Nhận thức sâu sắc và hành động quả cảm của Lý Tự Trọng trên con đường cách mạng
Kỷ niệm 105 ngày sinh anh Lý Tự Trọng (20/10/1914 – 20/10/2019) là dịp để chúng ta cùng nhìn lại, suy ngẫm về cuộc đời và tư tưởng của anh, người Đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên với câu nói nổi tiếng: “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác.” Sau khi đọc lại những trang lịch sử về anh Lý Tự Trọng, xem lại bối cảnh đất nước thời bấy giờ, đọc lại tác phẩm “Đường Kách Mệnh” do người thầy kính yêu của anh Lý Tự Trọng viết là Lý Thuỵ (Nguyễn Ái Quốc), tôi cảm nhận sự kiện này không chỉ có ý nghĩa về mặt giáo dục truyền thống mà còn tác động rất lớn đến nhận thức của một người trẻ như tôi về “con đường cách mạng”.
- Nhận thức về anh Lý Tự Trọng
Đối với tôi, anh Lý Tự Trọng là một tấm gương đặc biệt. Đặc biệt từ việc được đào tạo trực tiếp bởi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, từ cái tên “Tự Trọng”, từ độ tuổi khi đến với cách mạng còn rất trẻ đến sự xuất sắc về nhận thức, thái độ và tinh thần quả cảm hy sinh.
Tôi nghĩ rằng, thanh thiếu niên sinh ra và lớn lên khi đất nước đang bị xâm lược, nhân dân phải chịu cảnh nô lệ thì tất yếu sẽ có nhiều người căm phẫn muốn đánh đuổi ngoại xâm. Tuy nhiên, thực tế thì không phải toàn bộ thanh niên đều ý thức được nỗi đau mất nước. Tôi không hẳn oán trách một bộ phận thanh thiếu niên thời đó sống thờ ơ lãnh đạm với thời cuộc. Bởi vì tôi hiểu, thanh niên thời nào cũng vậy, ý thức về trách nhiệm, về sứ mệnh phải là một câu chuyện của giáo dục và bồi dưỡng lâu dài. Nhưng giữa những thanh thiếu niên còn hời hợt của những năm đầu thế kỷ 20, điều gì đã khiến một cậu bé hơn 10 tuổi say mê văn thơ cách mạng, tự ý thức về trách nhiệm của mình, về thế hệ của mình để tự chuẩn bị hành trang? Lý Tự Trọng hồi đó may mắn được sinh ra trong một gia đình có tinh thần yêu nước, lại sống ở Thái Lan, không phải chịu cảnh áp bức và chính sách ngu dân của thực dân Pháp. Cậu được học, được tiếp xúc với tư tưởng cách mạng. Lý Tự Trọng cũng có tinh thần ham học hỏi và đặc biệt là trí tuệ sáng suốt và lối suy nghĩ sâu sắc. Tôi tin rằng, quyết định sang Quảng Châu (Trung Quốc) học tập không chỉ là quyết định của tổ chức hay của ba, mẹ Trọng. Đó cũng đồng thời là quyết định của Trọng. Bởi lẽ, không ai có thể ép buộc một thiếu niên 12 tuổi rời xa cha mẹ mình để dấn thân vào một con đường đầy hiểm nguy nếu như chính thiếu niên ấy không đồng ý. Lý Tự Trọng được hướng dẫn để đến với cách mạng, nhưng đối với bản thân Trọng, cách mạng cũng là một con đường mà anh thấy mình cần phải đi để sống tốt cuộc đời mình.
Trải qua một thời gian học tập tại Quảng Châu (Trung Quốc), dưới sự chỉ dạy của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí trong Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, Lý Tự Trọng được bồi dưỡng về nhận thức và thêm tin tưởng vào con đường cách mạng. Tôi không biết cái tên “Tự Trọng” là anh được đặt hay anh chọn để được đặt, nhưng tôi cảm nhận bản thân anh có khí chất của một người sống có tự trọng như chính cái tên này. Tự trọng ở chỗ bản thân ý thức phải tìm một con đường, một lý tưởng để sống cho ra sống. Tự trọng ở chỗ đã tìm đường thì phải dốc hết tâm sức học tập để hiểu về con đường mình đi, hiểu việc mình làm. Tự trọng ở chỗ thà hy sinh mạng sống của mình, chứ nhất quyết không cho phép người khác đánh giá mình là “hành động thiếu suy nghĩ”.
Ở anh Lý Tự Trọng hội tụ nhiều yếu tố để xây dựng một hình mẫu tốt đẹp cho thanh thiếu niên noi theo: Yêu nước, khát vọng, tự trọng, có tài năng và chịu khó rèn luyện tài năng, nhận thức rất sâu sắc về thời cuộc và sứ mệnh, thái độ dám dấn thân, tự tin, làm việc không những chính xác mà còn hiểu rõ ý nghĩa việc mình làm, tinh thần quả cảm dám hy sinh và kiên định với lý tưởng.
