Chào mừng Quốc lễ “Giỗ Tổ Hùng Vương”

Ngày giỗ tổ Hùng Vương hay còn gọi là “Lễ hội Đền Hùng” là một ngày lễ của Việt Nam, là ngày để tất cả mọi người cùng về đất nước Việt Nam này để tận hưởng được giá trị của sự bình yên và sự hi sinh của những đồng bào có công cùng các Vua Hùng dựng nước.

Ngày giỗ tổ Hùng Vương hay còn gọi là “Lễ hội Đền Hùng” là một ngày lễ của Việt Nam, là ngày để tất cả mọi người cùng về đất nước Việt Nam này để tận hưởng được giá trị của sự bình yên và sự hi sinh của những đồng bào có công cùng các Vua Hùng dựng nước. Lễ được tổ chức hàng năm vào ngày 10 tháng 3 âm lịch tại Đền Hùng, Việt Trì, Phú Thọ. Đây là ngày hội truyền thống của dân tộc nhằm mục đích tưởng nhớ đến công ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước. Theo truyền thuyết thì Lạc Long Quân và Âu Cơ được xem như là thủy tổ người Việt, cha mẹ của các Vua Hùng.

Thời kỳ Hùng Vương là một giai đoạn rất quan trọng trong lịch sử dân tộc. Chính thời kỳ này đã xây dựng nên một nền tảng của dân tộc Việt Nam, nền tảng văn hóa Việt Nam và truyền thống yêu nước. Ngày nay nhân dân Việt Nam lấy ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm làm ngày giỗ tổ và cùng nhau về thăm đền Hùng để tửơng nhớ đến cội nguồn, tổ tiên của dân tộc Việt Nam.

 

Ngày giỗ tổ Hùng Vương đã được công nhận là một trong những ngày quốc lễ của Việt Nam thể hiện rõ đạo lý “uống nước nhớ nguồn” hay “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” như một tinh thần văn hóa Việt Nam. Ngày này cũng được chính phủ Việt Nam cho phép những người lao động được nghỉ lễ kể từ năm 2007. Nhân dân Việt Nam có câu lưu truyền từ xa xưa:

“Dù ai đi ngược về xuôi,

Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba”

Đại Việt Sử ký Toàn thư, phần lời tựa của Ngô Sĩ Liên chép: “Nước Đại Việt ở phía nam Ngũ Lĩnh, thế là trời đã phân chia giới hạn Nam–Bắc. Thuỷ tổ của ta là dòng dõi họ Thần Nông, thế là trời sinh chân chúa, có thể cùng với Bắc triều mỗi bên làm đế một phương”.

Lại chép về họ Hồng Bàng như sau: “Xưa cháu ba đời của Viêm Đế họ Thần Nông là Đế Minh sinh ra Đế Nghi, Rồi sau Đế Minh đi tuần phương Nam, đến dãy Ngũ Lĩnh gặp Vụ Tiên nữ sinh ra Vương (Lộc Tục). Vương là bậc Thánh trí thông minh. Đế Minh yêu quí lạ, muốn cho nối ngôi. Vương cố nhường cho anh mình, không dám vâng mệnh. Đế Minh vì thế lập Đế Nghi là con trưởng nối dòng trị phương Bắc. Lại phong cho vua là Kinh Dương Vương, trị phương Nam, đặt tên nước là Xích Quỉ. Vương lấy con gái Chúa Động Đình tên là Thần Long, sinh ra Lạc Long Quân”.

“Lĩnh Nam chích quái” thời Trần viết rằng: “Âu Cơ kết hôn với Lạc Long Quân, sinh ra một bọc trăm trứng, nở ra một trăm người con. Về sau, Lạc Long Quân chia tay với Âu Cơ; 50 người con theo cha xuống biển, 50 người con theo mẹ lên núi. Người con cả được tôn làm vua, gọi là Hùng Vương.”

Xã hội Văn Lang dưới thời các vua Hùng

Đứng đầu nước Văn Lang là các thủ lĩnh tối cao, được biết đến với tôn hiệu Hùng Vương. Hùng Vương đồng thời là người chỉ huy quân sự, chủ trì các nghi lễ tôn giáo. Dưới Hùng Vương có các Lạc Tướng, Lạc Hầu giúp việc. Cả nước chia thành 15 bộ (đơn vị hành chính lớn) có Lạc tướng còn trực tiếp cai quản công việc của các bộ. Dưới nữa là các Bố Chính, đứng đầu các làng bản.

Kinh đô của nhà nước Văn Lang được cho là đặt ở Phong Châu nay thuộc tỉnh Phú Thọ. Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư tính từ thời Kinh Dương Vương (2879 TCN) cho đến hết thời Hùng Vương (năm 258 TCN) kéo dài 2.622 năm. Gồm có các vị vua sau:

1.   Hùng Dương (Lộc Tục): 2879 – 2794 TCN

2.   Hùng Hiền (Lạc Long Quân): 2793 – 2525 TCN

3.   Hùng Lân: 2524 – 2253 TCN

4.   Hùng Việp: 2252 – 1913 TCN

5.   Hùng Hy (trước): 1912 – 1713 TCN

6.   Hùng Huy: 1712 – 1632 TCN

7.   Hùng Chiêu: 1631 – 1432 TCN

8.   Hùng Vỹ: 1431 – 1332 TCN

9.   Hùng Định: 1331 – 1252 TCN

10. Hùng Hy (sau)(tuy là cùng âm “Hy”, nhưng về mặt chữ Hán thì hai chữ này viết khác nhau): 1251 – 1162 TCN

11. Hùng Trinh: 1161 – 1055 TCN

12. Hùng Võ: 1054 – 969 TCN

13. Hùng Việt: 968 – 854 TCN

14. Hùng Anh: 853 – 755 TCN

15. Hùng Triều: 754 – 661 TCN

16. Hùng Tạo: 660 – 569 TCN

17. Hùng Nghị: 568 – 409 TCN

18. Hùng Duệ: 408 – 258 TCN