Đoàn cần tham gia mạnh mẽ hơn trong việc giám sát, phản biện xã hội
Sáng ngày 9/6, tại Thành Đoàn Hà Nội, Trung ương Đoàn tổ chức Tọa đàm đánh giá kết quả 10 năm Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thực hiện Nghị quyết số 25-NQ-TW ngày 25/7/2008 của BCH Trung ương Đảng khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn đã chủ trì hội nghị.
Cùng dự có đồng chí Nguyễn Văn Hùng – Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Vũ Quốc Hùng – nguyên ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực UBKT Trung ương, nguyên Bí thư Trung ương Đoàn; Trần Văn Tuấn, nguyên ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên Bí thư Thành đoàn Hà Nội; TS Đỗ Ngọc Hà – Viện trưởng Viện nghiên cứu Thanh niên; Doãn Đức Hảo – Phó vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên, Bộ Nội vụ; cùng đại diện các Ban Trung ương Đoàn; Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội, lãnh đạo một số huyện của Thành phố; đại diện Thường trực các tỉnh, thành Đoàn: Hà Nội, Yên Bái, Lào Cai, Thanh Hóa, Hòa Bình, Bắc Kạn, Hà Nam, …
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã có những trao đổi làm rõ những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; kiến nghị và đề xuất những chủ trương, giải pháp thực hiện Nghị quyết số 25-NQ-TW.
Tâm huyết những ý kiến với Đoàn
Mở đầu cho các ý kiến của buổi tọa đàm, đồng chí Vũ Quốc Hùng – nguyên Bí thư Trung ương Đoàn cho biết, dự thảo báo cáo cần đánh giá được tình hình thanh niên trong thời gian qua và hiện nay; đồng thời chỉ ra nguyên nhân đã đạt được, cũng như thực trạng về thanh niên và công tác thanh niên trong giai đoạn hiện nay.
Theo đồng chí Vũ Quốc Hùng, nơi nào có Đảng quan tâm thì ở đó tổ chức Đoàn sẽ mạnh, đội ngũ cán bộ Đoàn sẽ tâm huyết nhiệt tình với phong trào. Do đó, mỗi cán bộ Đoàn trong giai đoạn hiện nay luôn là những người có sức khỏe, có kiến thức nhất là trong thời Cách mạng công nghiệp 4.0 thì việc gì cán bộ Đoàn cũng có thể làm được.
Đặt câu hỏi cho các cấp bộ Đoàn, đồng chí Vũ Quốc Hùng nêu, liệu Đoàn thanh niên có thể đảm nhận công trình thanh niên cộng sản lớn hay không trong điều kiện 4.0. “Nếu các bạn đảm nhận, tôi tin sẽ có nhiều nhà khoa học trẻ tham gia ủng hộ và nếu các bạn làm được điều đó, tôi tin cả xã hội sẽ rung động bởi việc làm của thanh niên dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng”, đồng chí Vũ Quốc Hùng nói.
Với nhiều năm gắn bó với công tác Đoàn Thủ đô, tại buổi tọa đàm, Nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn khẳng định, dự thảo Báo cáo Nghị quyết 25-NQ/TW đã được chuẩn bị công phu, nêu bật được nhiều kết quả tốt và cơ bản đồng tình, hoan nghênh những kết quả trong 10 năm qua mà Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã đạt được trong thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW.
Đồng chí Vũ Quốc Hùng – nguyên Bí thư Trung ương Đoàn
Nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn
Tuy nhiên, đồng chí Trần Văn Tuấn bày tỏ mong muốn, báo cáo cần nêu những hạn chế, để các bộ, ngành tiếp tục dành sự quan tâm hơn nữa cho thanh niên, giúp Trung ương Đoàn chỉ đạo các phong trào ngày càng thuận lợi hơn.
“Trong thực tế những người hiểu biết về Đoàn, về công tác thanh niên sẽ đánh giá đúng phong trào của Đoàn. Vì vậy, qua buổi tọa đàm này sẽ tìm ra được những hạn chế quan trọng, những nguyên nhân của nó để các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở giành nhiều sự quan tâm, tạo điều kiện cho thanh niên”, đồng chí Trần Văn Tuấn nói.
Đồng chí Trần Văn Tuấn đề nghị, Đoàn cần chọn việc khó mà xã hội chưa làm được để huy động và phát huy tính xung kích, tình nguyện của thanh niên tham gia thực hiện đúng vai trò là lực lượng trẻ, khỏe, có trình độ, có kiến thức dám dấn thân những nơi gian khó trong xây dựng và phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc để qua đó khẳng định chính mình.
