1,8 triệu người dân tộc thiểu số ở Việt Nam thoát nghèo
Theo báo cáo mới công bố của của Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ trong 6 năm, đã có 1,8 triệu người dân tộc thiểu số ở Việt Nam thoát nghèo, giảm từ 8,4 triệu năm 2010 xuống còn 6,6 triệu người trong năm 2016.
Người dân tộc thiểu số ở Việt Nam chiếm tỉ lệ nghèo cao nhất nước
Được công bố chiều ngày 5-4, báo cáo “Bước tiến mới: Giảm nghèo và thịnh vượng chung tại Việt Nam” của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết trong số 9,1 triệu người nghèo ở Việt Nam năm 2016, nhóm dân tộc thiểu số chiếm 72%, tương đương với 6,6 triệu người.
Vùng núi phía Bắc và Tây Nguyên là nơi tập trung 56% người nghèo cả nước.
Báo cáo của WB cũng cho biết tỉ lệ người nghèo đang giảm ở mọi vùng, cả thành thị và nông thôn đều có sự giảm đi bền vững. Mức giảm nghèo hàng năm trong giai đoạn 2014-2016 là 1,85%, cao hơn mức giảm mục tiêu trong các Chương trình Mục tiêu Quốc gia.
Trong khi đó, tỉ lệ nghèo nói chung ở Việt Nam giảm hơn 3,5% xuống còn gần 10%. Ngoài ra, tỉ lệ nghèo ở nông thôn trong giai đoạn 2014-2016 cũng giảm 5%, còn tại khu vực thành thị là 2,2%.
Dù các dân tộc thiểu số giảm nghèo mạnh nhưng họ vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức. Theo báo cáo, chưa đầy 32% người dân tộc thiểu số trong độ tuổi 20-24 có trình độ giáo dục sau phổ thông; chỉ 45% tỉ lệ người dân tộc thiểu số được tiếp cận với nhà vệ sinh hợp vệ sinh, trong khi con số này ở nhóm người Kinh và người Hoa là 89%.
Tiến sĩ Obert Pimhidzai (ngoài cùng bên trái) phát biểu trong buổi công bố báo cáo
Theo WB, chính sách khuyến khích trồng cây công nghiệp có giá trị cao có thể nâng cao thu nhập cho các dân tộc thiểu số này.
Theo Tiến sĩ Obert Pimhidzai, chuyên gia Kinh tế Cao cấp của Ngân hàng Thế giới, thành quả giảm nghèo của Việt Nam có tính bền vững, 98% những người trên chuẩn nghèo năm 2014 không tái nghèo trong năm 2016 và chỉ ra vấn đề ở đây không đơn giản chỉ là thoát nghèo, mà là tiếp tục phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