hay nhóm luật về khai thác tài nguyên khoáng sản… Nhờ việc những luật này đều xây dựng trên các nguyên tắc và chuẩn mực của WTO nên đã thúc đẩy quá trình đàm phán gia nhập WTO được tăng tốc trong giai đoạn 2002 và đến 2006 đã hoàn tất đàm phán. Cần phải lưu ý rằng, thực tế những điều này đã được tư duy và đề ra dưới thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Đó là tư duy kinh tế thị trường, nhưng phải đến Thủ tướng Phan Văn Khải mới thể hiện rõ nét nhất.Trước tiên, Chính phủ giai đoạn đó đã xây dựng được hệ thống pháp luật kinh tế, vừa phục vụ cho cải thiện môi trường kinh doanh, vừa phục vụ cho quá trình hội nhập. Nhìn vào 9 năm ông Phan Văn Khải làm thủ tướng, thì đấy có thể nói là quãng thời gian VN ban hành được nhiều luật tốt nhất, phù hợp các nguyên tắc của WTO, từ đó tạo thuận lợi cho việc hoàn tất đàm phán để gia nhập tổ chức này. Vừa tạo điều kiện cho phát triển kinh tế trong nước. Điều này giải thích một phần tại sao kinh tế trong thời kỳ 1997 – 2007 VN có tốc độ tăng trưởng cao và đều đặn liên tục, lại vừa giữ được ổn định vĩ mô.
Quản trị theo nguyên tắc thị trường
Thành tựu thứ hai là điều hành và quản trị nền kinh tế rất tốt theo nguyên tắc thị trường nên có những thành công rõ nét. Thời kỳ đó tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 7,2%/năm – một thành tựu mà khi tổng kết 30 năm đổi mới chúng ta đã nhìn nhận. Khi nhìn vào sơ đồ tổng kết về kinh tế thì thấy rõ đây là giai đoạn tăng trưởng và ổn định nhất. Vừa ổn định vĩ mô khi nợ công luôn được kiềm chế dưới 50% GDP, tốc độ tăng nợ công rất chậm, lạm phát được khắc phục một cách cơ bản với mức thấp, ổn định, đồng tiền ổn định, chỉ số vĩ mô rất tốt. Đến đây cần phải nói thêm rằng, Thủ tướng Phan Văn Khải bắt đầu nhiệm kỳ đầu tiên cũng là năm khủng hoảng tài chính trong khu vực (1997). Khi đó, dòng tiền đầu tư nước ngoài gần như chững lại. Năm trước đó số vốn đầu tư nước ngoài đăng ký được công bố là hơn 8 tỉ USD thì đến năm 1997 có 7 tỉ trong số này bị rút, số còn lại không tuyên bố rút nhưng cũng triển khai cầm chừng.
Tư tưởng điều hành và quản trị kinh tế theo nguyên tắc thị trường đã không còn được phát huy sau khi ông Khải rời ghế thủ tướng. Lẽ ra với nền tảng này thì đáng lý thời kỳ tiếp theo nền kinh tế sẽ giữ được ổn định và giữ nhịp tăng trưởng. Nhưng đáng tiếc chúng ta đã không còn theo cách này và bắt đầu có những rối loạn vĩ mô.
Phát triển kinh tế tư nhân
Ông Phan Văn Khải cũng tiếp nối thành công tư tưởng của người tiền nhiệm, nhận thức rõ tầm quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân, DN trong phát triển kinh tế. Năm 2000, tức năm đầu tiên triển khai luật Doanh nghiệp, đã có tới 20.000 DN mới ra đời, bằng 50% con số của cả 10 năm trước và tới năm rồi là hơn 100.000 DN mới thành lập.
Tôi đặc biệt ấn tượng với cá nhân ông Khải khi mà năm 1993 – lúc ông còn làm phó thủ tướng, đã tới dự đại hội của Phòng Thương mại – Công nghiệp VN dù lúc ấy phòng chưa được coi là đại diện chính thức của cộng đồng DN như bây giờ. Ông Khải thường đến dự các đại hội của cộng đồng DN, để lắng nghe, hỏi han tâm tư của họ là chính. Trong khi, ông lại luôn giữ mối quan hệ rất chừng mực đối với các “đại gia”. Ngay với các DN nhà nước lớn, ông ủng hộ nhưng không duy trì mối quan hệ thân thiết với những người đứng đầu các DN này; ông rất ít lui tới những buổi lễ như khởi công, khánh thành các dự án. Điều đó đã tạo niềm tin và sự hứng khởi rất lớn cho doanh nhân để họ cố gắng đóng góp cho kinh tế.
Cá nhân tôi cho rằng, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải để lại rất nhiều bài học cho những nhà lãnh đạo của chúng ta về phong cách điều hành, thái độ đối với những vấn đề bức xúc của đất nước.
Người con ưu tú của “đất thép thành đồng” Củ Chi
Ngay từ sáng sớm 18.3, người dân, các cơ quan, đoàn thể tiếp tục đến xã Tân Thông Hội, H.Củ Chi (TP.HCM) – nơi đang quàn linh cữu nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, thành kính viếng ông.
Đến viếng sớm nhất có Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh…
Theo ông Trương Tấn Sang, cố Thủ tướng Phan Văn Khải là người con ưu tú của “đất thép thành đồng” Củ Chi. Chia sẻ tình cảm trân quý của mình, ông Trương Tấn Sang bày tỏ: “Ông Sáu Khải là vị lãnh đạo có tư duy kinh tế tốt, có đóng góp rất nhiều cho quá trình đổi mới kinh tế của chúng ta, rất là tốt, để lại dấu ấn sâu, đậm nét. Đó là ấn tượng sâu nhất, tôi không thể nào quên được”. Ngoài những đóng góp đặc biệt quan trọng trong nhiều lĩnh vực, theo ông Trương Tấn Sang, ông Sáu Khải là người gần gũi, thân tình, chia sẻ, kể cả khi giữ trọng trách thủ tướng.
Ngay khi hay tin ông Sáu nằm xuống, bà con xóm làng Tân Thông, xã Tân Thông Hội, H.Củ Chi (TP.HCM) bồi hồi xúc động, ước nguyện tìm đến “nhìn mặt ông Sáu lần cuối”. Trong nhiều đoàn đến viếng, có hơn 40 bậc cao niên trong Hội đình Tân Thông, một “địa chỉ đỏ” mà cố Thủ tướng Phan Văn Khải từng dành nhiều tâm huyết để trùng tu, tôn tạo.
Tham gia đoàn kính viếng, ông Mai Văn Hòa (84 tuổi) bùi ngùi: “Ông Sáu là người sống tình, sống nghĩa với quê hương xóm làng lắm. Ông chưa một ngày xa lánh bà con, kể cả khi còn đương chức. Mỗi việc lớn nhỏ ở xóm làng Tân Thông đều in sâu nghĩa tình ông Sáu”.
Đình Phú – Trung Hiếu
Trích nguồn: báo Thanh niên
(thanhnien.vn)