Yes Center đồng hành người lao động trẻ về nghề nghiệp, việc làm và hội nhập
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03/02/1930 là sự kiện lịch sử có ý nghĩa trọng đại, là bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam, là sự kiện đánh dấu một mốc son chói lọi trên đường phát triển của dân tộc Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và việc Đảng chủ trương coi cách mạng Việt Nam là một bộ phận của phong trào cách mạng thế giới đã tranh thủ được sự ủng hộ to lớn của cách mạng thế giới, đã kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại và đã làm nên những thắng lợi vẻ vang. Đồng thời cách mạng Việt Nam cũng góp phần tích cực vào sự nghiệp đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.
Tự hào truyền thống vẻ vang về thành phố anh hùng, thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu, toàn thể đảng viên, cán bộ công chức, viên chức Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên hôm nay không ngừng ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng Thành phố, xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cùng chính quyền và các tổ chức đoàn thể góp phần tích cực xây dựng thành phố Văn minh, thành phố nghĩa tình.
Như chúng ta đã biết, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đã được thành phố xác định là chương trình hàng đầu trong 07 chương trình đột phá của thành phố Hồ Chí Minh trong nhiệm kỳ 2015 – 2020. Với nhiều giải pháp được triển khai, chương trình đã mang lại những tín hiệu tích cực, đã tạo động lực các ngành phát triển nhằm đưa thành phố phát triển nhanh và bền vững, mở ra nhiều cơ hội việc làm và nhiều ngành mới phát triển. Trong bối cảnh dịch chuyển lao động trong khối Cộng đồng kinh tế ASEAN và áp dụng những cam kết thương mại mới như Hiệp định thương mại với Liên minh châu Âu, Hiệp định toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang đặt ra những thách thức đòi hỏi thành phố phải chuẩn bị lực lượng lao động để có thể đáp ứng và hưởng lợi từ các cam kết này. Mặt khác, diễn biến nhanh chóng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đã đặt Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng trước nhiều cơ hội và thách thức mới.
Giai đoạn 2018 – 2020, tổng nhu cầu nhân lực của nền kinh tế thành phố tăng trung bình 2,1% một năm từ mức 4.346 nghìn người năm 2018 lên khoảng 4.611 nghìn người vào năm 2020. Giai đoạn 2021 – 2025, tổng nhu cầu nhân lực tăng trung bình 3% một năm, lên khoảng 5.345 nghìn người vào năm 2025. Theo định hướng đến năm 2025, thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ của khu vực Đông Nam Á. Cơ cấu kinh tế thay đổi theo hướng giảm dần tỷ trọng khu vực nông nghiệp và tăng dần tỷ trọng khu vực dịch vụ, nhu cầu nhân lực giữa các khu vực cũng có sự dịch chuyển. Đến năm 2018, 2020 và 2025, cơ cấu kinh tế thành phố Hồ Chí Minh lần lượt là: Dịch vụ (65,19% – 65,68% – 67,84%), công nghiệp, xây dựng (32,70% – 32,40% – 30,73%) và nông nghiệp (2,11% – 1,92% – 1,43%). Trong tổng nhu cầu nhân lực, 04 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu chiếm tỷ trọng 19%, 09 nhóm ngành kinh tế dịch vụ chiếm tỷ trọng 45%, các ngành nghề khác chiếm tỷ trọng 36%. Trong tổng nhu cầu nhân lực qua đào tạo, nhóm ngành nghề Kỹ thuật công nghệ chiếm tỷ trọng 35%, nhóm ngành Kinh tế – Tài chính – Ngân hàng – Pháp luật – Hành chính chiếm tỷ trọng 33%, nhóm ngành khoa học tự nhiên chiếm tỷ trọng 7%, các nhóm ngành khác chiếm tỷ trọng 3 – 5%. Trong giai đoạn 2018 – 2020 đến năm 2025, nhu cầu nhân lực tại thành phố Hồ Chí Minh dự báo bình quân mỗi năm có khoảng 300.000 chỗ làm việc (150.000 chỗ làm việc mới). Trong đó nhu cầu nhân lực qua đào tạo bình quân chiếm 85%, nhu cầu nhân lực bình quân có trình độ trung cấp chiếm tỉ lệ cao nhất 33%, sơ cấp nghề và công nhân kỹ thuật chiếm 18%, trình độ cao đẳng chiếm 16%, trình độ đại học chiếm 17%, trên đại học chiếm 2%. (Nguồn: Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh)
Chất lượng nguồn nhân lực được hiểu là khả năng con người thực hiện, hoàn thành công việc đạt được mục đích lao động. Công tác quản lý nhân lực là hoạt động tổ chức, điều hành, sắp xếp, đào tạo nhân lực làm sao để phát huy tối đa khả năng lao động của con người với tiêu chí đa ngành nghề. Bên cạnh những tồn tại nêu trên thì thách thức mang tính cạnh tranh giữa chất lượng và số lượng nguồn lao động chưa đều, khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng với nhu cầu của thị trường lao động. Ý thức việc làm, khả năng di chuyển lao động giữa các nước đòi hỏi lao động phải có kỹ năng nghề, ứng dụng giữa kỹ năng và thực hành còn chậm.
Trên cơ sở những cơ hội và thách thức nêu trên, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên Thành phố với chức năng và nhiệm vụ của mình đã không ngừng nỗ lực xây dựng các giải pháp phối hợp với Hội LHTN Thành phố, cơ sở Đoàn – Hội và liên kết với các đơn vị việc làm tại các tỉnh/ thành, khu vực lân cận triển khai tổ chức các hoạt động về nghề nghiệp, việc làm cho thành niên, người lao động trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và khu vực lân cận trong thời gian tới với một số nội dung giải pháp như sau:
Thứ nhất, xây dựng phát triển các nền tảng hỗ trợ tư vấn – cung ứng lao động và giới thiệu việc làm, khảo sát thu thập dữ liệu lao động và nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp: Nâng cấp phát triển các nền tảng hỗ trợ người lao động tìm việc và đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp thông qua cổng thông tin việc làm sieuthivieclam.vn, app, chatbot, fanpage, tổng đài 1088 – nhấn 155; Xây dựng phần mềm nội bộ tại trung tâm để thống nhất quản lý, điều hành các hoạt động của trung tâm (tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề, quản lý hồ sơ của người tìm việc, hồ sơ của người đã tìm được việc làm…); Khảo sát, thu thập cơ sở dữ liệu bigdata.
Thứ hai, thực hiện các hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông; sinh viên: phối hợp với Hội LHTN Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thực hiện Chương trình Talkshow “Nghề của bạn”; các chuyến “Trải nghiệm ước mơ” cho học trung khối lớp 10, 11 hành trình với chủ đề: “Trải nghiệm thực tế – Đúc kết kinh nghiệm – Định hướng tương lai”; hành trình tác phong công nghiệp cho sinh viên đến trải nghiệm thực tế tại các doanh nghiệp; “Hành trình niềm tin” tư vấn học nghề và thông tin cung cấp việc làm cho thanh niên hoàn lương và sau cai; Phối hợp với Hội Liên hiệp thanh niên quận/ huyện tổ chức buổi tư vấn định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm cho học sinh phổ thông, thanh niên nông thôn, bộ đội chuẩn bị xuất ngũ.