- Con đường cách mạng mà anh Lý Tự Trọng đã đi
Để hiểu về con đường cách mạng mà anh Lý Tự Trọng đã nói, tôi đã lần giở lại từng trang sách “Đường Kách mệnh” và xem lại bối cảnh lịch sử thời bấy giờ. Tôi tin anh Lý Tự Trọng là một người có nhận thức rất sâu sắc nên tôi muốn tìm hiểu những kiến thức anh được học trong thời gian tại Quảng Châu.
Những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc được tập hợp trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” hết sức ngắn gọn, rõ ràng. Tư cách của một người cách mạng, theo lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, phải bao gồm đầy đủ những việc sau: (i) tự mình phải: Cần kiệm, hoà mà không tư, cả quyết sửa lỗi mình, cẩn thận mà không nhút nhát, hay hỏi, nhẫn nại (chịu khó), hay nghiên cứu xét việc, vị công vong tư, không hiếu danh, không kiêu ngạo, nói thì phải làm, giữ chủ nghĩa cho vững, hy sinh, ít lòng tham muốn về vật chất, bí mật; (ii) đối với người phải: Với từng người thì khoan thứ, với đoàn thể thì nghiêm, có lòng bày vẽ cho người, trực mà không táo bạo, hay xem xét người; (iii) làm việc phải: Xem xét hoàn cảnh kỹ càng, quyết đoán, dũng cảm, phục tùng đoàn thể. Như vậy, những bước đầu tiên trên con đường cách mạng là bước sửa đổi chính mình, sửa đổi cách cư xử của mình với người và sửa đổi lối làm việc.
Bước tiếp theo trên “con đường cách mạng” là phải hình dung được những việc mình sắp làm. Nguyễn Ái Quốc chỉ rõ: “Sửa cái xã hội cũ đã mấy ngàn năm làm xã hội mới, ấy là rất khó. Nhưng biết cách làm, biết đồng tâm hiệp lực mà làm thì chắc làm được, thế thì không khó. Khó dễ cũng tại mình, mình quyết chí làm thì làm được”. Muốn làm Kách mệnh thì phải: Làm cho dân giác ngộ; phải giảng giải lý luận và chủ nghĩa cho dân hiểu; phải hiểu phong trào thế giới, phải bày sách lược cho dân; phải tập trung và có Đảng cách mạng.
Tìm được con đường cách mạng rồi, đi trên con đường đó mới thật sự thấy nó to lớn và gian khổ. Tôi không hình dung nổi một cậu thiếu niên 12 tuổi của bây giờ sẽ hiểu bốn nhiệm vụ quan trọng của cách mạng đó như thế nào, có dám gánh trọng trách đó trên vai không, có cảm thấy quá sức mà đâm ra hoảng loạn không? Mỗi một người chúng ta, khi phải thay đổi vai trò, đảm trách những công việc to lớn hơn mà trước đây ta chưa từng thực hiện, chắc chắn đều không tránh khỏi lo lắng. Cũng không ít người, đứng trước trọng trách to lớn, sẽ đâm ra hoảng loạn vì sợ mình không thể hoàn thành. Tôi thiết nghĩ, một cậu thiếu niên mười mấy tuổi, gánh trên mình trọng trách là “hạt giống đỏ” để chuẩn bị cho sự nghiệp cách mạng, có lẽ xen lẫn với lòng tự hào chính là cảm giác chới với vì biết mình nhỏ bé, nhưng Lý Tự Trọng vẫn quyết định tiếp tục hành trình. Động lực thôi thúc anh dấn bước trên con đường cách mạng có lẽ không chỉ là lòng yêu nước, sự tự tin mà còn là cả ý chí sắt đá và dũng khí cần có của một nhà cách mạng.
