CẢM NHẬN SÁCH “Thành Đoàn cùng quân và dân Sài Gòn – Gia Định tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh”
Tập sách “Thành Đoàn cùng quân dân Sài Gòn – Gia Định tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh” vừa được xuất bản đầu năm 2020, chính là công trình tinh thần quý giá trong dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện Di Chúc Hồ Chí Minh do Câu lạc bộ Truyền thống Thành Đoàn cùng Ban Thường vụ Thành Đoàn và Nhà xuất bản Trẻ thực hiện. Từng trang sách đã khắc họa những hồi ức vẻ vang của tuổi trẻ thành phố mang tên Bác, không khí hào hùng của những người trẻ góp phần vào thành công của chiến dịch mang tên Bác – Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Dõi theo từng trang sách cho chúng ta được sống lại, được hòa cảm xúc với những ngày tháng 4 lịch sử. Từ những trang sách đầu tiên, dường như đã khiến không khí quanh ta bất giác bắt đầu có những thay đổi, hồ hởi, náo nức cùng với nhịp quân đi “Tiến về Sài Gòn” theo “Mệnh lệnh” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng Miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng.”
Từng trang sách dẫn dắt ta vào dòng chảy lịch sử của những ngày Chiến dịch sục sôi, với từng đợt tiến công, từng ngày khởi nghĩa của các lực lượng cả địa phương và quân chủ lực từ mọi hướng áp sát vào thành phố. Từng khoảng khắc được ghi lại tường tận đến giây từng phút, khi ta bắt đầu Tổng tiến công và nổi dậy khởi nghĩa toàn thắng, quân chủ lực tiến vào thành phố, tiếp quản chính quyền Trung ương Sài Gòn không đổ máu. Để ta thực sự tự hào rằng “Để tiến đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhân dân ta đã trải qua một quá trình bão táp đấu trí, đấu lực căng thẳng và đầy bản lĩnh” để có thể đến được khoảng khắc vỡ òa niềm vui “Sài Gòn giải phóng, giải phóng thật rồi!”.
Trong từng ngày Chiến dịch, trong từng bước tiến công, tự hào biết bao khi luôn bắt gặp câu chuyện về những chiến công, sự góp sức thầm lặng cả khi hoạt động bí mật, khi công khai của các cô chú anh chị cán bộ Thành Đoàn. Những câu chuyện về các cánh quân Thành Đoàn, của thanh niên công nhân, học sinh, sinh viên Sài Gòn – Gia Định và cả những hoạt động của Đoàn và thanh niên nông thôn Gia Định và vùng ven Sài Gòn. Hơn thế nữa, ta còn được biết thêm nhiều câu chuyện thật đặc biệt về hoạt động của hệ thống căn cứ Thành Đoàn trong những ngày chuẩn bị vào Chiến dịch Hồ Chí Minh. Cho ta cùng sống lại với khí thế của phong trào thanh niên – sinh viên – học sinh “Mỗi trường Đại học, trung học gắn chặt với xóm lao động” để hiểu rằng ngay từ ngày ấy, thanh niên sinh viên học sinh thành phố đã sôi nổi các hoạt động xã hội như khám bệnh, giúp đỡ đồng bào sửa chữa cống rãnh, nhà cửa, tổ chức các lớp học miễn phí cho thiếu nhi; qua đó bắt rễ vào xóm lao động, xây dựng “lõm” chính trị trong lòng đồng bào.
Tất cả, tất cả những hồi ức thiêng liêng ấy, kể cho ta nghe, giải thích cho ta hiểu, dẫn dắt cho ta đi,… để càng đọc ta càng tự hào về khí thế “Tuổi trẻ Sài Gòn quật khởi”, về những ký ức cao đẹp của các cô, chú, anh chị cống hiến “Tuổi xuân trong mùa Chiến dịch”, khiến ta không thể nào quên những cống hiến rất thầm lặng của chị nữ giao liên, của các cô chú, anh chị trong những ngày trong nhà tù Côn Đảo, của người tù mà ngày ấy tuổi mới 17… Và thật xúc động với hồi ức về những ngày tháng lịch sử, “Trường Đoàn Lý Tự Trọng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh”, nhớ câu chuyện sự hy sinh của người học viên Trường Đoàn dù có vẻ ngoài nhu mì như con gái nhưng đã chiến đấu dũng cảm, hy sinh tại chợ, được phong liệt sỹ và đặt tên cho cái chợ nơi anh ngã xuống – chợ Trần Văn Quang, phường 10, Quận Tân Bình.
Trang sách khép lại, là sự xúc động, là niềm tự hào trước sự quả cảm, anh dũng, mưu trí, kiên cường của những người anh, người chị cán bộ Thành Đoàn, những thanh niên, học sinh, sinh viên ngày ấy trên chính thành phố thân yêu của chúng ta. Để nhớ mãi những gởi gắm của chú Năm Bằng “Vì nặng lòng với Trường Đoàn Lý Tự Trọng, với vùng căn cứ Thành Đoàn một thời, cũng ý thức được rằng nếu những hình ảnh xưa không ráng lưu giữ lại lúc này chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, trong nhịp sống bộn bề của thời kỳ kinh tế thị trường, bao hình ảnh cũ một thời ở vùng căn cứ đầy ắp nghĩa tình, một thời trường lớp nơi bưng biến, rừng suối sẽ bị xóa nhòa đi vĩnh viễn”…
Giữ chặt bàn tay trên trang sách vừa khép, còn lắng đọng trong ta bài học sâu sắc về vai trò quần chúng, nhất là tuổi trẻ Sài Gòn trước những cột mốc lịch sử, trước các vận mệnh chung của đất nước, của dân tộc để hiểu sâu sắc hơn trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay trên chặng đường mới.
Nguyễn Hồng Nhung
Khoa Công tác Đội trường Đoàn Lý Tự Trọng