Thanh niên và vấn đề giá trị

Thanh niên, tiếp cận từ góc độ tâm lý học là những đối tượng bắt đầu định hình được giá trị của mình và trưởng thành về thể chất cũng như tâm lý. Thanh niên, tuy thuộc nhóm lứa tuổi nhất định nhưng đặc điểm tâm lý của họ luôn gắn liền với những tác động và đặc điểm xã hội cụ thể.

gia_tri_thanh_nien

Do đó, có thể nói  “thanh niên” là một nhóm xã hội – dân cư “động” chứ không phải là một nhóm tỉnh, ổn định, tức là những diễn biến tâm lý – xã hội của thanh niên cũng như các nhóm lứa tuổi khác thường không bất biến mà sẽ thay đổi tùy thuộc vào môi trường và các điều kiện xã hội khác. Dù là nhóm xã hội – dân cư có tính phức hợp và rất đa dạng, “thanh niên” vẫn có những đặc điểm, đặc trưng chung, tạo nên tính thống nhất trong nhận thức và hành vi của họ. Cái chung, cái thống nhất căn bản nhất của “thanh niên” chính là ở tuổi trẻ, sức trẻ. Xét từ góc độ quan hệ xã hội thì tuổi thanh niên chính là giai đọan mỗi con người chuẩn bị hành trang cho toàn bộ cuộc đời mình: học vấn, nghề nghiệp, thử nghiệm và lựa chọn văn hóa, kinh nghiệm, lối sống trên cở sở định hình dần hệ giá trị của riêng mình, trở thành công dân thực thụ với đầy đủ những quyền lợi và nghĩa vụ do luật định. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Một năm bắt đầu bằng mùa xuân, cuộc đời bắt đầu bằng tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của dân tộc”. Thanh niên là nhóm xã hội – dân cư có sứ mệnh đón nhận sự “trao truyền” giá trị, bàn giao nhiệm vụ, ủy thác trách nhiệm, gửi gắm niềm tin của thế hệ đi trước (thế hệ già đã và đang giữ vai trò lãnh đạo gia đình – cộng đồng – quốc gia dân tộc). Với thuyết Erik Erikson, giai đoạn trưởng thành còn thanh xuân được xem gần như tuổi đầu thanh niên. Tác giả Lowenthal đã đưa ra một khung giá trị cho việc nghiên cứu sự phát triển thời kỳ trưởng thành còn thanh xuân (đầu thanh niên) với lý thuyết về các cam kết quan trọng, trong đó ở lứa tuổi này có cam kết giữa người với người có ý nghĩa rất đặc biệt với sự phát triển của giai đoạn lứa tuổi. Tuổi thanh niên là tuổi rất nhạy cảm với những tác động mới mẻ, dù tích cực hay không tích cực, dù lành mạnh hay không lành mạnh. Những thay đổi của thanh niên có ảnh hường nhất định đến quá trình thích ứng của các nhóm xã hội trong tiến trình phát triển và định hình các khuôn mẫu hành vi. Điều rất rõ là các mẫu hành vi sẽ tác động tích cực trở lại với việc định chuẩn giá trị. Từ góc nhìn về một nhóm người trẻ đầy nhiệt huyết cống hiến, lớp người trẻ thật sung sức, nếu việc định hình giá trị phù hợp, nhóm người trẻ sung sức này sẽ đóng góp nhiều trí tuệ, công sức cho sự phát triển của xã hội… Trong bối cảnh của một xã hội hiện đại ngày nay, các giá trị đang có khuynh hướng thay đổi khá nhanh, hệ giá trị dù có được “đóng khung” nhưng các mẫu hành vi vẫn có thể  được thay thế  nhanh chóng trong nhận thức và tình cảm của con người, đặc biệt đối với thanh niên. Sự chuyển biến giá trị đang thể hiện trong thị hiếu thẩm mỹ, trong nhận thức nghề nghiệp, trong sự lựa chọn hành vi ứng xử , trong việc  xử lý các tình huống, trong quan hệ với người chung quanh…và những chuyển biến này có thể làm một số người lo lắng ở những mức độ khác nhau. Trong nghiên cứu “Sự lựa chọn các giá trị đạo đức nhân văn trong định hướng lối sống của sinh viên” của nhóm tác giả trường ĐHSP TP Hồ Chí Minh, lòng nhân ái được sinh viên xếp thứ 7, tinh thần hợp tác được xếp đến thứ 9 trên tổng số 10 giá trị được khảo sát (theo thứ tự quan trọng đối với cuộc sống của sinh viên). Đặc biệt giá trị “tôn trọng văn hóa nhân loại và dân tộc” được sinh viên cho là  không có gì quan trọng …Cũng trong nghiên cứu này, các giá trị của cá nhân cũng được sinh viên đánh giá khá thấp. Khiêm tốn là giá trị được sinh viên xếp gần cuối nhóm trong khi sự tự tin được lựa chọn khá cao, điều này cho thấy có thể sinh viên tự đánh giá về mình quá cao, tự tin chưa đi liền với sự khiêm tốn… Đặc biệt gía trị “lợi ích cộng đồng” và giá trị “hy sinh”  được  sinh viên xếp cuối cùng. Điều gì đang xảy ra? Phải chăng cái tôi của bạn trẻ quá lớn đến độ họ chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân, lợi ích cá nhân là tất cả sự lựa chọn của họ? Biểu hiện của chủ  nghĩa cá nhân đang có khuynh hướng tăng dần lên..? Gần đây, qua một số phương tiện truyền thông, hình ảnh của người dân Nhật Bản nói chung và lớp trẻ của Nhật Bản nói riêng khi họ đối diện với sự cố động đất và sóng thần tang thương với sự bình tĩnh và ý thức tổ chức tuyệt vời, chúng ta mới thấy thấm thía ý nghĩa tích cực của các giá trị sống và càng cảm thấy vai trò của giáo dục giá trị cho giới trẻ ngày nay.

