Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc
Ngày 3-6, tại Hà Nội, đã diễn ra lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11-6-1948 – 11-6-2018).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng cờ thi đua của Chính phủ cho tỉnh Gia Lai đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước năm 2017
Dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư: Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn. Buổi lễ còn có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước… và 700 đại biểu là các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, Chiến sĩ thi đua toàn quốc, các đại biểu điển hình tiên tiến qua các thời kỳ.
Trong diễn văn kỷ niệm, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định 70 năm qua, Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành lời hiệu triệu mở đầu cho phong trào thi đua yêu nước của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Lời kêu gọi được truyền đi như một lời hịch, thúc giục người dân phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, thi đua, vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như xây dựng và phát triển đất nước. Từ năm 1986, thực hiện đường lối đổi mới theo Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng, dựa trên quan điểm lấy dân làm gốc, đổi mới kinh tế làm trọng tâm, đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, xóa bỏ tập trung quan liêu bao cấp, các phong trào thi đua nở rộ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Từ năm 2010, Việt Nam chính thức vượt qua đói nghèo, vươn lên là nước có thu nhập trung bình và trở thành nước đang phát triển. Việt Nam đã, đang và sẽ là điểm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều điển hình tập thể, cá nhân, tổ chức xuất hiện và ngày càng được nhân rộng, lan tỏa trong các phong trào thi đua yêu nước.
Trong 70 năm qua, Đảng, Nhà nước đã truy tặng, phong tặng 7.814 tập thể và trên 9.300 cá nhân nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, 1.332 tập thể và cá nhân Anh hùng Lao động, vinh danh gần 140.000 Mẹ Việt Nam anh hùng, tặng thưởng hàng trăm ngàn huân chương, huy chương, chiến sĩ thi đua toàn quốc và tuyên dương, biểu dương hàng triệu điển hình tiên tiến tiêu biểu trong cả nước. Ngày 4-3-2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về việc lấy ngày 11-6 hàng năm là Ngày thi đua yêu nước. Đây là dịp để đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước gắn với việc triển khai sâu rộng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay.
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt chúc mừng, trân trọng, biểu dương các anh hùng, chiến sĩ thi đua, các điển hình tiên tiến trong toàn quốc. Tổng Bí thư nhấn mạnh kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc là dịp bày tỏ lòng thành kính và biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người khởi xướng, phát động các phong trào thi đua yêu nước mà chính Người là tấm gương mẫu mực, là nguồn cổ vũ lớn lao cho các phong trào thi đua yêu nước. Lời kêu gọi Thi đua ái quốc nói riêng và tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước nói chung đến nay vẫn còn nguyên ý nghĩa lịch sử, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, có sức sống mạnh mẽ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cũng tại lễ kỷ niệm, 70 tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu trong nghiên cứu, công tác, học tập, lao động, sản xuất đã được biểu dương, tôn vinh.
Nguồn: Báo Sài Gòn giải phóng online