Những toa thuốc đọc… không ra
Quy định của Bộ Y tế về kê toa thuốc ngoại trú rất chi tiết, nhưng nhiều bác sĩ không thực hiện.
Toa thuốc ghi rất cẩu thả tại phòng mạch BS H.V.M ở Q.5
Theo đánh giá của Bộ Y tế, hiện nay, hầu hết các BV đã áp dụng, triển khai việc thực hiện kê toa điện tử, giúp giảm được nhiều sai sót trong việc kê toa thuốc cho bệnh nhân ngoại trú. Tuy nhiên, việc thực hiện quy chế kê toa thuốc trong điều trị ngoại trú vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, vẫn còn tình trạng kê toa theo tên thương mại đối với trường hợp thuốc không có nhiều hoạt chất. Nội dung ghi hướng dẫn sử dụng thuốc cho bệnh nhân cũng còn sai sót và chưa đầy đủ về hàm lượng, liều dùng, đường dùng, thời điểm dùng; thông tin bệnh nhân chưa đầy đủ.
Đặc biệt đáng quan tâm là tình trạng viết đơn thuốc quá khó đọc vẫn còn tồn tại. Tệ hơn nữa là có nhiều bác sĩ (BS) khám, bán thuốc tại phòng mạch nhưng không kê và đưa toa cho bệnh nhân.
Toa thuốc nơi khác đọc không được
Chị Lan (ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) thường đưa con đến phòng mạch tư của BS P.N.T trên đường Lê Văn Sỹ để khám tai mũi họng. Theo lời chị Lan, toa thuốc được BS viết tay, đáng nói là chữ… rất tệ. Chữ viết thì chị “chịu thua”, không thể đọc dù nhân viên ở nhà thuốc ngay cạnh phòng mạch BS T. “nhìn vào hiểu ngay” rồi lấy thuốc nhuần nhuyễn, sau đó cắt, bẻ thuốc ra nên chị cũng không biết đó là thuốc gì.
Có lần, con chị Lan sau uống thuốc đã nôn ói hết nên chị mang toa ra nhà thuốc gần nhà mua, nhân viên bán thuốc nhìn toa thuốc hồi lâu rồi lắc đầu vì không đọc ra tên thuốc BS T. kê. Sau một hồi “thử sức” cùng vài nhà thuốc khác đều “chịu thua”, chị đành mang toa thuốc đến tận nhà thuốc ở phòng mạch bác sĩ T. thì nơi này đọc ra và bán thuốc. Cũng chính vì thế mà có lần đưa con vào bệnh viện (BV) sau khi đã uống kháng sinh của BS T. kê trong 7 ngày mà không khỏi, chị cũng chẳng biết con mình uống thuốc gì để thông tin cho vị BS trong BV. BS này sau đó cũng bảo “không đọc ra” khi nhìn toa của BS T.
Trường hợp khác là một phụ huynh (ngụ Q.3, TP.HCM) cho biết hay đưa con đi khám bệnh đường tiêu hóa tại phòng mạch BS H.L.P trên đường Nguyễn Tiểu La, Q.10. Tương tự, BS P. ghi toa thì chỉ cửa hàng thuốc cạnh phòng khám đọc được. Không những vậy, nếu không có toa thuốc cũ thì BS P. không khám vì “đâu biết cho thuốc gì mà bây giờ khám kê toa tiếp (!?)”. “BS khám bệnh kê toa mà không có lưu toa thuốc của bệnh nhân, chẳng hiểu nổi. Nếu không có ai ở nhà thì tôi phải quay về, mà nhà thì cách phòng mạch 5 – 6 km, giờ cao điểm kẹt xe kinh khủng”, chị này bức xúc.
Khám, bán thuốc không đưa toa cho người bệnh
PV Thanh Niên đến các phòng mạch tư mà người bệnh phản ánh liên quan đến kê toa. Tại phòng mạch BS L.V.X, chúng tôi ghi nhận BS X. khi khám bệnh xong thì lấy thuốc (bán cho người bệnh) chia ra thành từng ngày uống. Điều đáng nói, ông X. từng công tác ở một trường đại học y khoa, đáng ra phải nắm rất rõ về quy định kê toa, bán thuốc cho người bệnh, và phải gương mẫu nhưng vẫn cắt lẻ thuốc ra từng viên, khiến người bệnh chẳng biết mình uống thuốc gì.