 

Giá trị, là những hiện tượng nhất định của hiện thực có ý nghĩa đối với con người, đối với xã hội và với nền văn hóa. Tất cả các đối tượng của hoạt động, các mối quan hệ xã hội, những hiện tượng tự nhiên… đều có thể trở thành những đối tượng của quan hệ giá trị, nghĩa là đều được đánh giá thật hay giả, đẹp hay xấu, thiện hay ác… Phương thức và tiêu chuẩn để tiến hành việc đánh giá các hiện tượng  xã hội được củng cố trong các hành vi xã hội, trong văn hóa, trong ý thức cá nhân con người và đó là những giá trị chủ quan, đóng vai trò định hướng hành động con người. Nghiên cứu, phát hiện những hiện tượng  xã hội theo cách tiếp cận giá trị là hướng tới ý nghĩa đích thực của những hiện tượng ấy trong quan hệ biện chứng giữa giá trị chủ quan và giá trị khách thể. Các sự kiện, hiện tượng được phơi bày và được các nhóm xã hội nhận thức, đánh giá theo những chuẩn giá trị có bản chất xã hội. Một khi giá trị đã được xác lập, nó phải được tôn trọng và được phán xét đúng mức. Giá trị khẳng định tư cách tồn tại của các hiện tượng xã hội, nó phản ánh xu thế xã hội và một phần tâm trạng, ước muốn, nguyện vọng, tư tưởng… của các chủ thể xác lập giá trị.

Tiếp cận giá trị hướng chủ thể quan tâm đến sự xuất hiện, hình thành tự nhiên của một hiện tượng xã hội như những hiện tượng không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan hay những tác động, những áp lực từ các giá trị nhận thức, giá trị được thừa nhận. Giá trị thật và giá trị thừa nhận trùng hợp nhau là điều lý tưởng, nhưng quan trọng hơn là phải hết sức cẩn thận đối diện với những giá trị hư ảo lại được thừa nhận. Giá trị hư ảo được thừa nhận làm con người có thể trở nên phi thực tế, ảo tưởng và không hiểu rõ được mình, không nhận rõ được giá trị thực của mình. Trong  bối cảnh có nhiều giá trị có ranh giới thật giả không rõ ràng, nếu chọn nhầm giá trị, nếu xác định các giá trị ảo trên cớ sở những điều có thật sẽ làm các nhóm xã hội mất phương hướng hoạt động và có thể  tiếp nối hàng loạt các giá trị ảo khác, trong đó đối tượng thanh  niên là nhóm chủ thể  rất nhạy cảm khi tiếp nhận và định hình các giá trị như đã nêu .

Để định hình giá trị trong quá trình thích ứng với xã hội đối với các nhóm xã hội nhất định trước hết là cần tôn trọng sự thật của vấn đề, tôn trọng tính khách quan của quá trình hình thành, phát triển của các hiện tượng xã hội. Điều này cho thấy, thực tế, có những sự thật không tương thích với ý chí và kỳ vọng của chủ thể nhưng nó vẫn cứ có giá trị nhất định. Tôn trọng sự thật, không cường điệu, không đơn giản vấn đề sẽ là một điều kiện hữu ích cho việc nghiên cứu bản chất của vấn đề, tìm cách định hướng giá trị phù hợp. Hình thành, giáo dục giá trị là thừa nhận các giá trị thật, không chấp nhận các giá trị hư ảo.

Thanh niên ngày nay rất thông minh và đầy tài năng, nhưng nếu không đứng trên các giá trị đích thực từ góc nhìn của mình trong tương quan với các chuẩn giá trị xã hội thì các tác động tiêu cực có thể len lõi trong nhận thức và hành vi của chính họ. Gíao dục giá trị hãy bắt đầu từ sự tự nhận thức về mình, biết mình đang ở đâu, biết mình đang có điều gì, thiếu cái gì, mong ước cái gì… để không “đuổi hình bắt bóng”, để không có những kết quả chỉ “hoành tráng” trong nhận thức chủ quan của mình.

Nhiều năm qua, Thành đoàn TP Hồ Chí Minh đã có rất nhiều chương trình hoạt động vừa có chiều rộng vừa bảo đảm chiều sâu nhằm hình thành những giá trị mới cho các đối tượng thanh niên phù hợp với xu thế phát triển và định hướng mục tiếu của đất nước. Điều quan trọng là các bạn trẻ mong đợi họ vừa hồn nhiên vừa điềm đạm, vừa sâu sắc vừa phóng khoáng, vừa lãng mạn vừa thực tế, vừa trẻ trung vừa bản lĩnh… Họ đang cần được định hướng cụ thể để xây dựng các giá trị nhân văn đặc trưng trên con đường chinh phục tương lai của mình.

 

TS. Đinh Phương Duy

Phó Hiệu trưởng trường Cán bộ TPHCM