Dưới góc độ quản lý nhà nước về công tác thanh niên, góp ý vào dự thảo Báo cáo, đồng chí Phó Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên Bộ Nội vụ Đoãn Đức Hảo cho biết, bên cạnh các hoạt động của Đoàn, các bộ, ngành đã ban hành rất nhiều loại văn bản liên quan đến thanh niên và công tác thanh niên, do đó cần có sự thống kê để đưa vào trong báo cáo.
Đồng chí bày tỏ mong muốn, cần sớm ban hành được quy chế nhằm tạo điều kiện đầu ra cho cán bộ Đoàn nhất là cấp xã. Riêng ở cấp tỉnh, cấp huyện, đầu ra có nhiều thuận lợi hơn so với cán bộ Đoàn cấp xã.
Từ thực tiễn thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW
Bí thư Tỉnh Đoàn Bắc Kạn Nông Bình Cương cho biết, thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW các văn bản và chính sách về công tác thanh niên hiện nay khá đồng bộ, nhưng nội dung và phương thức chưa theo kịp, bên cạnh đó công tác tổ chức chưa được tốt vì chưa được cụ thể hóa.
Theo đồng chí Cương, có một số điểm nghẽn đã tác động đến công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi trong thời gian qua như: Tỉnh đã ban hành Chương trình phát triển thanh niên nhưng các sở, ngành mới chỉ dừng ở việc lồng ghép triển khai hoạt động, nên công tác tổ chức các ngành này cũng chưa thật tốt.
Bên cạnh đó, công tác tập hợp thanh niên ở Trung ương thì tốt nhưng điểm nghẽn ở cơ sở chính là con người chưa đạt chất lượng. Ở đây không phải cán bộ Đoàn yếu về kỹ năng nghiệp vụ, mà ở đây cấp ủy, chính quyền chưa dành nhiều sự quan tâm, nên cán bộ đoàn, đoàn viên thiếu và ít. Có chi đoàn được thành lập chỉ từ 4 đến 5 đoàn viên, nguyên nhân là do nhiều thanh niên đi làm ăn xa và tình trạng này diễn ra khá phổ biến.
Đồng chí Cương đề xuất giải pháp, nên chăng tăng cường sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt toàn Đoàn trong một xã hay thí điểm tổ chức thi Bí thư Đoàn xã đây có thể là giải pháp làm điểm nghẽn có thể được tháo gỡ.
Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Ninh Hoàng Văn Hải
Trao đổi ý kiến tại tọa đàm, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Ninh Hoàng Văn Hải cho rằng, thực tế hiện nay cán bộ Đoàn cấp xã, phường, thị trấn đang kiêm nhiệm rất nhiều vai, có nơi Bí thư Đoàn xã kiêm vị trí Chủ tịch UBND xã, Trưởng Ban Văn hóa xã, Chủ tịch MTTQ xã, hay kiêm xã đội trưởng… do đó, khó đầu ra cho cán bộ Đoàn, bên cạnh đó, chất lượng công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi sẽ không cao, tỷ lệ tập hợp thanh niên kéo theo thấp.
Theo đồng chí Hải, trong báo cáo Nghị quyết 25-NQ/TW cần đề cập công tác dự báo trong thời gian tới về công tác cán bộ các cấp để dự kiến đầu ra cho cán bộ Đoàn cơ sở.
Bí thư Tỉnh Đoàn Yên Bái Đoàn Thanh Tâm
Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Lào Cai Vũ Cao Minh
Đến từ tỉnh miền núi phía Bắc có nhiều đồng bào dân tộc, vùng cao, biên giới, trong 10 năm qua, dù phải tập trung vào nhiều lĩnh vực, song các cấp ủy Đảng, chính quyền đã dành nhiều sự quan tâm đối với công tác thanh niên nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 25-NQ/TW. Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Lào Cai Vũ Cao Minh cho biết, hiện Bí thư chi đoàn ở thôn, tổ dân phố hỗ trợ kinh phí hệ số 0,2 mức lương tối thiểu chung/người/tháng; hỗ trợ chi đoàn ở các thôn thuộc các xã đang thực hiện chương xây dựng nông thôn mới và chi đoàn ở các thôn, tổ dân phố thuộc các thị trấn 500.000 đồng/tổ chức/năm.