Tại phòng mạch của BS X. có một người nữ ngồi cạnh ông, cho thuốc vào bọc và ghi cách dùng, liều uống. PV Thanh Niên là một trong những bệnh nhân được BS X. khám bệnh và cho thuốc như vậy. Chúng tôi xin BS X. toa thuốc thì ông bảo không cần toa, cứ về uống, 2 ngày sau quay lại. Chúng tôi nói cuối tuần có việc về quê nên cần toa để mua thuốc vì không tái khám được. Bác sĩ X. cùng người phụ nữ khuyên nên quay lại, và không đưa toa!
PV Thanh Niên cũng đi thực tế tại phòng mạch tư của BS M. chuyên khoa da liễu trên đường Hồng Bàng (Q.5, TP.HCM). Trong vai bệnh nhân tới khám bệnh tại phòng mạch BS này, PV được chứng kiến cảnh khám bệnh rất nhanh (2 – 3 phút/bệnh nhân với giá thu 200.000 đồng/lần). Khi PV trình bày bị nổi mụn, mẩn ngứa và mề đay khắp lưng, BS M. liếc nhìn qua, rồi nói: “Chỉ bị nổi mụn trứng cá. Cái này chữa tới 6 tháng” và căn dặn không ăn ngọt, không uống sữa, một tuần sau quay lại. Rồi BS M. lấy tờ giấy ghi đơn thuốc và bảo “Cứ dùng thuốc này đi, tuần sau quay lại khám. Thuốc này ra ngoài mua. Của con hết 200.000 tiền khám”.
BS L.V.X đang khám bệnh, chia thuốc cho bệnh nhân
Những người được BS M. kê đơn thì đều được hướng dẫn ra ngoài mua thuốc. Còn những người được bán thuốc thì không hề có đơn thuốc. “Không có đơn thuốc đâu. Vô BS tự cho thuốc. Uống thuốc cũ chừa lại một phần mang vô BS cho tiếp, BS nói vậy. Chỉ có thuốc bôi là mình ra ngoài mua”, một bệnh nhân nói với PV. Tương tự, chị H. dẫn con tới khám ở đây cho hay: “Cho thuốc không chứ không có đơn. Ổng (BS M. – PV) đưa thuốc cho mình uống rồi về, sau tái khám nữa thôi. Giá bình thường ngày 100 (100.000 đồng – PV), tiền khám cộng luôn 10 ngày thuốc là 1 triệu. Còn nếu mắc hơn là triệu rưỡi. Không có cho đơn, mua đây ông bán thuốc luôn”.
Chúng tôi cầm toa thuốc với chữ viết nguệch ngoạc của BS M. tới một tiệm thuốc, nhân viên nhà thuốc ở đây phải mất một lúc mới đọc được tên thuốc. “Đơn này cũng còn tạm đọc được. Bán thuốc, tôi gặp nhiều trường hợp BS kê đơn đọc không ra luôn! Với những đơn đó chỉ có thể tới tiệm của BS kê đơn để mua thôi”, nhân viên này nói. Một số bệnh nhân khác khi được PV hỏi cho biết khi đến khám BS M. thì chẳng có toa thuốc, cứ mỗi ngày 100.000 đồng, uống bao nhiêu ngày thì nhân lên mà tính ra tiền (?).
Điều 6 Thông tư 57/2017 của Bộ Y tế quy định về kê toa thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú rất chi tiết. Theo đó, toa thuốc phải ghi đủ, rõ ràng và chính xác các mục in trong toa thuốc hoặc trong sổ khám bệnh của người bệnh; ghi địa chỉ nơi người bệnh thường trú hoặc tạm trú (số nhà, đường phố, tổ dân phố hoặc thôn, ấp, bản, xã phường, thị trấn, quận huyện, thị xã, tỉnh, thành phố). Ghi tên thuốc, hoạt chất, hàm lượng, số lượng/thể tích, liều dùng, đường dùng, thời điểm dùng của mỗi loại thuốc. Nếu toa thuốc có thuốc có độc tính phải ghi thuốc độc trước khi ghi các thuốc khác…
Nguồn: Báo Thanh niên online