Thứ ba, triển khai các chương trình hỗ trợ hỗ trợ đào tạo, huấn luyện kỹ năng và giới thiệu việc làm cho thanh niên: Các hoạt động hỗ trợ trực tiếp cho thanh niên và người lao động như: Lớp tin học, ngoại ngữ, kỹ năng bổ trợ nghề nghiệp miễn phí … giúp cho thanh niên và người lao động bổ sung kiến thức, nâng cao năng lực chuyên môn đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội. Từ đó, nâng cao vị thế và uy tín của tổ chức Đoàn – Hội trong thanh niên và cộng đồng doanh nghiệp; Tổ chức diễn đàn lao động trẻ “Kỹ năng phỏng vấn, tìm việc” tại trụ sở chính Trung tâm và các trường Cao Đẳng, Đại học với thanh niên trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh tham gia; Trung tâm phối hợp Ủy ban Hội LHTN Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh hàng năm tổ chức lớp tập huấn “Đào tạo, bồi dưỡng Báo cáo viên, tuyên truyền viên về nghề nghiệp, việc làm” cho cán bộ Đoàn – Hội chủ chốt của 24 quận huyện và 320 phường, xã thị trấn trên địa bàn Thành phố;
Thứ tư, truyền thông nâng cao nhận thức cho thanh niên về nghề nghiệp, việc làm: Đa dạng hóa và linh hoạt vận dụng, phát huy các kênh truyền thông khác nhau, kể cả truyền thống và hiện đại, tùy từng thời điểm, không gian, nội dung chương trình và đối tượng mục tiêu cần nhắm tới để có cách tiếp cận hiệu quả hơn. Các kênh truyền thông có thể sử dụng như: Cổ động trực quan bằng băng rôn, pano, poster; hệ thống tivi, màn hình led tại Trung tâm và 24 bảng tin tại các quận, huyện; thông tin đại chúng qua báo, đài; tuyên truyền trên hệ thống online như website, fanpage; thông tin tuyên truyền miệng thông qua việc phát huy mỗi cán bộ, nhân viên Trung tâm là một tuyên truyền viên.
Thứ năm, triển khai và hỗ trợ thanh niên, người lao động tìm việc thông qua các giải pháp: đẩy mạnh liên kết Chương trình “Tiếp sức với người lao động” với 30 tỉnh thành trên cả nước; phối hợp với Đài truyền hình, Đài phát thanh thành phố thực hiện các chương trình “Kết nối người và việc”, chương trình “Radio Công nhân” chuyên mục “Việc học – Việc làm” trong chương trình “Sài Gòn buổi sáng” hàng tuần nhằm giới thiệu về thông tin tuyển dụng của các đơn vị đến với thanh niên, người lao động; Thực hiện mô hình mới chương trình tư vấn giới thiệu việc làm lưu động tại những nơi công cộng có đông lực lượng quần chúng, thanh niên nhằm chủ động tiếp cận và cung cấp về việc làm trực tiếp cho lao động có nhu cầu viêc làm;Thực hiện Đề án Đoàn tham gia xây dựng nông thôn mới của Thành Đoàn tại các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ, Củ Chi tổ chức Ngày hội thanh niên nông thôn với nghề nghiệp, việc làm.
Từ thực tiễn nêu trên và yêu cầu phát triển chung của thành phố trong thời gian tới, đòi hỏi Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên Thành phố tập trung đổi mới công tác phối hợp, thực hiện nguồn dữ liệu về nguồn nhân lực của thành phố Hồ Chí Minh. Xây dựng, phân tích và quản lý nguồn dữ liệu lao động sẽ giúp Trung tâm hỗ trợ nhiều việc làm cho sinh viên mới tốt nghiệp và người lao động của thành phố. Mặt khác giúp người lao động tự đánh giá năng lực hiện có để phấn đấu đạt tiêu chí ngành nghề, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ để hội nhập nhanh, thích ứng các thị trường trong và ngoài nước.
Đ/c Nguyễn Văn Sang
Bí thư Chi bộ, Phó giám đốc Trung Tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên
Tài liệu tham khảo:
1. “Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020”, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI;
2. Tổng cục Thống kê (2018), Báo cáo Điều tra Lao động việc làm năm 2018;
3. Báo cáo Trung tâm DVVL Thanh niên 2019.