Nhóm bạn trẻ lập thư viện miễn phí
Chia sẻ những quyển sách hay, tạo văn hóa đọc cho thiếu nhi và người trẻ…, đó là những tâm huyết của nhóm bạn trẻ mở thư viện Đủng Đỉnh Đọc miễn phí.
5 bạn trẻ Lê Kim An Nhiên, Lê Thu Phương Quỳnh, Tô Vân Anh, Đàm Ngọc Thy và Lê Thị Thùy Trâm, mỗi người làm một công việc khác nhau, nhưng cùng ước mơ mở một không gian với nhiều thể loại sách cho mọi người đến đọc. Đặc biệt, đó là dòng sách tranh (picture book) – nơi giúp nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ bằng những câu chuyện hình ảnh thú vị và tạo nên thói quen đọc sách cho trẻ em, người lớn, tùy theo trình độ đọc và sở thích.
Thư viện Đủng Đỉnh Đọc (ở 57/21 Trần Nhân Tôn, Q.5, TP.HCM), cái tên được cả nhóm nhất trí chọn vì thể hiện được tinh thần nhẩn nha, nhẹ nhàng của những người yêu sách. Thông qua cái tên, nhóm cũng gửi gắm một ý niệm về chuyện đọc sách.
“Đọc sách không khó. Đọc sách rất thú vị. Mời bạn đến “nhà” của chúng tôi ngồi đủng đỉnh để đọc quyển sách, hoặc uống trà với người “thủ thư”, hoặc đơn giản đến để có thể gặp gỡ bạn bè, nói chuyện”, An Nhiên, đồng sáng lập thư viện, chia sẻ.
Thư viện có khoảng 800 đầu sách, là những cuốn được Phương Quỳnh, An Nhiên sưu tầm qua nhiều năm. Có nhiều cuốn được “xin” từ Mỹ (vì thích ý tưởng cũng như muốn hỗ trợ cộng đồng mê đọc, bạn của Phương Quỳnh đã gửi sách về).
Không giống các thư viện truyền thống với những kệ sách ngồn ngộn, Đủng Đỉnh Đọc được bố trí theo không gian mở. Là một trong 5 người sáng lập cũng như gây quỹ để duy trì thư viện, Tô Vân Anh chia sẻ: “Ban đầu, tụi mình tính đi mua chục cái kệ về để sắp sách lên thôi, nhưng sau đó suy nghĩ, làm sao để thư viện thu hút được người đọc. Thế là tụi mình bố trí không gian mở, để ngoài đọc sách có thể tổ chức các sự kiện, hoạt động để giữ mọi người ở thư viện lâu hơn. Tụi mình tốn thêm khoản tiền để thuê kiến trúc sư thiết kế, sơn lại màu tường, đóng kệ, để các hộp gỗ di động, khi cần có thể biến thành sân khấu, hay phân chia thành nhiều khu vực cho các nhóm khác nhau có không gian thi thố”.
Phương Quỳnh nói thêm về nguyên tắc phân loại sách theo trình độ đọc: “Nhờ nhiều năm đi bố trí thư viện cho các trường học, tụi mình phân loại sách theo trình độ đọc của các em thiếu nhi. Mỗi em có trình độ đọc khác nhau chứ không phân theo lứa tuổi. Mình áp dụng quy tắc 5 ngón tay để thử trình độ của các bé. Khi giở một trang bất kỳ của quyển sách, đưa cho bé đọc, sau 5 lần đọc sai, đọc vấp tương đương với 5 ngón tay thì hiểu được quyển sách đó quá khó so với trình độ đọc của bé và gợi ý tìm quyển khác. Vì là sách tranh, đôi khi chữ rất ít, hình minh họa nhiều, các em xem say mê”.
Thư viện vừa tái mở được 3 tháng tại địa chỉ Trần Nhân Tôn, nhưng trước đó gần 8 tháng, thư viện Đủng Đỉnh Đọc đầu tiên đã mở ở đường Trần Hưng Đạo, trong một căn nhà ống nhỏ. “Lúc mới mở, thư viện không có nhiều khách. Một số người đến còn ngạc nhiên sao thư viện ở nơi nhỏ thế này mà nhiều sách hay thế. Sau này vì phải trả mặt bằng, các bạn tìm địa điểm mới, lại bố trí không gian mới. Toàn bộ kinh phí được đóng góp tự nguyện từ 5 người sáng lập”, An Nhiên cho biết. Cô cũng chia sẻ thêm: “Xác định mở thư viện là thú vui, muốn có không gian chia sẻ niềm vui đọc sách với mọi người nên từng thành viên trong nhóm tự nguyện trích tiền lương để duy trì hoạt động của nơi này. Không những thế, người góp tiền, có người dành nhiều thời gian để tạo cộng đồng trên mạng xã hội, rồi tạo các sự kiện, các buổi dạy đàn, viết chữ đẹp, kể chuyện lồng thêm các trò chơi vận động cho trẻ em…”.
Thư viện mở cửa từ 1 giờ 30 – 6 giờ 30 các chiều từ thứ ba đến chủ nhật, nghỉ ngày thứ hai. Mỗi tháng thư viện có 1 – 2 sự kiện đọc sách cho thiếu nhi.
Xác định mở thư viện là thú vui, muốn có không gian chia sẻ niềm vui đọc sách với mọi người nên từng thành viên trong nhóm tự nguyện trích tiền lương để duy trì hoạt động của nơi này. LÊ KIM AN NHIÊN, đồng sáng lập thư viện
Nguồn: Báo Thanh niên online