Theo những gì tôi hiểu khi đọc tác phẩm “Đường Kách mệnh”, Nguyễn Ái Quốc thực sự đã làm một cuộc cách mạng cho chính những học trò của mình. Người giảng giải về bối cảnh lịch sử, về phong trào cách mạng thế giới qua các thời kỳ. Người phân tích và bình luận về nguyên nhân thắng lợi hay thất bại của mỗi cuộc cách mạng, trình bày từng bài học cần rút ra cho cách mạng An Nam. Người điểm qua những tư tưởng cách mạng tiến bộ, chỉ rõ cách mạng dân chúng chỉ có 03 thứ là tư bản cách mạng, dân tộc cách mạng và giai cấp cách mạng. Người nêu rõ vai trò của một người cách mạng đối với thời cuộc: “Một người cách mạng có gan hơn 1000 người vô chí”. Người cũng chỉ rõ vai trò của “con đường” nếu muốn cách mạng thành công: “Ám sát và làm liều thì kết quả quá ít, vì giết thằng này còn thằng khác, giết sao cho hết? Kách mệnh thì phải đoàn kết dân chúng áp bức để đánh đổ cả giai cấp áp bức mình, chứ không phải nhờ 5, 7 người giết 2, 3 anh vua; 9, 10 anh quan mà được… tuy hy sinh nhiều, làm được nhiều sự ám sát oanh liệt nhưng vì đi sai đường cách mệnh, không có sức dân chúng làm nền cho nên bị chính phủ trị mãi đến nỗi tan”. Người giảng giải về Đệ nhất quốc tế, Đệ nhị quốc tế, Đệ tam quốc tế, Quốc tế đỏ, Quốc tế vàng, Phụ nữ quốc tế, Công nhân quốc tế và đặc biệt về Cộng sản thanh niên quốc tế. Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”, Nguyễn Ái Quốc viết về Cộng sản thanh niên quốc tế khá chi tiết với 4 mục: Cộng sản thanh niên quốc tế là gì, cách tổ chức ra sao, cách họ làm như thế nào, cộng sản thanh niên đối với đảng cộng sản như thế nào. Không chỉ dừng lại ở đó, Người bày vẽ cho Lý Tự Trọng và các bạn đồng môn của anh về “cách thức tổ chức công hội” một cách tỉ mỉ và sâu sắc. Đây chính là “kim chỉ nam” cho hành trình trên “con đường cách mạng” của những người cộng sản trẻ tuổi sau này.
Năm 1929, Lý Tự Trọng nhận nhiệm vụ về nước làm liên lạc cho xứ uỷ Nam kỳ và Trung ương Đảng, đồng thời vận động tập hợp thanh niên trong nhà máy, trường học để thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản trong nước. Trọng trách như vậy đối với một thanh niên 14 tuổi có thể nói là rất to lớn. Nhưng Lý Tự Trọng không nhận nhiệm vụ một cách liều lĩnh, cũng không phải là anh không lường trước được những khó khăn sắp trải qua. Anh hiểu việc mình làm. Anh đã được đào tạo bài bản về cách làm. Lý Tự Trọng thể hiện bản lĩnh của một người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên: Được đào tạo kiến thức thức và phương pháp hoạt động cách mạng, dám nghĩ, biết làm. Câu nói của anh: “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác” không chỉ là tuyên ngôn của một thế hệ thanh niên đã giác ngộ lý tưởng cách mạng mà còn hun đúc thêm tinh thần yêu nước, tác động to lớn đến ý thức trách nhiệm của mỗi người Việt Nam thời bấy giờ đối với vận mệnh đất nước.
Lý Tự Trọng đã đi trên con đường cách mạng đúng với khát vọng sống của anh và đúng với định hướng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Con đường cách mạng của thời điểm đó là con đường giúp giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp và giải phóng giai cấp cần lao. Lý Tự Trọng sâu sắc ở chỗ anh không đơn thuần vận động thanh niên cứu nước hay giải phóng giai cấp – những việc làm cấp bách thời bấy giờ. Anh nhắn nhủ thanh niên phải đi trên con đường cách mạng. Đó là một con đường rất dài, phải nối tiếp qua nhiều thế hệ để thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau. Nhưng tựu chung lại chỉ có một mục đích duy nhất: Cách mạng.
- Nghĩ tiếp về con đường cách mạng trong giai đoạn hiện nay
Hiện nay, đất nước đã độc lập, Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nhà nước của dân, do dân, vì dân. Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, nông dân và dân tộc Việt Nam đã trở thành Đảng cầm quyền. Người dân Việt Nam không phân biệt giai cấp đã có quyền bầu cử và tham gia luận bàn các vấn đề quan trọng của đất nước. Sinh mệnh chính trị của giai cấp cần lao đã được giải phóng. Cho dù, trên bước đường xây dựng xã hội chủ nghĩa, xây dựng một đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức nhất định, thì chúng ta vẫn có quyền tự hào về thành quả đã và đang đạt được, tiếp thêm động lực để dấn bước. Và con đường cách mạng vẫn là con đường mà thanh niên nhất định phải đi.
Hai chữ “cách mạng” được hiểu là “phá cái xấu cũ đổi ra cái tốt mới”. Nhưng “phá” không có nghĩa là phủ nhận hay đạp đổ. Trong khoa học xã hội nói chung, cái mới phải được kế thừa trên nền cái cũ. Dù vậy, nhận định đâu là “cái mới”, đâu là “cái cũ” cũng không phải là một việc đơn giản. Đây là một phạm trù triết học. Đó là chưa nói đến “cái tốt” và “cái xấu” cũng không phải là có thể nhận biết ngay lập tức và dễ dàng. Tuy vậy, cách mạng vẫn là công việc nhất định phải làm. Để cho những bước đi đầu tiên trên con đường cách mạng được “đúng hướng”, hãy học tập tác phẩm “Đường Kách mệnh” của Bác để tự sửa đổi chính mình sao cho phù hợp với tư cách của một người cách mạng:
– Tự mình phải: Cần kiệm, hoà mà không tư, cả quyết sửa lỗi mình, cẩn thận mà không nhút nhát, hay hỏi, nhẫn nại (chịu khó), hay nghiên cứu xét việc, vị công vong tư, không hiếu danh, không kiêu ngạo, nói thì phải làm, giữ chủ nghĩa cho vững, hy sinh, ít lòng tham muốn về vật chất, bí mật;
– Đối với người phải: Với từng người thì khoan thứ, với đoàn thể thì nghiêm, có lòng bày vẽ cho người, trực mà không táo bạo, hay xem xét người;
– Làm việc phải: Xem xét hoàn cảnh kỹ càng, quyết đoán, dũng cảm, phục tùng đoàn thể.
Tôi nghĩ rằng, đã làm cách mạng thì phải có tư cách của một người cách mạng. Danh có chính thì ngôn mới thuận. Thanh niên có khát vọng cách mạng là rất tốt, nhưng trước khi cùng nhau đi làm cách mạng thì phải nhận thức cho rõ mình là ai, mình đang đứng ở đâu trong xã hội này, mình có sở trường sở đoản gì, mình có thể làm được cho cách mạng những gì, mục đích của mình khi dấn thân vào con đường cách mạng là gì? Sau khi nhận thức đã thông suốt thì phải quả cảm hành động. Hành động trước tiên là sửa đổi chính mình.
Con đường cách mạng là hành trình trước hết của bản thân mỗi người để đi tới lý tưởng sống, khát vọng sống của chính mình. Trên con đường ấy, mỗi người phải tự định hướng cho mình để không bị lạc lối. Mỗi một bước chân trên con đường cách mạng ấy, mỗi người phải ý thức tự sửa mình. Đi qua một đoạn đường thì càng đến gần hơn với tư cách cách mạng, càng xứng đáng hơn với lý tưởng và càng có thêm khả năng để phụng sự cho cách mạng. Con đường cách mạng của thanh niên là hành trình đi cùng nhau của rất nhiều người trẻ, nhiều thế hệ người trẻ có chung một lý tưởng, khát vọng sống. Phải đi cùng nhau thì mới thành đường. Trong lúc đi cùng nhau như vậy, nhất định phải có người đi trước, người đi sau. Người đi trước cần ý thức được vai trò trách nhiệm của mình là “kẻ dẫn đường” nên ngoài việc phải chuyên chú trong hành trình thì phải thật sáng suốt và nhanh nhạy để định hướng cho đúng đắn. Người đi sau ngoài việc giữ gìn kỷ luật còn cần phải tự trau đồi bản thân để có thể gánh vác trách nhiệm của người đi trước để lại.
Hiện nay, thế giới đang đứng trước cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Dự báo sau cuộc cách mạng này, nhiều ngành nghề mới sẽ ra đời nhưng đồng thời nhiều ngành nghề, nhiều loại công việc sẽ biến mất mãi mãi. Robot sẽ thay thế lao động phổ thông trong nhiều công đoạn sản xuất. Những công việc mang tính lặp đi lặp lại như thống kê, vận chuyển, lưu trữ,… cũng sẽ bị thay thế. Một số ngành thiên về tư duy hệ thống cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng như luật, tài chính ngân hàng,… Những nghề đòi hỏi sự khéo tay (đan lát, thêu,…) cũng sẽ bị thay thế bởi máy móc, chỉ còn giữ lại những người có tay nghề tinh xảo tạo ra những tác phẩm đặc biệt có dấu ấn riêng gọi là nghệ nhân. Thế giới sau cuộc cách mạng công nghệ 4.0 sẽ phát triển hơn, đem lại cho con người nhiều tiện ích mới mẻ. Đồng thời cũng đòi hỏi mỗi người phải thay đổi nhiều hơn, phù hợp với xu hướng hơn. Như vậy, cách mạng không chỉ là khát vọng, là lý tưởng mà chính là xu thế tất yếu của thời đại. Con đường cách mạng của thanh niên chính là hành trình của sự chủ động dấn thân và quyết liệt thay đổi để đem lại nhiều giá trị tích cực cho cuộc sống và cho chính bản thân mình.
“Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác” là một tư tưởng có giá trị. Tư tưởng đó nhắc nhở thanh niên phải khát vọng, phải hành động, phải dấn thân để sống một cách xứng đáng nhất!
ThS. Phạm Thị Hạnh
Phòng Hành chính Tổ chức
Trường Đoàn Lý Tự Trọng