Đây là những cơ chế, chính sách liên quan đến cán bộ làm công tác Đoàn thanh niên và có vai trò to lớn trong việc thúc đẩy tổ chức các hoạt động Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi của tỉnh Lào Cai.
Với sự chênh lệch khá rõ về việc tổ chức hoạt động Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi giữa các vùng miền. Đồng chí Vũ Cao Minh kiến nghị, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong hoạch định cũng như thực hiện các chính sách và hoạt động của tổ chức Đoàn cần có nhiều giải pháp cụ thể, hiệu quả hơn để phong trào có tính rộng khắp và giảm bớt những khó khăn, hạn chế hiện nay trên địa bàn dân cư.
Đoàn cần tham gia mạnh mẽ hơn trong việc giám sát, phản biện xã hội
Phát biểu tại tọa đàm, Bí thư thường trực Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, qua ý kiến phát biểu của các đại biểu cho thấy có nhiều gợi mở, cơ bản các vấn đề đều được tiếp thu để tổ biên tập tiếp tục hoàn thiện báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW.
Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn nhận định, với những kết quả thành công trong quá trình thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW, cơ bản các đại biểu đã đồng tình cao với nội dung trong dự thảo và các nhóm giải pháp theo Nghị quyết 25-NQ/TW có 9 nhóm giải pháp, 5 quan điểm, 5 mục tiêu và 6 nhóm chỉ tiêu và cơ bản các ý kiến đồng tình cao.
Bí thư thường trực Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn phát biểu tại tọa đàm
Các đại biểu đã đi sâu vào phân tích những khó khăn, vướng mắc, trong đó có những hạn chế phát sinh mới trong 5 năm gần đây, nhưng cũng có những hạn chế qua sơ kết 5 năm đã chỉ ra hiện chưa khắc phục được như: liên quan tới chất lượng tổ chức Đoàn trên địa bàn dân cư với nguyên nhân chính là mô hình tổ chức của hệ thống Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chưa kịp thời đổi mới với những biến động thanh niên, thay đổi thanh niên.
Đặc biệt trong ý kiến phát biểu của các đại biểu trao đổi nhiều đến những thách thức, vấn đề mới đặt ra cho công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu niên, như: chất lượng dân số, cơ cấu dân số thanh niên, tình hình biến động thanh niên, nhất là xu hướng tiếp cận mới của thanh niên về việc học, việc làm, việc vui chơi giải trí đặt ra những thách thức rất lớn đối với tổ chức Đoàn. Hay đặt ra những vấn đề khác liên quan tới sứ mệnh, trách nhiệm của thanh niên trong công cuộc xây dựng Đảng, hệ thống chính quyền và tham gia phát triển kinh tế – xã hội. Những thách thức mới liên quan tới việc tổ chức sắp xếp lại bộ máy, tính toán phương thức hoạt động mới của Đoàn phù hợp với xu hướng mới. Về dự báo tình hình, phân tích bối cảnh thời cơ thách thức đặt ra, cần nghiên cứu thêm chỉ rõ được những vấn đề đang đặt ra trong bối cảnh hiện nay, từ đó mới có những giải pháp từ chính tổ chức Đoàn.
Trong nhiệm vụ, phương hướng và giải pháp trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh, cần cụ thể hơn, rõ ràng hơn, có căn cứ, lý lẽ và tính thuyết phục cao hơn. Đây sẽ phải là báo cáo chuyên đề sâu hơn, kỹ hơn về các nhóm giải pháp của tổ chức Đoàn có lộ trình đầy đủ hơn và có cơ quan tổ chức thực hiện giải pháp này.
Liên quan đến các đề xuất, kiến nghị với Đảng, đồng chí Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn xin nghiêm túc tiếp thu các kiến nghị, đề xuất để có các nghiên cứu căn cơ, bài bản có những con số, lý lẽ thuyết phục hơn, gọn hơn, rõ hơn và đến đúng tai người nghe, đến được đúng người có thẩm quyền để quyết định các vấn đề liên quan tới tham gia xây Đảng, đánh giá kết quả hệ thống cơ sở Đảng gắn với vai trò lãnh đạo công tác thanh niên hiện nay.
Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn mong muốn, Đoàn cần tham gia mạnh mẽ hơn trong việc giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; đồng thời có những kiến nghị cụ thể về cơ chế chính sách, đề án; có kiến nghị với MTTQ Việt Nam trong công tác phối hợp để tham mưu cho Đảng về công tác thanh niên.
Nguồn: website Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh