Mỗi cán bộ phải đặt mình vào vị trí ‘công bộc’, ‘đầy tớ’ của nhân dân
Theo ông Trần Quốc Vương, Thường trực Ban Bí thư, để học tập và làm theo Bác trở thành ý thức tự giác, thói quen, đòi hỏi mỗi cán bộ Đảng viên trong từng suy nghĩ, hành động đều phải đặt mình vào vị trí là “công bộc”, là “đầy tớ” của nhân dân như Bác Hồ đã dạy.
Ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư phát biểu tại hội nghị
Đấu tranh với những quan điểm sai trái
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh sáng 16/5, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cho hay, các ngành, địa phương trên cả nước đã có nhiều cố gắng, sáng tạo, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác.
Tuy nhiên, ông cũng nêu ra một số hạn chế, như ở không ít cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn còn tình trạng lúng túng trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chỉ thị 05. Ở một số nơi tinh thần phê bình và tự phê bình còn yếu, chưa chủ động phát hiện, đấu tranh với những biểu hiện, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chưa chủ động đấu tranh có hiệu quả với các biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ.
Để khắc phục những hạn chế trên, ông Trần Quốc Vượng yêu cầu, các cơ quan, đơn vị, tiếp tục quán triệt sâu sắc tầm quan trọng, ý nghĩa thiết thực, lâu dài của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đối với công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng nền văn hóa con người Việt Nam.
Đồng thời phải kiên quyết đấu tranh với những quan điểm sai trái, hoạt động của các thế lực thù địch, chống phá chủ nghĩ Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bôi xấu, hạ thấp uy tín lãnh tụ.
Làm điều thiện, tránh điều ác
Trước tình hình kinh tế – xã hội đất nước hiện nay, Thường trực Ban Bí thư đề nghị từ nay đến dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Bác Hồ, cần tập trung làm tốt, có hiệu quả 2 nội dung là phát động phong trào thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo tư tưởng của Bác trong toàn hệ thống chính trị và nhân dân; đồng thời tạo nên phong trào trong toàn xã hội về tình thương yêu đồng bào, đồng chí theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh.
“Mỗi cán cán bộ, đảng viên, mỗi người dân Việt Nam dù ở bất kỳ hoàn cảnh, môi trường làm việc nào, thì mọi hành vi ứng xử phải có nghĩa, có tình, giải quyết công việc phải xuất phát từ nền tảng tình yêu thương con người, làm điều thiện, tránh điều ác”, ông Vượng nói.
Theo ông, tầm vóc của một quốc gia không chỉ phụ thuộc vào diện tích và dân số, mà chính là tầm vóc văn hóa của đất nước đó. Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của mình trong khu vực và trên thế giới, đó là cơ sở, điều kiện để chúng ta có niềm tin thực hiện tâm nguyện của Bác Hồ, đưa đất nước ta sánh vai với các cường quốc năm châu bằng trí tuệ, văn hóa và nhân cách, phẩm giá tốt đẹp của con người Việt Nam.
“Lẽ bởi vậy, hơn lúc nào hết, tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh là bài học, là sức mạnh, tinh thần to lớn của dân tộc ta trên con đường phát triển”, ông Vượng đúc kết.
Đặc biệt, Thường trực Ban Bí thư cũng yêu cầu người đứng đầu các cấp, ngành cần phát huy vai trò của người đứng đầu, làm trách nhiệm nêu gương. Để học tập và làm theo Bác trở thành ý thức tự giác, thói quen, đòi hỏi mỗi cán bộ Đảng viên trong từng suy nghĩ, hành động đều phải đặt mình vào vị trí là “công bộc”, là “đầy tớ” của nhân dân như Bác Hồ đã dạy.
“Thường xuyên ý thức bảo đảm quyền lợi nhân dân, lợi ích của đất nước; việc có lợi cho dân, cho nước thì khó mấy cũng phải làm, ngược lại, việc có hại cho dân, cho nước phải cương quyết tránh”, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, nhấn mạnh.
Nguồn: Báo Tiền phong online